Vị lương y của các linh hồn

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN B – 28/06/2015

Kn 1,13-15; 2,23-24; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Lm. Jude Siciliano, OP.

Vị lương y của các linh hồn

Kính thưa quý vị,

Cũng như Ladarô, bé gái được Đức Giêsu cho sống lại, rồi sau này cũng chết. Đâu là nguyên nhân cái chết lần thứ hai của cô bé. Phải chăng cô chết lúc sinh con, hay do một trong những căn bệnh nan y hoành hành người dân bấy giờ? Có thể cô đã sống đến khi có con cái, cháu chắt. Có lẽ lúc đang hấp hối, con cháu quây quần bên giường và chứng kiến khi cô trút hơi thở cuối cùng. Khi cô qua đời, sẽ tiếp tục có những nghi lễ an táng theo truyền thống. Con cháu sẽ thuê những nghệ sĩ thổi sáo và nhóm người khóc mướn. Hàng xóm sẽ nghe thấy tiếng sáo và tiếng khóc và biết rằng con gái của ông Giaia lại một lần nữa qua đời.

Một số người lớn tuổi sẽ gợi lại rằng có ai biết được cô ấy đã chết lúc chỉ mới 12 tuổi. Họ sẽ kể lại cho con cháu câu chuyện về người cha của cô bé, trưởng hội đường có quyền thế, đã gạt bỏ mọi định kiến thông thường của giới lãnh đạo chống lại vị giảng thuyết  Giêsu để theo Người, thậm chí quỳ sụp dưới chân Người để khẩn khoản nài xin Người cứu sống con gái của mình. Ốm đau và cái chết sẽ có cách phá tan lớp vỏ ngạo mạn và có danh giá trong xã hội của chúng ta. Chúng chạm đến  nơi dễ bị tổn thương nhất của chúng ta, tước bỏ những ảo tưởng và nhắc nhớ rằng, dù ta quan trọng thế nào chăng nữa trong mắt người khác, ta vẫn chỉ là con người – với những giới hạn và mang tính tạm bợ ở thế gian này. Và vì thế, con gái ông Giaia chết lần nữa và Đức Giêsu không còn ở đó để giúp gia đình ông đang đau buồn. Phải chăng Đức Giêsu thực hiện phép lạ đó cho con gái ông Giaia chỉ một lần, một phép lạ diệu vời chỉ một lần để biểu lộ quyền năng của Người?

Cộng đoàn Kitô hữu lưu giữ câu truyện này và truyền lại cho chúng ta đã không tin như thế. Họ nhìn thấy nhiều điều hơn cả sự phục sinh mà Đức Giêsu đã thực hiện cho cô bé. Rõ ràng họ thấy được nhiều điều hơn trong câu truyện vốn có tầm quan trọng và có liên hệ với chúng ta, rằng nhiều khi cuộc sống sẽ bị đảo lộn khi những người thân yêu qua đời. Hơn nữa, mỗi chúng ta rốt cuộc cũng phải đối mặt với cái chết của chính mình. Liệu những gì Đức Giêsu thực hiện cho bé gái còn có ý nghĩa gì đới với chúng ta ngày nay hay không? Chúng ta có thể nói rằng qua cách họ kể lại câu chuyện, cha ông chúng ta trong đức tin đã tin tưởng như vậy. Họ đưa ra những gợi ý nhằm nói lên sự phục sinh qua việc kể lại câu truyện này. Chẳng hạn như ông Giaia xin cho con gái ông được “khoẻ” và “sống”. Cả hai hạn từ này đều mang ý nghĩa đặc biệt. Thời kỳ đầu của công cuộc rao giảng của Giáo Hội, hai hạn từ trên được sử dụng để nói về “ơn cứu độ” và “đời sống vĩnh cửu”. Cha ông chúng ta trong niềm tin đã tin tưởng rằng khi thực hiện phép lạ này, Đức Giêsu cho thấy Người sẽ ban ơn cứu độ và đời sống vĩnh cửu cho kẻ chết.

Một người mẹ băn khoăn nói với tôi tại một bữa tiệc sinh nhật ngay bàn cà phê và bánh ngọt. Con trai của bà từng ra vào các trại cai nghiện. Giờ cậu ta ra trại rồi, nhưng không thể xin được việc làm; bà e rằng cậu ta sẽ tái nghiện và trở lại với đám bạn cũ. Bà xin tôi cầu nguyện. Bà cũng đã nói chuyện với những người tư vấn về ma tuý để bà có thể biết cách tiếp cận và trợ giúp con trai mình. Tương tự với lời thỉnh cầu của ông Giaia, bà cầu nguyện cho con trai mình sẽ được “sống mạnh khoẻ”. Bà không chỉ muốn giúp cậu cai nghiện, như còn muốn cậu sống có ý nghĩa hơn. Bà hy vọng cậu sẽ có được niềm tin giống như bà đã tin vào Đức Giêsu và cảm nghiệm được tình yêu và nguồn sống mà bà có được nơi cộng đoàn Kitô hữu. Như ông Giaia, bà muốn nắm lấy tay Đức Giêsu và dẫn Người đến bên cạnh con trai mình. Bà hy vọng rằng qua bà, Đức Giêsu sẽ vươn tay chạm đến con bà, đánh thức cậu khỏi giấc ngủ mê, để cậu được “sống”.

Có một hiệng tượng tâm linh được người phương Đông giải thích gọi là “tỉnh thức”. Hiện tượng có thể xảy ra như sau: Chúng ta trải qua cuộc sống quá nhiều lo toan với các hoạt động nối tiếp nhau. Chúng ta dán mắt vào màn hình tivi cho đến khuya, mới chợp mắt đã phải vội vàng thức dậy cho một ngày mới bận rộn và lo toan. Chúng ta chỉ có vừa đủ thời gian để đảm đương những vấn đề cơn bản của cuộc sống thường ngày, chứ không có đủ thời gian chăm lo cho đời sống nội tâm. Rốt cuộc, có điều gì đó phá vỡ lề thói u mê thường ngày. Có nhiều khả năng xảy ra: Có thể chúng ta có lúc thấy rõ cuộc sống của mình và điều sai trái cần được thay đổi. Có lẽ có ai đó trong số những người thân cận với chúng ta chết hay lâm trọng bệnh. Nămh lượng trong cơ thể chúng ta suy giảm vì tuổi tác. Chúng ta trải qua cuộc ly hôn do thờ ơ với đời sống vợ chồng từ lâu…Chúng ta vẫn chưa “tỉnh thức” cho đến khi những chuyện ấy xảy đến. Chúng ta đang loay hoay tìm kiếm đâu đó điều mà chúng ta tưởng rằng chúng làm cho cuộc sống thêm “thú vị”, “hào hứng”, “thích đáng” và “quan trọng”. Nhưng những gì xảy đến với chúng ta và làm cho chúng ta giờ đây nhận ra mình đang mắc chứng mộng du. Những gì xảy ra cho con gái của ông Giaia thì cũng xảy ra cho chúng ta, thức dậy sau một giấc ngủ như chết. Có người đã vươn bàn tay ân cần nâng ta dậy. Sự phục sinh đã diễn ra cho chúng ta ngay ở cuộc sống này. Cơn khủng hoảng mà chúng ta trải qua chứng tỏ có một lời cảnh tỉnh. Chúng ta được “cứu thoát” và có thể thấy rõ hơn hoàn cảnh hiện tại và nhận ra Đấng đang ban tặng sự sống cho chúng ta.

Chúng ta được trỗi dậy theo một cách khác: Rõ ràng là cô bé trong câu truyện đã chết, những người đi đưa đám đang cho thấy điều đó cách rõ ràng qua tiếng khóc than của họ. Nhưng khi Đức Giêsu đề cập đến hiện trạng của cô bé, Người gọi đó là “giấc ngủ”, vì thế mà người ta chế nhạo Người. Thánh Máccô lưu ý chúng ta những gì cộng đoàn Kitô hữu tuyên xưng về Đức Giêsu. Cái chết chỉ là giấc ngủ đối với Người và những gì Người thực hiện cho cô bé thì Người cũng sẽ thực hiện cho chúng ta, đó là đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ mê. Với niềm tin rằng Người có quyền năng làm cho kẻ chết sống lại, mỗi chúng ta có thể đối mặt với cái chết của mình với lòng can đảm mà niềm tin vào Đức Giêsu đã mang lại cho chúng ta. Chúng ta sống trong một nền văn hoá chối bỏ sự chết và tôn thờ tuổi trẻ, sự thành đạt, sự thống trị, sức khoẻ và quyền lực. Sự chết làm lộ diện những ngẫu tượng trên và phơi bày những lời hứa hão huyền của chúng. Chúng ta ngủ, nhắm mắt lại và làm ra vẻ mình thực sự đang làm chủ tìh thế; thế nhưng dường như cái chết mới có tiếng nói cuối cùng.

Có vẻ như cái chết cũng có quyền trên Đức Giêsu. Sự phục sinh của Người là điều nhắc nhớ chúng ta rằng chính Người mới có tiếng nói chung cuộc, chứ không phải sự chết. Giờ đây, chúng ta có thể nhìn cuộc sống cách khác, nghĩa là chúng ta tin cái chết của mình thực sự là một “giấc ngủ” mà Đức Giêsu sẽ đến đánh thức chúng ta. Niềm tin vào sự phục sinh sẽ giúp chúng ta dễ dàng đối mặt với những thách đố của cuộc sống. Chúng ta không phải làm ra vẻ mình sẽ không già đi; chúng ta có thể nhìn những thất bại của mình từ viễn cảnh của sự vĩnh hằng, quy phục ý muốn của Thiên Chúa, không sợ rằng cuộc sống của mình tàn lụi khi sức khoẻ suy giảm và không nên cảm thấy cô độc khi đối mặt với sức mạnh của sự dữ ẩn mình dưới nhiều lớp vỏ chết chóc trong thế giới chúng ta.

Đức Giêsu bảo họ cho cô bé ăn. Chẳng phải đó là một chứng cứ chắc chắn rằng cô bé đã sống lại sao? Việc cô bé ăn uống không chỉ là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đã hoạt động trở lại. Theo văn hoá của họ, ăn uống giữa gia đình chính là cảm thức hệ thuộc và có sự sống. Quý vị có sự sống, không giống như một cá nhân, nhưng như một phần của cộng đoàn. Cô bé được gia đình cho ăn, nên sự sống của cô đã được hồi phục hoàn toàn. Không ai biết cô bé đã ngã bệnh và không dùng bữa với gia đình bệnh trong thời gian bao lâu. Giờ thì cô đã trở lại bàn ăn và quây quần bên những người vẫn hằng yêu thương cô. Người giảng có thể muốn đưa ra lối so sánh song đối giữa người Kitô hữa và bàn tiệc Thánh Thể. Đối với Thiên Chúa, khi chúng ta “ngủ” hay “chết” do tội, Đức Kitô hằng sống “đánh thức ta dậy” qua việc tha thứ cho chúng ta. Rồi chúng ta được phục hồi như một thành viên sống động của gia đình tín hữu. Chúng ta lại có thể đến dự tiệc chung với gia đình, tiệc Mình và Máu, là sự sống đích thực của Đức Kitô.

Một lời nói của người đàn bà làm gián đoạn hành trình của Đức Giêsu đến nhà ông Giaia. Dường như bà là một người giàu có. Nếu không, trong một xã hội nghèo như thế, làm thế nào bà có đủ điều kiện chạy chữa  “nhiều thầy thuốc?” Bấy giờ, khi còn bị băng huyết, bà bị xem là ô uế theo lễ nghi. Bà không được phép dự lễ trong đền thờ và phải cách ly với cộng đoàn để không làm người khác bị ô uế. Mỉa mai thay, trước đó bà đã biết ông trưởng hội đường Giaia, từng thuộc cùng giai cấp xã hội, vậy mà giờ đây bà không được phép dự lễ trong hội đường của ông. Ấy thế, chính nhu cầu và sự bất lực của con người trước tình thế vô vọng, đã mang họ lại với nhau. Giờ đây, cả hai được kết hợp do nhu cầu và niềm tin vào Đức Giêsu, đều được ở trong cùng một cộng đoàn. Cũng như chúng ta khi tham dự tháh lễ này – được kết hợp bởi nhu cầu và niềm tin vào Đức Giêsu,  những khác biệt bề ngoài của chúng ta được gạt sang một bên khi chúng ta vươn đến với Người. Nhưng qua Lời và Bí tích Thánh Thể, Người sẽ vươn đến, rồi nắm lấy tay ta và nâng ta dậy.

 

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận