Điều gì xảy ra trên hành trình theo Chúa?
1V 19, 16. 19-21; Tv 16; Gl 5, 1.13-18; Lc 9, 51-62
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Những ai chú ý đến các bài đọc hôm nay có thể tự nhủ rằng: “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?” Ông Êlisa đang giết bò và Chúa Giêsu đang từ chối những ứng cử viên tiềm năng làm môn đệ. Chúng ta biết rằng những tác giả soạn thảo Sách bài đọc đã chọn bài đọc thứ nhất dưới ánh sáng Tin Mừng. Vì vậy, các bài đọc có liên quan với nhau, chúng ta hãy nhìn vào đó và cố gắng trả lời câu hỏi đầu tiên rằng: “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?”
Sách các vua quyển thứ I bao gồm phần lịch sử của dân tộc Israel, sau khi vua Đavít băng hà, quyền lực được chuyển giao cho vua Solomon. Sách các vua I cho ta trình thuật về triều đại của vua Solomon và công trình Đền Thờ của ngài. Về sau, nền quân chủ được chia ra các vương quốc miền Nam và miền Bắc. Sự phân chia này dẫn đến triều đại Ahab, lúc đó ông Êlia (nhân vật nổi bật trong bài đọc một) là hình ảnh ngôn sứ lớn.
Nhiều biến cố trong cuộc đời của ông Môsê được tóm kết nơi ông Êlia, ví dụ: ông Êlia có thị kiến về Thiên Chúa trong sa mạc và rẽ nước làm hai tại sông Jordan, đồng thời vượt qua con sông đó, tựa như ông Môsê đã vượt qua Biển Đỏ vậy. Ông Êlia phải trốn vào sa mạc để thoát khỏi những mối đe dọa của ông Jezebel. Ông Êlia đã lưu lạc trong vùng hoang vắng suốt “bốn mười ngày và bốn mươi đêm” (gợi nhớ hành trình 40 năm trong sa mạc của ông Môsê). Ông Êlia thường được mô tả như một người hành hương, nhưng thực ra ông được cảnh báo nhờ mối đe dọa của ông Jezebel. Ông lưu lạc trong hoang địa mà không có đồ ăn thức uống gì, và ở đó Thiên Chúa đã nuôi sống ông. Giống như ông Môsê trên núi Sinai, thì trong một hang động, ông Êlia đã nhìn thấy Thiên Chúa đi qua. Nơi đó, Lời của Người đến với ông trong một “âm thanh rất khẽ khàng.” Thiên Chúa không xuất hiện trước một ngôn sứ sợ sệt trong thần hiện uy nghi của Người, nhưng Người xuất hiện theo cách thức mà chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp Người là trong một “âm thanh rất khẽ khàng.”
Những điều bắt đầu như một tai ương cho ông Êlia đã cuốn thành một hành trình đối với Thiên Chúa. Trong thời gian lẫn trốn, sợ hãi, mệt mõi, thao thức của ông Êlia, hoang địa đã làm ám ảnh ông. Nhưng Thiên Chúa lại kêu gọi ông. Ông Êlia có thể trốn chạy ơn kêu gọi trong nỗi sợ hãi, nhưng thực ra hành trình của ông là một cuộc hành hương nhờ Thiên Chúa dẫn dắt. Thiên Chúa bắt gặp ông Êlia chạy trốn và trợ lực cho ông nên ông có thể hoàn thành lời kêu gọi mà Thiên Chúa đã dành cho ông. Vậy ông có còn sợ hãi nữa chăng, hoặc liệu ông có đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa hay không? Ông Êlia khảng khái đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, vì như chúng ta, ông muốn làm những điều ngay chính, mặc dù còn đó bao khó khăn, sợ hãi và cám dỗ.
Sau những thử thách này, Thiên Chúa đã cho ông Êlia một người bạn đồng hành là ông Êlisa, ông này sẽ là người thừa kế của ông Êlia. Ông Êlia yêu cầu người đồng nghiệp mới dẹp bỏ tất cả sang một bên, thậm chí bỏ cả công việc và gia đình để theo ông và khám phá ý định của Thiên Chúa cho chính cuộc đời mình. Từ đây, vị ngôn sứ mới này cũng nuôi sống người khác bằng Lời Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh một bước ngoặt nơi thánh sử Luca. Đó chính là phần mở đầu của tường thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Không giống như ông Êlia, Đức Giêsu không do dự và cũng chẳng yếu hèn trong quyết định của mình để hoàn thành sứ vụ. Người không chạy trốn vào sa mạc, nhưng trong sa mạc, sứ vụ và căn tính của Người được xác định rõ ràng và trở nên mạnh mẽ hơn (Lc 4,1-13). Nơi Đức Giêsu, chẳng có nghi ngờ gì về căn tính cũng như sứ vụ của Người, vì Người “nhất quyết đi lên Giêrusalem.” Mặc dù Đức Giêsu bị các giới tôn giáo gán cho cái biệt danh là tay ăn nhậu, phường say sưa, kẻ lộng ngôn hoặc một người vi phạm lề luật, nhưng Người nhất quyết đi lên Giêrusalem, nơi đó Người sẽ đón nhận sự chống đối gay gắt – đây là một loại hình độc nhất về việc hành hương lên Thành Thánh (Giêrusalem).
Đức Giêsu ra đi không dựa vào sức riêng của mình, nhưng nhờ vào Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng ở cùng Người từ khi bắt đầu sứ vụ. Giống như ông Êlia, Đức Giêsu có người bạn đồng hành trên hành trình của mình nhờ Người cùng đi với những đồng nghiệp mới, các môn đệ, những người này đã sống với nhau như một cộng đoàn.
Ngay từ ban đầu, Đức Giêsu đã nói rất rõ với các môn đệ về những hy sinh mà các ông sẽ phải gánh chịu để bước theo Người. Không lâu sau đó thì họ nhận được một phản ứng điển hình dành cho các ngôn sứ: những người họ gặp gỡ trên đường đã loại trừ họ. Người Samari không loại trừ các môn đệ vì họ là người Galilê và có mối hận thù trong quá khứ, nhưng vì các ông “đang đi về hướng Giêrusalem.” Đức Giêsu chống lại phản ứng bạo lực đối với người Samari. Trong thực tế, theo sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca có tường thuật lại sự kiện người Samari sau cùng cũng đón nhận Tin mừng (8,5-25). Không giống như ông Elia, Đức Giêsu không hề do dự hay hèn yếu trong quyết định của Người để hoàn trọn sứ vụ. Người sẽ không dừng lại hay trì hoãn, thậm chí ngay cả khi người Samari từ chối tiếp đón Người. Trên con đường ấy, các môn đệ chẳng thể thoát khỏi cảnh trái ngang đó, mà còn được cảnh báo rằng: cái giá của việc theo Thầy Giêsu là sẽ bị khước từ.
Lời đáp trả của Đức Giêsu đối với những người muốn theo làm môn đệ có vẻ là khắc nghiệt. Liệu có điều gì sai chăng khi có người xin phép về chôn cất cha của mình trước khi đi theo Đức Kitô? Thật ra, người thanh niên ấy muốn ở nhà cho tới khi cha mẹ anh ta qua đời. Ai mà biết được đến bao giờ thì sự việc ấy mới xảy ra? Nếu xét theo thời gian tính toán của chúng ta, thì Đức Giêsu không tạo điều kiện thuận lợi cho các môn đệ. Thậm chí Đức Giêsu còn từ chối một người muốn trở về nhà để từ biệt gia đình. Người môn đệ không phải chỉ làm một điều quan trọng trong vô vàn những điều quan trọng khác. Bởi lẽ, nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi theo Đức Kitô thì chính Người và các sứ vụ mà Người ban cho chúng ta phải là ưu tiên hàng đầu.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn chẳng có sự lựa chọn nào trước đau khổ xảy đến với mình. Ta không thể tránh được bệnh tật, những giới hạn, và cuối cùng là cái chết. Đó là lẽ thường tình. Nhưng có những hy sinh, gánh nặng và khó khăn thì chúng ta lại có thể chọn lựa hay bỏ qua. Các thứ ấy xảy đến khi ta phải gánh chịu những hậu quả kèm theo sự lựa chọn của người Kitô giáo chúng ta. Chúng ta chọn hạnh phúc của người bạn hàng xóm đang cần sự giúp đỡ. Ta muốn giúp đỡ những người nghèo, ngay cả khi phải chia sẻ những nhu cầu của mình. Chúng ta không thinh lặng khi một người bị đàn áp hay bị đối xử cách bất công. Bạn đồng hành trên hành trình gian nan đến với Giêrusalem của chúng ta là chính Đức Giêsu, Người đã ban tặng cho ta cùng một Thánh Thần đã làm cho Người “nhất quyết… đi lên Giêrusalem.”
Nếu tôi thấy thoải mái trong tôn giáo của mình và đã yên ổn trong việc phụng thờ ngày Chúa nhật như thường lệ, cùng với công tác tình nguyện trong giáo xứ, thì tôi có thể cảm thấy trình thuật Tin mừng hôm nay là dành cho một ai khác trong cộng đoàn. Có thể Đức Giêsu đang nói với những người đang chia rẽ và họ cần phải ngưng ngay việc chia rẽ đó. Họ phải chọn lựa và bắt đầu thực hành điều Người dạy. Còn với tôi thì vô can.
Thế nhưng, chúng ta không thể giới hạn những điều Đức Giêsu nói vào những Kitô hữu bị khai trừ hay những người sao lãng đạo nghĩa trong giáo xứ. Đức Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta là những môn đệ đang đồng hành với Người. Và đó là một con đường, không phải là một cái ghế dài cố định và thoải mái trong ngôi thánh đường. Chúng ta có thể gọi đó là một cuộc hành trình hay một cuộc hành hương, nhưng bất kể ta đặt tên cho nó là gì thì nó cũng sẽ đòi hỏi sự sẵn sàng gạt qua một bên những gì ta yêu mến nhất. Thậm chí chúng ta có thể phải chia tay với những người không đón nhận lời Đức Giêsu, nhưng chúng ta thì lại đang vâng nghe lời ấy. Ta có thể giải thích rõ ràng hoặc thương lượng các điều khoản trong cương vị của người môn đệ, nhưng ta chưa làm được, trừ phi chúng ta đang đồng hành với Đức Giêsu trên con đường. Chúng ta không thể tự mình đưa ra bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào để trở thành người môn đệ.
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.