CN 21 TNC: Đừng sợ khi phải vào cửa hẹp…

 

Đừng sợ khi phải vào cửa hẹp…

 

CN 21 TNC: Đừng sợ khi phải vào cửa hẹp…Nếu hôm nay tận thế! Nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại thế gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết! Bạn đã sẵn sàng chưa? Vâng, những năm gần đây, Saigon không ngừng xảy ra nhiều chấn động bởi những vụ động đất mà chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết đến.

Nhớ, vào ngày 5/8/2005, Saigon đã bị một cơn rung lắc dữ dội khi một trận động đất xảy ra ngoài khơi (cách Vũng Tàu 20-30 km) với cường độ 4-5 độ richter. Tiếp đến ngay ngày hôm sau, thứ bảy ngày 6/8, hàng ngàn người dân tại một số khu vực ở Saigon lại thêm một lần sợ hãi trước cơn chấn động khác có cường độ mạnh hơn so với đợt đầu tiên xảy ra tối 5/8. Không chỉ riêng tại Saigon, nhiều tỉnh thành khác như Nha Trang hoặc Đồng Nai cũng đã xảy ra những biên độ dao động rất lớn.

Rồi đến đêm 28/11/2007, lại xảy ra trên đới đứt gãy Bình Thuận – Vũng Tàu có cường độ 4,5-5 độ Richter tại tâm chấn. Cả thành phố chao đảo vì dư chấn, nhà rung chuyển khiến nhiều người hốt hoảng chạy ra khỏi nhà. Tiếp đến là ngày 23/06/2010, nhiều cư dân ở Saigon, thêm một lần nữa phải chạy tán loạn ra khỏi nhà cũng chỉ vì dư chấn của động đất 4,7 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận,

Có thể nói rằng, mỗi khi xảy ra động đất, rất nhiều người (trừ những người vô thần), bất luận tôn giáo nào, họ đều có chung một cảm nghĩ rằng, đó là điềm báo “sắp tận thế”, điềm báo sắp đến ngày hết thảy con người bị tận diệt. Cũng đúng thôi, chính Chúa Giêsu cũng đã nói rằng “vì những việc đó sẽ phải xảy ra… sẽ có những trận động đất ở nhiều nơi…” (Mt 24, …7).

Tận thế… nếu hôm nay tận thế, là một Kitô hữu, chúng ta có tin rằng mình được cứu thoát? Hay chúng ta thờ ơ chỉ vì “những người được cứu thoát thì ít ?”. Vâng, đó là một nan đề, không chỉ chúng ta mà ngay cả những người cùng thời với Chúa Giêsu khi xưa cũng đã băn khoăn và ưu tư về nó.

**

Hồi đó, đã có người mang nỗi ưu tư này tìm đến Đức Giêsu và hỏi Ngài để tìm cho ra lẽ. Và câu chuyện đã được kể lại rằng, một hôm, trong một lần Đức Giêsu lên Giêrusalem, và trong khi đang trên đường ngang qua các thành thị và làng mạc, bỗng nhiên có một người tìm đến gặp Ngài.

Người này tìm đến Đức Giêsu để làm gì? Thưa, người này tìm đến không phải để tranh luận hay xin Đức Giêsu làm một phép lạ nào đó nhưng là để hỏi Ngài một vấn đề có liên quan đến sự cứu độ.

Hôm đó, khi đã đến trước mặt Đức Giêsu người này buông lời hỏi rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13, 23).

Ô hay! Xem ra người này không phải là người Do Thái, mà nếu là một người Do Thái chắc hẳn người này không nhớ đến lời Thiên Chúa phán qua môi miệng ngôn sứ Isaia, rằng “Ta sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66, 18)

Hỡi người Israel kia ơi! tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ (để) họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Thiên Chúa thì sao dám cho là “người được cứu thoát thì ít”!

Vâng, khi còn tại thế, Đức Giêsu, trong một cuộc gặp gỡ và tranh luận với ông Nicôđêmô, Ngài có nói “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa “cứu thoát”. Những người được cứu thoát không chỉ là Israel nhưng còn là “tất cả thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc” (Lc 13, 29).

Trở lại câu hỏi nặng phần nghi vấn của người đến gặp Đức Giêsu, rằng “những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Đúng, nhưng không phải “thì ít” mà là “rất ít”… vâng sẽ rất ít, nếu, như lời Đức Giêsu nói, nếu con người không “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24).

***

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, thế nào là “cửa hẹp”?

Vâng, qua bối cảnh của câu chuyện, xin thưa, có thể nói rằng, Đức Giêsu đã khéo léo cho mọi người nhìn ra cánh “cửa hẹp”, cánh cửa mà chỉ những ai bước vào, họ mới có thể cùng đồng bàn với “Apraham, Isaac và Giacop cùng tất cả các ngôn sứ trong Nước Thiên Chúa”.

Cánh cửa đó chính là sự nhận biết Thiên Chúa, nói cách khác, chính là sự nhận biết Ngài là ai, nhận biết Ngài “đã ở giữa thế gian”, nhận ra rằng “Ngài đã đến nhà mình” và cuối cùng, phải “đón nhận (và) tin vào danh Ngài”.

****

Như vậy, phải chăng chỉ cần tin vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ được “cứu thoát”? Thưa không, đó mới chỉ là bước khởi đầu, đó mới chỉ là “bước đầu tiên để vào cửa hẹp”.

