Hãy trở nên “ánh sáng cho muôn dân”
Is 49,3.5-6; Tv 40; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34
Lm. Jude Siciliano, op.
Kính thưa quý vị,
Hôm nay, chúng ta nghe bài thứ hai trong bốn “Bài Ca Người Tôi Tớ” từ sách ngôn sứ Isaia. Trong bài ca này, người tôi tớ được kêu gọi để trở thành “ánh sáng muôn dân”. Bài đọc hôm nay sẽ xuất hiện lại vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh, khi đó chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về sứ vụ cụ thể mà người tôi tớ đảm nhiệm. Chúng ta sẽ biết được việc quang lâm của Đức Giêsu hoàn trọn lời hứa như thế nào mà vị ngôn sứ đã tiên báo. Nhưng giờ đây, xin mời quý vị hãy dừng lại suy xét một chút: chúng ta không muốn dành bài đọc này chỉ để áp dụng cho mục đích Kitô giáo, mà quên đi vai trò cội nguồn lịch sử và yếu tố văn chương.
Như ngôn sứ Giêrêmia, người tôi tớ ý thức về ơn gọi của mình từ lòng mẹ. Sứ vụ của người tôi tớ rất cao quí, đó là “Đem nhà Jacóp về cho Thiên Chúa và qui tụ dân Israel chung quanh Người”. Và còn cao quý hơn thế nữa, người tôi tớ phải vượt ra khỏi biên giới của lãnh thổ mình để hoàn thành sứ vụ trên khắp thế giới. Nhưng làm sao để thế giới biết đến Thiên Chúa? Thưa rằng, qua ơn cứu độ ngờ vực của dân Israel. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Qua sự khôi phục nhà Israel từ những đổ nát của cuộc lưu đày, cảnh nô lệ và sự tàn phá, thế giới sẽ nhận biết Thiên Chúa của Israel. Đất nước bị đánh bại sẽ được khôi phục, không còn bị sức mạnh người phàm thống trị, nhưng chính quyền năng của Thiên Chúa thống trị. Muôn dân nước sẽ phải biết rằng chỉ Thiên Chúa của Israel mới có thể thực hiện kỳ công này.
Người tôi tớ bí ẩn này có thể là chính ngôn sứ Isaia, hoặc thậm chí toàn bộ dân Israel. Khi nghe bài đọc hôm nay, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng người tôi tớ bí ẩn đó là chính chúng ta hoặc là cả Giáo hội. Vì chính lúc này Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta. Nhưng, Thiên Chúa có dự định gì cho con người không? Thưa rằng, Thiên Chúa muốn giải thoát mọi người, đó là khi chúng ta được thoát khỏi tội lỗi và sự dữ. Lúc bấy giờ, những tôi tớ như chúng ta phải sống đúng với thân phận mình như những nô lệ được tư do. Bằng lời nói và việc làm, ơn gọi của chúng ta là phải dẫn đưa những người đang bị giam cầm về mặt thể lý, tinh thần và tâm lý đến với sự tự do.
Chẳng phải người ta thường bắt đầu câu nói bằng từ “Đây là” đó sao? Nếu muốn chúng ta chú ý đến điều gì, hoặc chú ý vào ai đó, thì họ chỉ tay và nói: “Xem kìa”. Nhưng khi muốn hướng sự chú ý của người ta tới Đức Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Ngay trước lúc hiệp lễ, chúng ta cũng nói tương tự như vậy khi linh mục đưa mình và máu thánh lên và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa…”
Sao lại nói “Đây là?” Ai nói như thế? Có lẽ ông Gioan hiểu về Đức Giêsu nhiều hơn là chứng kiến tận mắt qua những cuộc gặp gỡ đầu tiên; ông hiểu nhiều hơn về một Đức Giêsu, Đấng như một con người đang tiến đến. Dường như ông Gioan không chỉ nhận ra Đấng đang đến, mà còn thấy cả tầm quan trọng của Vị đó. Vì thế, ông Gioan nhận ra và công bố cho chúng ta rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa…”
Những người hy vọng Đấng Mêsia thì không mong chờ một con chiên nào. Họ mong muốn một vị vua. Họ không mong muốn một biểu hiện hay dấu vết nào của sự yếu đuối; họ muốn có một đấng cai trị đầy quyền năng để giải thoát họ khỏi gót chân của những kẻ áp bức. Họ muốn lễ Vượt Qua nào khác để thoát khỏi ách nô lệ; chứ không phải con chiên Vượt Qua chịu hiến tế. Nhưng ông Gioan lại chỉ cho họ một điều gì đó khác đối với họ: “Này đây, các ngươi muốn bàn tay của Thiên Chúa; nhưng đây là Chiên Thiên Chúa. Đây, các ngươi muốn một vị tướng lĩnh đạo binh đến để đập tan quân thù; nhưng đây là Con Chiên thể hiện quyền năng Thiên Chúa trong sự yếu đuối. Đây, các ngươi muốn chiến thắng; nhưng trước hết sẽ là sự chiến bại, vì Chiên Thiên Chúa sẽ chịu hiến tế”.
Có thể chúng ta không đặt kinh nghiệm niềm tin của mình như cách ông Gioan thực hiện là “Này đây!” Nhưng chúng ta có thể nói: “Kinh ngạc thay!” Cách người ta kêu lên ở bữa tiệc thật bất ngờ – trong trường hợp này, bữa tiệc bất ngờ được Thiên Chúa bày ra. Chúng ta nghĩ rằng mình biết về Thiên Chúa. Chúng ta chờ đợi lối vào của Thiên Chúa như vụ nổ lớn (big-bang) trong cuộc đời. Thay vào đó, Thiên Chúa đến trong cách thức bất bạo động, như một con chiên hiền lành. Nhưng Con Chiên sẽ chiếm được tâm hồn chúng ta và chiếm được cả thế giới mà chúng ta không bao giờ giành được; cũng chẳng có quyền lực mạnh mẽ nào trên trái đất này có thể chiêu mộ được. Thật ngạc nhiên thay!
Lời của ông Gioan “Đây là” bắt đầu mở mắt và mở tai cho người khác. Ông Gioan sẽ hướng dẫn các môn đệ của ông đến với Đức Giêsu, và đến lượt mình, họ sẽ loan báo sự hiện hữu của Đức Giêsu cho những người khác nữa. Ông Anrê tìm em mình là ông Simon Phêrô và bảo với ông rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia!” (1,41).
Trong những ngày này, Giáo hội có rất nhiều cuộc tọa đàm về “Tân Phúc Âm Hóa”. Phúc Âm Hóa không phải là một khái niệm mà những người Công giáo chúng ta luôn quả quyết như phần căn tính và hoạt động của người Kitô hữu. Như ông Gioan và Anrê, chúng ta được mời gọi để đem tha nhân đến với Đức Kitô. Mỗi thành viên trong Giáo hội đều có nhiệm vụ này – không chỉ là trách nhiệm của các “thừa tác viên chính thức”. Cách này hay cách khác, như ông Gioan, chúng ta cũng phải loan báo: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.
Nếu có lần nào đó nỗ lực, thì chúng ta cũng cảm thấy lúng túng khi cố gắng kể cho người khác nghe về câu chuyện đức tin của mình. Nhưng phép rửa đã nối kết chúng ta với Đức Giêsu, và phép rửa trở thành mối dây liên kết giữa các môn đệ của Người, đó là những người tin rằng Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, đồng thời tuyên xưng cái chết và sự phục sinh của Người là nguồn sống mới cho mọi dân nước. Vì thế, theo bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay, chúng ta phải giống như người tôi tớ Thiên Chúa là trở nên “Ánh sáng cho muôn dân”. Hoặc, nói theo kiểu cá biệt rằng, chúng ta phải trở thành “những nhà truyền giáo”.
Ông Gioan hứa rằng Đức Giêsu sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần. Và Người đã làm như vậy, vì chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần khi được rửa tội. Ắt hẳn Thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua sự nhát đảm và do dự để nói cho người khác biết về Đức Giêsu là ai đối với mình. Chắc rằng chúng ta sẽ không làm được điều đó từ nơi bục giảng trong quảng trường thành phố. Có thể Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta chia sẻ trong nhiều hình thức riêng tư hơn sao cho chúng ta đạt đến sự tự do, bình an, niềm vui và hy vọng qua niềm tin tưởng vào Đức Kitô.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