Đức Giêsu: Đấng Kitô của Thiên Chúa
Dư luận là gì? Thưa, “… là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người, biểu hiện bằng những phán đoán, bình luận về một vấn đề nào đó kèm theo thái độ cảm xúc và sự đánh giá nhất định, được truyền từ người này tới người kia, nhóm này sang nhóm khác. Nó có thể được truyền đi một cách tự phát hoặc được tạo ra một cách cố ý. Nếu được lan truyền rộng rãi và lặp đi lặp lại, nó trở thành dư luận xã hội”. (nguồn: Wikipedia)
Khi nói tới dư luận xã hội, thì, người càng nổi tiếng, lại càng phải đối diện nhiều đến nó. Jorge Bergoglio là một ví dụ điển hình. Khi còn là Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Buenos Aires, mấy khi ngài được dư luận xã hội nhắc đến, nhưng sau đó, khi đã trở thành Giáo Hoàng Phanxicô đương nhiệm, thì, ôi thôi! dư luận toàn cầu đâu đâu cũng nhắc tới tên ngài… Xưa kia, Đức Giêsu cũng không là ngoại lệ.
**
Đức Giêsu, khi còn tại thế, có thể nói, cuộc sống của Ngài là một cuộc sống luôn phải đương đầu với rất nhiều luồng dư luận.
Thật vậy, ngay khi vừa mới mười hai tuổi, trong một lần trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, với sự kiện Ngài ngồi cùng các bậc thầy Do Thái “vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” đã khiến cho dư luận xã hội lúc đó phải trầm trồ, kinh ngạc “về trí thông minh và những lời đối đáp của Ngài”. (x.Lc 2, 47)
Thế nhưng, dư luận về Đức Giêsu chỉ thật sự “sốt” lên khi Ngài bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Trong ba năm thực thi sứ vụ, với những lời giảng dạy cùng với những phép lạ đã làm, một làn sóng dư luận về Ngài bùng lên và lan tỏa, từ Caphacnaum cho tới vùng Thập Tỉnh, từ Giêrusalem cho tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giodan, nói tắt một lời, là khắp Palestina.
Dư luận xã hội lúc đó nói rất nhiều về Đức Giêsu, có lời khen lẫn tiếng chê, có công khai cũng có ẩn dấu, Đức Giêsu biết, nhưng, Ngài vẫn giữ một thái độ thinh lặng. Cho đến một hôm…
Vâng, chuyện được kể lại rằng, “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình”. Hôm ấy, cũng có các môn đệ “cùng ở đó với Người”. Trong thinh lặng của nguyện cầu và suy tư, Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đến và hỏi các ông về dư luận trong dân chúng nói “Thầy là ai?”
Thầy là ai ư! Trời ạ! Dư luận đồn ầm lên về ông Giêsu khắp hang cùng ngõ hẻm, từ Galilê cho đến Giêrusalem, từ Betsaiđa lan tỏa ra khắp cả Palestina… thế mà Thầy không biết gì ư!
Có lẽ, chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Sự sôi động chẳng khác nào một cuộc điều trần trước “quốc hội”. Một vài tiếng nói, trong nhóm các ông, đã thốt lên rằng, “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả… kẻ lại bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.
Có vẻ như Đức Giêsu không ngạc nhiên trước những nguồn dư luận đó. Tại sao? Thưa, không ngạc nhiên là bởi Ngài cho rằng, những người đưa ra những luồng dư luận đó có sự nhầm lẫn giữa Ngài và những nhân vật mà họ đã nêu tên.
Thật vậy, những gì Đức Giêsu đã giảng dạy, như kêu gọi mọi người “hãy sám hối” quá trùng hợp với lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả “hãy sám hối”. Phép lạ Đức Giêsu đã làm “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana ” và cải tử hoàn sinh “cho con trai của một bà góa tại thành Nain” cũng trùng hợp với phép lạ do ngôn sứ Êlia đã làm cho một bà góa ở Xarépta.
Ngôn sứ Êlia, hồi đó, đã nhờ lời cầu nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 14,22).
Rất có thể, đó chính là nguyên cớ cho những người Do Thái đưa ra lời nhận định về Đức Giêsu như những gì các môn đệ đã công bố khi Ngài hỏi đến.
