Thượng Đế tạo dựng nên con người. Người đã đặt để trong con người ngũ giác, là năm giác quan của cơ thể giúp con người tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Năm giác quan đó là: Thị giác để nhìn. Thính giác để nghe. Vị giác để phân biệt mặn ngọt chua cay. Khứu giác để nhận ra mùi vị. Xúc giác để cảm nhận đau đớn, nóng lạnh.
Với ngũ giác quan của cơ thể, thật khó để nói cái nào lợi ích hơn cho con người. Thị giác ư! Hay là thính giác? Với người khiếm thị, đó là thị giác. Còn đối với người khiếm thính, chắc chắn đó là thính giác.
Đối với Thiên Chúa, mọi sự Người tạo dựng nên, đều tốt đẹp, đều hữu ích cho con người. Có một ai đó khiếm thính hoặc khiếm thị ư! Hãy đến với Người và như lời Đức Giê-su đã nói: “Sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” (x.Ga 9, …3).
Thật vậy, câu chuyện Đức Giê-su chữa một người vừa điếc vừa ngọng đã tỏ hiện rõ công trình của Thiên Chúa..
Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: hôm đó “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”. Sự hiện diện của Ngài lập tức được loan truyền và người ta đã thấy một dòng người đông đảo tuôn đến.
Nếu hôm trước ở địa hạt Tia, trong dòng người đến với Đức Giê-su, có một người đàn bà, có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, đến xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Thì, hôm nay, người ta đem đến Đức Giêsu một người “vừa điếc vừa ngọng”. Họ “xin Người đặt tay trên anh”.
Đức Giê-su, như chính Ngài có nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Và hôm nay, tại Ga-li-lê miền Thập Tỉnh, lời nói đó, đã được Ngài thể hiện qua việc chữa lành người “vừa điếc vừa ngọng” được người ta mang tới.
Hôm đó, anh chàng vừa điếc vừa ngọng, sau khi được Đức Giê-su “đặt ngón tay vào lỗ tai… và nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi”, kế tiếp, Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ép-pha-tha… Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Câu chuyện kể tiếp rằng: “Anh ta nói được rõ ràng”. (x.Mc 7, 35).
Phép lạ này, gợi cho ta nhớ lại vào thế kỷ VIII trước CN, như một lời tiên tri, ngôn sứ Isaia loan báo: “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi kẻ câm sẽ reo hò” (x.Is 35, …4-6).
Vâng, hôm đó, trước mặt Đức Giê-su, cả một rừng người “nhảy nhót như nai”, họ đồng thanh “reo hò” rằng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (x.Mc 7, 37).
Khi nói tới phép lạ chữa lành cho anh chàng vừa điếc vừa ngọng, Lm. Charles E. Miller chia sẻ “Chúng ta không ngạc nhiên vì sao Chúa Giê-su giàu lòng trắc ẩn đến thế, có chăng là hết thảy chúng ta đến một lúc nào đó đều rơi vào tình trạng của người điếc trong bài Tin Mừng, không phải về mặt thể lý mà về khía cạnh thiêng liêng”.
Nói về điếc ngọng thiêng liêng, nguyên tổ Adam và Eva như là một bài học mà chúng ta phải thuộc nằm lòng.
Về mặt thể xác, hai ông bà đâu có “điếc và ngọng”. Nhưng chỉ vì một phút xao lòng, xao lòng trước những lời dụ dỗ của Satan, đôi tai của ông bà hóa điếc, “điếc tâm linh”, vì thế, thính giác của ông bà chỉ còn nghe được những tiếng ậm ừ của dục vọng. Lời Thiên Chúa phán dạy chỉ còn là những tiếng sấm rền vô nghĩa đối với hai ông bà.
Chưa hết, phản ứng phụ của căn bệnh điếc, đó là, đang nói năng lưu loát, ông bà trở nên ngọng nghịu. Hãy nhớ lại xem, khi Thiên Chúa tìm đến gọi và hỏi “Ngươi ở đâu”. Ôi thôi! ông bà đã ngọng nghịu thốt lên “Con nghe tiếng Ngài… con sợ hãi … vì con trần…. ”. Tệ thật! “con…trần… truồng…” (St 3,10).
