Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi dài của sự lựa chọn. Ngay từ lúc thức giấc cho đến buổi chiều tàn, từ khi khôn lớn cho đến tuổi về chiều, có biết bao điều ta phải lựa chọn.
Hôm nay, ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Ngày cuối tuần, ta sẽ đi chơi ở đâu v.v… Với những người nhìn xa trông rộng, người ta còn tính đến chuyện tương lai, chuyện lựa chọn cho mình một công việc phù hợp năng lực, một căn nhà xinh xinh, một chiếc xe hợp nhãn… Trước những lựa chọn đó, những lựa chọn cho cuộc sống thể xác, quyết định của chúng ta, đôi lúc có thay đổi, tùy theo hoàn cảnh riêng của mình.
Cũng là những lựa chọn, thế nhưng, còn có những lựa chọn mang tính không thay đổi, vĩnh viễn cho cả một đời người. Đó là những lựa chọn cho một niềm tin, cho một chân lý.
Kinh Thánh có ghi chép lại nhiều tấm gương về sự lựa chọn này. Một trong những tấm gương đó, được Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (XXI – TN – B) nhắc đến, đó là tấm gương tông đồ Phê-rô.
Vâng, câu chuyện đã được kể lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đến Ca-phác-na-um. Tại đây, Ngài đã có một bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống”. Trước đám đông cử tọa, Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Đối với chúng ta hôm nay, lời tuyên bố này, không có gì phải tranh cãi. Nhưng, với người Do Thái thời đó, họ đã “tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.
Bất chấp những lời tranh luận, Đức Giê-su tiếp tục quả quyết, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55)
Vâng, có thể nói, lời tuyên bố này đã làm cho tất cả cử tọa hôm đó, rất khó khăn trong việc đưa ra một sự lựa chọn. Tin hay không tin…
Tại sao vậy? Thưa, là bởi, đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lêvi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12). Chính vì thế, nhiều người môn đệ của Đức Giê-su cũng lên tiếng đả kích, rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”.
Dù bị phản đối, Đức Giêsu vẫn không đính chính hay giải thích rằng thì-là-mà lời Ta nói phải hiểu theo nghĩa bóng v.v… Ngược lại, Ngài khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và sự sống.” (Ga 6, 63). Là Thần Khí và sự sống, thế nên, dù có “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người”, Đức Giê-su vẫn để mặc họ tự do lựa chọn.
Còn “đội kiểu mẫu – nhóm Mười Hai”, là những người đã được chính Đức Giê-su tuyển chọn thì sao? Thưa, Ngài đã gửi đến họ một câu hỏi chân tình: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”
Người môn đệ tên là Phê-rô, với niềm tin sắt son của mình, đã cất tiếng trả lời, rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nhận định cho lời tuyên xưng của Phê-rô, Lm Charles E. Miller viết: “Không ai áp đặt lời tuyên xưng đức tin này lên miệng Phê-rô. Ông đã lãnh nhận một ơn (đặc biệt), và tự nguyện đáp lại. Ông đã quyết định liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô đến độ luôn một lòng một trí với Người, tuy về sau có đôi lúc nhất thời vấp ngã.” Nói tắt một lời, tông đồ Phê-rô đã có một sự lựa chọn hoàn hảo. Thật ra, không chỉ có lời tuyên xưng này, chúng ta mới nhìn thấy một tông đồ Phê-rô hoàn hảo trong sự lựa chọn.
Ngay những ngày đầu tiên, qua lời giới thiệu của người anh là An-rê, tông đồ Phê-rô đã có một sự lựa chọn, đó là việc theo An-rê “đến gặp Đức Giê-su”, cuộc gặp gỡ đó tuy chưa gọi là hoàn hảo, nhưng cũng đủ để cho mọi người nhìn vào đó như là tấm gương điển hình, một điển hình của lòng tin, mà sau này, nhờ lòng tin đó, ông đã “bỏ chài lưới mà đi theo Ngài” (x.Mt 4, 20).