Trở lại cuộc hội thoại giữa Đức Giêsu và nhóm mười hai. Trong ánh mắt nhìn đầy chờ đợi, Đức Giêsu lên tiếng hỏi các ông “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Vâng, không thấy một tiếng nói nào ngoài tiếng nói của Phêrô, một Phêrô như là đại diện cho nhóm mười hai, nói với Đức Giêsu rằng, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
***
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, cứ tưởng rằng, tông đồ Phêrô đã có được một câu trả lời hoàn hảo cho cuộc hội thoại.
Thế nhưng, với Đức Giêsu, khi mở ra cuộc hội thoại này, điều Ngài quan tâm đến, đó chính là muốn các môn đệ xác tín lại niềm tin của mình, không phải là “tin nhiều hay tin ít” nhưng là “tin thật” vào Con-Người-thật của Ngài với sứ mạng Ngài sẽ phải thực hiện.
Hôm đó, cũng là lần thứ nhất, Đức Giêsu nói đến sứ mạng của Ngài, của Đấng Kitô, cho các môn đệ biết, rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
****
Nếu hôm nay Đức Giêsu cũng với hai câu hỏi “Dân chúng nói Thầy là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” và hỏi chúng ta, vâng, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời “y chang” câu trả lời của các môn đệ xưa?
Thưa, với hôm nay, trả lời như thế cũng không sai nhưng nó chỉ nói lên được một điều duy nhất, rằng, niềm tin của người trả lời chưa đủ trưởng thành, và không khéo, người trả lời sẽ bị mang tiếng là có một niềm tin của một “con vẹt”.
Thật ra, chẳng bao giờ Đức Giêsu sẽ hỏi chúng ta như Ngài đã hỏi với các tông đồ xưa kia. Nếu hôm nay, Đức Giêsu có hỏi, có lẽ Ngài sẽ hỏi rằng, “Dân chúng nói đạo Công Giáo là đạo gì? Còn anh em, anh em bảo người Công Giáo là ai?”
Câu trả lời của chúng ta là gì? Phải chăng là dựa vào quyển “Giáo Lý Công Giáo”? Là sử dụng cẩm nang “12 Ðiều Mà Mọi Người Công Giáo Phải Trả Lời Ðược” của Deal Hudson đã được GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ?
“Good”. Phải nói là “very good”. Bởi, những điều chúng ta học được trong cuốn sách đó, như lời thánh Phaolô nói, nó chính là “người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3, …24).
Thế nhưng, với thánh Phaolô, như thế vẫn chưa là đủ để có thể có một gương mặt của một Kitô hữu đích thực. Một Kitô hữu đích thực?! Vâng, thánh Phaolô có câu trả lời rõ ràng, rằng, phải là người “Mặc lấy Đức Kitô”.
Mặc – lấy – Đức – Kitô, không phải là cố tìm cho được “chiếc áo dài không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” để mặc cho giống Chúa Giêsu khi xưa, nhưng là bước theo Ngài, là… như lời Đức Giêsu truyền dạy “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không bảo chúng ta tìm hai cây gỗ đóng thành cây thập giá vác lang thang hàng ngày ngoài đường phố. Vác-thập-giá-mình-hàng-ngày, giản dị thôi, chỉ cần làm hai việc mà Chúa Giêsu đã truyền dạy, đó là, “mến Chúa – yêu người”.
Vâng, nếu ai trong chúng ta cũng “yêu người như chính mình ta vậy” thì, trong gia đình, không thể nào xảy ra cảnh đâm-cha-chém-chú, ông-ăn-chả-bà-ăn-nem hoặc một trong hai vợ chồng phải cất lên tiếng ca “Thôi là hết em đi đường em… Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi” v.v… Còn ngoài xả hội thì sao! Có phần chắc là nơi chúng ta ở sẽ là một nơi “láng giềng thân thiết”.
Đừng quên, nếu chúng ta thực thi trọn vẹn hai điều nêu trên, chúng ta, như lời Chúa Giêsu đã nói, “Không còn xa nước Thiên Chúa đâu” và “Mọi người sẽ nhận biết (chúng ta) là môn đệ của Ngài”. Và hơn hết, qua đó, chúng ta làm sáng danh chính Đức Giêsu – Đức Giêsu mà chúng ta đã tuyên xưng rằng: Ngài là Đấng Kitô, dĩ nhiên không phải “Kitô của Marx… của Dan Brown” nhưng là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Petrus.tran