Hãy để cho Thánh Thần biến đổi

 

Hãy để cho Thánh Thần biến đổi

CVTĐ 1-11; Tv. 104; Roma 8: 8-17; Gioan 20: 19-23

 

Lm. Jude Siciliano, OP

Hãy để cho Thánh Thần biến đổiVới lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã kết thúc 50 ngày mùa Phục sinh. Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ làm chứng, như  trong các bản văn Tân Ước, về đời sống mà  Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo hội. Chúng ta gọi hôm nay là “sinh nhật của Giáo hội”. Rõ ràng từ chính thái độ mâu thuẫn của các tông đồ trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Giêsu và sự phân tán khi Người bị bắt và bị giết chết, cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì đã không có một Giáo hội đi loan báo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô – đó là tầm quan trọng và sự cần thiết của Lễ Hiện Xuống.

Sau khi Đức Giêsu phục sinh và hiện ra nhiều lần với các tông đồ, Người biết rằng họ  cần một sự biến đổi tinh thần để có  thể trở thành nhân chứng cho Người. Vì thế, cuối Tin mừng Luca (24,47) và đầu sách Công vụ  tông đồ (Cv 1,8), Đức Giêsu chỉ thị cho các tông đồ phải chờ đợi sức mạnh từ trên ban xuống cho các ông qua việc Thánh Thần hiện xuống.

Thánh Luca gắn khởi đầu của Giáo hội với Đại lễ Ngũ Tuần của người Dothái và cho biến cố này xảy ra ở Giêrusalem. Đó là năm mươi ngày (tiếng Hylạp – Pentecoste) sau biến cố Xuất hành và là cuối mùa thu hoạch lúa mì. Một số người cử hành lễ này như là thời gian nhớ lại việc Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai. Vì thế, lễ này được xem như thời khắc để hoàn thành và cũng để khởi đầu một sự canh tân trong lịch sử Israel.

Với chuyện xảy ra vào Lễ Ngũ  Tuần tại Giêrusalem, thánh Luca cho thấy sự liên tục của lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi sự từ dân Dothái. Isaia (Is 2,2-4) đã hứa  rằng tất cả các dân nước sẽ đến Giêrusalem nơi Đức Chúa sẽ thiết lập vương triều của Người trên trần gian. Vì thế, danh sách các dân nước được liệt kê trong bài đọc hôm nay (Cv 2,9-11). Giống như trong văn chương Kinh thánh, danh sách này mang ý nghĩa biểu tượng nói đến dân từ Đông sang Tây và khắp cả Rôma. Vào lễ Ngũ tuần tại Giêrusalem, là thời điểm và nơi chốn thích hợp để Thiên Chúa khởi sự một triều đại mới trải dài đến “tận cùng trái đất” – mà Rôma là biểu trưng. Như ngôn sứ đã hứa, triều đại này khởi sự với việc ban tặng Thánh Thần.

Lễ Hiện Xuống diễn ra hằng năm vào thời điểm này và tại một số giáo xứ, lễ được tổ chức với việc đọc sách thánh và hát thánh ca bằng những thứ ngôn ngữ khác nhau. Một vài giáo xứ thậm chí còn tổ chức lễ hội ẩm thực của dân bản địa, nhất là đối với những người mới nhập cư vào xứ này. Đây là những cử hành tuyệt vời về sự đa dạng của Giáo hội và cũng là sự nhắc nhở cụ thể về điều mà những người được nghe các Tông đồ tràn đầy Thánh Thần đang nói với họ: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?”

Chúng ta mới được nhắc nhở về  một Giáo hội đa dạng thì mạnh mẽ thế nào. Trong những ngày tĩnh tâm giáo xứ gần đây, một người mới được rửa tội cho tôi biết về lý do mà anh cảm thấy mình được mời gọi gia nhập vào Giáo hội. Anh đã thăm giáo xứ vào một Thánh lễ Chúa Nhật. Một người Mỹ gốc Phi ngồi bên phải và một người di dân Việt Nam ngồi bên trái anh. Anh cho biết: “tôi quyết định gia nhập Giáo hội vì tôi đã thấy sự đa dạng của các thành phần trong Giáo hội, và cảm thấy Giáo hội cũng mở ra cho tôi một cơ hội nữa. Vì thế, tôi đã ghi danh vào lớp Khai Tâm Kitô giáo và đã được lãnh nhận Phép rửa cách đây hai năm”.

Trong một số môi trường như ở sở làm, trường học, chính trường, những khác biệt như thế có thể dựng nên những bức tường ngăn cách, chia rẽ người ta, đặc biệt là nhóm thiểu số. Nói thực lòng, những chia rẽ và định kiến như thế cũng đang tồn tại ngay trong các giáo xứ của chúng ta: những người cũ thường nắm khư khư thói quen, lịch trình và chống lại tất cả những gì mà những người tới sau đóng góp dựa trên quan điểm và lối thực hành niềm tin của họ. Chúng ta được nhắc nhở rằng lễ Hiện Xuống không chỉ là một sự bùng nổ của âm thanh và quang cảnh cách đây rất lâu; nhưng là không ngừng đòi chúng ta phải nhìn lại chính mình như Giáo hội và cách mà chúng ta cùng nhau thực hành niềm tin ấy.

Trong khi những cử hành lễ Hiện Xuống của giáo xứ đang cố gắng diễn tả  sự đa dạng tuyệt vời mà Thánh Thần mang lại cho cộng đoàn, thì chính những kiểu cử hành ấy có thể cũng đã bị biến thành yếu tố  địa phương và nhàm chán. Để rồi ai đó sẽ  ngán ngẩm thốt lên “Lễ Hiện Xuống nào mà  chẳng cử hành như thế”. Nhưng ngược lại, Thánh Thần không mang lại những gì đã định sẵn và  thành ra thường lệ, nhưng Người đến trong hình lưỡi lửa và cơn gió. Nhiều người không muốn đối diện với những gì bất ngờ và hoang mang trong đời sống đức tin của mình. Họ phản kháng: “đời tôi đã quá đủ những báp bênh rồi. Tôi muốn đời sống đạo của mình nhẹ nhàng và dễ chịu – xin đừng có thêm lửa hay gió máy gì nữa!” Các cơ quan tổ chức thì có xu hướng chống lại những thay đổi và sự thích nghi. Thế giới thấy khó chịu với những người mộng mị hay những kẻ hoang tưởng. Chúng ta dễ xua đuổi họ hoặc kê toa thuốc để họ “bình tĩnh lại”.

Lễ Hiện Xuống nhắc nhở rằng không bao giờ ta có thể biết Thánh Thần sẽ  hoạt động ra sao và nơi người nào. Đại Lễ nhắc ta phải mở to đôi mắt mở rộng đôi tai, nếu không chúng ta có thể đánh mất sức sống mới mà Thánh Thần thổi vào cuộc đời ta. Có thể Thánh Thần có điều muốn nói với ta qua: một thành viên hội đồng giáo xứ có ý kiến ngược với đa số; một người vô gia cư phàn nàn về cách anh bị đối xử trong nhà ăn giáo xứ; một bạn trẻ phàn nàn về thánh lễ Chúa Nhật dành cho giới trẻ thì chán ngắt; linh mục về hưu, tham dự ngày Chúa Nhật và không ngừng nhắc nhở “tinh thần của Vatican II”; một ca trưởng thúc giục ca đoàn phải chia bè ra mà hát; một mục sư Tin Lành mời chúng ta cùng nhau cộng tác trong việc tạo thêm chỗ ở cho những người không nhà; nhóm bảo vệ quyền sống muốn thúc đẩy để ngăn chặn nạn phá thai hay án tử…

Thánh Thần không chỉ đến với những người có quyền lực hay sức mạnh vì, “mọi người đang tề tựu ở một nơi”. Thánh Thần là một sự cân bằng, vì đó mà lối cân  đong cũ nay không còn giá trị nữa; quý vị không thể biết được ai là người đang mang Thánh Thần hay nói thay Thánh Thần. Chúng ta thường cho rằng những người có học nhất sẽ đưa ra lời quyết định, vì dù sao họ cũng là “những người thông thái”. Mặc dù hôm nay chúng ta có thể đang cử hành lễ trọng này trong giáo xứ, để chứng tỏ sự phong phú của hội thánh, song Lễ Hiện Xuống vẫn đánh động chúng ta. Đó là việc chúng ta để cho làn gió phi thường tràn ngập con thuyền tâm linh của mình và để cho ngọn lửa thiêu rụi những chống đối dai dẳng trong ta.

Khi đi xem một trận bóng chày và đám đông xung quanh đang hò reo cổ vũ cho đội nhà, thì niềm phấn khởi đó có tính lây lan và  chúng ta sẽ thấy mình chẳng mấy chốc đã tham gia vào đám đông đó. Đó là lý do tại sao chúng ta vui mừng cử hành lễ Hiện Xuống. Thánh Thần của Thiên Chúa được biểu lộ qua lòng thành kính và nhiệt tâm của những người xung quanh ta, có thể cũng lây lan. Thiên Chúa không ngừng thổi chính mình vào trong cộng đoàn đang quy tụ, truyền hứng khởi cho chúng ta, như Phêrô và các đồng bạn của ông khi họ nhận được Thánh Thần lần đầu tiên tại Giêrusalem.

Các ông không say rượu, như đám đông ngày ấy nghĩ về họ, nhưng các ông say ngất Thánh Thần. Chẳng lẽ không có gì ngạc nhiên khi một niềm tin mãnh liệt như thế đã lây lan ra toàn Giêrusalem và lôi kéo nhiều người vào trong cộng đoàn được Thánh Thần hình thành hay sao?

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp

Để lại một bình luận