Chúa nhật 20 TNB
Người đã trao ban chính mình cho chúng ta
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Học viện Đaminh Chuyển ngữ
Kính thưa quý vị,
Trong Tin mừng thánh của Gioan, người ta thường cố diễn giải Đức Giêsu trong khía cạnh tự nhiên; thánh Gioan gọi điều này là mức độ “xác thịt”. Trong khi Đức Giêsu lại cố gắng giúp họ ở một cấp độ sâu hơn, những điều thuộc về bản chất, ở mức độ của “tinh thần”. Ví dụ, khi Đức Giêsu ban nước hằng sống cho người phụ nữ bên bờ giếng (Ga 4,4-38), chị nghĩ Người đang nói về thứ nước tự nhiên không ngừng tuôn chảy. Nhưng Người muốn ban cho chị thứ nước là chính sự sống mới trong chị và làm thỏa mãn cơn khát thiêng liêng của chị.
Sự nhầm lẫn giữa những gì người ta hiểu về điều Đức Giêsu đang nói và điều Đức Giêsu thực sự muốn nói này là điều dễ thấy trong các bài đọc Tin mừng trong những tuần qua. Khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và rồi sau đó rút lui, đám đông phấn khích đi tìm Người, nghĩ rằng Người sẽ là nguồn cung cấp lương thực dồi dào cho họ. Đám đông đang hiểu ở mức độ “xác thịt” nhưng Đức Giêsu đang nói đến chuyện thiêng liêng. Người đang trao ban chính mình cho họ, Người là Bánh Hàng Sống – như Người nói với họ hôm nay.
Họ tranh luận với nhau về ý nghĩa của Người, nhưng Người vẫn tiềp tục nói về tư tưởng của mình “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.
Đức Giêsu là Bánh Từ Trời xuống và Người mời gọi chúng ta tin và đón nhận Người như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Bài đọc hôm nay trích từ “diễn từ về bánh” nói về Thánh Thể. Đức Giêsu khẳng định rằng Người có sự sống “nhờ Chúa Cha” và Người sẽ chia sẻ sự sống ấy với những người tin cùng chia sẻ Thánh Thể. Vì thế trong diễn từ này, bắt đầu bằng phép lạ hóa bánh (6,1tt), Đức Giêsu đã tỏ bày sự hiện diện hai chiều cho chúng ta: Người hiện diện trong lời giảng cũng như trong Bí tích Thánh Thể. Phần đầu của diễn từ tập trung vào “bánh” là giáo huấn của Đức Giêsu và đòi phải tin vào lời của Người: sự sống đời đời là phần thưởng dành cho những ai tin vào Đức Giêsu. Nay Người lại dạy rằng ai ăn thịt và uống máu của Người sẽ nhận được sự sống đời đời. Trong những câu 51-58 có những dấu của từ ngữ mới trong suốt cả bài: “ăn”, “uống”, “máu”, và “thịt”.
Chúng ta có thể gọi những từ ngữ như thế là thô ráp hay ít nhất là phàm tục. Trong ngôn ngữ Kinh thánh, “ăn thị ai đó” là một tội ác dã man. Đó này nghĩa là làm hại ai đó. Uống máu được xem là một hành vi báng bổ bị Thiên Chúa cấm. Vì thế, có những ám chỉ liên quan đến hình ảnh “ăn thịt” và “uống máu”, hẳn đó không phải là việc đặt niềm tin và tiếp cận với Đức Giêsu.
Nhưng, chúng chỉ có thể nói đến Thánh Thể. Một số người cho rằng đoạn văn nguyên thủy của thông điệp này nằm trong diễn từ Tiệc Ly và công thức Thánh Thể. “…bánh Tôi ban chính là thịt Tôi để cho thế gian được sống”. “Thịt và máu” dùng để ám chỉ đến toàn thể con người, vì thế Đức Giêsu ban trọn vẹn con người mình để chúng ta được sống – trước hết là trên thập giá và nay trong cử hành Bí tích Thánh Thể.
Diễn từ đòi hỏi tin vào Đức Giêsu và cho thấy rằng hồng ân mà chúng ta nhận được nhờ “tin” và “ăn” là chính Đức Giêsu. Tiến trình mạc khải trong diễn từ song song với việc chúng ta thực hiện trong Thánh Lễ: Đức Giêsu nói rằng Người trao ban chính mình cho chúng ta và Người dẫn chúng ta đến chỗ tin vào chính Người. Rồi chính Lời đó dẫn chúng ta đến bàn thờ để “cầm lấy và ăn” – “cầm lấy và uống”.
Do đó, hiển nhiên Bí tích Thánh Thể trở thành mầu nhiệm trung tâm trong đức tin của chúng ta. Đó là điểm trọng yếu đối với tất cả những gì chúng ta tin, tất cả những gì chúng ta là và chúng ta thực hiện. Ở đây chúng ta quy tụ quanh Lời, Bánh và Chén, quà tặng của Đức Giêsu là chính Người. Đến lượt mình, chúng ta cũng trao trọn vẹn con người mình cho Người bằng cách tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể. Chúng ta biết được trong diễn từ về bánh của thánh Gioan là Thiên Chúa hiện diện và sẵn sàng chia sẻ đời sống thần linh qua Đức Giêsu. Chúng ta đến với Thánh Thể với đôi tai bằng thịt để lắng nghe và mở lòng ra để đón nhận – nghe Lời và nhận Bánh được bẻ ra và sẻ chia.
