Cn 17c : Ai Gõ Cửa Thì Sẽ Mở Cho
St 18: 20-32; Cl 2: 12-14; Lc 11: 1-13
Lm. Jude Siciliano, op
Cách đây vài năm có một phụ nữ, ở một thành phố thuộc miền nam, đã cống hiến đời mình cho người nghèo, được văn phòng Bác Ái Xã Hội của Tổng Giáo Phận tổ chức một bữa tiệc để tôn vinh chị. Khi được hỏi : chị đã bắt đầu chọn con đường suốt đời phục vụ này như thế nào ? Sự cảm thông với những người khó nghèo đến từ đâu ? Chị cho biết rằng mình đã lớn lên ở Miền Nam trong thời còn phân biệt chủng tộc. Sáu người Mỹ gốc Phi lúc đó đang đào mương trên mảnh đất cạnh nhà của chị. Đó là một ngày hè nắng gay gắt. Một trong những người đó đến gõ cánh cửa kính nhà chị để xin nước uống. Chị lấy cái ca mà mọi người trong nhà vẫn thường dùng để múc nước cho ông ấy. Nhưng mẹ của chị bảo bà: “Không được đâu, con gái ạ !” Rồi người mẹ đặt cái ca ấy chỗ tủ chén và với tay lấy cái ly để trên ngăn kệ cao nhất chỉ dùng tiếp khách quý. Bà đưa cái ly ấy cho chị và nói : “Này con yêu, chúng ta luôn phục vụ khách với những cái ly tốt nhất”.
Chính cử chỉ của người mẹ đã in vào lòng chị suốt đời. Chị gọi đó là khoản khắc quyết định giúp chị quan tâm đến những người xa lạ, kẻ nghèo túng và tầm quan trọng của lòng hiếu khách. Chị nói rằng, chính cử chỉ của mẹ chị đã “đánh thức chị”.
Trong dụ ngôn hôm nay, một người hàng xóm đến gõ cửa nhà người khác vào lúc nửa đêm. Trong một ngôi làng nhỏ, mọi người đều biết nhau và cò thể cùng sài chung lò nướng bánh. Do đó, hẳn là họ biết chỗ nào có bánh ngon để đãi khách đột xuất. Một người đứng ngoài cửa xin bánh của bạn mình. Dụ ngôn cho thấy rõ rằng đây không phải là một ngôi nhà lớn nhưng chỉ là một túp lều nhỏ với một gia đình đang nằm ngủ trong đó. Quả là các thành viên trong gia đình ấy rất lấy làm phiền khi phải thức dậy và chia bánh của bữa sáng hôm sau của gia đình mình cho người ấy. Như thế nghĩa là gia đình phải ăn ít đi. Lòng hiếu khách quả là bất tiện và nguy hiểm.
Những người đang nghe Đức Giêsu được giáo dục trong môi trường hiếu khách của miền Trung Đông. Nếu không tử tế và không đón tiếp lữ khách là một sự ô nhục, không chỉ đối với gia đình đó mà cả ngôi làng đó. Làng ấy sẽ bị xỉ nhục và bị cho là thiếu lòng hiếu khách. Trong dụ ngôn này không mang kịch tính. Người nghe hẳn đã biết được câu trả lời là: anh hãy trỗi dậy, bất kể ngày hay đêm, và quảng đại đãi người đang hỏi xin kia. Không cần bàn cãi hay do dự gì nữa: chia sẻ lương thực cũng chính là chia sẻ đời sống và nguyên tắc hiếu khách đòi phải chia sẻ cái quý nhất mà quý vị có; bánh mới nhất.
Đức Giêsu mở đầu dụ ngôn với câu nói rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy…” Có vẻ như Đức Giêsu muốn nói: “Anh em có biết người nào như thế không ?” Đó là câu hỏi tu từ mà họ phải trả lời: “Dĩ nhiên là biết, còn nghi ngờ chi nữa !”
Khi đời sống trở nên khó khăn, dù là thiếu cái ăn khi cần đến lòng hiếu khách, hay tinh thần suy kiệt, tâm trí rã rời, chúng ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa chắc đã ngủ quên đằng sau cánh cửa đóng kín. Chúng ta thấy rất thất vọng khi đứng ngoài cửa. Những lúc như thế thì việc nghe được từ khóa của dụ ngôn hôm nay quả là quan trọng: người mà ta gõ cửa kia chính là một “Người Bạn”.
Cách mà Đức Giêsu đưa ra trong dụ ngôn giả định một lời đáp lại cách thiện chí. Khi thiếu thốn, người này tìm đến bạn, không phải ai vô tâm hay hoàn toàn xa lạ. Trong bối cảnh đó thì lòng hiếu khách và quảng đại hết mình là điều bắt buộc; thậm chí có thể tốn kém hay nguy hiểm đối với người được yêu cầu.
Đức Giêsu chính là lòng hiếu khách của Thiên Chúa. Là tấm bánh ngon nhất và không bao giờ thiếu dành cho những kẻ thiếu thốn mà chúng ta gặp trên những bước đường gian khó ta trải qua. Cố gắng làm những điều đúng đắn và công bằng đã là mệt mỏi. Thật nản lòng khi phải yêu quý những kẻ khó ưa. Ắt hẳn dụ ngôn này nói đến vấn đề nghèo đói, giáo dục và sắc tộc như thể là một ngọn núi lớn và không thể vượt qua được. Đó là nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo hay khó khăn về tinh thần thể xác của tuổi về già. Hành trình này thật gian khó, nếu không phải bây giờ, thì cũng sẽ đến lúc xảy đến.
Dụ ngôn muốn ám chỉ đến thắc mắc này: nếu một người bạn mà còn có thể cho ta miếng bánh trong lúc ta đang túng quẫn, thì Thiên Chúa còn rộng rãi biết nhường nào với những kẻ biết chạy đến cùng Người khi thiếu thốn? Thiên Chúa không phải là Đấng thích thử thách hay xa lạ như một số người đã được lớn lên với ý nghĩ như thế; nhưng là một Thiên Chúa thân thiện và sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi ta đói khổ, và dĩ nhiên, để rồi chúng ta có thể sẵn sàng giúp đỡ những người đói khổ ta gặp trên suốt đường đời.
Tôi thường nghĩ rằng yêu cầu, tìm kiếm và gõ cửa là những phương thế bảo đảm. Nếu tôi tha thiết và đủ kiên nhẫn khẩn nguyện điều đúng đắn, thì điều gì tôi xin tôi sẽ nhận được. Khi kiếm tìm, tôi sẽ được thấy. Khi gõ cửa, tôi sẽ được mở cho và bước vào dễ dàng. Khi tôi khẩn khoản nguyện xin và đủ kiên nhẫn, không phải xin những điều vớ vẩn, tôi sẽ nghe được lời Đức Giêsu nói với mình: “chẳng lẽ Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
Nhìn lại đời mình, tôi nhận ra tôi đã được nghe và được trao ban bánh là chính Thần Khí của Đức Giêsu: khi tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn và phải vất vả để thoát ra khỏi nó, thì Thánh Thần được ban cho; khi kiên trì đấu tranh cho điều mà tôi cho là đúng, thậm chí cả khi sự việc chẳng mấy biến chuyển, thì Thánh Thần vẫn được ban cho; và khi tôi thấy bản thân mình thay đổi và trở nên dễ cảm thông với những người làm tôi bực mình, thì Thánh Thần được ban cho tôi.
Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần. Ân huệ này là một hơi thở mới bên trong, để làm cho tinh thần của ta được sống động; thổi một sự sống mới vào trong mọi hoàn cảnh; mang lại niềm hy vọng ngay khi chúng ta hoàn toàn nản chí. Bất cứ nơi nào chúng ta thấy cần có Thánh Thần– hãy xin, tìm và gõ cửa. Khi cầu xin như thế là chúng ta tin tưởng vào dụ ngôn này: chúng ta đang đứng trước cửa và đằng sau cánh cửa ấy là một Người Bạn luôn sẵn sàng cho chúng ta thứ bánh ta cần.
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp.