Hãy trở nên những môn đệ truyền giáo

Hãy trở nên những môn đệ truyền giáo

Xh 17,3-7; Tv 94; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Thưa quý vị,

Hãy trở nên những môn đệ truyền giáoTôi không nghĩ rằng các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay phản ứng tích cực như thế. Tin Mừng theo thánh Gioan vốn giàu tính biểu tượng, và đoạn Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Sau đây là một thí dụ về nội dung biểu tượng của thánh Gioan: Các môn đệ đi mua thức ăn. Các ông đang suy nghĩ ở mức độ vật chất; các ông sẽ mua những thứ được cho là cần thiết. Mỗi khi xem trọng lương thực, thì các ông sẽ bỏ lỡ thực tại sâu xa về những điều Đức Giêsu phải ban cho các ông. Khi mua thức ăn trở về và trông thấy Đức Giêsu đang trò chuyện với một phụ nữ, các môn đệ tỏ ra ngạc nhiên, nhưng rồi họ vẫn im lặng.

Sau khi người phụ nữ trở về thành, các môn đệ đã trao cho Đức Giêsu lương thực họ mới mang về. Lúc đó Đức Giêsu cho các ông biết Người đã chuẩn bị một thứ lương thực khác: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. Các ông không hiểu và tiếp tục im lặng. Các ông không hiểu Đức Giêsu đang muốn nói về điều gì.

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, im lặng không phải là cách tốt nhất để đạt tới sự hiểu biết sâu sắc. Trong Tin Mừng, có những cuộc đối thoại mang tính trao đổi khá dài, và những ai dấn thân vào cuộc đối thoại với Đức Giêsu thì họ đều tin vào Người – chẳng hạn anh mù được Đức Giêsu chữa lành (9,1-40), khi kết thúc cuộc đối thoại, anh ta tuyên xưng với Người rằng: “Thưa Ngài, tôi tin”.

Đang khi các môn đệ im lặng, thì người phụ nữ Samari lại bị cuốn hút vào cuộc trò chuyện với Đức Giêsu đến nỗi chị không thể bỏ đi, dù biết rằng Đức Giêsu là người Do thái, còn chị là người Samari; Người là đàn ông, còn chị là phụ nữ. Những yếu tố này lẽ ra sẽ ngăn cản mọi cuộc trao đổi công khai giữa Đức Giêsu và người phụ nữ. Nhưng người phụ nữ kia mở lòng đón nhận sự thật, bất kể sự thật có nguồn gốc từ đâu. Kết quả của cuộc trò chuyện là chị tin vào Đức Giêsu. Thậm chí chị còn giới thiệu cho nhiều người khác tin nữa. Người phụ nữ để vò nước lại*, rồi trở về với cộng đồng nơi chị sinh sống và làm chứng cho họ biết chị đã gặp Đức Kitô. Ban đầu chị hồ nghi, rồi chất vấn nhiều điều, nhưng khi nghe những câu trả lời của Đức Giêsu, chị liền trở thành người truyền giáo cho dân tộc của mình.

Người phụ nữ Samari nhắc nhớ cho những ai còn hồ nghi, hay đang nỗ lực để tin, hãy tiếp tục trò chuyện với Đức Kitô. Chị đi tìm nước thể lý và chị đã gặp được “nước hằng sống” là chính Đức Giêsu, Đấng làm cho chị hết khát về mặt thiêng liêng. Nước thể lý mà chị đang kiếm tìm chỉ có thể giúp chị hết khát trong một ngày; còn “nước hằng sống” mà Đức Giêsu ban cho sẽ giúp chị không còn khát nữa và đem lại cho chị sự sống đời đời.

Lương thực Đức Giêsu nói rằng mình đã dùng là loại lương thực nào vậy? Người được nuôi dưỡng bởi lương thực này là: thi hành ý muốn của Thiên Chúa và những ai tin vào Người. Trong câu truyện này, người phụ nữ và những người Samari* đều là lương thực của Người. Bạn có bao giờ để ý cảm giác hài lòng và hân hoan của những tình nguyện viên, bất chấp phải mất nhiều thời gian và công sức cho một dự án trong giáo xứ của họ hoặc của một cơ quan từ thiện hay chưa? Ắt hẳn quý vị nhận ra một điều rằng, có ai đó đang cho họ ăn một loại lương thực mà những người khác không có. Và trong một chừng mực nào đó, thức ăn này xem ra còn vừa ý hơn nhiều so với thức ăn mà họ đã bỏ lỡ khi đang phải lo cho việc tông đồ.

Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) của Đức Thánh cha Phanxicô nhắc nhớ mọi người đã được rửa tội rằng: giống như người phụ nữ kia, chúng ta là một dân tộc “hành hương và truyền giáo”. Ân sủng Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Đức Kitô và hiện nay cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta phải là những người truyền giáo (số 111). Đức Thánh cha gọi Dân Thiên Chúa là “những môn đệ truyền giáo”– “Bất kể vị thế của họ trong Hội Thánh là gì và trình độ giáo dục đức tin của họ như thế nào, họ đều là những cộng sự viên của việc rao giảng Tin Mừng… Việc Tân Phúc Âm hóa mời gọi sự dấn thân mang tính cá vị của từng người đã được rửa tội”(số 120).