Khi chúng ta đáp lại sau lời nguyện thánh hiến: “Khi chúng con ăn Bánhnày và uống Chén này trong Thánh Thể chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người đến”. Nói cách khác, khi chúng ta ăn và uống tại Tiệc Thánh Thể này chúng ta loan truyền ý nghĩa của cái chết của Đức Giêsu vì chúng ta. Những gì Đức Giêsu thực hiện cho chúng ta, chúng ta cũng có thể làm như thế cho những người khác. Sự sống mà Đức Giêsu có từ Chúa Cha, nay chúng ta cũng có được (“…tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”). Vì thế chúng ta dấn thân hành động. Như đã từng nói, Thánh Thể không phải là một đối tượng, như là một hành động chúng ta tham sự vào và đáp lại trong đời sống mỗi ngày của chúng ta.
Làm cách nào chúng ta có thể phân biệt lời Đức Giêsu mời gọi đến dự tiệc mà Người vừa là chủ tiệc vừa là lương thực, với những bữa ăn khác mà chúng ta chia sẻ với nhau? Những ai nhớ trình thuật bánh ở Gioan chương 6 có lẽ cũng nhớ, hay nghe về, những lần khác Đức Giêsu đã cùng dùng bữa với các môn đệ. Chẳng lẽ những bữa tiệc bình thường đó lại không đặc biệt và là những khoảnh khắc ăn phúc đối với các môn đệ hay sao? Khi chúng ta ăn cùng nhau – không phải cách vội vã, nhưng với sự quan tâm và chăm sóc những người chúng ta chuẩn bị và chia sẻ bữa an – thì chẳng phải cũng là hành vi tôn giáo đó sao?
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều – còn có nhiều bữa ăn được chia sẻ và cả Bữa Tiệc Ly – Liệu các môn đệ buổi đầu ấy có ngồi xuống dùng những bữa ăn bình thường hằng ngày và không nhớ gì đến thứ lương thực được chia sẻ với Đức Giêsu và người khác chăng? Chẳng lẽ không có bữa ăn nào với bạn hữu mà không gợi lên những ký ức về bữa ăn với Đức Kitô và những gì Người dạy họ?
Trong thế giới hiện đại và đời sống gia đình của chúng ta có vẻ như không cho phép chúng ta có đủ thời gian và không gian cho những bữa ăn cùng nhau cách thong thả. Nhưng, tôi có thể sắp xếp để tạo những bữa ăn đặc biệt, Ai biết được, tôi có lẽ mới cảm nghiệm được, cách nào đó, Đức Giêsu cũng đang cùng bàn. Người nghèo không hề mất đi ý nghĩa và sự quý hóa của thức ăn. Họ có vẻ không đón nhận cách vô tư như chúng ta. Tôi không có ý lãng mạn hóa cái nghèo, nhưng chẳng lẽ quý vị không thấy rằng hầu hết những người nghèo trân trọng thức ăn như món quà được chia sẻ, được chúc lành hay được trân trọng đó sao? Và trong bữa ăn của họ chẳng phải Đức Giêsu cũng hiện diện như chủ tiệc và thức ăn đó sao?
Có vẻ như sách Châm ngôn, được mô tả như người phụ nữ trong bài đọc thứ nhất, đang bày cho chúng ta một bữa tiệc. Bà ấy rất bận rộn bày biện một yến tiệc và sai người đi mời chúng ta. Bà hết sức chu đáo đối với khách mời đến độ xây hẳn một cái nhà để thết tiệc. Bà kêu mời chúng ta bỏ đi những ngu si, những chọn lựa sai lầm và những nẻo đường ngang ngạnh. Thay vào đó, bà cho chúng ta sự khôn ngoan hiểu biết để chúng ta có thể đưa ra những chọn lựa tốt hơn. Vì thế, người khôn ngoan không chỉ học biết những gì liênquan đến tôn giáo mà còn cả những lẽ thường tốt đẹp nữa.
Sách Châm Ngôn khuyến khích chúng ta chọn Thiên Chúa và sự khôn ngoan mà Người ban tặng. Yến tiệc được mô tả trong bài đọc trích sách Châm Ngôn hôm nay là một sự gợi ý về bàn tiệc cánh chung được mô tả trong Isaia (55,1-5). Tân Ước cũng mô tả một bữa tiệc tương tự (Mt 22,1-14). Đức Kitô sẽ là chủ tiệc và việc hóa bánh ra nhiều là một sự tiên báo, một dấu, về những gì sẽ xảy ra – tất cả sẽ được ăn no nê và còn thừa rất nhiều.
Chúng ta có thể đọc bữa tiệc Khôn Ngoan như sự chuẩn bị cho Tiệc Thánh Thể, trong đó chúng ta được trao ban giáo huấn và thịt – là chính Thân Mình của Đức Kitô.