Vào cửa hẹp, chúng ta còn phải đi trên “con đường hẹp”. Con đường hẹp đó chính là con đường thập giá, như có lần Đức Giêsu nói “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Thế nào là thập-giá-mình! Thưa, đừng nghĩ rằng thập-giá-mình là hai miếng gỗ được đóng thành chữ thập như xưa Chúa Giêsu đã vác lên đồi Golgotha. Thập-giá-mình của hôm nay, đó chính là sự “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, nói cách khác, thập-giá-mình chính là “làm theo thánh ý Chúa”.

*****

Những ngày vừa qua, Viecatholic News đã loan đi một bản tin với hàng “tít” như sau: “Mẹ không phá thai, hai con song sinh làm linh mục”.

Bản tin viết, “Hai linh mục người Chile là anh em song sinh cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ CNA biết, nhờ thân mẫu kiên quyết không chịu phá thai mà hai anh em đã được sinh ra và nay trở thành linh mục.

Hai linh mục đó là cha Paulo Lizama và cha Felipe Lizama sinh ngày 10 tháng 9 năm 1984 tại thành phố Lagunillas de Casablanca. Cha Felipe sinh trước, cha Paulo sinh sau 17 phút

Cha Felipe kể rằng mẹ ngài là bà Rosa Silva, khi biết mình có thai, đã xin đi chiếu điện và sau đó đã được siêu âm bào thai. Bác sĩ cho biết bào thai của bà có một cái gì lạ: “Thai nhi có ba tay, hai cái đầu, chân thì quấn lấy nhau.”

Bác sĩ cho biết, tính mạng bà có thể bị nguy hiểm nếu giữ bào thai và cách chữa trị là phá thai. Phá thai ở Chile được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, bà Rosa, mẹ của hai Linh Mục, đã không bằng lòng và kiên quyết từ chối lời đề nghị phá thai. Bà nói, bà chấp nhận những gì Thiên Chúa trao cho bà.

Cha Felipe nói: “Chúa đã tạo dựng bào thai song nhi. Tôi không biết các bác sĩ đã sai hay có chuyện gì”

Còn cha Paolo nói: “ Tôi thì luôn luôn nhớ tới lòng yêu thương và dịu dàng trong trái tim của mẹ tôi là người đã cho chúng tôi sự sống”.

Cha Paulo kể thêm rằng “Khi anh ngài là cha Felipe sanh rồi, thì cuống nhau vẫn chưa đứt ra khỏi cung lòng mẹ nên bác sĩ đã đề nghị nạo bào thai để lấy cuống nhau ra. Bà Rosa Silva, mẹ của hai Linh Mục từ chối và nói bà cảm thấy còn một đứa bé nữa ở trong cung lòng. Và quả thế 17 phút sau, cha Paulo đã được sinh ra”.

Câu chuyện còn khá dài, thế nhưng dù dừng ở đây, chúng ta vẫn có thể nhìn ra chân dung ai là người đã “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”, ai là người đã làm theo thánh ý Chúa. Người đó chính là bà Rosa Silva.

Thế giới hôm nay, có biết bao phụ nữ phá thai một cách vô tư lự, dù biết rằng, bào thai đó khi được sinh ra, họ sẽ có một đứa con bụ bẫm.

Bà Rosa Silva dù đã được thông báo kết quả bào thai là một “quái thai” nhưng bà ta vẫn cho đó là món quà “Thiên Chúa trao cho bà”, bà vẫn sẵn sàng đi vào “cửa hẹp”, bà sẵn sàng đi trên con đường hẹp, con đường mang tên “ngươi chớ giết người”. Và rồi, đúng như Đức Giêsu nói “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống”, bà Rosa Silva đã cho ra đời hai mầm sống, hai mầm sống đó, nay, đã trở thành hai Linh Mục sống, rất “sống động”.

******

Nói đến câu chuyện bà Rosa Silva là để nghĩ về mỗi chúng ta hôm nay. Vâng, cuộc sống, như lời Louis Evely nói “Không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có sương mù và giá lạnh nữa”.

Sương mù và giá lạnh đó chính là con đường hẹp. Con đường hẹp đó có thể mang tên một căn bệnh nan y nào đó. Con đường hẹp đó có thể mang tên “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi…”. Con đường hẹp đó có thể là một cơn bão lòng, là một trận thiên tai hoặc là một cơn khủng hoảng kinh tế v.v…

Chúng ta sẽ làm gì, phản ứng ra sao khi phải bước đi trên những con đường hẹp nêu trên? Chán nản tuyệt vọng, than thân trách trời? Hay chúng ta coi đó như là một cuộc “rèn luyện”, một cuộc rèn luyện mà Kinh Thánh gọi là rất cần thiết để “gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12, …11)?

Nếu chúng ta, khi bước đi trên những con đường hẹp nêu trên, và coi đó như là một cuộc rèn luyện cần thiết để “gặt được hoa trái là bình an và công chính”, vâng, đúng là chúng ta đã cùng với Louis Evely cất tiếng ca rằng “Hỡi sương mù và giá lạnh, hãy chúc tụng Thiên Chúa”.

Có ai “chúc tụng Thiên Chúa” mà Chúa lại nói “Ta không biết ngươi” bao giờ! Cho nên, đừng sợ khi phải bước vào “cửa hẹp”, đừng sợ khi phải đi trên con đường hẹp, bởi, đó chính là cửa, là đường dẫn ta “đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 12, 29).

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận