CN II Vọng C: Hãy dọn đường cho Chúa

 

Hãy dọn đường cho Chúa

Br 5,1-9; Pl 1,4-6, 8-11, Lc 3,1-6

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

CN II Vọng C: Hãy dọn đường cho ChúaHôm nay thánh Luca đưa chúng ta tiến thẳng vào giữa lịch sử. Ở những câu mở đầu của bài Tin mừng hôm nay, không thấy có các thiên thần, mục đồng, chiên cừu hay một đêm đầy sao. Bài Tin mừng hôm nay không có một khởi đầu nên thơ, nhưng là một thực trạng lạnh lẽo của thế giới mà Đức Giêsu bước vào và khởi sự rao giảng ở đó.

Chúng ta vẫn còn trong mùa Vọng, dù trong các nơi mua sắm đang bày bán đầy rẫy những đồ trang trí hay nhạc Giáng Sinh. Chính thế giới còn mệt mỏi và cũ kỹ của chúng ta cần được hồi sinh, uốn nắn và đánh bóng lại cho sáng sủa hơn, đó là những gì nên diễn ra. Khởi đầu Tin mừng hôm nay, thánh Luca cho ta thấy một bức tranh của thế giới, trong đó ông Gioan Tẩy giả loan báo về việc Đức Giêsu ngự đến. Thánh sử bắt đầu một trình thuật lạnh lùng, bởi lẽ ông kể chi tiết về cảnh tượng tôn giáo và chính trị cùng với những tên tuổi mà vài người trong số họ nghĩ rằng mình có trách nhiệm trong các biến cố đó.

Ông Gioan Tẩy giả xuất hiện trong một thế giới thuộc vùng chính trị và địa lý của Đế quốc Rôma, “triều hoàng đế Tibêriô”. Những người lãnh đạo bù nhìn của dân Dothái là Antipas, Asêlus và Philiphê, các con trai của Hêrôđê Cả. Khi Asêlus bị trục xuất vào năm 6 TCN, những người đại diện chính quyền Rôma đã lên thay thế. (Chúng ta không biết nhiều về Lysania người trị vì ở vùng Abilên.) Thánh Luca cũng kể đến tên thượng tế Anna và con trai của ông là Caipha, người trở thành tư tế khi Đức Giêsu chịu chết.

Bối cảnh được đưa vào, giống như việc mở màn với âm thanh của những cái chũm choẹ, ông Gioan Tẩy giả xuất hiện để rao giảng về “phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” Thánh Luca trích dẫn lời ngôn sứ Isaia để loan báo rằng “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Không phải chỉ những người đạo đức được phép rửa của ông Gioan tác động, nhưng cả trật tự tạo dựng cũng sẽ được biến đổi – đường đi, hố sâu và đồi núi.

Thánh Luca không kể cho chúng ta nghe về một câu chuyện thần tiên dành cho trẻ con. Tin mừng của thánh sử đưa chúng ta vào một dòng chảy mênh mông của lịch sử. Người phân chia lịch sử thành ba thời kỳ. Trước hết, từ thời kỳ tạo dựng cho đến ông Gioan Tẩy giả, vị này đã loan báo kết thúc giai đoạn cũ, đồng thời loan báo việc khai mở cho giai đoạn mới. Giai đoạn thứ hai là thời sứ vụ của Đức Giêsu, từ lúc Người chịu phép rửa cho đến khi lên trời. Sau đó, theo sách Công vụ của các Tông đồ, giai đoạn thứ ba của lịch sử chính là Giáo hội. Giai đoạn này sẽ chấm dứt khi Đức Giêsu trở lại kết thúc lịch sử.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ thứ ba, nhưng Tin mừng ngày hôm nay quay trở lại lúc khởi đầu của giai đoạn thứ hai khi ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện để báo tin. Liệu chúng ta có thể nghe ông Gioan với đôi tai nhạy bén qua những gì mà chúng ta biết được về hoàn cảnh lịch sử của một dân tộc như họ đã nghe ông ấy từ thuở đầu hay không? Đối với một dân tộc nằm dưới ách thống trị của Đế quốc Rôma và những tay sai bù nhìn của họ, ông Gioan công bố một điều quan trọng mà Thiên Chúa sắp thực hiện, đó là ứng nghiệm lời hứa mà Người đã nói qua các ngôn sứ của mọi thời: cuối cùng họ cũng được nhìn thấy, “Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc.”

