Chúa đó, phải không, thưa Ngài!

 

Chúa đó, phải không, thưa Ngài!Bốn mươi ngày sau Phục Sinh, Đức Giê-su đã hiện ra rất nhiều lần với các môn đệ. Mỗi lần hiện ra, công việc mà Ngài cho là ưu tiên hàng đầu, đó là củng cố đức tin cho các ông.

Có lúc, để vực dậy niềm tin cho các môn đệ, Đức Giê-su đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Có lần, như trường hợp hai môn đệ trên đường Emmau, Ngài “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách Thánh”. Lại có khi, để họ nhận ra Ngài, Đức Giê-su đã thể hiện bằng cử chỉ “bẻ bánh”. Và, đặc biệt hơn cả, đó là, làm phép lạ. Câu chuyện về phép lạ với “mẻ cá đầy”,  được Đức Giê-su thực hiện ở Biển hồ Ti-bê-ri-a như một điển hình.(x.Ga 21, 1-19).

Vâng, chuyện là thế này. Sau sự kiện Đức Giê-su hiện ra để chứng thực cho sự Phục Sinh của Ngài với tông đồ Tô-ma, các môn đệ cùng nhau trở về Biển hồ Ti-bê-ri-a.

Tại Biển Hồ, thánh sử Gio-an cho biết: “ông Simon Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-dy-mô, ông Na-tha-na-en người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau”.

Hôm đó, như một người thủ lãnh, ông Phêrô khởi xướng một cuộc hải hành đánh bắt cá. Tất cả mọi người cùng hưởng ứng. Con thuyền lướt sóng ra khơi trong niềm hy vọng của hơn bán tiểu đội. Họ, kẻ lái, người chèo, người thả lưới… Nhưng, than ôi! kết quả chỉ là con số zero.   Câu chuyện kể rằng: “Đêm ấy, họ không bắt được gì cả”.(x.Ga 21, …3)

Hãy để cho mình một chút tưởng tượng. Mà tại sao không tưởng tượng nhỉ! Có lẽ… có lẽ đêm đó, đứng trước nỗi thất vọng của mọi người, anh cả Phê-rô nhìn sao trời, cất tiếng thở than não nề, rằng: “Ai đã từng đêm thức đêm mới biết đêm dài. Mới nghe lòng mình chợt buồn vì thương nhớ ai”.

Vâng, chắc hẳn đêm đó ông Phê-rô “chợt buồn vì thương nhớ” đến Đức Giê-su. Phải chi, có Thầy ở đây nhỉ! Hẳn rằng, Thầy sẽ “cứu bồ” các ông, như đã từng cứu các ông năm xưa, một cú cứu ngoạn mục. Hồi ấy, suốt cả đêm, họ cũng không đánh bắt được gì. Thế nhưng, sau khi nghe lời Thầy “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Ông nhớ như in, rằng: hôm đó, ông và các bạn đồng nghiệp đã “bắt được rất nhiều cá, đến nổi hầu như rách cả lưới”(x.Lc 5, …6) Còn đêm nay… coi như “lốc”. Sáng bảnh mắt rồi, còn gì nữa mà chài với lưới!

Vâng, sáng hôm đó, đang khi các ông đem thuyền về neo bến cũ, thì, có bóng dáng “Đức Giê-su đứng trên bãi biển”. Thế nhưng, không một ai nhận ra Ngài. Ngay cả khi Ngài hỏi “Các chú có gì ăn ư!” Các ông vẫn điềm nhiên trả lời: “Thưa không”.

Không có gì ư! Thế rồi, cũng giống như lần trước,  Đức Giê-su khuyên các ông tiếp tục ra khơi với lời dặn dò: “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Thưa bạn, nếu là bạn, bạn có nghe lời không? Có lẽ không ít người sẽ không nghe. Không nghe cũng đúng thôi, đúng là bởi, ai lại đi nghe lời một kẻ xa lạ, không quen biết mình. Thế nhưng, các môn đệ lại nghe lời. Chuyện kể rằng: “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

Tới đây thì mắt các ông mở ra. Và người đầu tiên chính là: “người môn đệ được Chúa thương mến”. Người này nói với Phê-rô: “Chúa đó”.  Chúa đó ư! Bằng động tác thuần thục của một ngư phủ, ông Phê-rô “vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển”. Còn các môn đệ khác thì, “chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá”.

Vâng, “lưới đầy những cá lớn đếm được một trăm năm mươi ba con”.  Các ông cùng với  Đức Giê-su, (vì các ông biết rằng đó là Chúa), đã có một bữa “cá đuối nướng” đầy thi vị. Thế nhưng, nếu Đức Giê-su dùng phép lạ để chỉ thỏa mãn cơn đói thuộc thể, thì có gì đáng nói! Còn những bữa ăn “thuộc linh” thì sao đây!

Ai… ai sẽ là người tiếp nối công việc Ngài đã thực hiện trong bữa tiệc ly, “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra (và) trao cho…?” Ai sẽ là người, làm như Ngài đã làm tại biển hồ Ti-bê-ri-a: “cầm lấy bánh trao cho.. rồi cá (nữa)?”

Thế nên, hôm đó, tại biển hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su “bàn giao” nhiệm vụ cho các môn đệ, đại diện là tông đồ Phê-rô, bằng những lời gửi gắm đầy trách nhiệm,rằng: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

Ba lần nhắn nhủ như ba lần khẳng định, là anh… là anh và chỉ là anh Phê-rô. Anh Phê-rô, anh phải như là một thủ lãnh của các thủ lãnh, để tiếp tục lèo lái con thuyền, không phải con thuyền mà anh đang sở hữu để lưới cá, nhưng là “Con Thuyền Giáo Hội”, để “lưới người”.