Chưa hết, lòng tin của Phê-rô còn được củng cố bởi “đức cậy”, đức cậy vào “danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét”, nhờ đó, sau này, ông đã chữa lành một người què ngay bên “cửa Đền Thờ gọi là cửa Đẹp” (x. Cv 3, 2-9)
Cuối cùng, cũng theo lời nhận định của Lm Charles E. Miller, qua sự lựa chọn của mình “Phê-rô nói mình muốn có một mối liên hệ yêu thương, vĩnh viễn, dựa vào lòng trung tín với Đức Ki-tô”.
Như Phê-rô xưa, ngài đã nói lên quyết định của mình. Và hôm nay là đến chúng ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng phải nói lên những quyết định của mình, khi phải đối diện những thách thức, thách thức của thời đại hôm nay.
Những thách thức của thời đại hôm nay là những thách thức gì? Thưa, đó là “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa cổ vũ những gì đi ngược với giá trị sự sống, sự sống tâm linh – tinh thần, cũng như sự sống tự nhiên – thể xác.
Chính nền văn hóa này đã làm cho con người chỉ nghĩ đến vật chất, quyền lợi. Chính nền văn hóa này càng ngày càng làm cho con người thiên về dục vọng, buông thả theo dục vọng, Hậu quả là con người không ngần ngại phá thai, giết người, nghiện ngập, cờ bạc v.v… Nói tắt một lời, nó chính là một nền văn hóa làm tổn thương đến sự sống thể lý lẫm tâm linh.
Những thách thức của thời đại hôm nay còn là những chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần, chối bỏ Thiên Chúa, cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi.
Chính những nền văn hóa nêu trên, đôi lúc, nó làm cho chúng ta cảm thấy “Chướng tai… Ai mà nghe nổi” trước những lời mời gọi của Đức Giêsu, rằng :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Và rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.(Mt 6, 24). Làm sao để không bị nền văn hóa sự chết ảnh hưởng đến đời sống đức tin? Thưa, đó là hãy xây dựng một nền văn hóa sự sống.
Lấy gì để xây dựng một nền văn hóa sự sống? Thưa, Lời Chúa trong Kinh Thánh. Vua David đã có kinh nghiệm về điều này, khi nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (x.Tv 119, 105). Lời Chúa trong Kinh Thánh đã “soi” cho chúng ta thấy một nền văn hóa sự sống, một nền văn-hóa-sống: “Chớ giết người. Chớ làm sự dâm dục. Chớ lấy của người. Chớ làm chứng dối. Chớ muốn vợ chồng người. Chớ tham của người”.
Lời Chúa trong Kinh Thánh đã “chỉ” cho chúng ta một nền văn-hóa-sống, sống “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ… đừng có tìm hư danh, đừng khiêu kích nhau, đừng ganh tị nhau” (x.Gl 5, 22-25).
Hôm nay, chúng ta đã biết, thế nào là văn hóa sự sống, thế nào là văn hóa sự chết. Và cũng nên biết, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: dựa vào các bí tích đã lãnh nhận, “các gia đình Kitô hữu có một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân có giá trị như một lời tiên tri đích thực và can đảm trong xã hội hôm nay” (Học thuyết Xã Hội Công Giáo số 231)
Thế nên, bây giờ là lúc chúng ta phải lựa chọn, tôi đã lựa chọn “làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống” hay tôi lựa chon lối sống mỏi mòn với “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa cổ vũ những gì đi ngược với giá trị sự sống, sự sống tâm linh – tinh thần, cũng như sự sống tự nhiên – thể xác?
Nhà văn Aitmatov nhận định: “Tại sao bao tư tưởng của nhân loại sớm tan đi như xà phòng bọt biển? Tại sao cái mới của hôm nay đã là cái cũ của ngày mai mà Lời Giê-su vẫn không cũ đi và không mất sức mạnh của nó?” (nguồn: 5 phút cho Lời Chúa).
Một nhà văn vô thần mà còn biết nhận định như thế, chẳng lẽ chúng ta, là người tin Chúa bao nhiêu lâu nay lại không biết thốt lên, rằng: “Bỏ Ngài chúng con biết đến với ai? Ngài mới có lời ban sự sống đời đời”.
Vâng, chỉ khi xác tín như thế, chúng ta mới được đứng trong hàng ngũ các môn đệ xưa, là những người đã được chính Đức Giê-su tuyển chọn. Và nhất là, chúng ta được xem như là những người có một “sự lựa chọn hoàn hảo”.
Petrus.tran