Cuộc lữ hành đức tin

Cuộc lữ hành đức tin

St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rom 8,31b-34; Mc 9,2-10

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Cuộc lữ hành đức tinTôi có thể vận dụng một số điểm trong bài đọc một hôm nay. Tôi nhận ra rằng ông Ápraham sẽ vượt qua cơn thử thách Thiên Chúa đã bắt ông trải qua và sẽ nhận giao ước Chúa hứa. Tuy nhiên cuộc thử thách đòi ông Ápraham hiến tế con trai mình Isaác (“người con duy nhất ngươi yêu mến”) là một thử thách quá lớn (làm tan nát cõi lòng). Chúa đã hứa ban cho ông Ápraham và bà Sara miêu duệ khi họ về già nhiều như sao trên trời (St 15, 5). Isaác hẳn là dấu chỉ rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện lời Người hứa. Có lẽ ông Ápraham và bà Sara có những người con khác nữa, nhưng Isaác là người con mang nơi mình tương lai và đem lại niềm hy vọng cho hai ông bà.

Nhưng giờ đây Thiên Chúa đòi ông Ápraham hiến tế Isaác như phép thử đức tin. Phải chăng đây là một Thiên Chúa hay lừa gạt, hứa rồi lại thử xem mức độ trung tín của con người như thế nào? Thế còn các bậc cha mẹ trong cộng đoàn khi nghe câu chuyện một đứa trẻ sắp bị giết thì sao? Trình thuật này sẽ khiến họ đứng ngồi không yên. Trong lối nghĩ ngày nay chúng ta tự hỏi những tổn thương nào về cảm xúc và tâm lý mà Isaác phải gánh chịu cho đến cuối đời. Như tôi đã nói, tôi có thể sử dụng bài đọc này. Liệu có thể đổi bài đọc khác được không? Giảng thế nào đây? Chắc hẳn đây là một trong những bản văn gây kinh hãi nhất trong Kinh Thánh. Hoạ may, người nghe cũng sẽ chỉ nhún vai tỏ ra không mấy quan tâm khi nghe đoạn trích này. Hay, nhìn chung trình thuật này là một trong những bản văn làm cho người đọc khó tiếp cận Kinh Thánh.

Các tôn giáo khác thời ấy thực hành sát tế con người. Có lẽ ông Ápraham đoán chừng Thiên Chúa cũng đòi buộc ông một thứ lễ vật tương tự. Ngay khi ông sắp sửa thực hiện những gì người khác thường làm, có lẽ lúc ấy ông mới nhận ra rằng đây không thể là thứ mà Thiên Chúa, Đấng ban cho ông Isaác, muốn. Ông chợt nhận ra rằng Thiên Chúa của ông thì khác và Người không muốn bạo lực hay chết chóc như là một dấu chứng cho lòng trung tín của con người. Đôi lúc một khoảnh khắc ngộ ra chợt đến như hình ảnh một thiên sứ mang theo sứ điệp, “Đừng giơ tay hại đứa trẻ.” Đấy phải chăng là cách thức mà Ápbraham kể cho người khác những gì đã xảy ra? Thiên Chúa của Ápbraham là một Thiên Chúa khác hẳn và câu chuyện này đã lột tả dung mạo Thiên Chúa của tổ tiên chúng ta đã tin nhận.

Một số người diễn giải cái chết của Đức Giêsu như sự thế chỗ cho Isaác – Thiên Chúa đã muốn Con Một Người chết vì chúng ta. Tôi thấy khó mà chấp nhận được điều này. Đức Giêsu đã bị giết vì Người phải gánh chịu hệ quả của việc trung tín với Thiên Chúa và sứ mạng Người đã lãnh nhận từ Cha Người. Chúng ta không cần phải dâng con cái chúng ta làm lễ vật. Điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta chính là giới răn Đức Giêsu đã ban, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39)

Các môn đệ Đức Giêsu đã không thể hiểu cái chết của Người trên thập giá. Họ kết luận rằng Đức Giêsu đã chết cho tội lỗi của chúng ta và đây cũng chính là đức tin của chúng ta. Thế nhưng Người chết không phải qua bàn tay Thiên Chúa mà là qua quyền lực của thế gian này khi thế gian chối bỏ Tin Mừng Người rao giảng. Thiên Chúa đã đáp trả thế nào đối với tội lỗi của chúng ta? Người tỏ lòng thương xót qua Đức Giêsu. Đức Giêsu chết trên thập giá bởi vì Người đã trung thành với sứ vụ Thiên Chúa đã trao phó cho người: công bố một triều đại của công lý, sự tha thứ và tình thương. Điều này đã đặt Người vào tư thế đối chọi với những kẻ chạy theo triều đại quyền lực và thống trị của thế gian. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá tỏ cho thấy tác hại của tội lỗi và hệ quả của nó ra sao. Đức Giêsu, Đấng đã mặc lấy xác phàm để tỏ cho ta thấy kế hoạch của Thiên Chúa là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa nghĩa là gì, Người đã bị giết chết vì sự ghen ghét, sợ hãi, tư lợi và hiểu lầm.

