Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo thăm HĐGMVN
HÀ NỘI. Lúc 8 giờ rưỡi sáng thứ ba, 20-1-2015, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã gặp HĐGM Việt Nam tại tòa TGM Hà Nội.
Hiện diện trong dịp này cũng có Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Sau lời giới thiệu của ĐHY Tân Cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, và diễn văn chào mừng của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo đã ngỏ lời với các GM Việt Nam.
Trước tiên ngài chúc mừng Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được ĐTC chọn làm Hồng Y trong những ngày qua và sẽ gia nhập Hồng Y đoàn vào ngày 14-2 tới đây. ”Đây thực là một cử chỉ rất đẹp đối với vị Giám Mục nhiệt thành này và là một vinh dự lớn cho Giáo phận Hà Nội và toàn thể Việt Nam. Tôi rất hài lòng được ở đây với anh em và thành tâm cám ơn Hội Đồng Giám Mục vì đã mời tôi viếng thăm đất nước của Anh em.”
ĐHY Filoni nhắc đến cuộc viếng thăm tại Việt Nam của hai vị tiền nhiệm ĐHY Crescenzio Sepe và ĐHY Ivan Dias, ”hai vị mang theo mình ấn tượng thật đẹp về một Giáo Hội sinh động. Cả tôi, trong dịp ấy tôi cũng có thể thấy tận mắt sức sinh động của các cộng đoàn anh em, nhiềm tin kiên vững của các tín hữu Việt Nam, mà tôi đã nghe trong các cuộc gặp gỡ với anh em và từ những phúc trình của vị Đại diện Tòa Thánh. Tôi biết rằng mức thực hành đạo thật là cao, từ 80 đến 93%, và nồng nhiệt, không những vào chúa nhật nhưng cả các ngày thường. Tôi cũng biết rằng trong tất cả các giáo phận và giáo xứ ở Việt Nam, các tín hữu thích họp thành các hội đoàn tông đồ giáo dân, và đây là điều rất hay. Khắp nơi họ tỏ ra đặc biệt quan tâm tới Lời Chúa và học hỏi giáo lý. Ngoài ra, họ muốn góp phần theo những cố gắng và khả năng của mình vàoviệc xây dựng và phát triển Giáo Hội cũng như đất nước.”
ĐHY Filoni nhắc đến Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), là một văn kiện quí giá, vì là văn kiện chứa đựng chương trình hoạt động của Giáo Hội và trình bày viễn tượng của ĐGH Phanxicô về Giáo Hội trong những năm tới đây. Văn kiện này nói rằng ”niềm vui Phúc âm là căn bản của việc loan báo Tin Mừng. Niềm Vui Phúc Âm nảy sinh và tái nảy sinh từ cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu, từ đó phát xuất sự thay đổi trong cuộc sống và hoạt động truyền giáo..”
ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo cũng nói đến kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican 2 về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. ”Văn kiện khẳng định rằng hoạt động truyền giáo nảy sinh trực tiếp từ chính bản chất của Giáo Hội. Do động lực truyền giáo này, các hạt giống đầu tiên của đức tin được đưa tới Việt Nam này, do công trình của các cha dòng Tên, Hội thừa sai Paris, Dòng Đa Minh, dòng thánh Augustino, Phanxicô và bao nhiêu người khác. Những hạt giống bé nhỏ đã ăn rễ trong nền văn hóa và các phong tục, đến độ ngày nay đức tin đã đi vào sời sống của bao nhiêu người Việt Nam..”
”Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng ngày nay vẫn còn giá trị. ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”, khi trích dẫn thông điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio) đã tái khẳng định rằng ”hoạt động truyền giáo, cả ngày nay, vẫn là thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội” và ”chính nghĩa truyền giáo phải là trách nhiệm đầu tiên” (n.15) của các Giám Mục. Giám Mục như là đầu và là trung tâm hoạt động tông đồ của giáo phận, phải thăng tiến, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo, và hơn nữa, phải khuyến kích tất cả mọi thành phần Dân Chúa tham gia hoạt động truyền giáo…”
ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo cũng đề cao ”Vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân hy vọng và là thừa tác viên lòng từ bi của Chúa, thực là mẫu gương đặc biệt về việc loan báo Lời Chúa, trong mọi lúc, dù thuận lợi hay không thuận lợi, Người cũng chỉ cho chúng ta thấy cách thực thực thi lòng kiên nhẫn và khôn ngoan, đặc biệt là trong việc đối thoại. Đức Thánh Cha Phanxicô thường khẳng định rằng cần phải thăng tiến đối thoại và nền văn hóa gặp gỡ”.
Và ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo nói với HĐGM Việt Nam rằng: ”Vai trò của HĐGM anh em hệ tại trước tiên là hướng dẫn và phối hợp công cuộc loan báo Tin Mừng, để tránh phân tán năng lực về nhân sự và hoạt động, làm sao để toàn thể thực tại – địa phương, dân sự và xã hội- có thể được hội nhập với nhau, đặt trong tình hiệp thông những cố gắng của cá nhân và các nhóm họp thành Giáo Hội. Như thế sự hiệp nhất được thể hiện trong sự đa diện, và sự hiệp nhất ấy không phải là đồng nhất”.
”Trước khi kết thúc những suy tư vắn của tôi, tôi muốn gửi đến tất cả các anh em trong hàng giám mục, một lời đánh giá cao hoạt động truyền giáo mà anh em đang thực hiện, vì lòng quảng đại mục vụ và về tình hiệp thông đáng ca ngợi của anh em với Đức Thánh Cha.”
”Tôi phó thác mỗi người trong anh em, các giáo phận và sứ vụ chủ chăn của anh em cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Mẹ La Vang. Xin Chúa Thánh Linh, nhờ lời chuyển đầu của Mẹ maria, củng cố nơi anh em ước muốn phụng sự Nước Thiên Chúa, với tất cả tâm hồn và sức lục, trong tình liên đới với Đức Thánh Cha và giữa anh em với nhau”.
G. Trần Đức Anh OP