Tản mạn về Thánh Giuse nhân Năm Đời Sống Thánh Thiến

Tản mạn về Thánh Giuse nhân Năm Đời Sống Thánh Thiến

Tản mạn về Thánh Giuse nhân Năm Đời Sống Thánh ThiếnNhân dịp Năm đời sống thánh hiến, chúng tôi muốn viết đôi hàng về thánh Giuse trong tuần tam nhật chuẩn bị mừng lễ. Thánh Giuse là gương mẫu cho các người cha trong gia đình. Điều này ai cũng biết rồi. Nhưng ngài cũng là gương mẫu cho các người tận hiến cho Thiên Chúa nữa, như chúng ta đọc thấy trong kinh cầu: “Ông thánh Giuse che chở những kẻ giữ mình đồng trinh” (custos virginum). Một cách cụ thể,  nên biết là có rất nhiều dòng tu mang tên thánh Giuse. Theo từ điển các Dòng tu (Dizionario degli Istituti di Perfezione) xuất bản tại Rôma, hội dòng đầu tiên mang tên thánh Giuse được thành lập tại Genova (Italia) năm 1517 (Figlie di san Giuseppe, một dòng nữ tu). Từ đó cho đến năm 1995 đã có 244 dòng nam nữ (nữ nhiều hơn nam) mang tên thánh Giuse[1], trong đó đặc biệt có 45 hội dòng nữ tu phát xuất từ Soeurs de Saint Joseph do cha Jacques Crétenet SJ lập tại Le Puy (Pháp) năm 1650[2]. Tại Việt Nam, có dòng Tiểu Đệ  thánh Giuse do cha Jean Sion MEP thành lập tại Nhà Đá, Phù Mỹ, Bình Định ngày 1 tháng 11 năm 1926 (nay đã được sát nhập vào Dòng Ngôi Lời).

Một số Dòng khác tuy không mang danh hiệu là Dòng thánh Giuse nhưng đã nhận ngài làm bổn mạng chính, chẳng hạn như Dòng Cátminh cải tổ (năm 1621), Dòng Augustinô (năm 1700), Dòng Phansinh viện tu (năm 1741), Dòng Chúa Cứu thế và dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm, Dòng Sư huynh La-san Tại Việt Nam, thánh Giuse được Đức Cha Lambert de la Motte nhận làm bổn mạng của Dòng Mến Thánh Giá.

Hình như Dòng Đaminh không nằm trong danh sách vừa kể, nhưng đừng quên rằng trong lịch sử lòng sùng kính thánh Giuse trong Giáo hội, có hai linh mục đã đóng góp phần đặc biệt, đó là: cha  Isidoro Isolani (+1528), người đầu tiên đã viết một cuốn Summa về thánh Giuse[3] và chân phúc Marie Jean Joseph Lataste (1832-1869) đã hiến thân mình để xin Tòa Thánh tôn phong thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội[4].  Mối liên lạc giữa thánh Giuse với dòng Đaminh có thể nhận thấy qua bức hoạ sau đây, được lưu giữ trong bảo tàng viện Bologna, dưới tựa đề “Thánh Giuse và thánh Đaminh”.

Tại sao thánh Giuse được đặt làm bổn mạng của đời sống thánh hiến? Có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi ấy. Các nhà giảng thuyết có thể “tán giải” các nhân đức mà thánh nhân để lại cho người tu sĩ: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, trung tín, chiêm niệm, kiên nhẫn, vv. Không ai phủ nhận những điều vừa nói. Kinh cầu thánh Giuse đã chứa đựng 25 danh hiệu, trong đó người ta đếm được hơn 10 nhân đức. Có lẽ tác giả đầu tiên bắt đầu tìm cách trình bày các nhân đức của thánh Giuse một cách “khoa học” là cha Isidoro Isolani O.P., khi phân tích các nhân đức dựa trên danh tánh của ngài (Danh là người): I.O.S.E.P.H. : Iustitia, công chính; Obedientia, vâng phục; Sapientia, khôn ngoan; Experientia, từng trải; Patientia, kiên nhẫn; Humilitas, khiêm tốn.

Tuy nhiên có lẽ người ta thường quên một nhân đức có nền tảng Kinh thánh: nhân đức thinh lặng. Thực vậy, Tân ước không ghi lại một lời nói nào của thánh Giuse (trong khi Đức Mẹ lên tiếng 7 lần). Như vậy, thánh Giuse là mẫu gương về cuộc sống thầm lặng. Thánh Gioan Phaolô II đã ghi nhận điều này trong tông huấn Redemptoris Custos (15-8-1989), số 17: “Trong suốt cuộc sống, một cuộc lữ hành trong đức tin, thánh Giuse cũng như Đức Maria, luôn tuyệt đối trung thành với tiếng gọi của Thiên Chúa. Cuộc đời của Đức Maria là sự thể hiện tột đỉnh của lời xin vâng của ngày Truyền tin, , còn thánh Giuse (…) Người chẳng nói gì khi được “truyền tin” nhưng chỉ “thực hiện như lời sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24). Và việc thực hiện đầu tiên này là khởi điểm cho hành trình của thánh Giuse. Suốt cuộc hành trình đó, các thánh sử không ghi lại một lời nói nào của Người, nhưng sự im lặng của thánh Giuse có tính hùng hùng hồn đặc biệt: chính nhờ sự im lặng đó, người ta có thể hiểu được đầy đủ chân lý hàm chứa trong nhận định của Tin mừng về thánh Giuse, Đấng Công chính (Mt 1,19).

Ở số 15, tác giả bình luận tiếp: “Bầu khí thinh lặng quanh những gì liên quan đến con người thánh Giuse cũng lan toả đến công việc thợ mộc của Người trong ngôi nhà Nadaret. Tuy nhiên đó là sự thinh lặng cho thấy một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói tới “những gì thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa”.

Dựa theo tư tưởng ấy, đức thánh cha Bênêđictô XVI (tên thánh là Joseph Ratzinger) đã nêu bật ý nghĩa của sự thinh lặng của thánh Giuse trong một bài suy niệm ngắn về nhân đức này trước khi đọc kinh Truyền tin chúa nhựt IV mùa Vọng (18-12) năm 2005, và ngài trở lại đề tài ấy trong bài huấn từ dành cho các linh mục và tu sĩ trong buổi cử hành kinh chiều tại nhà thờ chánh toà Yaoundé (Cameroun) ngày 18-3-2009.

Thiết tưởng điều vừa nói có thể áp dụng cho tất cả các người thánh hiến. Riêng đối với “bề trên”, có lẽ nhân đức thích hợp hơn cả dựa trên tước hiệu “Kẻ gìn giữ” (Custos) đã được đức Gioan Phaolô II chọn làm tựa đề cho tông huấn vừa kể và được đức thánh Phanxicô chú giải trong bài giảng Thánh lễ nhậm chức lãnh đạo Giáo hội (19-3-2013). “Thánh Giuse, như đã ân cần săn sóc Đức Maria và đã tận tình dạy dỗ Đức Kitô trong niềm vui sướng, thì Người cũng là Đấng gìn giữ, bảo trợ Thân Mình của Đức Kitô, tức là Giáo Hội mà Đức Trinh nữ là hình bóng và là khuôn mẫu” (x. Redemptoris custos số 1).

– Thánh Giuse đã thực thi vai trò “gìn giữ” như thế nào? Với tế nhị, khiêm tốn trong thinh lặng, với sự hiện diện liên lỉ và sự trung thành tuyệt đối ngay cả khi không hiểu được.

– Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm kẻ giữ gìn Đức Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Bằng cách liên lỉ lắng nghe Thiên Chúa,  nhạy bén với những dấu hiệu của Ngài, sẵn sàng đi theo kế hoạch của Ngài chứ không phải của riêng mình. Gìn giữ chăm sóc cũng có nghĩa là nhân hậu âu yếm.

Bài giảng xoay quanh việc giữ gìn chăm sóc hết mọi người, chăm sóc mỗi người, đặc biệt là người nghèo, với lòng yêu mến. Đó là sứ vụ của giám mục Rôma, nhưng cũng có thể áp dụng cho các bề trên cũng như cho tất cả các tu sĩ.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.


[1] Tarcisio Stamare, Movimento giuseppino, https://movimentogiuseppino.files.wordpress.com/2011/05/5-quinto-cap-tabelle-pdf.pdf.

[2] Bên cạnh những dòng “nữ tu thánh Giuse”, còn có những dòng mang danh là “Nữ tu Phansinh thánh Giuse” (Francescane di san Giuseppe) hoặc “Nữ tu Đaminh thánh Giuse” (Domenicane di san Giuseppe).

[3] Summa de donis Sancti Ioseph (năm 1522), x. Phan Tấn Thành, Sứ mạng của thánh Giuse trong cuộc đời của Chúa Kitô và Hội thánh, Rôma 2007, trang 73.

[4] Đức thánh cha Piô IX đã kể lại cho cha tổng quyền Alexandre Jandel rằng trong số hơn 500 bức thư thỉnh nguyện chỉ có một mình cha Lataste hiến dâng mạng sống mình kèm theo lời thỉnh nguyện. Cha qua đời ngày 10-3-1869 (37 tuổi), và thánh Giuse được phong làm bổn mạng Hội thánh ngày 8-12-1870. T.M. Sparks, Devotion to St Joseph in the Dominican Family in the 19th century, in: Cahiers de Joséphologie 43 (1995), p.290.

Để lại một bình luận