Thiên Chúa đã làm cho Con Yêu Dấu của người trỗi dậy từ cõi chết và vượt qua tội lỗi để tỏ cho ta thấy quyền năng của tình thương và tha thứ vượt trên sự ghen ghét. Có nhiều ánh sáng trong trình thuật cuộc biến hình của Đức Giêsu, nơi mà Máccô đã báo trước cuộc phục sinh của Đức Kitô trong vinh quang. Trước đó, Đức Giêsu đã nói về cái chết và sự phục sinh của Người (8:31), nhưng các môn đệ đã không hiểu ý Người. Cả ba môn đệ cùng với Đức Giêsu trên núi cũng không hiểu. Ông Phêrô bày tỏ sự kinh ngạc và hoang mang, “Ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.”

Ông Phêrô và các môn đệ khác đã không hiểu lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Người; giờ đây các ông không nắm bắt được ý nghĩa của cuộc mặc khải trên đỉnh núi. Thế nhưng cả Tin Mừng bày ra trước mắt các ông: Đức Giêsu sẽ chịu đau khổ, chết và trỗi dậy từ kẻ chết. Các môn đệ, giống như chúng ta, sẽ trải nghiệm mất mát và cái chết. Các ông và cả chúng ta nữa cần phải sống trong niềm hy vọng rằng cái chết không có tiếng nói chung cuộc – mà chỉ có sự phục sinh mà thôi. Đang khi xuống núi Đức Giêsu bảo các ông phải chờ trước khi các ông nói cho những người khác biết. Các ông hẳn phải trải nghiệm toàn bộ câu chuyện – Cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người.

Núi theo truyền thống là nơi để ẩn mình và gặp gỡ Thiên Chúa. Ông Môsê và ông Êlia không xa lạ với các cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trên núi. Các ông đã diện kiến Thiên Chúa trên núi, nhưng phải vật lộn để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa khi trở lại với dân chúng bên dưới. Ông Môsê, người ban lề luật và ông Êlia, vị ngôn sứ, biểu tượng cho một truyền thống tôn giáo phong phú của người Do Thái. Qua các ông, truyền thống ấy đối thoại với Đức Giêsu. Khi ông Môsê và ông Êlia rời khỏi thì cũng chính lúc ấy vinh quang sáng láng của Đức Giêsu cũng biến mất. Chỉ còn một mình Đức Giêsu – Liệu các môn đệ và chúng ta còn có thể tập trung vào Đức Giêsu ngay khi cảnh tượng vinh quang tan biến, không còn được an ủi, mọi thứ không diễn tiến tốt đẹp và không cảm thấy yên vui trong đời sống đức tin của chúng ta nữa không? Liệu chúng ta còn có thể tiếp tục trung tín và vâng phục Đức Kitô khi mà ánh hào quang bên ngoài đã lịm đi và chúng ta được mời gọi để theo Đức Kitô ngay cả khi trong lòng còn đó những nghi nan và bóng tối?

Trong tích tắc ba môn đệ cảm nghiệm được Đức Kitô nên một với Thiên Chúa. Khi y phục rực rỡ bên ngoài của Người trở lại bình thường, Người vẫn là Người như trước đây. Ta không tìm thấy Chúa trên một ngọn núi xa xôi nào đó hay một đền thờ hẻo lánh nhưng Chúa đang bước đi và làm việc giữa chúng ta. Mắt chúng ta có nhìn ra Người hay không? Đối với những ai có ánh sáng đức tin thì Đức Kitô phục sinh và đang sống với chúng ta giữa dòng đời – trong Giáo Hội, nơi những người thân cận và những người nghèo khó. Nếu chúng ta nghĩ rằng trải nghiệm tôn giáo chỉ thấy nơi những gì làm cho cảm xúc ta phấn chấn và làm say mê giác quan, chúng ta sẽ thất vọng.

Tiếng nói vọng ra trong đám mây xác nhận Đức Giêsu như “Con Ta yêu dấu.” Chúng ta nghe thấy tiếng vọng lại của bài đọc một ở đây. Lễ vật nào ba môn đệ cần có để làm hài lòng Thiên Chúa của Môsê, Êlia và Đức Giêsu? Dĩ nhiên không phải là một trong các con cái của các ông. Thay vào đó, Thiên Chúa đấng ngỏ lời với các môn đệ trên núi hướng các ông đến Đức Giêsu và dạy bảo các ông và cả chúng ta, “Hãy vâng nghe lời Người.”

Có nhiều phương thế để lắng nghe Đức Giêsu qua Kinh Thánh, giảng thuyết, cầu nguyện và người thân cận. Thế nhưng trong bối cảnh này, các ông phải lắng nghe những gì Đức Giêsu bảo trên đường xuống núi và đón nhận những gì Người nói về “trỗi dậy từ cõi chết.” Đức Giêsu đã tỏ cho biết cái chết sắp đến của Người; các ông cũng phải lắng nghe lời Người về cuộc phục sinh. Niềm hy vọng đặt nơi sự phục sinh sẽ làm cho các ông và chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc mất mát, đau khổ, thất bại và vô vọng.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận