Sinh lão bệnh tử; đó là vòng tuần hoàn khép kín trong cuộc sống của con người. Khi nói tới “tử”, có thể nói rằng, nó đã để lại nơi con người nhiều nỗi băn khoăn và khao khát. Băn khoăn vì sao con người phải chết và khao khát làm thế nào để được sống đời đời.
Băn khoăn và khao khát là thế. Nhưng, con người vẫn cứ loay hoay với điệp khúc, rằng: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.”
Thật ra, không phải suốt trăm năm, nhưng là suốt ngàn ngàn năm, con người vẫn loanh quanh trên “cõi đi về” tối tăm của sự chết. Suốt ngàn ngàn năm, nhân loại vẫn rên rỉ, đâu là cõi đi về của phúc trường sinh bất tử?
Vâng, Kinh Thánh cho biết, Con Thiên Chúa là Đức Giê-su xuống thế làm người, Ngài đã cho nhân loại một niềm hy vọng, rằng: chính Ngài sẽ là người dẫn nhân loại ra khỏi sự chết, đến “một cõi đi về” tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, đó chính là “Nước Trời”. Ở nơi đó, chính Ngài “đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử“ (x.2Tm 1,10).
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su luôn nói tới phúc trường sinh bất tử. Đã có không ít người đến và xin Ngài cho biết làm thế nào để được hưởng ơn phước đó.
Thế nhưng, thật tiếc thay! Khi Đức Giê-su đưa ra phương thức sống, đã có người buồn rầu bỏ đi, bỏ đi vì họ vẫn còn “vấn vương bụi trần”. Câu chuyện về một anh chàng thanh niên giàu có được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một bài học điển hình cho những ai muốn được hưởng phúc trường sinh bất tử . (x. Mc 10, 17-30).
Câu chuyện được thuật lại rằng: Một lần nọ, sau khi kết thúc sứ vụ giảng dạy cho dân chúng ở vùng bên kia sông Giodan, Đức Giêsu vừa lên đường thì có người tìm đến xin gặp Ngài. Không như những lần trước, đến gặp Ngài là cả một rừng người, lần này, chỉ là một chàng thanh niên tìm đến.
Như chúng ta thường thấy, đa số những người tìm gặp Đức Giêsu đều có chủ đích, hoặc là xin chữa bệnh, hoặc là xin trừ quỷ cho thân nhân của họ. Nhưng hôm nay, người thanh niên này không xin chữa bệnh. Trái lại, anh ta khỏe nữa là đằng khác. Anh ta hồng hộc “chạy đến”, chạy nhanh như một vận động viên nước rút.
Thật may mắn, anh ta gặp được Đức Giêsu. Gặp được Ngài, anh ta liền “quỳ xuống”. Không thấy thánh sử Máccô mô tả, nhưng có phần chắc, khuôn mặt của anh ta không khỏi không mừng rỡ hân hoan. Trong niềm vui đó, anh ta rụt rè cất tiếng thưa: “Thưa Thầy nhân lành…”
Có lẽ đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy khuôn mặt nhân lành của Người từng “khiến một cậu bé ở thành Na-im đã chết, nay được sống lại”, và chắc hẳn anh ta tin rằng, một người có thể “cải tử hoàn sinh” há lẽ lại không có thể có “bí quyết trường sinh bất tử!”… Chính vì thế, anh ta hỏi Đức Giê-su “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Phải làm gì ư! Vâng, thay cho câu trả lời trực tiếp, hôm đó, Đức Giê-su đặt một câu hỏi với anh ta, rằng: “Hẳn anh đã biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”.
Nếu… nếu hôm nay, Đức Giê-su gửi câu hỏi này đến chúng ta? Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời, rằng: “Ồ! Con đã học thuộc lòng từ hồi rước lễ lần đầu”? Vâng, hôm đó, anh chàng thanh niên đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.
