Chào ngày của Mẹ
(Hi, the Mother’s Day )
Theo truyền thống ở Hoa Kỳ và một số nước khác trên thế giới, hàng năm, cứ vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng năm, người ta tổ chức một ngày lễ được gọi là Mother’s Day.
Mother’s Day nghĩa là gì ? Xin thưa, dịch sang tiếng Việt Nam, tùy từng địa phương, có nghĩa là ngày – của mẹ, ngày – của – má, ngày – của – u v.v…
Chữ “Mother’s Day”. cũng có người dịch sang tiếng Việt Nam là “Ngày Hiền Mẫu”. “Hiền Mẫu”, vâng, quả là một từ ngữ tuyệt đẹp đối với người Việt Nam chúng ta.
Ngày Hiền Mẫu là ngày được đặt ra với chủ đích để những người con nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của người mẹ đối với mình.
Khi nói về chuyện nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của người Mẹ, phải chăng là nói tới chữ hiếu của những người con ?
Đúng vậy. Ngày của Mẹ nhắc chúng ta đừng quên tri ân, tỏ lòng hiếu thảo, không chỉ cho người mẹ nói riêng, nhưng cũng cho mọi người trong gia đình nói chung. Mọi người trong gia đình chính là người vợ và cũng là người mẹ tương lai, mẹ – của – những – đứa – con trong một gia đình nhỏ sau này.
Người mẹ, người vợ thường chỉ làm những việc âm thầm, những việc bình thường nhưng đôi lúc thật phi thường (điều này lịch sử đã chứng minh), nhưng thật đáng tiếc, lại thường bị lãng quên. Vì thế, ngày của mẹ, chính là cơ hội để chúng ta ghi nhận những công lao mà người Mẹ đã làm cho chúng ta.
Nhiều người cho rằng, con gái thường quan tâm đến Mẹ nhiều hơn con trai, vì người ta cho rằng, con trai, nhất là khi đã lập gia đình, phải lo toan nhiều thứ cho gia đình nhỏ của mình, nên ít thì giờ nghĩ đến mẹ.
Nghĩ như vậy cũng không chắc lắm. Trong chúng ta, nhất là những người được sinh sống ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, chắc hẳn ai cũng đều được học câu chuyện “Nhị Thập tứ hiếu”.
“…Nhị thập tứ hiếu là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp vào thời nhà Nguyên biên soạn. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo, và sau khi cha mất, ông đã xuất bản quyển sách này.
Ở Việt Nam, ông Lý Văn Phức (1785-1849), đậu cử nhân, làm quan dưới ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là người tôn sùng chữ hiếu, ông liền dịch truyện Nhị thập tứ hiếu ra quốc văn theo thể thơ song thất lục bát, để dễ truyền bá mà răn dạy người đời phải có hiếu với cha mẹ”.(trích nguồn : internet)
Hầu hết các người con hiếu thảo trong “Nhị Thập tứ hiếu” đều là “đấng mày râu”. Chỉ có hai người là nữ giới, đó là Khương Thị và Đường Thị.
Xin lỗi quý chị em phụ nữ nhé ! Kể ra cho vui mà thôi. Bởi vì dù là con trai hay con gái hay nói cách khác, là con cái Chúa, chúng ta đừng quên Kinh Thánh đã dạy rằng : “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi ban cho” (Xh 20, 12).
Chưa hết đâu, mời quý vị hãy nghe Kinh Thánh nói tiếp rằng : “Ai đánh cha hoặc mẹ, phải bị xử tử”, “Ai chửi rủa cha hoặc mẹ, phải bị xử tử” (Xh 21, 15-17). Sợ chưa !!!
Chúa Giêsu cũng đã lên án thái độ giả hình của những người mượn lý do tôn giáo để bỏ bê bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Tông đồ Phaolô coi hành động bội nghịch cha mẹ như là tội ác.
Thánh nhân khuyên “trước tiên con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành” (1Tm 5, 4). Ngài cũng đã nhắc lại điều răng Chúa dạy: “hãy tôn kính cha mẹ” là điều răn có kèm theo lời hứa, “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).
Như vậy, dù là con trai hay con gái, ai cũng phải có bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, phải không thưa quý vị !
