Xã hội chúng ta đang sống, có thể nói, là một xã hội mà con người càng ngày càng phải nổ lực mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống của mình.
Trong nỗ lực cho cuộc sống sinh tồn, con người lao vào công việc như một computer đã được lập trình sẵn. Có không biết bao nhiêu người quên rằng, cuộc sống còn cần những nhu cầu khác về thể chất, về tinh thần, về tâm linh và trên hết tất cả đó là sự nghỉ ngơi.
Quên đi hay làm ngơ những nhu cầu cần thiết đó, sẽ làm cho cuộc sống mất cân bằng, hậu quả là rơi vào tình trạng căng thẳng mà chúng ta quen gọi là “stress”.
Theo một nghiên cứu của Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ, cứ năm người Mỹ thì có một người tuyên bố rằng họ cảm thấy bị stress. Và người ta đã khuyến cáo rằng, stress chính là tên sát thủ thầm lặng, nó có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai, bất cứ lúc nào.
Làm sao để cân bằng giữa công việc và những gì còn lại trong cuộc sống? Thưa, y học đã khẳng định rằng, sự nghỉ ngơi chính là liều thuốc bổ tốt nhất, nó không chỉ phục hồi thể xác mà còn bồi dưỡng tinh thần một cách tuyệt hảo.
Quan trọng là thế. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta thử hỏi, thế nào là một sự nghỉ ngơi tốt nhất? Phải chăng, đó chính là những giây phút thư giãn bên ly cà phê, trong một quán rượu, xem một bộ phim hoặc là một chuyến du lịch, picnic hay là một giấc ngủ sâu với nhiều mộng mị v.v…?
Thưa không. Ngay cả giấc ngủ, nó cũng chưa phải là sự nghỉ ngơi tuyệt diệu. Có được sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, điều cần phải có cho bản thân chính là một khoảng không gian trong tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và không thể không có nguyện cầu.
Đức Giê-su chính là điển hình cho chúng ta noi theo, một sự noi theo cần thiết cho cuộc sống, nhất là cuộc sống thiêng liêng của người môn đệ.
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, dù phải chống chọi với rất nhiều áp lực từ chính quyền La mã, cũng như giáo quyền Do Thái, Đức Giêsu vẫn cho mọi người thấy cuộc sống nội tâm của Ngài là một biển cả bao la của sự bình an. Ngay cả khi phải đối diện trước những giây phút của sự phản bội, của bắt bớ, của chết chóc, Đức Giêsu vẫn có thể truyền cảm sự bình an cho các môn đệ.
Có được như vậy, chính là nhờ Ngài đã có những phút giây tĩnh lặng của tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và luôn nguyện cầu. Kinh nghiệm này đã được Đức Giê-su truyền dạy cho các môn đệ.
Thật vậy, theo Tin Mừng Mác-cô, thì, một ngày nọ, sau những ngày nhận “bài sai” ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng, mười hai người môn đệ trở về “tụ họp chung quanh Đức Giêsu”. Các ông thay nhau “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6, 30).
Nghe xong, ngay lập tức, Đức Giêsu khuyên các ông rằng, “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Và rồi, chuyện ghi lại rằng: “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”.
Vâng, với chúng ta, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng, sau một cuộc hành trình truyền giáo vất vả như thế, tại sao Đức Giê-su không cùng với các môn đệ làm một buổi “liên hoan” nhẹ, một công việc vừa để biểu dương thành tích, vừa để bồi dưỡng sức khỏe các ông? Nhất là trước một áp lực “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.
Thưa, có lẽ, nếu câu hỏi này được Đức Giê-su trả lời, Ngài sẽ trả lời, rằng: “Đó là tư tưởng loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa”.
Khuyên các môn đệ vào nơi thanh vắng, là bởi, theo quan niệm Do Thái giáo, đó là nơi, “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa” và “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”. Mà, các môn đệ, trong vai trò là một “nhà truyền giáo”, có lý nào lại từ chối vào nơi thanh vắng để “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”!
Quả đúng là vậy, hôm đó, khi vào nơi hoang vắng, Đức Giê-su đã cho các ông tận mắt thấy “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”, qua Ngài, các ông đã thấy một Thiên Chúa “chạnh lòng thương xót”, thương xót khi thấy đoàn dân đông đúc theo Thầy Giê-su như đàn chiên không người chăn dắt. Và cuố cùng, Đức Giê-su đã dạy các ông biết “tận dụng mọi cơ hội”, dù đó là cơ hội nghỉ ngơi, để “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50, 4).
Hôm đó, động lòng thương xót đối với những người đã “cùng nhau theo đường bộ chạy đến” với mình, Đức Giê-su “dạy dỗ họ nhiều điều”. Vâng, tuy thánh sử Mác-cô không nói rõ Đức Giê-su đã dạy gì, nhưng chúng ta có thể tin, Ngài đã dạy họ phải biết vào “nơi hoang vắng và cầu nguyện”.
**
Cũng giống như dân Do Thái xưa, ngày nay, chúng ta cũng thích “cùng nhau theo đường bộ chạy đến” nơi đền thánh này, đền thánh nọ hầu biểu lộ lòng tin của mình.
Điều này không có gì sai trái. Thế nhưng, theo sự chia sẻ của Lm. Charles E. Miller, thì: “Đôi lúc ta cũng phải ra nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình với Chúa Giê-su trong yên lặng và tĩnh tâm. Ta cần có dịp cầu nguyện theo cách ý riêng của mình”. Ngài nói tiếp rằng: “Chúa Giê-su cho ta một điển hình về sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Người có thói quen đến hội đường mỗi ngày sa-bát để tham gia vào việc phụng tự công cộng, và các nghĩa vụ tôn giáo khác trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, tại những thời điểm nhất định. Chúa Giê-su cũng hay ra đi một mình để cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha”.
Cuối cùng, Lm. Charles E. Miller kết luận: “Chúa Giê-su đã dạy ta về sự quan trọng phải giữ cân bằng trong cách cầu nguyện, và Người đã đưa ra môt điển hình. Nỗ lực và thời gian chúng ta dành cho việc cầu nguyện, cả trong phụng vụ lẫn chỗ riêng tư, là cách ta đáp lại các giáo huấn và mẫu gương của Ngài”.
***
“Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Vâng, hôm nay, đó cũng là điều Đức Giê-su mời gọi chúng ta. Tất nhiên, không nhất thiết chúng ta phải “xuống thuyền” đi tới một sa mạc nào đó, như sa mạc Sahara… chẳng hạn. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn với tất cả tâm tình “Bỏ Ngài con biết theo ai…”
Nhưng, thật cần thiết bước ra khỏi con thuyền, con thuyền dòng đời với những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”, với những lo toan cơm-áo-gạo-tiền v.v…
Chỉ một mình “ta với Chúa – Chúa với ta” trong tĩnh lặng…
Có một câu chuyện được kể rằng: Có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, ông ta phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.
Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: ‘Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành’. Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: ‘Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?’.
Cậu bé đáp: ‘Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong tĩnh lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và nhờ đó cháu tìm ra nó’.(nguồn: internet).
Cũng vậy đối với chúng ta, chỉ trong tĩnh lặng, ta mới có thể nghe tiếng Chúa nói. Trường hợp Samuel cho ta một điển hình. Và cuối cùng, chúng ta hãy nghe cảm nghiệm của vua David, cảm nghiệm về việc tĩnh lặng trong nguyện cầu, rằng: “Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa” (x.Tv 45,11)
Làm sao để chúng ta có thể dừng lại trong thinh lặng, trong một xã hội bề bộn lo toan, như hôm nay? Thưa, không gì tốt hơn là hãy mang tâm tình của vua David mà nguyện rằng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (x.Tv 90. 12)
Vâng, trong tĩnh lặng, chúng ta hãy cất tiếng nguyện cầu: Lạy Chúa! “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống”.
Petrus.tran