Bạn làm gì khi Đức Giêsu bảo: “Hãy theo tôi”?

 

BẠN LÀM GÌ KHI ĐỨC GIÊSU BẢO: “HÃY THEO TÔI”?

Is 8,23-9,3; Tv 26; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

Bạn làm gì khi Đức Giêsu bảo: "Hãy theo tôi"?Có rất nhiều yếu tố địa lý trong Kinh Thánh ngày nay. Nhưng công việc mô tả chính yếu của thánh Mátthêu không phải là của một người viết mật mã. Khi khởi sự Tin Mừng, thánh sử không có ý định phác thảo những bản đồ của vùng cận Đông cổ đại. Ngài là một tác giả Phúc Âm và có cả Tin Mừng trong biểu đồ địa lý của ngài.

Đức Giêsu khởi đầu công cuộc rao giảng ở miền Bắc, đồng thời qua việc cho chúng ta thấy địa điểm này, thánh Mátthêu đang khai triển một đề tài lớn về Tin Mừng của mình, đó là: có cả dân ngoại trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu ở trong “địa hạt Dơvulun và Náptali”, ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết nơi đây đã bị “hạ nhục”. Vương quốc phía Bắc đã bị những kẻ xâm lược Assyri trừng phạt. Hệ quả của cuộc ngoại xâm là cư dân xuất hiện nhiều dân ngoại và ngôn sứ Isaia coi họ như một dân “lần bước giữa tối tăm”.

Nếu một người đang tìm kiếm một cộng đoàn tôn giáo đáng kính và xứng đáng để cho Thiên Chúa viếng thăm, thì chúng ta sẽ phải trông chờ vào Giêrusalem ở phía Nam. Nhưng đây, Thiên Chúa lại luôn thực hiện những gì Người đã vạch ra, nên Người viếng thăm những dân không cho mình là xứng đáng, nhưng cần sự can thiệp của Thiên Chúa. Đó là những gì ngôn sứ Isaia đã hứa: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Thiên Chúa sẽ khôi phục dân tộc ngồi trong cảnh tối tăm.

Thánh Lễ của chúng ta là một lời nguyện tạ ơn. Việc lắng nghe lời hứa của vị ngôn sứ về sự khôi phục và canh tân hôm nay có thể khơi gợi những lý do để tạ ơn tại buổi lễ này, vì chúng ta sẽ nhớ lại cách thức Thiên Chúa đã chiếu sáng trên “vùng đất tăm tối” của chúng ta. Chẳng hạn, một cô bạn đã thất nghiệp 5 tháng, nay tìm được một công việc, và hiện giờ có thể nuôi hai đứa con của mình. Phương thuốc chữa trị của một người bạn khác cuối cùng đã có tác dụng và anh ta không còn phải chiến đấu với bệnh trầm cảm. Một cặp vợ chồng nọ, trước kia suýt nữa là ly dị, đã được tôi và một gia đình khuyên bảo giúp đỡ. Một thiếu niên lập đội bóng đá và có cả một nhóm bạn mới. Hôm nay, vị ngôn sứ khơi lên lời nguyện tạ ơn của chúng ta: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. …Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian”. Vì vậy, chúng ta có lý do để cử hành Thánh Lễ.

Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ trong phần đất hạng hai, nơi dân cư được coi là những người Do Thái ít thuần chủng hơn; hoặc chỉ đơn thuần là Dân ngoại. Ánh sáng của Đức Giêsu sẽ chiếu rọi vào vùng bóng tối tử thần. Ở đó, Người khởi sự công cuộc rao giảng, chữa lành bệnh tật, và Người sẽ chọn những môn đệ tiên khởi từ những kẻ bé mọn nhất. Những môn đệ được gọi đầu tiên này sẽ không có quyền đòi hỏi lễ giáo riêng, cũng như việc xứng đáng có được thân phận đặc biệt. Nhưng cũng “một ánh sáng sẽ chiếu rọi” trên các ông, và như các vị Đạo sĩ, các ông sẽ hăm hở đi theo ánh sáng đó suốt hành trình tới Giêrusalem và xa hơn nữa.

Đức Giêsu đã vừa trải qua hai sự kiện mở đầu: Người được thánh Gioan Tẩy giả làm phép rửa trong dòng sông Giođan và chịu cám dỗ trong sa mạc. Giờ đây, Người bắt đầu sứ vụ công khai của mình ở Galilê. Thánh Gioan đã bị bỏ tù và sự kiện này đã tạo nên một bầu khí căng thẳng cho Đức Giêsu, Người được thánh Gioan Tẩy giả làm phép rửa. Phải chăng Đức Giêsu cũng sợ bị bỏ tù? Đối với Người, rút lui và cân nhắc những chọn lựa của mình chẳng phải là điều khôn ngoan sao? Đang khi sự kiện chưa xảy ra ngay, thì sứ vụ của Đức Giêsu đã bị lời đe doạ tống giam làm cho lu mờ. Hình bóng cây thập giá sớm xuất hiện trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu.

Tuy nhiên, hãy nhớ lời hứa chúng ta nghe hôm nay qua ngôn sứ Isaia rằng: “Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ vụ của mình, dù chính Người phải trả giá, vì Thiên Chúa muốn giữ lời hứa, thế nên, thông qua Đức Giêsu, ánh sáng sẽ chiếu rọi vào đêm tối. Đức Giêsu đã bắt đầu khơi lên những nguồn sáng: Người rao giảng và mời gọi dân trở về với Thiên Chúa. “Hãy sám hối, vì nước Thiên Chúa đã đến gần”. Họ phải thay đổi hoàn toàn, thay vì bước theo những ánh sáng của họ, những thứ ánh sáng chỉ dẫn đưa họ ngày càng dấn sâu vào trong bóng tối. Họ phải quay về với Đức Giêsu, Người là ánh sáng và sẽ dẫn đưa họ trở về với Thiên Chúa.

Họ sẽ phải hối lỗi từ những vấn đề gì khác nữa? Thưa rằng, họ có thể hối lỗi từ những ý nghĩ, và tư tưởng xấu xa cho rằng Thiên Chúa đã bỏ mặc họ. Đức Giêsu là lời chứng thực rằng Thiên Chúa đã không bỏ mặc họ. Họ có thể hối lỗi từ tình trạng bị cô lập, tự mình loay hoay trở về với Thiên Chúa. Đức Giêsu đang mời gọi họ vào “Nước Thiên Chúa”, một cộng đoàn tương thân tương ái, nơi đó họ sẽ có những người bạn đồng hành mỗi khi biết nỗ lực tìm kiếm những đường lối của Thiên Chúa.

Đức Giêsu không đến trần gian chỉ để chết; Người đến để sống với chúng ta và trở thành bàn tay nối dài của Thiên Chúa đang vẫy chào chúng ta. Nếu Người chỉ đến để chết thì điều này đã xảy ra ngay sau khi Người mới được sinh ra. Thay vào đó, Người hoàn trọn lời Thiên Chúa đã hứa từ xa xưa thông qua các ngôn sứ, như ngôn sứ Isaia, để xua tan bóng tối và nỗi u sầu, đồng thời giúp chúng ta thoát khỏi cảnh nô lệ để được tự do, như Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Do Thái.

Mỗi tác giả Tin Mừng đều có cách diễn tả riêng về lời mời gọi của những môn đệ tiên khởi. Chẳng hạn trong bài tường thuật của thánh Mátthêu, không có mẻ cá kỳ lạ nào trước đó cả. Thay vào đó, Đức Giêsu đi dọc bờ biển Galilê, Người trông thấy hai anh em Simon và Anrê đang đánh cá và bảo với họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Họ lập tức đi theo Người.

Thánh Mátthêu đang nhấn mạnh một vấn đề. Đó là lời mời gọi trở thành môn đệ, lời mời gọi đó rốt cuộc sẽ thay đổi cuộc sống của những người này, và đã trở thành lời mời gọi đơn sơ mộc mạc. Thế họ có đáp lời không? “Họ lập tức bỏ lại chài lưới và đi theo Người”. Mặt khác, chúng ta còn vài vấn đề lưỡng lự: “Chúng tôi sẽ theo Ngài cách nào? Chúng tôi sẽ đi đâu? Mất thời gian bao lâu? Làm sao chúng tôi có thể tự nuôi sống mình?”. Ấy vậy, họ lại tín thác hoàn toàn vào một Đấng đang gửi tới lời mời gọi để đặt trọn vẹn đời sống của họ trong tay Người mà không chút ngập ngừng. Đâu là điều mà thánh Mátthêu đang mời gọi chúng ta thực hiện, không biết bao nhiêu lần, khi chúng ta hối lỗi về những thoả hiệp mà chúng ta đã gây ra trong vai trò môn đệ Đức Giêsu, và nhiều cách thức lớn nhỏ, chúng ta đã không tín thác vào Người?

Chúng ta đang ở trong Chúa Nhật thứ ba mùa Thường niên. Chúng ta gọi là “mùa thường niên”, dựa vào hạn từ “số thứ tự”, nghĩa là chúng ta đang đếm các Chúa Nhật. Nhưng trong tiếng Anh “số thứ tự” ám chỉ con người hay sự việc không đặc biệt lắm. Ai lại muốn được mời gọi trở thành một cầu thủ bóng rổ, một sinh viên hay một nhà giảng thuyết bình thường? Rất nhiều lần trong các giáo xứ nơi tôi rao giảng, có người đọc thông báo trước khi Thánh Lễ Chúa Nhật bắt đầu. Họ đưa ra lời chào vắn tắt và thông báo một vài điều đại loại như thế này: “Hôm nay là Chúa Nhật thứ ba trong mùa Thường niên”. Phải chăng gợi ý đó dành cho dân chúng sắp cử hành Thánh Lễ rằng, hôm nay “chỉ là Chúa Nhật Thường niên như các Chúa nhật khác?” Họ sẽ nghe thông báo này hoặc đọc nó trong những bản tin của họ suốt hơn 30 tuần.

Hôm ấy, các ông Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan thức dậy đi ra biển đánh cá như bao ngày khác, vì họ thường làm thế, hôm đó có lẽ giống như một “ngày bình thường”. Nhưng hôm đó, Đức Giêsu đã phá vỡ thói thường của họ và đề nghị họ theo lời mời gọi sẽ giúp họ thay đổi đời sống, và cuối cùng phá vỡ thói thường của chúng ta. Hôm nay có thể là “Chúa Nhật thứ ba trong mùa Thường niên” nhưng không có gì “bình thường” liên quan tới ngày này. Vì vào ngày này, Đức Giêsu bước vào cuộc đời chúng ta và mời gọi chúng ta lần nữa quay về với Người, và bước theo ánh sáng Người cung cấp cho mỗi chúng ta, qua việc chúng ta lắng nghe Lời, đồng thời đón nhận mình và máu hằng sống của Người trong Thánh Lễ tạ ơn này.

Cho dù chúng ta là những người tiếp tân, là nhạc sĩ, người đọc sách, người trao Mình Thánh, nhà giảng thuyết, linh lục hay phó tế thì cũng không làm cho ngày này giống như “bình thường”. Đây không phải là Chúa Nhật khác trong một chuỗi những Chúa Nhật của “mùa Thường niên”. Là những thừa tác viên phụng vụ, chúng ta phải chu toàn nhiệm vụ của mình tốt nhất, ngõ hầu chúng ta và cộng đoàn quy tụ trong sự tôn kính, sẽ nghe lại lần nữa lời mời gọi của Đức Giêsu ngỏ lời với mỗi người trong chúng ta và với toàn thể cộng đoàn rằng: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận