Phanxicô Nguyễn Văn Nhứt, OP.
Tiêu đề trên là chủ điểm của Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường diễn ra tại Rô-ma từ ngày 5 đến 19 tháng 10, 2014 vừa qua.
Công Nghị Giám Mục Là Thẩm Quyền Nào Trong Hội Thánh?
Công Nghị Giám Mục là một định chế thường trực của Hội Thánh, được Đức Chân Phước Phao-lô VI thành lập năm 1965, chỉ một thời gian ngắn sau khi Công Đồng Vatican II bế mạc, như một biểu hiện tính cộng đoàn và tinh thần hiệp thông của tất cả các vị giám mục trong nhiệm vụ mục tử chăn dắt đàn chiên Hội Thánh.
Công Nghị Giám Mục quy tụ các giám mục trên toàn thế giới để tham mưu cho đức thánh cha về các vấn đề quan trọng thuộc lãnh vực mục vụ, tín lý và kỷ luật của Hội Thánh.[1]
Công Nghị Giám Mục có hai hình thức nhóm họp: họp Toàn Thể khi thảo luận những chủ đề liên quan đến toàn thể Hội Thánh, và họp Chuyên Biệt khi chỉ bàn bạc về những điều thuộc về một vùng hay miền của Hội Thánh,[2] chẳng hạn như Công Nghị Giám Mục Chuyên Biệt về Á Châu, họp tại Vatican, từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5, năm 1998.[3]
Tùy theo ý nghĩa của chủ đề thảo luận và bối cảnh diễn ra cuộc họp, Công Nghị Giám Mục Toàn Thể được gọi là Thông Thường hay Ngoại Thường. Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường bàn đến những vấn đề công ích của Hội Thánh hoàn vũ, cần được tất cả các vị giám mục nghiên cứu, tham vấn một cách thận trọng. Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường thảo luận những vấn đề công ích của toàn thể Hội Thánh, cần được quan ngay tâm tức khắc, để có thể đề ra một giải pháp nhanh chóng.[4]
Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Năm 2014 Về Gia Đình Hướng Đến Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường Năm 2015 Cũng Về Gia Đình
Đây là Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Thứ III của Hội Thánh. Hai Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường trước kia đã diễn ra lần lượt vào năm 1969 và 1985.
Chủ đề “Những Thách Đố Đối Với Công Tác Mục Vụ Gia Đình Trong Bối Cảnh Sứ Vụ Phúc Âm Hóa” nói lên chủ đích của Hội Thánh muốn xác định tình thế hiện thời, đón nhận những kinh nghiệm và đề xuất của các giám mục trong sứ vụ công bố và sống Tin Mừng về Gia Đình một cách đáng tin cậy.
Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Thứ III nầy là bước chuẩn bị cho Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường Thứ XIV mang chủ đề “Ơn Gọi Và Sứ Vụ Của Gia Đình Trong Hội Thánh Và Trong Thế Giới Hiện Đại” sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10, năm 2015 tại Vatican, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Công Nghị Giám Mục.
Tình Thế Khẩn Cấp Của Gia Đình Và Lòng Ưu Ái Của Hội Thánh Đối Với Gia Đình
Việc diễn ra hai Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường và Thông Thường liên tiếp trong vòng hai năm là biến cố hiếm thấy trong lịch sử Hội Thánh. Đây là bằng chứng về hiện trạng vô cùng nguy ngập các gia đình phải đương đầu trước những sức công phá dữ dội của mọi hình thức ác tà, đồng thời cũng là lời xác quyết về mối quan tâm mục vụ rất ân cần và tận tụy của Hội Thánh dành cho gia đình.
Cùng với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các chủ chăn giáo phận trên toàn thế giới quan sát và nhận diện những khó khăn và thuận lợi đang diễn ra có liên quan đến lẽ sống còn của các gia đình, thúc đẩy Hội Thánh, trong vai trò Mẹ và Thầy về đức tin và luân lý, phải có tiếng nói hướng dẫn thích hợp và kịp thời.
“Thích hợp” nói ở đây không hề có nghĩa là uốn nắn, cắt xén, hoặc thích ứng Lời Chúa theo thị hiếu con người trong xã hội hiện đại. Công Đồng Vatican II hơn 50 năm trước đã đề xướng đường hướng canh tân,[5] theo đó, Hội Thánh giới thiệu Chân Lý Cứu Độ truyền thống bằng hình thức cập nhựt và theo phương pháp mới, phù hợp với nếp suy nghĩ và cách sống của con người ngày hôm nay.
Tương tự như vậy, “kịp thời” được chủ ý nêu lên cho phương pháp luận, cho phong cách chuyển tải nội dung Tin Mừng để giáo huấn của Hội Thánh kịp đến tai một cử tọa vừa vội vã, vừa bị tiếng ồn vây hãm, vừa phân hóa tâm trí cho biết bao lo âu về cuộc sống thường nhựt.
Tuy không phải là định chế kỳ cựu bực nhứt về mặt lịch sử so với các cấu trúc xã hội và tôn giáo khác, tiếng nói của Hội Thánh có đầy đủ uy tín từ Chúa Ki-tô, Đấng đã ủy thác cho các vị Tông Đồ thẩm quyền giáo huấn muôn dân muôn nước.[6]
Hội Thánh một lần nữa khẳng định niềm xác tín Ki-tô Giáo vẫn luôn truyền giảng, đó là giá trị của gia đình được bảo lãnh vững chắc và bất biến trong kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Thật vậy, con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa để sống thành một cộng đoàn. Cộng đoàn nguyên thủy và tự nhiên, nơi con người chung sống với tư cách là những nhân vị, chính là gia đình, bởi vì đây là định chế được Thiên Chúa đích thân sáng lập. Gia đình vì lý do này trở thành khuôn mẫu độc quyền của Thiên Chúa để con người học hỏi từ đó mà tiếp tục xây dựng những loại hình xã hội khác. Giống như một gia đình, nơi mọi người, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, luôn luôn đón nhận nhau trong thái độ tương kính cao quý và tấm lòng tương ái dạt dào, mọi hình thức cơ chế xã hội, kinh tế, chính trị, từ quy mô quốc gia cho đến quốc tế, nếu muốn giữ được đặc tính nhân văn, nhứt thiết phải được xây trên nền tảng tình liên đới, luật công bình, và lòng thương yêu đồng loại. Loại bỏ các đặc trưng nhân bản nói trên, mọi thứ cơ chế con người khổ công xây nên—rất thường khi bằng giá xương máu của đồng loại và của chính mình—có nguy cơ biến thành một cỗ máy phi nhân, nghiền nát tất cả những gì còn gọi được là lịch sử và văn hóa. Loại bỏ những truyền thống tương thân, tương ái, tương kính, tương trợ, thì xã hội dù cho thừa mứa tiện nghi, dù cho văn minh tột cùng, vẫn đối diện với nguy cơ đánh mất căn tính nhân văn, đánh mất cái hồn nhân linh làm nên xã hội loài người, để chỉ hiện nguyên hình, bộc lộ bản chất hoang dã, rừng rú của bầy thú dữ.
[1] Xc Giáo Luật số 342.
[2] Xc “Quy Chế Công Nghị Giám Mục”, số 4.
[3] Thành quả của Công Nghị Công Nghị nầy là Tông Huấn “Hội Thánh Tại Á Châu”, do Thánh Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 6 tháng 11, năm 1999.
[4] Xc Giáo Luật, số 346, khoản 2; “Quy Chế Công Nghị Giám Mục”, số 4.
[5] Công Đồng Vatican II khai mạc năm 1962 với quyết tâm canh tân Hội Thánh và đối thọai với thế giới.
[6] Xc Mt 28:19.