CN 31 C: Cuộc gặp gỡ đổi đời…

Cuộc gặp gỡ đổi đời…

CN 31 C: Cuộc gặp gỡ đổi đời…Quyền hành và quyền lợi luôn đi đôi với nhau. Người có quyền hành càng cao, quyền lợi của họ càng lớn. Vì quyền lợi càng lớn, nên, trong thực tế của cuộc sống hàng ngày, không ít người “tài hèn đức mỏng” nhưng vẫn cố “chạỵ” cho bằng được chức này, chức khác. Bởi một khi đã có chức thì sẽ có quyền, có quyền sẽ có tiền, có tiền thì “mua tiên cũng được”, nói tắt một lời, là có tất cả.

Lịch sử con người từ cổ chí kim, có mấy ai, khi thực thi quyền hành lại không mưu cầu quyền lợi cho mình! Có mấy ai, khi nghĩ đến quyền lợi của mình lại không phớt lờ sự công bằng và tình yêu thương!.

Vậy mà… có một người đã hành xử ngược lại. Dù ông ta, lúc đương thời là một vị có quyền cao chức trọng, nhưng ông ta đã không quên đến sự công bằng, không quên thi thố tình yêu thương đến những người nghèo khó. Ông ta tên là Dakêu. (x.Luca 19, 1-10).

**

Ông Dakêu là ai? Thưa, theo lời kể của thánh Luca, ông ta là người “đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có” tại thành phố mang tên là Giêricô. Tưởng chúng ta cũng nên biết một chút về Giêricô, vâng,  đó là một trong những thành cổ nhất trên thế giới, cũng là thành đầu tiên dân Israel tiến chiếm nhờ phép lạ Thiên Chúa đã làm cho các bức tường thành sụp đổ. Giêricô còn được biết đến là nơi Thiên Chúa, qua ngôn sứ Êlisê, làm cho “nước độc và nạn vô sinh” trở nên “đất sinh sản hoa màu, và nước hóa lành không còn nạn vô sinh nữa”(2V 2, 21)  

9000 năm trước công nguyên cho đến hôm nay, hôm Đức Giêsu lên Giêrusalem, sau khi vào Giê-ri-cô, và đi ngang thành phố ấy, cư dân trong thành lại một phen xôn xao. Họ xôn xao về việc “có một người mù ăn xin ở vệ đường” đã được Ngài chữa cho nhìn thấy được!

Lập tức những lời “đồn thổi” về một Ông Giêsu chữa lành người mù được sáng mắt “thổi” tới tai ông Dakêu. “Giê-su-Nazareth… Ông ta là ai ?”. Lý trí thì quay cuồng với những câu hỏi, còn thâm tâm ông Dakêu thì muốn được “xem cho biết Đức Giêsu là ai”.

Ngặt một nỗi, chung quanh Đức Giêsu là cả một rừng người. Còn ông ta, chuyện kể rằng “ông ta lại lùn”.  Đang lúc loay hoay tìm mọi cách để được nhìn thấy vị khách không mời mà đến, ông Dakêu nhìn thấy phía trước mặt mình có một cây sung, không bỏ lỡ cơ hội “ông liền chạy tới… leo lên”.

Đúng là như người xưa thường nói “cái khó ló cái khôn”. Vâng, trong lúc khó khăn về “thước tấc” của mình, Dakêu “ló” ra cái khôn. Cái khôn đó nằm ở sự tiên đoán của ông. Ngồi trên cây sung, ông tiên đoán “Người sắp đi qua đó” (Lc 19, …4) Và đúng như sự tiên đoán của ông, Đức Giêsu có đi ngang qua chỗ cây sung.

Chuyện kể tiếp rằng “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên…”. Còn trên cây sung, Dakêu nhìn xuống, người ông muốn thấy, nay đã thấy. Trí tò mò của ông đã được thỏa mãn. Hóa ra “Đây là Người”…  Người mà thiên hạ đồn rằng, ông ta đã dám đồng bàn với LêVi, đồng nghiệp của ông, mà không sợ tai tiếng là “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”… Lại còn nhận “y” làm đệ tử ruột nữa thì phải!?

Đang vật lộn với dòng suy nghĩ, bất ngờ ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình… Nhìn xuống đất… Không thể tin được! Chính là Đức Giêsu. Ngài ngước mắt nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi…” Có nằm mơ không đây! Đôi tai ông nghe rõ mồn một tiếng Đức Giêsu nói: “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, )

Ngạn ngữ xưa có nói: “chó sủa mặc chó, lạc đà cứ đi qua”. Vâng, mặc cho những kẻ hiếu kỳ “xầm xì với nhau: Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”. Lạc-đà-Da-kêu “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” về nhà của mình…

***

Nhà ông Dakêu là “nhà người tội lỗi” sao! Nếu đúng vậy thì đó chính là cớ để Đức Giêsu “phải ở lại nhà ông”. Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử. Không phải là đến để cưỡi lạc đà… ăn chà là… tà tà ngắm cảnh ốc đảo thần tiên…

Không! Ngài đến là để “tìm và cứu những gì đã mất”. Sự việc Đức Giêsu đến và ở lại nhà Dakêu, một người bị cho là quân tội lỗi, có gì để mà “càm ràm”, xầm xì bàn tán! Nếu Đức Giêsu không “ở lại nhà ông ta” hôm đó, làm sao thiên hạ có thể chứng kiến một sự đổi mới của Da-kêu!  

Thì đấy! Hãy nhìn xem, là một người “đứng đầu những người thu thuế”, chí ít cũng là “trưởng ty thuế vụ”, một quyền hành đáng nể, thế mà ông ta đã không dùng quyền hành của mình để tư lợi. Trái lại, ông ta còn  chứng tỏ mình là một ông quan công bằng, không quên thi thố tình yêu thương đến những người nghèo khó.

 “Nếu… nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”… Và “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Vâng, chỉ chừng đó thôi… chừng đó thôi cũng đủ để Đức Giêsu nói về ông rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này…”

“Hôm nay”, có thể nói rằng,  cái “hôm nay” đó đã cho ông  Dakêu một “cuộc gặp gỡ đổi đời”, một sự đổi đời từ một kẻ bị xếp chung hàng “đĩ điếm’ nay được Đức Giêsu xếp vào hàng “cũng là con cháu tổ phụ Apraham”

****

Câu chuyện ông Dakêu đã để lại cho chúng ta một bài học, đó là “Đừng xem mặt bắt hình dong”. Thật vậy, Kinh thánh cũng có lời khuyên rằng: “Đừng gớm ghét ai vì vẻ bề ngoài” (Hc 11, …2).

Vâng, vẻ bề ngoài của Dakêu lùn thật, nhưng tâm hồn của ông, đức tin của ông có chiều cao, chiều cao đó là những con số đáng nể “một nửa gia tài cho đi và đền gấp bốn lần cho những ai mà ông đã chiếm đoạt”.  

Thế nên, đừng quên rằng “Trong các loài có cánh, con ong là bé hơn cả, thế mà nó làm ra chất ngọt hảo hạng” (Hc 11, 3). Điều này đã được chứng minh thực tế qua cuộc đời của thánh Martinô.

Cũng như Dakêu, vẻ bề ngoài của Martinô (da đen) cũng không lấy làm dễ nhìn, dễ gần gũi. Thế mà, con-ong-da-đen Martino lại tỏa ra hương thơm mật ngọt của tình yêu thương và lòng bác ái.

 Chuyện được kể rằng: “Năm 34 tuổi, vị bề trên nhận thấy được năng lực chữa bệnh và nhân đức của Martino nên giao cho ông phụ trách một bệnh xá. Martino cũng chăm sóc cho các bệnh nhân bên ngoài tu viện và thường xuyên chữa bệnh cho họ chỉ đơn giản bằng một ly nước, cho nên người ta tin rằng đó là phép lạ.

Khi Lima xảy ra một dịch bệnh, tu viện Mân Côi có đến 60 tu sĩ bị nhiễm bệnh, nhiều người trong số họ phải bị cách ly. Martino đã vượt qua các cửa cách ly bị khóa để đến chăm sóc cho họ. Martino còn tiếp nhận người bệnh vào tu viện để chữa trị. Khi tu sĩ bề trên của nhà dòng phát giác, và sợ lây bệnh cho các tu sĩ khác nên đã cấm Martino không được tiếp tục làm như vậy nữa.

Em gái Juana của ông dùng nhà của mình để lưu dưỡng những bệnh nhân mà ông muốn chăm sóc. Một ngày nọ, ông gặp trên đường phố một người Ấn Độ nghèo, đang chảy máu vì bị dao đâm, ông đưa vào phòng riêng của mình sơ cứu để sau đó chuyển đến nhà em gái mình. Khi nghe ông báo cáo về chuyện này, tu sĩ bề trên đã khiển trách ông vì không vâng lời. Ông thành thực trả lời rằng: “Xin thứ lỗi cho con và xin chỉ bảo cho con, vì con không biết rằng đức vâng lời thì trên cả đức bác ái”. Nghe vậy, bề trên đã cho Martino được tiếp tục làm theo ý mình”. (nguồn: internet).

Vâng, nói về thánh Martino, có lẽ không gì đầy đủ bằng mượn lời của Đức Gioan XXIII, rằng : Thánh nhân sống theo lời Thầy Chí Thánh, thánh nhân đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ trái tim không phai nhòa và một tâm hồn khiêm nhu. Thánh nhân yêu mến người khác, vì người thực sự coi họ là con cái Thiên Chúa, và là anh em của mình. Hơn thế nữa, người còn yêu họ hơn mình. Với xác tín Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.”

Đúng vậy, Thiên Chúa không bao giờ  bỏ rơi con người, lời cầu nguyện của tông đồ Phaolô, rằng: “Xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin”; chính là sự xác tín cho niềm tin nêu trên. (2Tx 1, 11).

*****

Trở lại câu chuyện ông Dakêu, Lm Charles E. Miller chia sẻ, rằng: “Những gì đã làm cho ông Dakêu, Chúa Giêsu cũng làm cho chúng ta. Người đã đặt chân lên thế giới này, mà thực chất ‘là nhà của phường tội lỗi’. Chúng ta quả được chúc phúc qua cách hành xử gây sửng sốt của Con Thiên Chúa”.

Thế nên, dù rằng, thế giới hôm nay, hết chủ thuyết này đến chủ thuyết khác tiếp tục “xầm xì” tiếp tục “xúc phạm” Thiên Chúa, là một Kitô hữu, hãy nghe lời khuyên dạy của thánh Phaolô, rằng “anh em  đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào” (2Tx 2, 2)

Ông Dakêu, khi ông đã thấy và đã được Đức Giêsu “ở lại nhà ông”, ông chẳng màng đến những điều mà “mọi người xầm xì với nhau”.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay, mỗi khi nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng đã được Đức Giêsu “ở trong nhà chúng ta”.  Mọi lời xầm xì còn có nghĩa gì, khi, chỉ nơi đây, chứ không phải ở một nơi nào khác, chúng ta mới có thể có một cuộc gặp gỡ, “cuộc gặp gỡ đổi đời”.

Petrus.tran

Để lại một bình luận