Phản ứng khắp nơi về việc ĐGH Bênêđictô XVI
tuyên bố từ chức ngôi vị Giáo Hoàng
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
RÔMA ngày 11.02.2013 – Hôm nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 85 tuổi đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 28.02.2013. Trong buổi họp Hồng Y Đoàn tại Tòa thánh Rôma vào sáng ngày 11.02.2013 mọi người hiện diện rất đỗi ngạc nhiên về thông báo từ chức này được ĐGH đọc bằng tiếng Latinh.
Vào ngày thứ năm, 28.02.2013, lúc 20g ngôi Tòa Phêrô chính thức sẽ trống ngôi Giáo Hoàng.
Đài phát thanh Vatican đưa tin với nhận định của ĐGH Bênêđictô XVI: “Sau khi tôi đã nhiều lần kiểm tra lương tâm của tôi trước mặt Thiên Chúa, thì tôi nhận ra rõ ràng về sức lực của tuổi già đã không còn phù hợp nữa để thực hiện cho sứ vụ kế vị ngôi tòa Phêrô”.
“Để điều khiển con tàu của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng“, ĐGH Bênêđictô XVI cho biết cần thiết phải có “cả sức mạnh của cơ thể và sức mạnh của tâm trí“. Sứ lực này của ĐGH đã giảm đi trong những tháng gần đây, do đó ĐGH thừa nhận sự yếu kém này để không thể tiếp tục hoàn thành sứ vụ được Giáo Hội giao phó.
Hơn 2000 năm của lịch sử Giáo Hội đã có một vụ Giáo Hoàng tự nguyện từ chức. Đức Giáo Hoàng Celestine V đã từ chức vào ngày 13 tháng 12 năm 1294, sau 5 tháng được bầu làm Giáo Hoàng. Trong lịch sử cận đại của Giáo Hội Công Giáo, hôm nay chúng ta trực tiếp biết tin Giáo Hoànguyên bố từ nhiệm. Điều này đang gây ra một cú sốc lớn cho hơn 1,2 tỷ người Công Giáo và cho cả thế giới.
Chiếu theo Giáo Luật một vị Giáo Hoàng được tự do quyết định cho sự từ chức của mình. Điều 332, khoản 2 của bộ Giáo luật – “Codex Iuris Canonici” (CIC) ghi như sau: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Giáo Hoàng từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận“. Các điều kiện từ chức phải được thực hiện tự nguyện và các bước tiếp theo phải được công bố công khai đầy đủ, đã được ghi nhận vào năm 1983, lúc tu sửa bộ Giáo Luật dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Chính cha Federico Lompardi, xướng ngôn viên Tòa Thánh cũng bị bất ngờ về tin này, báo chí cho biết ngay cả những người thân cận của ĐGH cũng không được thông báo trước về quyết định hệ trọng như thế. Cha Federico Lompardi khẳng định Đức Giáo Hoàng đã quyết định tự nguyện, không có áp lực từ bên ngoài.
Đức Hồng Y Josef Ratzinger, khi còn là tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin đã được bầu làm Giáo Hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo vào ngày 19.04.2005, lúc 78 tuổi và được ngài chọn tên gọi là Bênêđictô XVI.
Phản ứng của thế giới về thông báo từ chức của ĐGH Bênêđictô XVI
– Thủ tướng Ý, ông Mario Monti cho biết bị “rung động” về lời tuyên bố từ chức, trích lời hãng tin Ansa. Trước đó TT Monti đã không có thấy dấu hiệu về quyết định từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.
– Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.” Và Chính phủ liên bang Đức bày tỏ sự tôn kính của họ về việc từ chức của ĐGH. Điều không thể nào quên đối với TT Merkel về cuộc nói chuyện của Đức Giáo Hoàng tại quốc hội Đức trong chuyến thăm mục vụ của ngài đến Đức vào năm 2011: “Những lời nói của Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp tục đồng hành với tôi trong một thời gian dài nữa“.
– Tổng thống Đức, ông Joachim Gauck khen Đức Giáo Hoàng là một người có trí tuệ tuyệt vời và sự khiêm tốn của con người. Quyết định từ chức của ĐGH cần có “lòng can đảm và tự nhìn thấy chính mình“.
– Thủ tướng Anh, ông David Cameron tôn vinh Đức Giáo Hoàng: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường các mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Tòa Thánh. Về chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010 của ngài sẽ được nhớ đến với sự kính trọng. Hàng triệu người sẽ nhớ đến ĐGH như là một nhà lãnh đạo tinh thần“.
– Tổng thống Pháp, ông François Hollande thừa nhận việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI công bố như là một bước “đáng kính trọng“. Nước Pháp tôn kính “Đức Giáo Hoàng đã có một quyết định như vậy“, TT Hollande nói.
– Hồng y trưởng của Giáo Hội Công Giáo, ĐHY Angelo Sodano gọi sự thông báo này như một “tia chớp trên bầu trời trong xanh“. Ngay tại nơi họp, ĐHY Sodano nhấn mạnh thêm với đài Radio Vatican: “Chúng tôi nghe với sự bàng hoàng và gần như là hoài nghi“.
– Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch của TGP Freiburg, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, mô tả việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là một “cử chỉ vĩ đại của con người và tôn giáo lớn”. “Chúng tôi, các giám mục Đức cám ơn Đức Giáo Hoàng cho việc phục vụ Giáo Hội của ngài trên ngai tòa Phêrô và kính trọng lẫn ngưỡng mộ đối với quyết định của ĐGH,” Đức TGM Zollitsch tuyên bố. Tin tức về việc từ chức của ĐGH làm cho Đức TGM Zollitsch rúng động.
– Ở Ba Lan thông báo từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là một bất ngờ. “Đối với chúng tôi, đây là một bất ngờ lớn“, Đức Giám mục Wojciech Polak, thư ký của Hội đồng Giám mục Ba Lan cho biết.
– Bào huynh của ĐGH Bênêđictô XVI đã nhìn thấy trước việc từ chức?
Đức Giáo Hoàng mệt mỏi nhiều hơn mọi khi, Đức ông George Ratzinger cho biết. Bào huynh của ĐGH đã 89 tuổi nói về sự từ chức của em trai mình là một “quá trình tự nhiên”. “Em tôi ước muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn trong tuổi già“, Đức Ông Georg Ratzinger tiếp tục cho biết. “Tôi đoán biết về điều này“, tuy nhiên Đức Ông phủ nhận không biết về kế hoạch từ chức của người em trai trong những tháng vừa qua.
– Khi nào có Giáo Hoàng kế vị?
Người kế vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ được bầu lên cho đến Lễ Phục Sinh. Cha Federico Lombardi cho báo chí biết rằng: “Đến lễ Phục Sinh chúng ta nên có một Giáo hoàng mới”. Mật viện Hồng Y họp lại để bầu Giáo Hoàng có thể bắt đầu gặp nhau từ 15 đến 20 ngày sau khi ĐGH Bênêđictô XVI chính thức từ chức vào thứ năm, 28.02.2013 vào lúc 20g. Ngày lễ Phục Sinh năm nay vào Chúa nhật, 31.3.2013.
– Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ trú ngụ ở đâu?
Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ không trở về Đức nghỉ hưu. Lúc 13g23 cùng ngày báo chí đang có một số thông tin ban đầu về tương lai của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sau khi từ chức và sau khi có vị Giáo Hoàng mới thì ĐGH Bênêđictô sẽ nghỉ hưu trong một tu viện cũ của các nữ tu dòng kín tại Vatican, phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi cho biết. Trong khi chờ đợi việc tu sửa lại tu viện này thì ĐGH sẽ tạm trú tại nhà nghỉ hè Castel Gandolfo gần Rôma.
– Người Công Giáo chúng ta cần làm gì trong lúc này?
Không có gì bằng lời cầu nguyện cho Giáo Hội và hiệp ý với vị Cha Chung, ĐGH Bênêđictô XVI trong lời tuyên bố hôm nay: “… Và bây giờ chúng ta hãy phó thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của Người Chủ Chăn tối cao của chúng ta, là Đức Giêsu Kitô và khấn xin Ðức Maria, Mẹ chí thánh của Ngài giúp cho các Ðức Hồng Y trong việc bầu Tân Giáo Hoàng”.
(vietactholic)