Điều này có thể xảy ra cho chúng ta không? Thưa, rất có thể, nhất là trong một thế giới đầy dẫy những tiếng mời gọi của nhục dục, của sắc dục, của thanh dục, của hương dục, của vị dục, của xúc dục.
Với ngũ dục này, nó làm cho ngũ giác quan của ta đi vào mê hồn trận, một mê hồn trận làm cho thị giác ta sáng ngời trước những mỹ nữ: mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng, tóc đen óng ả, sóng mũi dọc dừa, hoặc trước những ngọc ngà, vàng bạc, châu báu v.v… Nó làm cho thính giác ta chỉ thích nghe những lời giả dối điêu ngoa, những lời tung hô chúc tụng v.v…
Nói tắt một lời, nó làm cho ta mù-điếc-ngọng-tâm-linh. Nó làm cho vị giác và khứu giác của ta mất khả năng “nếm và biết Thiên Chúa ngọt dịu dường bao”. Nó làm cho xúc giác của ta không còn cảm xúc về một “Thiên Chúa là tình yêu”.
Có ai dám khẳng định, tôi chưa bao giờ rơi vào mê hồn trận của ngũ dục nêu trên?
Vâng, điều đáng sợ hôm nay, không phải là sợ điếc-ngọng thể lý. Với tiến bộ của y học và khoa học, máy trợ thính và computer như là một công cụ hữu ích cho những người điếc ngọng thể lý. Nhờ thế mà đã có người khiếm thính trở thành giáo sư, nhạc sĩ, thậm chí là linh mục.
Điều đáng sợ hôm nay, chính là nền văn minh của thế kỷ 21 này, nó tiếp tục làm cho nhiều người “điếc-ngọng-tâm-linh”. Chính nền văn minh này đã và đang tái diễn khung cảnh vườn Eden năm xưa, một vườn Eden mới, với một lũ con cái Sa-tan và ma quỷ, chúng vẫn tiếp tục những tiếng nói rủ-rỉ-rù-rì: hãy tự do luyến ái, hãy ủng hộ phá thai, hãy hoan hô hôn nhân đồng tính, Thiên Chúa có đấy nhưng ông ta đã chết rồi v.v…
Thế nên, đừng thẹn thùng khi chúng ta tự hỏi: “tôi có tai mà như điếc, có miệng mà như câm?”. Và cũng đừng ngại ngùng, nếu chúng ta vì những quyến rũ đó mà điếc-ngọng-tâm-linh!
Hãy tỉnh ngộ và chạy ngay đến Đức Giêsu, thưa với Ngài rằng “Xin Ngài đặt tay trên con” để con biết “… mở môi con ca ngợi tình thương của Ngài. Ngài ơi! Xin mở tai con nghe lời hằng ban sức sống”.
Ngày nay, qua các linh mục, khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, chính Đức Giê-su đã “tẩy” đôi tai chúng ta. Và khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã “thánh hóa” môi miệng chúng ta.
Điều còn lại của chúng ta, đó là, khi cất tiếng ca-ngợi-tình-thương-của-Chúa, chúng ta có sẵn sàng “mở tay tôi nối liền vòng tay kẻ nghèo…?” Và khi đã được “nghe lời hằng ban sức sống”, chúng ta có sẵn sàng “mở đôi tay đón về người thân cô thế” hay không?
Thiên Chúa không cần chúng ta khen Người đã tạo ra ngũ giác quan của cơ thể thật độc đáo, nhưng Người cần chúng ta biết cách sử dụng chúng như thế nào.
Nói rõ hơn, Người cần chúng ta sử dụng nó đúng như những yêu cầu được nêu ở trên. Bởi vì, chỉ có như thế, trong tờ phiếu khám “sức khỏe tâm linh” của mình, chúng ta mới được Chúa ghi nhận, rằng: “Tai tôi mở và miệng nói được rõ ràng”.
Petrus.tran