Trí lực và tâm lực
Người Công Giáo hay ngoài Công Giáo sẽ có những cách khác nhau khi tư duy về Thiên Chúa. Dưới góc độ con người, cách tư duy của một cá thể về Thiên Chúa phụ thuộc vào cơ địa và nền học vấn tổng hợp mà cá thể đã, đang hấp thụ. Các Thánh Tông đồ tư duy về người Thầy của mình cũng khác nhau mặc dù cùng được hưởng một nền giáo dục tôn giáo từ cùng một người Thầy là Đức Kitô.
Tôi tự hỏi “mình tư duy về Thiên Chúa giống vị Thánh Tông đồ nào?”. Chắc là giống Thánh Tôma. Nghĩa là khi suy tư về sự phục sinh của Đức Kitô thì phải nghĩ theo cách: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”
Đây là cách tiếp cận vấn đề theo khoa học thực nghiệm, theo phương châm trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng tay sờ. Cách tiếp cận này là một đặc trưng của nhóm trí thức và giới khoa học khi giải quyết các bài toán và tôn giáo không phải là một bài toán ngoại lệ. Đây là một cách tiếp cận trong nhiều cách tiếp cận khác về Thiên Chúa. Nếu tiếp cận theo cách này, Chúa Giêsu cho là ít phúc. Ngài nói với thánh Tôma “vì con thấy nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”
Còn Thiên Chúa thì ưa thích chọn lựa như thế nào? Khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra ở biển hồ Tibêria, Ngài không hỏi Phêrô: con có trí tuệ hơn những người anh em khác không, mà lại đặt vấn đề “con có yêu mến Thầy hơn những người này không” (Ga 21, 15) đến 3 lần. Thậm chí Ngài cũng không hỏi Phêrô: con có đức tin lớn hơn những anh em khác không?
Rõ ràng nhờ đức mến lớn lao mà thánh Phêrô trở thành vị Giáo hoàng tiên khởi mà Chúa Giêsu nhấc lên.
Đức tin là gía trị rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Vì vậy có thể chúng ta sẽ hơi dè dặt khi bàn về thứ bậc của đức tin và đức mến. Thánh Phaolo – người được xem là khối óc của giáo hội thời sơ khai – đã làm rõ về vấn đề này. Đức tin là một trong 9 đặc sủng của Chúa Thánh Thần, gồm: Ơn khôn ngoan; Ơn hiểu biết; Đức tin; Chữa bệnh; Phép lạ; Nói tiên tri; Phân định thần khí; Nói tiếng lạ; Giải thích tiếng lạ.
Thánh Phaolô trình bày tầm quan trọng của đức mến khi đứng cạnh đức tin như sau “có được đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13, 2). Ngài kết luận “Hiện nay đức tin, cậy, mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13, 13). Hơn nữa, các ân sủng thì có giới hạn về độ lớn lẫn thời gian, riêng đức mến thì không bao giờ mất được.
Mặc dù tại những thời điểm nhất định, lòng tin, đức cậy của thánh Tôma, hay Phêrô có yếu đuối, chao đảo nhưng nhờ lòng mến, các ngài vẫn được Chúa Giêsu ân cần giơ tay nâng đỡ và dạy bảo.
Lòng mến không thể khởi đầu từ trí lực mà phải khởi đi từ tâm lực. Thứ tự của các cụm từ trong câu: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Mc 12, 30) là một gợi ý hay. Phải xuất phát từ yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và sau đó Ngài sẽ dắt chúng ta tới mức độ khác: yêu Chúa hết trí khôn và hết sức lực. Chính Tân Ước một lần nữa khẳn định, đức tin Công giáo đến từ con tim chứ không từ lí trí là vậy.
Mẹ Têrêsa thành Calcuta một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng mến như sau: “Khi chết đi Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã làm những điều lành gì mà hỏi tình yêu của chúng ta đã dành cho Chúa trong mỗi lần làm việc đó”. Còn Thánh Phanxicô thì nói “Vì lòng yêu mến Chúa, anh em hãy chấp nhận các nghịch thù hữu hình cũng như vô hình”.
Lạy Chúa Giêsu, nếu ai đó trong chúng con vẫn muốn tiếp cận Thiên Chúa theo cách thức của Thánh Tôma, thì xin cho chúng con một lần được nghe Ngài nói như đã nói với Thánh Tôma, dù chúng con hoàn toàn chẳng xứng đáng như thế.
G. Tuấn Anh