Tiêu chuẩn sống đạo
Cuộc sống của con người luôn bị chi phối bởi những tiêu chuẩn do xã hội đề ra. Xã hội càng văn minh tiến bộ, tiêu chuẩn lại càng được nâng cao.
Khi nói tới đề-ra-tiêu-chuẩn, không ai có thể phủ nhận rằng, đó là một việc làm hữu ích; hữu ích ở việc, về phương diện con người, chính là, nhờ đó, nó tạo cho con người sự cố gắng, lòng kiên trì và đức tính nhẫn nại để vượt qua những tiêu chuẩn đã đề ra.
Ví dụ, muốn đạt được tấm bằng tú tài, một tiêu chuẩn cần có để vào đại học, một người học sinh phải trải qua bảy năm học, nhiều kỳ thi, nếu không cố gắng học hành, làm sao người học sinh đó đạt được tiêu chuẩn mình mong muốn.
Đối với xã hội, nó hữu ích ở chỗ, tạo cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn, phong phú hơn, hạnh phúc hơn.
Ví dụ, năm ngoái, về phương tiện đi lại, hạnh phúc thay khi ta có một chiếc xe đạp, nhưng đối với năm nay, sẽ là hạnh phúc hơn nữa, nếu ta đạt được tiêu chuẩn đã đề ra, đó là một chiếc “giấc mơ”.
Chỉ tiếc rằng, không ít người, chỉ vì muốn đạt cho bằng được những tiêu chuẩn do chính mình hay do xã hội đề ra, họ lại đánh mất đi một thứ tiêu chuẩn khác, đó là “tiêu chuẩn đạo đức”.
Thật vậy, xã hội hôm nay, có thể nói rằng, mọi thứ tiêu chuẩn liên quan đến cuộc sống của con người đều được “nâng cấp”. Thế nhưng, khi nói tới “tiêu chuẩn đạo đức” thì, than ôi! nó lại “xuống cấp trầm trọng”. Tại sao lại vậy? Phải chăng là vì xã hội hôm nay, con người hôm nay, phớt lờ sự hiện hữu của Thiên Chúa? Phải chăng là vì con người hôm nay chỉ nghĩ đến “cái tôi” của mình, mà quên rằng, “ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn”?
Xin thưa, đúng vậy. Trải theo dòng lịch sử, khi con người chối bỏ Thiên Chúa, tiêu chuẩn đạo đức của con người lập tức suy thoái nghiêm trọng. Câu chuyện về nguyên tổ Adam và Eva là một minh chứng rõ ràng.
Khi hai ông bà phớt lờ sự hiện hữu của Thiên Chúa và tin vào lời phỉnh gạt của Satan, bài học đạo đức về tình yêu giữa con người với con người đã bị Adam giảm xuống nhiều cấp. Trước đây, ông nhìn Eva như thể “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, thì sau đó, ông xem nàng Eva như là một gánh nặng mà Thiên Chúa đã dúi vào tay ông, “cho ở với ông”…
Tiêu chuẩn đạo đức xuống cấp, hệ quả là, “người với người là chó sói”. Câu chuyện Cain đã trở thành “người sói” và đã nhảy tới vồ giết Abel em mình chính là minh chứng thứ hai.
Sau cái án mạng đó, tiêu chuẩn đạo đức của con người ngày càng suy thoái, suy thoái đến độ, theo lời kể lại trong Sách Thánh “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày” (St 6, 5)
Thế nhưng, như lời Kinh Thánh có nói: “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8). Người không muốn con người phải hư mất. Từ đời nọ đến đời kia, Thiên Chúa vẫn “để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người”.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã chọn một người tên là Môse. Qua Môse, Người đã tái lập lại tiêu chuẩn đạo đức cho con người qua việc trao cho ông “Mười Điều Răn”. Mười-điều-răn như là những tiêu chuẩn căn bản cho sự đạo đức mà con người cần có, không chỉ cần có với Thiên Chúa, mà cũng cần có với tha nhân.
Đáng tiếc thay! Mười Điều Răn Thiên Chúa ban cho, đến thời hậu Môse, đã bị nhóm những ông kẹ kinh sư và Pha-ri-sêu thêm mắm thêm muối, vẽ rồng vẽ rắn. Chính vì thế, những tiêu chuẩn đạo đức trở nên mơ hồ, xuống cấp, tệ hơn nữa, nó trở thành “gánh nặng” cho con người.
**
Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, để chấn hưng lại những tiêu chuẩn đạo đức đã bị hoen mờ xuống cấp, sau một bài giảng lừng danh, trước một rừng người vây quanh, Đức Giêsu lớn tiếng tuyên bố với mọi người, rằng “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môse… Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.
Kiện toàn lề luật, theo quan niệm của Đức Giê-su, không phải là bỏ “một chấm một phết trong lề luật”, nhưng là phải vượt lên những định kiến cổ hũ, và nhất là phải “tuân hành và dạy (mọi người) làm như thế”. (x.Mt 5, …19).
Hôm đó, với thẩm-quyền-Con-Trời, Đức Giê-su đã vượt lên những định kiến cổ hũ đó.
Nếu tiêu chuẩn đạo đức người xưa dạy: “Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà”. Thì hôm nay, với Đức Giê-su, Ngài nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (x.Mt 5, 21-22).
Nếu tiêu chuẩn đạo đức người xưa dạy: “Chớ ngoại tình”. Thì hôm nay, Đức Giê-su tuyên bố: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết; ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (x.Mt 5, 28).
***
Với những lời tuyên phán nêu trên, đừng nghĩ rằng, Đức Giê-su khiến cho tiêu chuẩn đạo đức trở nên khắt khe hơn. Tại sao? Thưa, là bởi, miệng và mắt là hai giác quan dễ dàng phạm tội hơn cả. Và như người xưa có nói: “Cái miệng hại cái thân”. Còn đôi mắt, vâng, đôi mắt chính là “tiền đồn” để ngăn cản hoặc đón tiếp những gì là tốt đẹp hoặc xấu xa vào tâm hồn mình.
Với đôi mắt, đừng quên bài học của bà Eva. Đôi mắt bà đã “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”… “Thấy và trông” để rồi “bà hái trái cây mà ăn…” Và kết quả là: Ôi! Lạy Chúa! “Con rắn… con rắn đã lừa con”…
Cũng với đôi mắt, bài học Vua David đã “chiếu tướng” một người đàn bà đang tắm, chắc hẳn vẫn còn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay!
Vâng, lại là “thấy”. Chuyện kể tiếp rằng: “Vua David sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm-với-nàng…”. Và tệ thật nàng-có-thai!!!…
Chính vì thế, đừng ngạc nhiên khi Chúa Giê-su đưa ra lời phán truyền mạnh mẽ, rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5, 29).
Còn “cái miệng” ư! Kinh Thánh chép rằng: “Phúc thay kẻ không ăn nói lỡ lầm”. Không ăn nói lỡ lầm thì sẽ “không vấp ngã về lời nói”, không vấp ngã về lời nói, “ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân” (Gc 3,2).
****
Sẽ là thiếu xót nếu chúng ta không nhắc đến bốn tiêu chuẩn đạo đức kế tiếp đã được Đức Giêsu công bố. Bốn tiêu chuẩn đó là: đừng ly dị, đừng thề thốt, chớ trả thù và cuối cùng là phải yêu kẻ thù.
Đã có không ít người cho rằng, làm thế nào để kiện toàn những tiêu chuẩn đạo đức này? Xin thưa, trước hết là hãy có “tâm tình yêu thương”, bởi vì “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại…” (Rm 13, 10)
Đúng vậy, một khi đã “yêu người như chính mình vậy” có phần chắc, chẳng ai lại “giận anh em mình… mắng anh em mình… chửi anh em mình” (Mt 5, 22). Một khi chúng ta yêu-người-như-chính-mình-vậy, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “làm hại” anh em mình.
Cũng nằm trong sự yêu thương. Một khi mọi người đã thật sự “yêu người lân cận như chính mình” thì có ai dám qua hàng xóm láng giềng cướp của giết người!? Một khi người chồng hay người vợ thật sự yêu-thương-nhau-như-chính-mình thì làm gì có chuyện ngoại tình… “ông ăn chả – bà ăn nem”!
*****
Bây giờ, vấn đề được đặt ra không còn là khó hay dễ để thực thi những tiêu chuẩn đạo đức Chúa Giê-su đã đề ra, mà là hãy tự hỏi rằng: tôi sẽ “tiêu chuẩn hoá” những tiêu chuẩn đạo đức này trong cuộc sống thường nhật của mình?
Không… Chúa Giê-su không chờ chúng ta thực hiện những tiêu chuẩn đạo đức này mà là thế giới này, xã hội này, trong đó có gia đình chúng ta, có anh em chúng ta, có hàng xóm láng giềng chúng ta, đang chờ chúng ta thực hiện.
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu tất cả mọi người trong gia đình chúng ta mỗi người thực hiện một hoặc hai tiêu chuẩn đạo đức Chúa Giê-su đề ra, chắc chắn chúng ta sẽ được nhìn thấy, “anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.
Thực hiện được ba điều này, trước là: “đẹp lòng ĐỨC CHÚA”, và sau là chúng ta đã làm một cuộc “Tân Phúc Âm Hoá gia đình”. Một “tiêu chuẩn sống đạo” mà Giáo Hội đang cổ vũ.
petrus.tran