Tất nhiên chúng ta cần một sự giáo dục và đào tạo đức tin tốt hơn. Tuy vậy, lý do này cũng có thể là nguyên cớ khiến chúng ta hoãn lại trách nhiệm chia sẻ niềm tin với tha nhân. “Giai đoạn đào tạo” của người phụ nữ Samari bắt đầu từ lúc chị gặp gỡ “diện đối diện” với Đức Giêsu; chị nêu lên những thắc mắc, rồi lắng nghe Người giải đáp. Đang khi người phụ nữ háo hức trò chuyện với Đức Kitô, thì các môn đệ chỉ là những khán giả. Đức Thánh cha khuyên nhủ chúng ta, “những môn đệ truyền giáo” hãy làm đều người phụ nữ đã làm, đó là: lắng nghe Lời Chúa và tìm những dịp thuận tiện để chia sẻ Lời đó với tha nhân.

Mỗi chúng ta có thể tìm ra những cách thức để trở thành những nhà truyền giáo. Người phụ nữ kia đã không thu dọn hành trang, và cũng chẳng đi theo Đức Giêsu. Chị chỉ trở về cộng đồng để chia sẻ những gì đã xảy ra cho chị trong cuộc trao đổi với Đức Giêsu. Thế rồi chị tránh sang một bên và để cho dân trong thành có thời gian gặp gỡ Đức Kitô. Sau đó, những người Samari này đã nói về kinh nghiệm gặp gỡ của họ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

“Chính chúng tôi đã nghe”. Người phụ nữ kia rao giảng Tin Mừng bằng việc chia sẻ niềm tin của chị. Tuy nhiên, những người khác phải đến với Đức Kitô thì mới có được kinh nghiệm cá nhân. Đức tin không bắt đầu bằng một mớ giáo lý, nhưng bằng cuộc gặp gỡ “diện đối diện” với Đức Kitô.

Nên lưu ý rằng người phụ nữ kia đã nói về Đức Giêsu cho những người thân cận nhất. Vào ngày Chúa Nhật trước mùa Chay, một người bạn của tôi đã nghe bài giảng về việc tuân giữ chay tịnh. Cha xứ nói rằng: “Có lẽ nhiều người trong chúng ta cho rằng việc thôi dùng sôcôla, rượu hay món tráng miệng là việc hy sinh mùa Chay”. Ngài nói tiếp: “Có ai biết được rằng dù chúng ta giảm một vài cân, nhưng ngay khi mùa Chay kết thúc, chúng ta sẽ lại tiếp tục dùng sôcôla, rượu và món tráng miệng y như trước”. Thế rồi cha xứ đã trích dẫn lá thư mà ngài đã đưa lên bảng thông tin Chúa nhật hôm đó với tựa đề: một cách thức ăn chay khác.

Đây là một số lời khuyên của cha xứ về việc kiêng khem trong suốt mùa Chay. “Chay sự giận dữ, thực thi lòng nhân ái. Chay những hận thù, thực thi lòng khoan dung. Chay việc báo thù, cầu nguyện cho kẻ thù…” Sau Thánh Lễ, bạn tôi đi dùng bữa lỡ với một vài người bạn. Họ nói về những gì họ sẽ từ bỏ trong mùa Chay – hầu hết trong số họ đều không phải là những người năng tới nhà thờ, nhưng dù sao họ quyết định không dùng những thứ như sôcôla, rượu và món tráng miệng. Chị nhận xét rằng dường như họ đang bàn luận về Hội những người giảm cân, chứ không phải đề cập đến mùa Chay. Bạn tôi rút ra từ túi xách tay một danh mục các việc ăn kiêng cha xứ đề nghị và nói: “Đây là những điều mà hôm nay khi ở nhà thờ, cha xứ tôi đã gợi ý thực hiện cho mùa Chay. Một ngày nào đó khi mùa Chay qua đi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thực hiện những việc ăn chay như thế này”. Thế rồi cô ấy đọc những lời đề nghị từ bản thông tin giáo xứ, và tất cả cùng trao đổi với nhau. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh cha Phanxicô sẽ gọi bạn tôi là một “môn đệ truyền giáo”.

Bạn tôi và chúng ta nữa, những người được rửa bằng “nước hằng sống” đều trải qua kinh nghiệm mà chúng ta có được tại bờ giếng và chia sẻ kinh nghiệm ấy với tha nhân. Một số người nói rằng họ cảm thấy rụt rè, sợ sệt hoặc không hiểu biết gì khi nói về “tôn giáo”. Đức Thánh cha Phanxicô khuyên chúng ta rằng vấn đề không bắt đầu bằng “tôn giáo”, nhưng bằng cuộc gặp gỡ cá nhân chúng ta với Đức Kitô. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình, vì Đức Giêsu bảo đảm “nước hằng sống” Người ban cho sẽ ở lại với chúng ta, và trở thành “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”, nhưng chỉ khi chúng ta khao khát nước đó.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.



Đây là một trong những hành vi biểu tượng khác của thánh Gioan.

Những người được bà ta giới thiệu đến gặp Đức Giêsu.

Để lại một bình luận