Chúng ta đã nghe lời hứa đó trong bài đọc một. Ngôn sứ Barúc hứa không còn những lưu đày ở Babylon nữa, nhưng “Thiên Chúa lại đưa chúng trở về”; sẽ có một cuộc xuất hành mới từ việc giam cầm này. Bấy giờ ông Gioan Tẩy giả loan báo rằng một sự phục hưng lâu dài của Israel sắp diễn ra. Hơn thế nữa, một vị vua mới không chỉ có lợi cho một số người được lựa chọn, mà “tất cả mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Trong một bài giảng về Mùa Vọng, cha Robert Waznak, SS (“Like Fresh Bread: Sunday Homilies and the Parish”. New York: Paulist Press, 1993) chia sẻ cho chúng ta những điều mà cha đã nhìn thấy và đã khơi lên niềm hy vọng cho Mùa Vọng của cha. Khi Cha lái xe ngang qua trường tiểu học thì nhìn thấy một cô giáo cùng với các học trò trong lớp. Thay vì treo đèn Giáng sinh hay trưng bày ông già Noel, họ lại đào lỗ dưới mảnh đất mới đóng băng để trồng những củ hành tượng trưng cho mùa Xuân sắp đến. “Cô giáo dạy cho học sinh về những lời hứa sẽ được hoàn tất” (tr.22).

Đó là điều mà các ngôn sứ khác cũng như ngôn sứ Barúc đã làm là rao giảng về niềm hy vọng. Quả thế, ngôn sứ Barúc đang nói với một dân tộc bị hủy diệt vì họ không nhìn thấy điều tốt lành để hy vọng cho tương lai của mình. Qua lời rao giảng, vị ngôn sứ đã đào xuống dưới mặt đất cứng cỏi của sự tuyệt vọng nơi dân tộc này. Quân Babylon sắp tiêu diệt vương quốc ở phía Nam là Giuđa và Giêrusalem, sau đó bắt dân chúng đi đày. Dân tộc bị đánh bại nơi lưu đày đang cần những lời hứa đầy hy vọng của ngôn sứ Barúc, “Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.”

Trong bài giảng, cha Waznak cũng nói rằng, “Cô giáo đó giống như Giáo hội, đang giúp chúng ta đào sâu hơn nữa vào ý nghĩa đức tin của mỗi người”; Giáo hội đang thúc dục chúng ta tận dụng thời gian trong mùa đội trông này để gieo trồng những hạt mầm hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng sẽ đến cứu độ hết thảy mọi người” (tr.22).

Trong bài giảng giữa mùa Vọng này, ông Gioan kêu gọi mọi người hãy sám hối và thay đổi lối nghĩ cũng như cách hành động. Vậy những gì cần dọn dẹp điều gì để cho Thiên Chúa đi sâu hơn nữa vào cuộc đời của chúng ta? Ngôn sứ Barúc và ông Gioan Tẩy giả đã loan báo rằng, Thiên Chúa sẽ đến để thiết lập mọi sự theo đúng trật tự. Trong cuộc sống chúng ta và thế giới này có quá nhiều hố sâu tuyệt vọng cần được lấp đầy; những núi đồi của lòng kiêu ngạo cần được san bằng; những con đường quanh co của sự hỗn loạn cần được uốn nắn cho ngay thẳng, và những con đường gồ ghề, gập gềnh cần phải được san cho phẳng phiu. Chúng ta không thể tự mình làm được những điều này, nhưng trước hết hãy đặt những điều ngay thẳng đó cho Thiên Chúa, nhờ vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã khởi sự công việc tốt lành nơi chúng ta. Đường lối thì êm ái, vì thế bây giờ chúng ta có thể đáp trả lại bằng tình yêu. Chúng ta là những người tiếp nhận công việc cứu độ “nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”

 

 

 

 

Để lại một bình luận