Trong “Ngày Hiền Mẫu”, chắc hẳn chúng ta sẽ chúc cho người Mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất. Và chắc hẳn chúng ta không thể không thể hiện lòng biết ơn người Mẹ qua cử chỉ chân thành và thiết thực như tặng một bó hoa, một cái bánh cake với hàng chữ chúc thọ, một món nữ trang, một món quà mà người Mẹ ưa thích, hoặc một bữa cơm thịnh soạn v.v..
Thế nhưng, điều quan trọng hơn, trong ngày này, đừng quên đến những gì là căn bản nhất của một gia đình mà Thiên Chúa đã dạy bảo. Đó chính là giới răn “yêu thương” mà Đức Giêsu đã dạy : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chỉ có tình yêu thương trong sự “kính sợ Đức Kitô”, trong gia đình, người chồng mới có thể “yêu thương vợ như chính mình ”, người vợ mới có thể “tùng phục chồng như tùng phục Chúa” và cuối cùng, những người con mới có thể “vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa” (Ep 6, 1).
Tưởng cũng nên nhắc đến “niên trưởng Phêrô”. Ngài cũng đã gửi đến quý chị em là những người vợ, lời khuyên rằng : “duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bề ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa.” (1Pr 3, 3-4).
Nhắc đến những điều này có lạc đề không ? Xin thưa là không. Bởi vì, hôm nay, chúng ta (quý chị em phụ nữ) là một người vợ, nhưng ngày mai sẽ là một người Mẹ, nếu nền tảng gia đình không được xây dựng bằng tình yêu thương trong sự kính sợ Chúa, bằng những lời Chúa dạy dỗ, thì mai sau làm sao chúng ta có thể trở thành “Hiền Mẫu” !!!
Nói tới “Hiền Mẫu” có một con người mẫu mực để quý chị em chúng ta noi theo, đó chính là bà Monica. Thật là tuyệt vời khi bà Monica được nhìn nhận là bổn mạng giới hiền mẫu.
Không nhìn nhận sao được khi “hiền mẫu” Monica, nhờ cuộc đời thánh thiện, bà đã cải hóa được một chàng trai tính tình ngang ngược, hung bạo, ngạo mạn, đó là chàng trai tên là Patricius – cũng là vị hôn phu của bà. Đó là chưa nói đến người con là Augustinô. Vâng, lời cầu nguyện, sự cậy trông và phó thác của bà đã đơn hoa kết trái cho Hội Thánh Chúa một tiến sĩ lừng danh.
Cuối cùng, một điều tưởng chúng ta cũng nên biết, chữ “Mother – Mẹ” còn có một ý nghĩa rất sâu sắc, không giản dị “mẹ” chỉ là người sinh ra chúng ta. Chữ “Mother – Mẹ” theo chữ Do Thái cổ là “ame”, đọc là ah-may, có nghĩa là “mối dây liên kết gia đình”.
Chính vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay “ngày của Mẹ” đừng vì lý do gì mà chúng ta không đến thăm Mẹ để nhờ đó chúng ta tạo được mối dây liên kết gia đình mỗi ngày một chặt chẽ hơn.
Hôm nay là ngày hiền mẫu ư ! Vâng, là người vợ, đừng quên thăm “mẹ chồng”. Là người chồng, đừng quên thăm “mẹ vợ”. Nếu có “mẹ kế”, hãy noi gương Mẫn Tử Khiên, Vương Tường và cả vua Ngu Thuấn là những người cũng có mẹ kế, nhưng cuộc đời của các ông không có dấu hiệu nào tỏ ra là bất hiếu với mẹ kế của mình, mà đến thăm.
Bởi vì người Mẹ nào thì cũng là “mối dây liên kết gia đình” của chúng ta.
Tuy nhiên, có một người mẹ, hay nói cách khác, có một người má, quý ông không nên tỏ ra có hiếu mà đến thăm, đó chính là “má mì”… Đến thăm “má mì” chẳng những mối dây liên kết gia đình bị cắt đứt mà nguy cơ không có mặt ở Nước Trời là điều khả thi, phải không thưa quý chị em phụ nữ !!!
Petrus.tran