Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ KỳVATICAN. Sáng ngày 28-11-2014, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm Thổ Nhĩ kỳ trong 3 ngày, cho đến chiều chúa nhật 30-11 tới đây.

Cơ hội chính trong cuộc viếng thăm của ngài lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, là Giáo Hội đứng đầu trong số 15 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Vị đầu tiên là Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6, đến thăm nước này cách đây 47 năm, tức là trong hai ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1967.

Vài nét về Thổ Nhĩ kỳ
Thổ nhĩ kỳ có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam, với gần 780 ngàn cây số vuông, và hiện có 76 triệu dân cư, trong đó 98% là tín hữu Hồi giáo gồm 68% là người Sunnit và 30% là người Shiite. Giáo Hội Công Giáo chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ với 53 ngàn người, tương đương với 0,07% thuộc 7 giáo phận với 54 giáo xứ và 13 trung tâm mục vụ khác. Nhân sự mục vụ của Công Giáo tại đây chỉ có 6 GM phụ trách 3 hạt đại diện tông tòa theo lễ nghi la tinh, với sự cộng tác của 58 LM, trong số này chỉ có 6 LM giáo phận, phần còn lại 52 vị thuộc các dòng tu. Cả nước chỉ có 7 tu huynh và 54 nữ tu, 4 chủng sinh.

Cách đây 8 năm khi ĐGH Biển Đức 16 thăm Thổ nhĩ kỳ, số LM giáo phận tại đây là 13 vị, như vậy, có nghĩa là số LM tại đây trong thời gian qua bị giảm mất quá một nửa!

Theo Hiệp ước hòa bình ký ở Lausanne Thụy Sĩ hồi năm 1923, các tôn giáo thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ được bình đẳng về quyền lợi như các công dân Hồi giáo khác và được hưởng các quyền tự do lương tâm, tín ngưỡng và tư tưởng, như hiến pháp quốc gia qui định. Nhưng trong thực tế, Kitô hữu vẫn còn bị kỳ thị về nhiều mặt, Giáo Hội Công Giáo vẫn không được công nhận về mặt pháp lý, và người dân Thổ nhĩ kỳ vẫn coi Kitô giáo là đạo từ nước ngoài.

Viếng thăm lăng Ataturk

Ngày đầu tiên trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thổ Nhĩ kỳ được dành cho các nghi thức ngoại giao: viếng thăm lăng nhà lập quốc Thổ, thăm Tổng thống và chính quyền, gặp Phân bộ tôn giáo vụ.

ĐTC đã tới phi trường Ankara lúc 1 giờ trưa sau 3 giờ bay từ Roma. Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được một vị Bộ trưởng đại diện chính quyền cùng với giáo quyền địa phương tiếp đón. Liền đó ngài đến viếng lăng của Mustafa Kemal Ataturk cách đó 45 cây số. Ông là nhà sáng lập và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ kỳ từ năm 1923 đến 1938, và thường được gọi là ”Người cha già của dân tộc Thổ nhĩ kỳ”. Với chế độ Cộng hòa, Thổ Nhĩ Kỳ vĩnh biệt chế độ Vương quốc Ottoman trước kia, Hồi giáo không còn được coi là quốc giáo, Nhà Nước Thổ giữ vị thế ”đời”, trung lập đối với tôn giáo, bãi bỏ chế độ Vua Hồi giáo, thay luật Coran bằng dân luật, bỏ mẫu tự Arập và thay bằng mẫu tự la tinh.

Tại lăng Ataturk, ĐTC và đoàn tùy tùng đã được vị Chỉ Huy Trưởng binh đoàn canh giữ đón tiếp và ngài đã đặt vòng hoa màu trắng và đỏ trước mộ bằng cẩm thạch của nhà lập quốc Thổ, trước khi tiến sang sảnh đường ở nhà bên cạnh để ký tên vào sổ vàng.

Ngài viết trong sổ này: ”Tôi chân thành cầu chúc cho Thổ Nhĩ kỳ, chiếc cầu thiên nhiên nối liền giữa hai Đại Lục, không những là ngã tư đường, nhưng còn là nơi gặp gỡ, đối thoại và sống chung thanh thản giữa những con người nam nữ thiện chí thuộc mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo”.

Gặp tổng thống

Rời lăng vị lập quốc, ĐTC đã tới phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cách đó 8 cây số, nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Dinh tổng thống này mới được khánh thành cách đây 2 năm, quen gọi là Dinh Thự trắng, thay thế phủ tổng thống cũ. Dinh mới này có 1 ngàn căn phòng, và có một Đền thờ Hồi giáo có thể chứa được 5 ngàn tín hữu.
Có nhiều người phê bình việc xây phủ Tổng thống nguy nga như vậy, trên một diện tích hơn 300 ngàn mét vuông, hơn cả Tòa Bạch Cung của Mỹ, điệm Kremli của Nga hoặc điện Buckingham của Anh quốc. Chi phí xây tòa nhà này lên tới 350 triệu Euro. Có những người xin ĐGH đừng đến đó, nhưng Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết lời yêu cầu này không để nhận được theo nghi thức ngoại giao quốc tế: vị quốc khách phải chấp nhận nơi mình được tiếp đón.

Tại Phủ tổng thống lúc quá 2 giờ rưỡi chiều hôm qua, giờ địa phương, đã diễn ra nghi thúc đón tiếp chính thức, với các kỵ, đoàn quân danh dự và quốc ca, và sự giới thiệu hai phái đoàn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm nay 60 tuổi, đón tiếp ĐTC tại cổng vào dinh. Ông nguyên là thị trưởng thành Istanbul rồi làm thủ tướng trong 11 năm trời, trước khi được bầu tổng thống ngày 28-8 năm nay.

ĐTC và tổng thống đã giới thiệu hai phái đoàn liên hệ, trước khi hội kiến riêng trong dinh, rồi tiến ra sảnh đường trước sự hiện diện của đông đảo các giới chức chính quyền Thổ Nhĩ kỳ và ngoại giao đoàn.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng Thống Erdogan, ĐTC nhắc đến vẻ đẹp, lịch sử phong phú, đầy những vết tích văn minh, và là chiếc cầu tự nhiên nối liền hai đại lục Âu Á, cũng như là phần đất quí giá đối với lịch sử Kitô giáo, ĐTC đề cao sức sinh động, sự cần cù và quảng đại của dân tộc Thổ Nhĩ kỳ hiện nay. Ngài cũng nói rằng:
”Thật là một lý do vui mừng đối với tôi được cơ hội tiếp tục với quí vị một cuộc đối thoại thân hữu, quí chuộng và tôn trọng, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, chân phước Phaolô 6, thánh Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, cuộc đối thoại đã được chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi nhờ hoạt động của vị Khâm Sứ Tòa Thánh bấy giờ là ĐGM Angelo Giuseppe Roncalli, nay là thánh Gioan 23, và nhờ Công đồng chung Vatican 2.

Chúng ta cần một cuộc đối thoại đào sâu sự hiểu biết và với sự phân định, đề cao giá trị của bao nhiêu điều chúng ta có chung với nhau, và đồng thời giúp chúng ta cứu xét những khác biệt, với tâm hồn khôn ngoan và thanh thản, để có thể rút ra những bài học từ đó.

Cần kiên nhẫn tiếp tục thi hành quyết tâm kiến tạo một nền hòa bình vững chắc, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản gắn liền với phẩm giá con người. Nhờ con đường này, chúng ta có thể vượt thắng những thành kiến và những sợ hãi sai trái, và thay vào đó dành chỗ cho sự quý chuộng, gặp gỡ, phát triển những nghị lực tốt đẹp nhất để mưu ích cho mọi người.

Để đạt mục tiêu ấy, điều cơ bản là các công dân Hồi giáo, Do thái và Kitô giáo, – trong các qui định của luật pháp cũng như trong thực thực thi các luật ấy – được hưởng cùng những quyền và tôn trọng cùng nghĩa vụ. Như thế, họ sẽ dễ dàng nhận ra mình là anh chị em và là những người đồng hành, ngày càng tránh được những hiểu lầm và tạo điều kiện cho sự cộng tác và cảm thông. Tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, nếu được bảo đảm thực sự cho tất cả mọi người, thì sẽ kích thích sự triển nở tình thân hữu, trở thành một dấu chỉ hùng hồn về hòa bình.
ĐTC nói thêm rằng: ”Trung Đông, Âu Châu, thế giới đang chờ đợi sự triển nở ấy. Đặc biệt Trung Đông, từ quá lâu rồi là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh

huynh đệ tương tàn, dường như chiến tranh này sinh ra chiến tranh khác, như thể câu trả lời duy nhất cho chiến tranh và bạo lực luôn luôn phải là một cuộc chiến tranh mới và bạo lực mới.

ĐTC đặt câu hỏi:
”Trung Đông còn phải chịu đau khổ đến bao giờ nữa vì thiếu hòa bình? Chúng ta không thể cam chịu sự tiếp tục các cuộc xung đột như thể không thể có một sự cải tiến nào cho tình thế! Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể và luôn luôn phải canh tân lòng can đảm hòa bình! Thái độ này dẫn đến việc chân thành, kiên nhẫn và quyết liệt sử dụng mọi phương thế thương thuyết, và nhờ đó đạt tới những mục tiêu cụ thể hòa bình và phát triển lâu dài.

”Thưa Tổng Thống, để đạt tới mục tiêu cao cả và cấp thiết ấy, một đóng góp quan trọng có thể đến từ đối thoại liên tôn và liên văn hóa, để loại trừ mọi hình thức cực đoan và khủng bố, nó gây thương tổn trầm trọng cho phẩm giá của mỗi người và lạm dụng tôn giáo.

Cần chống lại trào lưu cuồng tín và cực đoan, những sự sợ hãi vô lý kích thích sự hiểu lầm và kỳ thị, bằng cách thực thi tình liên đới của tất cả những người có tín ngưỡng, với những cột trụ là tôn trọng sự sống con người, tự do tôn giáo, là tự do phụng tự và tự do sống theo luân lý đạo đức tôn giáo, cố gắng bảo đảm cho tất cả mọi người những gì cần thiết để sống xứng đáng, và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Các dân tộc và quốc gia ở Trung Đông đang cấp thiết cần điều này để có thể lượt ngược xu thế, và thi hành hữu hiệu một tiến trình bình định, nhờ sự loại bỏ chiến tranh và bạo lực, và theo đuổi đối thoại, công pháp và công lý.

Thực vậy, cho đến nay, rất tiếc là chúng ta còn chứng kiến những cuộc xung đột trầm trọng. Đặc biệt tại Siria và Irak, bạo lực khủng bố không có dấu hiệu suy giảm. Người ta ghi nhận có sự vi phạm các luật lệ cơ bản nhất về nhân đạo đối với các tù nhân và toàn bộ các nhóm chủng tộc; chúng ta đã và còn thấy những cuộc bách hại nặng nề chống lại các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người Kitô và Yézidi, và không phải chỉ có họ mà thôi: hàng trăm ngàn người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và quê hương của họ để thoát thân và trung thành với tín ngưỡng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, khi quảng đại đón nhận một số lớn người tị nạn, đang trực tiếp chịu hậu quả của tình trạng bi thảm này ở vùng biên giới của mình, và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ luân lý phải trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc săn sóc những người tị nạn. Cùng với sự trợ giúp nhân đạo cần thiết, ta không thể dửng dưng trước những gì gây nên những thảm trạng ấy. Trong khi tái khẳng định sự hợp pháp ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính, tôi cũng muốn nhắc nhớ rằng không thể ủy thác việc giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự mà thôi.

Cần có sự dấn thân chung mạnh mẽ, dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, là cho hòa bình được lâu bền và sau cùng giúp dành những tài nguyên không phải cho việc võ trang, nhưng cho những cuộc chiến thực sự xứng đáng với con người: cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, để phát triển dài hạn và bảo tồn thiên nhiên, cứu giúp bao nhiêu hình thức nghèo đói và bị loại bỏ vẫn còn trong thế giới tân tiến ngày nay.

Do lịch sử của mình và do vị trí địa lý, cũng như vì tầm quan trọng trong miền này, Thổ Nhĩ Kỳ có một trách nhiệm lớn: những chọn lựa và gương của nước này có một giá trị đặc biệt và có thể là trợ lực lớn để tạo điều kiện cho một gặp gỡ giữa các nền văn minh và tìm ra những con đường hòa bình và tiến bộ có thể thực hiện được.
Xin Đấng Tối Cao chúc lành và bảo vệ Thổ Nhĩ kỳ và giúp đất nước này là người xây dựng hòa bình hữu hiệu và đầy xác tín!

Gặp chủ tịch cơ quan lãnh đạo Hồi giáo

Sau bài diễn văn, ĐTC còn gặp thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng tại Phủ tổng thống, rồi ngài đến trụ sở của phân bộ tôn giáo vụ gọi là Diyanet cách đó 10 cây số để hội kiến với giáo sư Mehmet Gormez chủ tịch của cơ quan này. Đây là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ nhĩ kỳ và do chính phủ bổ nhiệm. Phân bộ tôn giáo vụ có quyền tài phán trên tất cả các Hội đường Hồi giáo trên toàn quốc và giám sát để việc giải thích kinh Coran được phù hợp với đường hướng của Nhà Nước.

Mặc dù Thổ nhĩ kỳ có đại đa số dân là tín hữu Hồi giáo, nhưng Hồi giáo không còn là quốc giáo kể từ năm 1923.
Tại trụ sở Phân bộ Tôn giáo vụ, ĐTC đã được giáo sư Gormez cùng với hai đại Mufti của cộng đoàn hồi giáo ở thủ đô Ankara và thành Istanbul đón tiếp và hội kiến cùng với các Hồng y thuộc đoàn tùy tùng và giới báo chí quốc tế.
Giáo Sư Gormez năm nay 55 tuổi (1959), tốt nghiệp Hồi giáo học tại Đại học Ankara và giảng dạy tại đại học Hacettep trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ này cách đây 4 năm. Từ khi giữ chức vụ này, nhiều lần ông lên tiếng tố giác trào lưu ghét bỏ Hồi giáo tại các nước tây phương, cả những vụ tấn công các Đền thờ Hồi giáo, như thường xảy ra ở Cộng hòa Liên bang Đức, nơi có hơn 4 triệu người gốc Thổ nhĩ kỳ sinh sống. Hồi tháng 9 năm nay, ông đã lên tiếng cho rằng ĐGH chưa làm đủ để bênh vực Hồi giáo trước làn sóng ghét bỏ và giải thích sai lầm về Hồi giáo.

Sau khi hội kiến, ĐTC và ông Chủ tịch Gormez đã tiến sang sảnh đường trước sự hiện diện của giới báo chí quốc tế.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông Gormez, ĐTC nhắc đến những quan hệ tốt đẹp và cuộc đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và ngài gọi đây là một sứ điệp rõ ràng gửi đến các cộng đồng liên hệ, nói lên rằng sự tôn trọng lẫn nhau và tình thân hữu là điều có thể, mặc dù có những khác biệt. Đó là sứ điệp có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng trong thời đại khủng hoảng như ngày nay, tại một số vùng trên thế giới cuộc khủng hoảng ấy trở thành những thảm trạng thực sự cho toàn thể dân chúng. Chiến tranh, những căng thẳng và xung đột giữa các chủng tộc và tôn giáo; đói nghèo đang đè nặng trên hằng triệu người; chúng tạo nên những thiệt hại cho môi trường thiên nhiên, cho không khí, nước, và đất. Tình trạng tại Trung Đông thực là bi thảm, nhất là tại Irak và Siria. Vì một nhóm cực đoan và duy căn, toàn bộ các cộng đoàn, nhất là các tín hữu Kitô và người Yézidi, và không phải chỉ họ mà thôi, đã phải bỏ mọi sự để thoát thân và khỏi chối bỏ đức tin. Bạo lực cũng giáng xuống trên các nơi thánh, các đền đài, các biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác.
ĐTC nhận xét rằng trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có nghĩa vụ tố giác mọi vi phạm phẩm giá và các quyền con người. Sự sống con người, là hồng ân của Thiên Chúa Tạo Hóa, có tính chất thánh thiêng. Bạo lực dùng tôn giáo để biện minh cho hành động của mình là điều đáng bị lên án quyết liệt, vì Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa của sự sống và hòa bình. Thế giới đang chờ đợi nơi tất cả những người tôn thờ Chúa, mong họ trở thành những người hòa bình, có khả năng sống với nhau như anh chị em, mặc dù có những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa hoặc ý thức hệ.

Cần làm việc chung để tìm ra những giải pháp thích hợp. Điều này đòi có sự cộng tác của tất cả mọi phía: chính quyền, các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các đại diện của xã hội dân sự, và mọi người nam nữ thiện chí. Đặc biệt các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo. Là tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta mang theo những kho tàng tinh thần vô giá, trong đó chúng ta nhận ra những yếu tố chung, tuy được sống theo những truyền thống riêng: đó là sự tôn thờ Thiên Chúa từ bi, sự tham chiếu tổ phụ Abraham, việc cầu nguyện, làm phúc, chay tịnh – đó là những yếu tố nếu được sống chân thành, thì có thể biến đổi cuộc sống và mang lại một nền tảng vững chắc cho phẩm giá và tình huynh đệ của con người.

Sự kiện cùng nhau nhìn nhận tính chất thánh thiêng của nhân vị cũng hỗ trợ sự cảm thông chung, tình liên đới và sự trợ giúp thực sự dành cho những người đau khổ.

Sau cùng, ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng đối với những gì dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, dù là người Hồi giáo hay Kitô giáo, đang làm cho hàng trăm ngàn người tị nạn rời bỏ quê hương họ vì chiến tranh. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì những quan hệ tốt đẹp và sự cộng tác giữa Phân bộ Tôn giáo Diyanet và Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, như một dấu chỉ sự đối thoại chân thành để mưu ích cho tất cả mọi người, là dấu chỉ hy vọng cho một thế giới đang rất cần hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Để lại một bình luận