Lời cảm tạ của một phụ nữ mù
Tôi quen biết Mỹ Trang ở Hội người mù quận Tân Bình, cách đây gần một năm, khi cô vừa mới gia nhập vào Hội. Cô bị một chứng bệnh ở não, và di chứng của nó đã khiến cô bị mù hoàn toàn vào năm 2009. Sau nhiều ngày hôn mê, khi tỉnh dậy cô chẳng còn nhớ chi hết, tất cả những gì cô có đều đã không cánh mà bay. Chỉ còn lại một bộ đồ trên người, chút vật dụng vặt vãnh, và hai con gái của mình. Chồng ư? Anh ta đã bỏ mặc cho cô nuôi hai đứa con gái nhỏ trong hoàn cảnh mù lòa. Tuy xót xa trong lòng, nhưng cô như trút bỏ được một gánh nặng, vì anh ta đích thị là một đệ tử ruột của “đề đóm”. Đồ đạc trong nhà không cánh mà bay ư? Kẻ trộm là những anh chị em ruột thịt của mình, còn gì đau đớn bẽ bàng hơn? Biết hoàn cảnh của Mỹ Trang như thế, tôi thỉnh thoảng đến thăm an ủi cô, và giới thiệu vài người bạn thân của mình đến thăm nom cho cô đỡ buồn.
Cũng may, chính trong thời gian tỉnh trí và nhớ lại mọi sự việc, chính trong lúc bế tắc nghiệt ngã đó, cô đã được một người bạn trong xóm giới thiệu về Chúa Giê-su. Người bạn đã nói với cô rằng: “Bây giờ bà chỉ còn có Chúa cứu!” Mỹ Trang thú nhận, lúc đó cô quá bế tắc, chẳng còn biết làm gì hơn là nghe theo lời người bạn trong xóm đó. Vậy rồi, cô được rửa tội tại giáo xứ Thái Hòa, và chính người bạn hàng xóm đó là người đỡ đầu cho cô. Mỹ Trang và hai con gái đã trở thành con cái của Chúa kể từ cuối năm 2009, trong một hoàn cảnh éo le như vậy.
Tối nay, một trong những người bạn của tôi tình cờ biết được ngày sinh nhật của Mỹ Trang, chúng tôi muốn đem đến cho cô một niềm vui nho nhỏ, nên đã rủ cô đi uống cà-phê ở một quán cóc gần nhà. Mỹ Trang vui lắm, đã náo nức chờ đợi buổi tối này từ sáng, cô bảo cô đã cầu nguyện cho trời đừng đổ mưa , để chúng tôi có thể đi lại dễ dàng.
Ba người trong chúng tôi là thành viên của Hội người mù quận Tân Bình, hai người còn lại, một người khuyết tật vận động, và một cô gái bình thường với vóc người nhỏ nhắn, đã dắt díu nhau tới quán cà-phê trong tình tương thân tương trợ. Trong quán cà-phê, dưới tác động của âm nhạc êm dịu, và có lẽ niềm hạnh phúc vì được quan tâm khiến Mỹ Trang đã thổ lộ cho tôi nhiều điều thầm kín. Cô cũng kể cho tôi về những sự giúp đỡ cô đã nhận được từ rất nhiều tấm lòng nhân ái, chính sự quan tâm giúp đỡ của mọi người đã nâng đỡ cô thật nhiều trong cảnh đời tăm tối. Cô nói với tôi về niềm tin vào Thiên Chúa, về lòng biết ơn Chúa qua những tấm lòng nhân ái đã đến với cô. Và cô ngỏ ý muốn đọc cho tôi nghe một bài thơ do cô sáng tác, bài thơ mà cô đã nhẩm đi nhẩm lại biết bao lần, trong tâm tình tri ân của mình. Khi vừa nghe cô đọc bài thơ xong, tôi đã bảo Minh Anh, người bạn mắt sáng của tôi, mượn quán cà-phê giấy bút,và nhờ Minh Anh ghi chép lại:
Mỹ Trang thổ lộ, cô sáng tác bài thơ này để cảm tạ người Cha ở trên trời, cũng là để cảm tạ những người đã yêu thương giúp đỡ cô, khi mà những người ruột thịt của cô, chẳng những đã không yêu thương lại còn ganh ghét vì cô được nhiều người giúp đỡ. Đặc biệt, cô cảm ơn họa sĩ Lê Hiếu, một người quen biết của cô, đã trở thành cầu nối giữa cô và giáo xứ Ba Chuông. Mỹ Trang kể, khi tỉnh trí lại, cô nghe nói có cha xứ Ba Chuông đã đến thăm. Cha xứ đã giúp cho cô một số tiền lớn, góp phần giúp cô trang trải viện phí, trong khi cô chẳng biết gì cả… Đến bây giờ, cô vẫn nhớ ơn cha xứ mặc dù cô chẳng biết tên cha là gì. Tôi thì đoán với cô là cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Đào Trung Hiệu, lúc ấy còn đang là cha Chánh xứ ở giáo xứ Ba Chuông. Tôi cho Mỹ Trang biết, tôi sẽ gởi bài thơ Tri ân này tới cha Đào trung Hiệu, thay cho lời cảm ơn của cô. Và đây là một dịp để Mỹ Trang gởi đến cha cũng như những người đã yêu thương chia sẻ với cô biết rằng, cô hằng ngày cầu nguyện cho họ.
10/7/2013
Lucia Vũ Thủy