– Cha Giuse NSĐ: Vâng, chúng tôi rất hân hạnh.
Thưa Cha, cha có thể cho biết ý nghĩa của tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà Giáo Hội kính nhớ vào ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi?
– Cha Giuse NSĐ: Tôi xin phép xác định, tước hiệu của Tỉnh dòng là “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”, chứ không phải Nữ Vương của riêng các Thánh Tử đạo Việt Nam. Có thêm chữ Việt Nam trong tước hiệu vì Tỉnh dòng ở Việt Nam.
Chị biết rằng các tu sĩ Đa Minh đã đến Việt Nam để rao giảng Tin Mừng từ hơn 400 năm nay rồi. Và các tu sĩ Đa Minh đã đồng hành với Giáo Hội tại Việt Nam trải qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt thời tử đạo. Đã có 38 vị thuộc gia đình Đa Minh Việt Nam được phong thánh trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Vì thế, có thể nói tỉnh dòng được sinh ra từ dòng máu các thánh tử đạo. Do đó, khi được thành lập năm 1967, tỉnh dòng đã nhận tước hiệu là “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”, để muốn noi gương các vị Tử đạo, nhất là noi gương đức Mẹ Maria trên con đường bước theo đức Giêsu cho đến lúc can trường đứng dưới chân thập giá, mẫu gương mà Giáo Hội kính nhớ ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
Được biết mới đây có tuần tĩnh tâm hằng năm của toàn tỉnh dòng, xin Cha cho biết chủ đề được chia sẻ và một số nét đặc biệt trong cuộc gặp gỡ này?
– Cha Giuse NSĐ: Cám ơn Chị đã nghĩ rằng chúng tôi có tuần tĩnh tâm chung hằng năm cho toàn tỉnh dòng. Thực sự chúng tôi cũng mong như vậy, nhưng việc tổ chức không đơn giản, cơ sở chúng tôi cũng còn giới hạn, anh em trong tỉnh dòng lại có nhiều công việc mục vụ, nên hiện nay chúng tôi chỉ có thể tổ chức tĩnh tâm chung hai năm một lần, nghĩa là một năm tĩnh tâm cấp cộng đoàn tu viện, một năm cấp tỉnh dòng.
Xin Cha nói qua về tình hình chung của tỉnh dòng Đa Minh về việc phục vụ tại các tu viện, tu xá, cộng đoàn, giáo điểm hiện nay trên đất nước Việt Nam ?
– Cha Giuse NSĐ: Thưa Chị, con số tu sĩ của tỉnh dòng Đa Minh tại Việt Nam hiện nay là hơn 300, kể cả gần 100 anh em trong thời gian thụ huấn. Có lẽ cũng giống trường hợp nhiều hội dòng khác, chúng tôi cũng đang tìm kiếm cách thức phù hợp để thi hành sứ vụ phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam. Một cách chung, chúng tôi hoạt động trong ba lãnh vực chính. Một là lãnh vực giáo dục, dạy học trong các Học viện Triết học – Thần học và Chủng viện; Hai là đảm nhận mục vụ tại các giáo xứ; Ba là đồng hành với các hội đoàn, đặc biệt là Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh với con số hơn một trăm ngàn hội viên.
Hướng đi mà Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đang dự định là gì ạ ?
– Cha Giuse NSĐ: Đặc sủng của dòng Đa Minh trong Giáo Hội là giảng Lời Chúa để phục vụ ơn cứu độ các linh hồn, đó là hướng đi của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn có cơ hội để thực thi đặc sủng đó, và chúng tôi mong muốn mình có đủ khả năng và sáng kiến để phục vụ trong lãnh vực đó.
Thưa Cha, khó khăn và thuận lợi trong việc thi hành sứ vụ của linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh hiện nay là gì ạ?
– Cha Giuse NSĐ: Như tôi vừa nói, đặc sủng giảng thuyết đặt chúng tôi trước đòi hỏi phải trung thành với Lời Chúa, với các giá trị của Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong bài giảng ngày lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc, rằng chúng ta dễ bị cám dỗ làm nhẹ các đòi hỏi của Tin Mừng để thích ứng với suy nghĩ và cách sống của con người thời đại ! Làm sao để lối sống của mình không phương hại đến tính khả tín của lời giảng. Thiết tưởng đó là khó khăn nhất trong sứ vụ của chúng tôi. Về mặt thuận lợi thì chúng tôi phải tạ ơn Chúa vì sự cộng tác của rất nhiều anh chị em. Trước tiên là phải kể đến các ơn gọi trẻ tiếp tục sứ vụ của Dòng, thứ đến là anh chị em trong gia đình Đa Minh Việt Nam, và rất nhiều ân nhân cách này cách khác đang giúp chúng tôi thi hành sứ vụ.
Tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, hằng năm đều có thánh lễ truyền chức linh mục; đây là niềm vui chung của Tỉnh Dòng cũng như của Giáo Hội địa phương, xin Cha cho biết về tình hình ơn gọi dòng Đa Minh hiện nay?
– Cha Giuse NSĐ: Đúng như Chị nói, hằng năm chúng tôi có niềm vui lớn là một số anh em được lãnh tác vụ linh mục. Ngoài ơn Chúa, thì đây là thành quả của nỗ lực cá nhân các tiến chức, và còn do sự cộng tác của nhiều người. Trong đó phải kể đến gia đình các tiến chức và quý ân nhân. Tôi xin được mượn cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai đã giúp đỡ chúng tôi trong việc đạo tạo các tu sĩ đó.
Về tình hình ơn gọi trong tỉnh dòng, thì hiện nay chúng tôi nhận ứng sinh sau khi tốt nghiệp đại học. Các em sẽ trải qua hai năm ở Thỉnh viện, một năm ở Tập viện, sáu năm ở Học viện cùng với hai năm thực tập trong giai đoạn Học viện, tổng cộng khoảng 11 năm. Chúng tôi rất vui vì có nhiều anh em đến chia sẻ sứ vụ với chúng tôi. Và cho dù có những khó khăn, rất nhiều anh em vẫn trung thành với ơn gọi Đa Minh. Chúng tôi tạ ơn Chúa.
Xin Cha chia sẻ một chút tâm tư của mình khi ở trong cương vị Bề trên Giám tỉnh ?
– Cha Giuse NSĐ: Tôi xin trình bày hai ý. Một là việc lắng nghe tiếng nói của anh em. Theo thể chế của dòng Đa Minh, bề trên là người thực thi những quyết định của cộng đoàn. Do đó, mong muốn của tôi là làm sao để anh em có cơ hội để trình bày ý kiến của họ, làm sao tôi nghe được tiếng nói của họ, và hiểu được ý của họ. Điều này lúc trước tôi tưởng là đơn giản, nhưng càng ngày càng nhận thấy đó là một công việc không chỉ thuần có tính cách kỹ thuật và nghệ thuật, nhưng còn phải dựa trên nền tảng tu đức và hoán cải. Thứ hai, qua việc lắng nghe anh em tôi cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người một cách rất tuyệt vời. Tôi nhớ có một nữ phóng viên người Bỉ phỏng vấn cha Timothy Radcliffe, nguyên bề trên tổng quyền dòng Đa Minh, rằng khi làm bề trên Tổng quyền, thì hình ảnh về Thiên Chúa nơi Cha có thay đổi không ? Tôi nghĩ chức vị nào thì cũng phải là người cộng tác với Thiên Chúa để phục vụ anh chị em được uỷ thác cho mình. Đối với bản thân tôi, khi nhận ra ân sủng của Thiên Chúa đang tác động nơi anh em, thì mình càng cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa trong lịch sử con người một cách thâm sâu hơn.
Xin chân thành cảm ơn cha. Xin kính chúc cha nhiều sức khỏe để hoàn thành sứ vụ tại Tỉnh Dòng.