Tuy việc lần hạt Mân Côi đã có từ thời Trung cổ nhưng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được đức Piô V, một tu sĩ Dòng Đa Minh, thành lập năm 1573[i], để tạ ơn Thiên Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công giáo ở Lepanto[ii] vào ngày 07.10.1571. Để quảng bá ngày lễ này, Dòng Đa Minh đã dành ra 15 ngày thứ Bảy và một tháng trước đó để chuẩn bị. Thay vì dâng hoa như trong tháng 5, việc đạo đức chính trong tháng 10 là lần hạt Mân Côi. Tại các nhà thờ Dòng Đa Minh, các cha cũng lợi dụng dịp này để thuyết giảng không những về Đức Ma-ri-a mà còn về toàn bộ đức tin Ki-tô giáo, tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Ki-tô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa vào hai thế kỷ 19 và 20 cùng với những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima.
Hội Mân Côi đã được cha Michele Francois, một tu sĩ Dòng Đa Minh chính thức thành lập tại thành phố Koeln, nước Đức ngày 08.09.1475. Nhờ sự rao giảng của các cha Dòng Đa Minh, Hội Mân Côi nhanh chóng truyền bá đi khắp nơi. Vào ngày 07.10.1571, các hội viên Hội Mân Côi tụ họp nhau cầu nguyện, xin Đức Ma-ri-a ban ơn thắng trận. Vì thế Đức Giáo hoàng nhìn nhận chiến thắng này là hồng ân nhờ lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a.
Ngày nay, Giáo hội khuyến khích đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình.trong Tông thư Kinh Mân Côi được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.10.2002 có đoạn viết : “Một số hoàn cảnh lịch sử cũng khiến cho việc phục hồi Kinh mân nên hợp thời. Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi ki-tô hữu.” (số 6).
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, O.P., Hiểu để sống đức tin, tập 1
Tông thư Kinh Mân Côi
[i] Đức Piô V bày tỏ ước muốn thiết lập lễ này nhưng ngài lại qua đời sớm, một năm sau, người kế nhiệm là Đức giáo hoàng Grêgôriô III chính thức thiết lập.
[ii] Sự bành trướng của Hồi giáo là nguy cơ lớn cho sự tồn tại của Ki-tô giáo. Đức Giáo hoàng Piô V đã phải đứng ra lập một liên quân Công giáo để chống lại sự bành trướng này. Trước khi lâm trận, ngài đã tổ chức tại Rôma ba ngày rước kiệu và đền tội. Ngài cũng kêu gọi các hồng y ăn chay mỗi tuần một ngày để cầu nguyện.