Vâng, hôm đó, mặc dù có sự hiện diện hai anh em nhà Dê-bê-đê (là hai người muốn được ngồi bên tả và bên hữu Thầy”,  nhưng không thấy họ phản đối điều gì cả.

Mà, có gì để phản đối kia chứ! Hãy nhìn xem! một tông đồ Phê-rô, sau khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người ta phải kinh ngạc vì ông  đã “làm cho Giêrusalem ngập đầy  giáo lý của các ông” (x.Cv 5, 28)

Thánh Vịnh 121 có chép: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến từ nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA, là Đấng dựng nên cả đất trời”.

Vua David đã cảm nghiệm được điều này. Và, các môn đệ cũng thế. Trong lúc quá bế tắc cho sự sinh tồn của mình, các ông đã “ngước mắt” nhìn ra bãi biển, nơi Đức Giê-su đang đứng đó. Và các ông đã nhận được “ơn phù hộ” từ một Đức Giê-su Phục Sinh.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta nhớ rằng, cũng như các môn đệ xưa, công cuộc mưu sinh của chúng ta hôm nay, không phải là không có những lúc ngặt nghèo, không phải là không có những hôm “không kiếm được đồng xu teng nào cả”.

Vào những lúc ấy,  không gì tốt hơn là hãy “ngước mắt” nhìn Đức Giê-su Phục Sinh. “Chính Chúa sẽ là người canh giữ bạn. Chính Chúa là Đấng vẫn chở che”. Vâng, đó chính là kinh nghiệm của Vua David.

Hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn “đứng đó”, tất nhiên, chỗ đứng của Ngài không phải ở một bờ biển xa xăm nào đó trên thế giới này, nhưng là trong “ngôi nhà tạm”, một ngôi-nhà-tạm được đặt ngay giữa lòng “Con Thuyền Giáo Hội” và được tông đồ Phê-rô, mà hôm nay, đại diện là ngài đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô, lèo lái. Thế nên, để có thể “ngước mắt nhìn Đức Giê-su Phục Sinh”, không có phương cách nào tốt hơn là hãy bước lên “Con Thuyền Giáo Hội”.

Trên Con Thuyền Giáo Hội, qua một vài cá nhân riêng lẻ, đôi lúc có vẻ như yếu đuối và cũng “vấp ngã” như Phêrô xưa kia. Nhưng sẽ thật sự sai lầm, nếu chỉ nhìn vào sự vấp ngã của một vài cá nhân lẻ tẻ đó, mà có ý định rời bỏ Con Thuyền Giáo Hội.

Đừng quên rằng, trên Con Thuyền Giáo Hội, vào bất cứ thời điểm nào, vào bất cứ không gian nào, vẫn không thiếu những người như Mẹ Te-rê-sa Calcutta, hoặc như lm.  Macximilianô Kobe v.v…

Một bức thư ngỏ, tuy đã cũ, nhưng vẫn còn tính thời sự hôm nay. Đó là thư ngỏ của Linh mục Martin Lasarte, SDB, đã được gửi cho nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công Giáo, (điển hình là các linh mục), một cách có hệ thống, thư viết rằng: “hãy quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới”.

Cũng trong bức thư ngỏ, ngài đã làm chứng rằng “Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm.

Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh. Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng.

Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em. Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ…”

Vâng, đó là những gì mà chúng ta nên quan tâm và New York  Times nên đăng tải, thay vì đăng tải vài vụ “vấp ngã” lẻ tẻ của một vài linh mục riêng lẻ, nếu quý báo còn chút lương thiện…

Cuối thư ngỏ, vị linh mục này có một lời cầu nguyện đầy chân thành được ghi lại như sau “Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.

Vì thế, hôm nay, nếu người vấp ngã là chính ta, đừng vội ngã lòng, hãy nhớ rằng: Đức Giê-su, trên Con Thuyền Giáo Hội, Ngài vẫn luôn hiện diện qua các Bí Tích (Giải Tội và Thánh Thể), và chờ chúng ta “ngước nhìn”.

Vâng, nếu chúng ta “ngước nhìn” và đón nhận. Đức Giê-su Phục Sinh, qua vị linh mục, Ngài sẽ nói với chúng ta, như đã nói với người phụ nữ ngoại tình năm xưa, rằng: “Ta không lên án con đâu. Thôi cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Nếu chúng ta “ngước nhìn” và đón nhận. Đức Giê-su Phục Sinh, qua vị linh mục, Ngài sẽ nói với chúng ta, như đã nói với các môn đệ năm xưa, rằng: “Hãy cầm lấy mà ăn”.

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, mặc cho những phong ba bão táp, phong ba bão táp bởi những chủ thuyết vô thần, hiện sinh, bởi những phong trào hô hào Thiên Chúa đã chết rồi, bởi những nhà cầm quyền vô tôn giáo, Con Thuyền Giáo Hội không vì thế mà bị “cuốn theo chiều gió”, trái lại vẫn lướt sóng ra khơi.

Nhờ đâu? Thưa, nhờ có sự hiện diện của Đức Giê-su Phục Sinh, trong ngôi nhà tạm, ngự trên Con Thuyền Giáo Hội. Thì đây, Đức Giê-su đã chẳng nói rằng: “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” đó sao!

Thưa bạn, bạn có tin không? Nếu tin, tôi và bạn, chúng ta hãy bước lên Con Thuyền Giáo Hội, đến bên “ngôi nhà tạm”, ngước nhìn” Đức Giê-su Phục Sinh mà cất tiếng thưa với Ngài, rằng: “Chúa đó, phải không, thưa Ngài”!

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận