Như thời tiết có bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, lịch phụng vụ Công Giáo cũng có những mùa như sau: Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, cuối cùng là Mùa Thường Niên.
Với Mùa Giáng Sinh và Phục Sinh, qua phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được biết đến một Chúa Giê-su đã sinh ra, một Chúa đã Giê-su chịu chết và cuối cùng, một Chúa Giê-su đã sống lại.
Còn với mùa thường niên ư! Vâng, với mùa này, qua phụng vụ Lời Chúa, chúng ta sẽ được thấy, một Chúa Giê-su “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (x.Mc 1, 22…27). Uy quyền đó, lần đầu tiên, đã được Người thực hiện trong một bữa tiệc cưới tại Cana. Và câu chuyện này đã được chép lại trong Tin Mừng thánh Gio-an (x.Ga 2, 1-11)
Chuyện là thế này. Hôm đó, tại Cana miền Galile, có môt bữa tiệc cưới. Trong bữa tiệc hôm đó, “có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2, 1-2).
Trong lúc tiệc cưới đang vui mừng nhộn nhịp với những lời chúc tụng, chúc đôi uyên ương “xây tổ ấm trên cành yêu đương”, thì, thật đáng tiếc, nhà đám hết rượu…
Vâng, tưởng chúng ta cũng nên biết, đối với người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống trà, nước ngọt, hoặc là bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.
Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới… Tiệc chưa tàn mà lại hết rượu, thì làm sao mọi người có thể “xin mời anh nâng ly cùng tôi, nào ta cùng uống”! Tiệc đang rôm rả mà lại hết rượu, thì làm sao để mọi người “Nhấc cao ly này… chúc ngày mai sáng trời tự do”!
Không thấy nói đến việc cô dâu chú rể có biết đến việc hết rượu hay không. Chỉ thấy chuyện kể rằng: thân mẫu Đức Giê-su, khi thấy thiếu rượu, đã nói với Người, “Họ hết rượu rồi”.
Nghe nói vậy, Đức Giê-su đã làm gì? Thưa, quyền năng của Ngài, hôm ấy, đã được thể hiện. Vâng, tại tiệc cưới: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít”. Đức Giê-su đã bảo họ “Các anh đổ đầy nước vào chum đi”.
Chuyện kể tiếp, rằng: những người gia nhân đã nghe theo lời Đức Giêsu “đổ đầy tới miệng”. Sau đó, cũng theo lời Đức Giê-su bảo, họ “múc và đem cho ông quản tiệc”. Kinh ngạc thay! “Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu” (x.Ga 2,9) Cuối cùng thì buổi tiệc cũng được tiếp tục trong niềm vui, một niềm vui “trong chén tình đầy vơi”.
Vâng, Kinh Thánh cho biết, đó chính là “dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su đã làm tại Cana miền Galile”(x.Ga 2, 11)
Có đúng là Đức Giê-su đã làm cho “nước hóa thành rượu”, hay, như một số ít những người “ghét” Chúa, cho rằng, Ngài sai gia nhân bỏ vào nước một loại hóa chất, đại loại như cồn, rồi quậy đều lên, biến thành một loại “rượu cồn”, như ngày nay một số tay bán rượu đểu vẫn làm?
Trả lời nghi vấn này không khó. Thật vậy, nếu Đức Giêsu dùng thủ thuật này, có phần chắc, vị quản tiệc đã không “gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2, 10). Hơn nữa, nếu đó là rượu được chế biến từ “cồn”, với sáu chum, tương đương với 720 lít, chắc chắn mọi người trong bữa tiệc đó, sau khi uống sẽ “đứt bóng”, mà chết mất.
Không, Đức Giê-su đến thế gian cứu nhân độ thế không bằng thủ đoạn gian dối, lừa bịp, như một số lãnh tụ thời đại “xã nghĩa” ngày nay, luôn dùng thủ đoạn lừa bịp gian dối. Người đến là để làm chứng cho “sự thật”, như sau này, Người đã nói trước mặt quan tổng trấn Philato, rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”.
Vâng, có một số người khác lại thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không làm một phép lạ nào khác, chẳng hạn như: biến giấy thành tiền, rồi tặng cho đôi uyên ương, mà Ngài lại làm phép lạ nước-hóa-thành-rượu? Phải chăng, Ngài và các môn đệ của Ngài là một “con sâu rượu”?
Thưa không phải vậy. Tưởng chúng ta nên biết, với phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Còn dưới lăng kính thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.
Gia-vê Thiên Chúa, qua Con Một Người, hôm đó, đã làm dấu lạ hóa nước thành rượu, trước hết, là để “bày tỏ vinh quang của Người” và sau là, như lời thánh Gio-an kể lại, để “các môn đệ tin vào Người”.
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (CN 17/01/2016) cho chúng ta nghe lại câu chuyện này. Và, có lẽ, đây không phải là lần đầu chúng ta được nghe. Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng, sau mỗi lần nghe câu chuyện này, tôi rút ra được bài học nào cho đời sống đức tin của tôi?
Vâng, chúng ta hãy tự đặt cho mình một vài câu hỏi, hỏi rằng: tôi có “MỜI” Chúa Giê-su, Đức Maria vào những bữa tiệc riêng tư của mình? Nói rõ hơn, tôi có mời Người và Mẹ của Người bước vào đời sống đức tin của tôi?
Có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ trả lời rằng: có mời chứ. Này nhé! Hôm cử hành lễ cưới, chúng tôi lãnh đủ hai Bí Tích: Thánh Thể và Hôn Phối, ai dám nói tôi không “mời” Chúa Giê-su vào ngày cưới của tôi! Trong nhà tôi, có bàn thờ với thánh giá Chúa Giê-su, với tượng Đức Mẹ ban ơn, ai dám nói tôi không mời Chúa Giê-su và Mẹ của Người vào nhà của tôi!
Tốt. Đó là một điều hết sức tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta phải biết rằng, trong đời sống hôn nhân nói riêng và gia đình nói chung, “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui”, vâng, Louis Evely nói tiếp: “Còn có sương mù và giá lạnh nữa”.
Sương mù và giá lạnh đó, có thể là sự “thiếu” thốn nào đó, ví dụ như: thiếu may mắn trong công ăn việc làm, thiếu sức khỏe, thiếu tài năng v.v… Sương mù và giá lạnh đó, cũng có thể là: sự hiểu biết, sự khôn ngoan, sự thành công, giữa “hai nửa của nhau”, không bao giờ đồng đều, sẽ có “nửa còn lại” rơi vào tình trạng “thiếu”. Những lúc đó chúng ta sẽ làm gì? Phải chăng là, khi nghĩ đến nửa-còn-lại chỉ còn là những tiếng thở dài “…oán trách nhau”!
Về điều này, thánh Phao-lô có lời dạy, rằng: “chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cor 12, 11). Ngài nói tiếp: “Là vì ích chung”. Thật ra, điều sợ “thiếu” hơn cả trong đời sống hôn nhân và gia đình không phải là thiếu cơm, thiếu gạo, thiếu bánh, nhưng là, nói theo lời ngôn sứ Isaia xưa, đó là “thiếu Lời Thiên Chúa”.
Lời Thiên Chúa ở đâu? Thưa, đó là ở trong Thánh Kinh. Đó là ở trong ngay câu chuyện này. Vâng, trong câu chuyện này, như ở tiệc cưới Cana xưa, đôi tân hôn cũng như tất cả thực khách không còn “thiếu” rượu cho bữa tiệc, nhờ nghe lời Đức Maria truyền dạy. Như ở tiệc cưới Cana xưa, đôi tân hôn cũng như tất cả thực khách không còn “thiếu” rượu cho bữa tiệc, nhờ nghe chính lời Đức Giê-su truyền dạy.
Cũng vậy với chúng ta hôm nay, nếu chúng ta nghe lời Mẹ của Người truyền dạy, rằng “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Cũng như, nghe chính lời Đức Giê-su truyền dạy “đổ đầy” Lời Thiên Chúa vào tâm hồn mình, hãy tin, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ “chẳng thiếu thốn chi”.
Hãy tin, khi chúng ta “đổ đầy Lời Thiên Chúa”, chúng ta sẽ cho ra lò một thứ rượu hảo hạng, tất nhiên, nó không phải là thứ rượu mang tên đại loại như: “Chivas, Johny Walker, Hennessy, Remy Martin, Gò Đen, Nếp Mới v.v…”, nó chỉ là những thứ rượu đưa chúng ta đến “thung lũng âm u nghi ngờ và chết chóc”. Nhưng, đó là: “rượu yêu thương, rượu tha thứ, rượu chia sẻ và quên mình, rượu xây dựng và phục tùng”, một thứ rượu làm cho chúng ta dám hy sinh “liều mạng sống mình vì người mình yêu”.
Được thưởng thức những loại rượu này, tại gia đình của chúng ta, hãy tin, láng giềng sẽ không mất đi sự thân thiết, anh em sẽ chẳng “thiếu” vắng sự hòa thuận, vợ chồng sẽ chẳng “thiếu” vắng những giây phút ý hợp tâm đầu. Sống một cuộc sống gia đình như thế, có khác nào chúng ta đã tạo ra một bữa tiệc Cana mới, bữa tiệc mang tên “Cana đậm dấu tình yêu thương”.
Petrus.tran