Ô! Very good! Bài thi “vấn đáp” của anh ta rất tốt, tốt đến độ Đức Giê-su đã phải: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.” Tuy nhiên, với Đức Giê-su, tiêu chuẩn để được “phúc trường sinh bất tử” không chỉ là “tuân giữ” mà còn phải “tuân hành” những điều răn Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh đã dạy rằng “Kẻ tuân hành mệnh lệnh sẽ không gặp phải việc chẳng lành và lòng người khôn ngoan biết được thời được buổi” (Gv 8, 5)
Thời và buổi của hôm nay, chính là thời và buổi của hành động. Gặp một người nghèo khổ bệnh hoạn, thiếu ăn, thiếu mặc… mà ta vẫn “vô cảm” như ông nhà giàu đối với anh Lazaro, trong một dụ ngôn, đã được Đức Giê-su đem ra giáo huấn, dù bài thi vấn đáp về giáo lý của ta có “very good” nó cũng chỉ xứng đáng với điểm “zéro”.
Thế nên, tiếp cho việc “trắc nghiệm” tâm lòng chàng thanh niên hôm đó, Đức Giê-su tế nhị nói với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo.. rồi hãy đến theo tôi”
Tiếc rằng, anh ta lại cho đó là một công việc “chẳng lành” nên đã “sa sầm nét mặt”. Có lẽ ba chữ “cho người nghèo” đã làm ù đôi tai anh ta, thế nên anh ta không nghe rõ đoạn cuối là một lời hứa của Đức Giêsu, rằng “anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10, …21).
Vâng, câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh, anh ta “buồn rầu bỏ đi”, chỉ vì “anh ta có nhiều của cải”. Nói tắt một lời, anh ta vẫn còn “vấn vương bụi trần”.
***
Có lẽ, chẳng có ai trong chúng ta sẽ khước từ phúc trường sinh bất tử như anh chàng thanh niên trong câu chuyện nêu trên. Thế nhưng, chắc hẳn, có không ít người trong chúng ta cũng sẽ ái ngại trước lời yêu cầu của Đức Giê-su, rằng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo.. rồi hãy đến theo tôi”
Thật ra, qua lời yêu cầu này, Đức Giê-su muốn dẫn mọi người đến một cuộc sống trọn đầy “đức ái”, một nhân đức, như lời thánh Phao-lô đã nói, rằng: “cao trọng hơn cả” (x.1Cor 13, …13)
Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban. Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”. Và còn Gióp nữa, ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2)
Tuy nhiên, nếu giàu sang mà “vô cảm” như ông nhà giàu trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó, đang khi mình “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, thế mà lại “vô cảm” trước “một người nghèo khó tên là Lazaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng…” nhà ông ta, quả thật, đừng trách Đức Giêsu đã nặng lời khi nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa!” (Mc 10, 25)
Vấn đề của chúng ta hôm nay không phải là “bán” hay “không bán” tài sản mà-cho-người-nghèo, nhưng là chúng ta phải tự hỏi, rằng: cuộc sống của tôi có còn vấn-vương-bụi-trần?
Tại sao chúng ta phải quan tâm đến điều này? Thưa, là bởi, chính việc vấn vương bụi trần nó làm cho ta khó thoát khỏi sự ham muốn, ham muốn có địa vị cao, ham muốn được giàu sang phú quý v.v…
Thế nên, thật tốt đẹp biết bao, nếu chúng ta cùng tâm niệm như vua Salomon xưa, rằng: “Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu ngọc bảo chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi” (Kn 7, 9). Chính “Đức Khôn Ngoan” sẽ giúp chúng ta “tuân hành” những mệnh lệnh, những yêu cầu Đức Giê-su đặt ra.
Và một khi chúng ta “tuân hành” triệt để mệnh lệnh của Đức Giê-su, vâng, hãy tin, lời phán hứa của Ngài, rằng, “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Mc 10, 29-30) sẽ trở thành hiện thực. Bạn có tin không? Nếu có, hãy tự hỏi mình rằng: Cuộc sống của tôi có còn “Vấn vương bụi trần”?
Petrus.tran