Đâu là sự lựa chọn hoàn hảo!
Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi dài của những sự lựa chọn. Có sự lựa chọn dẫn ta đến niềm vui và hạnh phúc nhưng cũng có sự lựa chọn đẩy ta rơi xuống vực thẳm hố sâu của cuộc đời. Và dù cho sự lựa chọn đó dẫn chúng ta đi đâu, về đâu, không ai trong chúng ta lại không phải trả giá cho sự lựa chọn đó.
Thật vậy, muốn tương lai là một bác sĩ, kỹ sư, chúng ta phải bớt đi những thời gian vui chơi, chăm chỉ học hành và luôn phải tìm tòi học hỏi thêm những kiến thức tổng quát khác.
Muốn đạt hiệu quả tốt trong công việc mình làm, bạn phải tốn kém thời giờ, đôi khi cả tiền bạc, để tìm tòi học hỏi những phương cách làm việc chuyên nghiệp.
Muốn chiếm tình cảm của một ai đó, muốn có một tình yêu vĩnh cửu, muốn có một gia đình hạnh phúc, cũng vậy, cũng phải chấp nhận trả giá. Cái giá, thưa, có phần chắc, ai cũng phải nhìn nhận rằng, phải “dứt bỏ” cái tôi của mình.
“Phải dứt bỏ”. Vâng, đó cũng chính thông điệp Chúa Giêsu đã công bố cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài. Và thông điệp này đã được Ngài công bố trong một lần lên Giêrusalem.
**
Chuyện đã được kể lại rằng, hôm đó, “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu”(Lc 14, 25). Đây không phải là lần đầu tiên có đông người đi theo Ngài. Có người đi theo Ngài vì họ muốn được nghe những lời giảng dạy đầy uy quyền không như các kinh sư. Thế nhưng, tệ một nỗi, không ít người đi theo Đức Giêsu chỉ với những ước muốn nặng phần vị kỷ.
Không ít người muốn theo Đức Giêsu chỉ mong sao được Ngài “hóa bánh ra nhiều để được ăn bánh no nê”. Và ngay cả những người đã trở nên môn đệ của Ngài cũng không thoát khỏi ước muốn đầy vị kỷ, xin được “ngồi bên hữu; ngồi bên tả Thầy” trong vinh quang…
Chưa có một người nào, dù là dân chúng hay các môn đệ, bị Đức Giêsu xua đuổi chỉ vì những ước muốn đó (ngoại trừ tên Xatan – kẻ đã đến cám dỗ Ngài).
Trái lại, Đức Giêsu luôn tìm cơ hội thuận tiện để phá tan những ý tưởng, những suy nghĩ lệnh lạc không phù hợp với sứ mạng của Ngài.
Với dân chúng, những người chỉ vì miếng ăn chứ không phải vì đã được “thấy dấu lạ”, Đức Giêsu nói: “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh…”(Ga 6, 27)
Còn với các môn đệ ư! Đức Giêsu nói “Các anh không biết các anh xin gì!” Ngài nói tiếp: Sứ mạng của Thầy chính là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết”(Lc 9,22).
Với hôm nay, nhân dịp có rất đông người cùng đi với Ngài, Đức Giêsu đã lớn tiếng công bố một thông điệp, thông điệp nói đến cái giá phải trả cho những ai muốn chọn lựa con đường đi theo Ngài, rằng: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc 14, 27)
Kết thúc thông điệp, Đức Giêsu, một lần nữa nhấn mạnh, “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 14, 33)..
***
Thật ra, với những ai muốn đi theo Ngài, Đức Giêsu còn đưa ra một lời yêu cầu, rằng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Đã có rất nhiều bình phẩm (dĩ nhiên là lời bình phẩm tiêu cực) về lời yêu cầu này. Có những lời bình phẩm như thế, là vì những người bình phẩm đã không dựa vào Kinh Thánh, một điều kiện tiên quyết để giải nghĩa Kinh Thánh.
Kinh Thánh đã dạy gì? Hay đúng hơn, Đức Giêsu đã dạy gì? Thưa, chỉ hai điều duy nhất: “mến Chúa-yêu người”. Đức Giêsu không chỉ dạy yêu người mà còn dạy phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44)
Khi nói lên lời yêu cầu nêu trên, Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời kêu gọi với điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ”. Văn chương Cựu ước của Do Thái không có kiểu nói so sánh “hơn hay kém”. Đức Giêsu, khi nói “mà không dứt bỏ”, Ngài muốn nói đến “mức độ”, muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa.
Thánh Matthêu, sau này trình bày rõ hơn về ý nghĩa của lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37).
Khi chàng “Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi…”(*) Cái “hơn” và “mãi” đó không có nghĩa là làm một so sánh giữa “em” và “cha mẹ”, nhạc sĩ “Lam Phương” không có ý nói chàng phải yêu cha mẹ “ít và có giới hạn”…
Muốn đi theo Chúa, muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Chúa lên hàng “ưu tiên số một” trong bậc thang giá trị của con người. Phải đến với Người với một tâm tình, như lời Kinh Thánh đã nói, rằng “yêu hết lòng, hết sức, hết trí khôn”.
Hãy nghe thêm một lần nữa thông điệp của Đức Giêsu, “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ… không vác thập giá mình… không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33).
****
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, thế nào là là “vác thập giá mình”?
(Dĩ nhiên, cây thập giá mà Đức Giêsu muốn nói đến không phải là cây thập giá bằng gỗ. Và tưởng chúng ta cũng nên biết, luật Roma thời đó, tất cả những tử tội đều bị đóng đinh trên một cây thập tự).
Vâng, với bối cảnh thời đó, vác-thập-giá-mình, theo ý Đức Giêsu có nghĩa là “đi chết”. “Đi chết” ở đây Chúa Giêsu không đòi hỏi phải là chết thể xác, nhưng là chết cho con người cũ của mình, là “đóng đinh” con người tội lỗi thuộc dòng dõi Adam và Eva của mình vào thập giá Chúa Kitô. Ở điểm này, thánh Phaolô rất kinh nghiệm, ngài nói rằng: “Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi” (Rm 6, 11)
“Chết đối với tội lỗi” là bước đầu để “vác thập giá mình” hàng ngày theo Chúa. Theo Chúa, muốn là môn đệ của Ngài, phải “vác thập giá mình”. Đây là một lệnh truyền không phải là khó, mà là rất khó thực hiện. Khó… rất khó… nhưng không phải là không thực hiện được.
Thật vậy, chúng ta sẽ thực hiện được, nếu chúng ta cùng có sự trải nghiệm như thánh Phaolô đã trải nghiệm, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20). Dựa vào đâu thánh Phaolô có được sự trải nghiệm tuyệt vời như thế! Thưa, đó chính là ngài đã “… cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá”.(Gl 2, ..19)
*****
Trở lại cuộc hành trình của Đức Giêsu. Vâng, hôm đó, “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, hôm đó, sau khi nghe Đức Giêsu truyền dạy, có được bao nhiêu người “… cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá”?
Đặt ra câu hỏi này là để làm gì? Thưa, là để chúng ta cùng nhau tự vấn lại đời sống đức tin của chúng ta hôm nay. Là một Kitô hữu, tôi đã vác-thập-giá-mình, bằng cách, như lời thánh Phaolô khuyên bảo, rằng “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”?!
Tại sao thánh Phaolô lại đề cập đến “dục vọng và đam mê”? Thưa, nó chính là tiền đề cho sự tham lam. Và như chúng ta đã biết, ở đâu có sự tham lam, ở đó sẽ xảy ra tranh chấp, ở đâu có tranh chấp, ở đó có chiến tranh, ở đâu có chiến tranh là có ly tán và chết chóc.
Xưa, chỉ một phút để cho “dục vọng và đam mê” chế ngự, vua David đã thâm độc bày mưu giết tướng Uria để che giấu tội ác, hầu chiếm đoạt vợ Uria làm vợ mình (x. 2 Sm 11,1-17).
Xét ở một góc cạnh nhỏ là gia đình, nếu chúng ta “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta có thể dứt bỏ “ba cái lăng nhăng nó quấy ta” (**)
Ba cái lăng nhăng đó, theo Phaolô, đó là, “dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tị, say sưa, chè chén…”, vâng, nếu không “đóng đinh” nó, thánh nhân nói tiếp rằng “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (x. Gl 5, 19).
Dứt bỏ ba cái lăng nhăng đó, chúng ta không chỉ “được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”, mà còn được có những người bạn “láng giềng thân thiết”, những người “anh em hòa thuận” và hạnh phúc nhất, đó là, thừa hưởng ngay đời này một khung cảnh gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu” (x. Hc 25, 1)
Kinh Thánh có chép rằng, “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến. Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 5)
Vâng, tại sao Đức Giêsu lại bậm tâm gửi đến cho chúng ta những “lời vàng ngọc”, lời vàng ngọc dành cho những ai muốn đi theo Ngài, muốn trở nên môn đệ của Ngài? Thưa, là bởi “tình yêu thương”, một tình yêu hướng đến những ai còn đang đứng giữa ngã ba cuộc đời, băn khoăn tự hỏi “Đâu là sự lựa chọn hoàn hảo” để theo Ngài!
Petrus.tran
*****
(**) thơ Trần Tế Xương.