Bước vào năm 2014, Giáo Hội Việt Nam bắt đầu thực hiện kế hoạch mục vụ TânPhúc-Âm-hóa đời sống gia đình. Nhiềugia đình Công giáo Việt Nam hân hoan đón nhận đường hướng này như một cơ hội làm mới lại mái ấm gia đình mình, hẳn không nhiều thì ít, đang có những trục trặc cần điều chỉnh, những sứt mẻ cần hàn gắn …để gìn giữ và xây dựng hạnh phúc gia đình sao cho tốt đẹp hơn.
Ước ao thì như vậy, nhưng phải bắt đầu từ đâu? Xin đóng góp một chút chia sẻ với hy vọng với những ai thành tâm thiện chí đều có thể thực hiện được và làm cho mái ấm gia đình chúng ta thêm tươi trẻ, lành thánh. Đó là: HÃY ĐỂ CHO “TÌNH YÊU” CÓ TIẾNG NÓI TRONG GIA ĐÌNH CHÚNG TA.
Xin khởi đầu bằng một câu chuyện vui vui mà tôi đọc được trên mạng:
Một đôi vợ chồng trẻ kia, sau một thời gian chung sống, đã bắt đầu nảy sinh những cuộc cãi nhau, giận dỗi. Trong một buổi tối, sau một hồi sinh sự với nhau, cô vợ nói thẳng với chồng: “Hay là mình ly hôn đi, chứ sống vầy tôi thấy mệt mỏi quá chừng!”
Chồng cô nghe những lời đó, đứng dậy ra khỏi phòng và không quên buông lại một câu xanh rờn: “Ừ, nếu cô muốn vậy thì để tôi làm đơn cho!”
Chúng ta thử tưởng tượng sự việc sau đó sẽ xảy ra thế nào. Cô vợ đêm đó không ngủ được và suy nghĩ miên man. Thì ra, lâu này chồng cô cũng mang ý tưởng muốn ly hôn mà không nói ra. Nay được cô gợi ý trước, chàng hưởng ứng liền. Đêm nay, chắc chàng sẽ viết một tờ đơn thật thuyết phục để đưa vợ chồng ra tòa cho mau chóng rồi đường ai nấy đi. Từ đó, bao nhiêu chuyện bỗng nhiên ùa vào tâm trí cô. Rồi đây cô sẽ ở đâu? con cái, tài sản sẽ được chia thế nào, mình phải tìm những lý lẽ gì để dành cho mình phần tài sản nhiều nhất mà lo cho tương lai …
Sáng hôm sau, khi thức dậy, cô đến bàn trang điểm thì đã thấy sẵn một tờ đơn. Cô cầm lên đọc ngấu nghiến. Tuy nhiên đọc tới đâu cô thấy ngỡ ngàng tới đó. Đến khi đọc xong cô gục mặt xuống nước mắt chảy dài và rồi… ngẩng mặt lên mỉm cười sung sướng.
Tại sao lạ vậy? Mọi người thử đoán lá đơn đó viết như thế nào? Xin bật mí nhé. Sau đây là nội dung lá thư:
“ĐƠN XIN HÔN”
Kính gửi: Tòa án tại gia
Tôi tên là: CHỒNG XẤU XA.
Sinh năm: 1990
Cư ngụ tại: Ngôi nhà ngập tràn tình yêu.
Xin được hôn cô: VỢ ĐÁNG YÊU.
Sinh năm: 1992
Cư ngụ tại: cũng ngôi nhà ngập tràn tình yêu ở trên.
Nội dung xin hôn: Do cuộc sống có vài điều không hòa thuận dẫn đến cãi nhau khiến vợ chồng cả đêm không ngủ được.
Tôi viết đơn này để xin giải quyết một vấn đề vô cùng bức bách là được hôn vợ tôi càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt.
Chỉ có việc hôn này mới giúp tránh được chiến tranh lạnh.
Kính mong tòa nhanh chóng giải quyết tình trạng của chúng tôi. Nếu không tôi buộc phải đơn phương thực hiện.
Về tài sản chung: Tài sản chung duy nhất của vợ chồng tôi là tình yêu, tôi xin được giữ nguyên và không có nhu cầu chia chác.
Để thực hiện việc hôn này, tôi xin tòa yêu cầu mỗi bên đóng góp tài sản riêng của mình là… cái miệng. Ai không thực hiện thì bên kia có quyền tự ý… tấn công.
Ngày… tháng… năm
Chồng xấu xa (đã ký)”
Đến đây thì các bạn hiểu tại sao cô vợ vừa cười vừa chảy nước mắt sung sướng. Cô hiểu ra rằng thì ra mình đang được yêu. Cô đang ở trong một ngôi nhà tình yêu. Cô nhận ra gia sản lớn lao vợ chồng cô đang có là tình yêu. Chồng cô dù có nhiều điều khác với cô và đưa đến cãi lộn nhau, nhưng anh vẫn nhận thấy ngôi nhà này là ngôi nhà tình yêu. Anh không thấy có nhu cầu chia chác như cô tưởng tượng. Anh muốn hàn gắn lại tình yêu với cô bằng cách … “xin được hôn càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt”.
Tới đây, chúng ta phải bái phục anh chồng này có một cách ứng xử thật tài tình, sáng suốt. Không biết cuộc cãi vã này lỗi tại ai, nhưng anh ta đã không phản ứng theo “con người tự nhiên” là tự ái, hờn giận, tức tối, là muốn chứng tỏ sức mạnh uy thế của đàn ông v.v. như những đức ông chồng khác. Nhưng ngược lại, anh đã để cho tình yêu lên tiếng trong trái tim anh. Anh vẫn bình tĩnh và đủ sáng suốt để thấy ngôi nhà anh đang ở là ngôi nhà tràn ngập tình yêu. Anh thấy gia sản quí giá nhất mà vợ chồng đang nắm giữ là tình yêu. Anh phải trân trọng với nó và bảo vệ nó chứ không cảm thấy nhu cầu phải chia chác. Vậy thì thay vì xin ly hôn, anh đã thay đổi tình thế bằng cách bỏ chữ “ly” đi mà chỉ giữ lại chữ “hôn” thôi: hôn càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt. Anh đã làm đổi mới một cách thế ứng xử khác mà nhiều cặp vợ chồng khác chưa chắc làm được. Đó là để cho tình yêu lên tiếng, để cho tình yêu có tiếng nói trong gia đình anh thay vì tốn công đi tìm luật sư tốt, định giá nhà, định giá xe, giành quyền nuôi con… làm hạnh phúc gia đình đi đến tan vỡ…
Trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình này, chúng ta hãy noi theo “đức ông chồng xấu xa” này, đổi mới lối nhìn, đổi mới cách suy nghĩ, cách ứng xử hằng ngày để làm sao cho “tình yêu thương có tiếng nói trong gia đình”.
Phúc âm hóa đời sống gia đình là gì? Là chúng ta sống Phúc Âm Tình Thương của Chúa trong gia đình theo một “phương cách” mới “cách “diễn tả” mới, “nhiệt tâm” mới. Như vậy trong năm Tân Phúc-Âm-hóa này, mỗi người trong gia đình tập đổi mới cách ứng xử, đổi mới thái độ sống của mình với các thành viên trong gia đình như trường hợp câu chuyện ông chồng trên đây.
Hãy để cho tình yêu thương lên tiếng nói.
Hãy để cho Lời Chúa được vang lên trong mọi hoàn cảnh của gia đình nhất là trong những khi xảy ra những chuyện lục đục, bất hòa, tranh chấp, chia rẽ.
Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa có tiếng nói trong gia đình chúng ta.
Chúng ta hãy xin Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta.
Chúng ta hãy mời Thiên Chúa đến với gia đình chúng ta trong mọi hoàn cảnh buồn vui sướng khổ.
Thật ra điều này chẳng có gì mới lạ. Lời Chúa trong thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côlôsê mà chúng ta thường nghe trong các lễ cưới khuyên nhủ : “Anh em hãy để cho Lời Đức Ki-tô cư ngự dồi dào trong lòng anh em” (Cl 3,16).
Phải nói hiện nay có nhiều gia đình không còn để cho Thiên Chúa hiện diện trong gia đình nữa, mặc dầu gia đình họ có bàn thờ, có tượng Chúa, tượng Mẹ trên bàn thờ.
Nhiều gia đình không để cho Thiên Chúa có tiếng nói trong gia đình nữa mà là tiếng nói của sự thù hằn, tranh chấp, nóng giận, ích kỷ, tự ái. Mà ai cũng biết hậu quả thế nào của những tiếng nói trên. Chúng làm cho gia đình đi từ chỗ sứt mẻ đến chỗ tan vỡ, làm cho gia đình từ bị thương đến chết ngắt.
Hỡi các gia đình Công giáo, trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, hãy sống Phúc Âm Tình Thương của Chúa trong gia đình theo một “phương cách” mới “cách “diễn tả” mới, “nhiệt tâm” mới. Hãy làm cho “đối phương” ngỡ ngàng khi thấy cách ứng sử mới mẻ của mình như “ đức ông chồng xấu xí” đã làm cho bà “vợ đáng yêu” kia. Tình yêu sẽ ở lại và triển nở trong gia đình chúng ta.
Chính vì vậy, thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khuyên nhủ mỗi gia đình hãy tổ chức lại những giờ cầu nguyện chung hằng ngày để có Chúa hiện diện: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ (Mt 18, 20). Mỗi gia đình chúng ta phải là một cộng đoàn yêu thương, nơi tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và tình yêu thương nhau: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 12-13).
Hạnh phúc gia đình ngày nay quí giá lắm!. Xin đừng ai làm cho sứt mẻ, đổ vỡ, mất mát mà hãy cùng nhau xây dựng lại theo Phúc Âm tình thương của Chúa.
Hãy để cho Thiên Chúa tình yêu có chỗ đứng trong gia đình chúng ta.
Hãy để cho Lời Tình Yêu của Thiên Chúa có tiếng nói trong gia đình chúng ta.
Hãy cùng nhau đổi mới cách ứng sử với nhau bằng một phong cách mới, diễn tả mới, nhiệt tâm mới để gia đình chúng ta cũng trở thành một thánh gia khác.
Ts. Antôn M. Z. Thượng Nhân O.P.
GP. Kontum