Thầy gọi anh em là bạn hữu
Ga 15,9-17
Lm. Jude Siciliano, OP
Học viện Đaminh chuyển ngữ
Kính thưa quý vị,
Giáo hội sơ khai không có một giai đoạn nào suôn sẻ cả. Nào là những cuộc bách hại do những người Rôma gây ra, và cả những người Do Thái mới cải đạo theo Đức Giêsu cũng bị trục xuất ra khỏi các hội đường. Dẫu cho có những khó khăn, chúng ta ấn tượng về cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi đã khơi lên một đời sống khá bình dị trong việc tương thân tương ái và chia sẻ của cải vật chất, một lòng một ý với nhau (Cv 2, 42-47; 4,32-37).
Nhưng cộng với những áp lực từ bên ngoài cộng đoàn còn phải đương đầu với những chia rẽ từ bên trong. Chẳng hạn, các thành viên không phân chia của cải cho công bằng như lúc đầu (5, 1-11). Thậm chí có những sự khác biệt đáng kể về đạo lý và phụng vụ, và những điều này được đề cập trong bài trích sách Công vụ hôm nay.
Ông Phêrô lớn lên như một người Do Thái, và những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu cũng là người Do Thái. Họ tin rằng Thiên Chúa sẽ giữ giao ước mà Người đã thiết lập với tổ tiên họ. Vì vậy, họ đã tìm kiếm và đã gặp Đức Giêsu hình ảnh Đấng Mêsia mà họ hy vọng sẽ giải thoát đất nước họ. Ông Phêrô, cũng như những người cùng tôn giáo của mình, có lẽ đã được giáo dục theo kiểu xem dân ngoại là những người không thanh sạch, nên đã tránh liên hệ với họ. Đối với người Do Thái sùng đạo, dân ngoại được xem như những “con chó” – một sự quy chiếu phổ biến vào thời đó. Những người Do Thái cố hết sức để tránh giao du với các người dân ngoại.
Hãy tưởng tượng xem ông Phêrô kinh ngạc thế nào khi ông thấy và nghe tiếng gọi chỉ ông đến ông Cornêliô, và ông Phêrô đã đến thăm nhà ông này và được ông tiếp đón. “Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa”. Ở đoạn này và nhiều đoạn văn khác trong sách Công vụ, thánh Luca cho thấy khá rõ rằng, Thiên Chúa không phải là gia sản dành riêng cho một số người được tuyển chọn, nhưng Thiên Chúa là của tất cả mọi dân tộc.
Ông Phêrô và những người đi với ông, cũng như giáo hội ở Giêrusalem, “những tín hữu thuộc giới cắt bì,” phải tìm hiểu về ân sủng hơn nữa; những người đan hấp hối. Thiên Chúa đã đi bước trước, Người đã khởi xướng và tuôn đổ ân sủng xuống cho bất cứ ai Người chọn – dù là dân ngoại. Người tín hữu cần đón nhận, đáp trả và đi theo. Thánh Thần, khác hẳn với những tín hữu của ông Phêrô và những người đi với ông, không thiên vị ai; tất cả đều được đón nhận để nghe lời và dùng bữa chung một bàn.
Khi Phêrô vào nhà ông Conêliô và được ông này tôn kính, thì Phêrô lưỡng lự và có thái độ khiên tốn khi thừa nhận rằng mình chỉ là phàm nhân thôi, “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.” Chúng ta là những người được mời gọi phục vụ cộng đồng Giáo hội, nên lấy ông Phêrô làm “kiểu mẫu”. Trong khi chúng ta mang ơn những tín hữu đã dành cho ta sự kính trọng, thì về phần mình chúng ta không được tách biệt họ, như thể xem mình là thành phần ưu tú thuộc cấp bậc cao hơn trong Giáo hội. Chúng ta biểu hiện sao cho thật khôn khéo để dung hòa lối “hành xử” trong tâm thức chúng ta, và lắng nghe thông điệp của ông Phêrô nhắc nhở rằng, “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.” Chúng ta nên bớt giáo quyền trong Giáo hội, và thực hành tính tập thể giữa những người mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta phục vụ họ. Ngày nay ông Phêrô là kiểu mẫu lý tưởng cho chúng ta noi theo.
Vào buổi tối nọ, tôi có xem một chương trình đặc biệt trên kênh thời tiết. Chương trình này chỉ là sự tổng quan trong một năm qua, khi xem, chúng tôi thấy con số những cơn bão đi qua đất nước nhiều hơn bình thường. Bình luận viên lúc đó nhắc đến những sự kiện thời tiết tàn phá như “Những hành động của Thiên Chúa”. Quả thực, một lần nữa, người ta trách cứ Thiên Chúa vì đã giết chết những con người vô tội và phá hủy những tài sản có giá trị hàng triệu Mỹ kim! Nhưng khi thiên nhiên phô bày ra những kỳ quan và quyền năng của Thiên Chúa – hoàng hôn trên đại dương, những đóa hoa tươi thắm của mùa xuân, và những chú chim nhỏ nhắn và xinh xắn – tôi không thể gọi tên một cơn bão hủy diệt là “Hành động của Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, với tư cách là một tín hữu, tôi có thể nhận ra một “hành động của Thiên Chúa” đầy quyền năng – Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu và Đức Giêsu đã hy sinh sự sống của Người cho chúng ta. Như Tin Mừng ngày hôm nay đã nói, “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Quyền năng của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta qua việc Đức Giêsu thông dự với chúng ta trong hành trình làm người; không tránh né đau khổ, nhưng chấp nhận như muốn thông phần với chúng ta, và trao ban sự sống của Người để chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết dường nào. Tôi gọi điều này là “Hành động của Thiên Chúa!”
Vì vậy, chúng ta không phải đến đây với Giáo hội để cầu nguyện ngõ hầu làm hài lòng Thiên Chúa; hay để lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa và thiện ý của Người; hoặc thổ lộ với Thiên Chúa bằng nhiều lời cầu nguyện để Thiên Chúa ưu ái mà ban cho chúng ta những gì mà chúng ta cầu xin. Chúng ta không cầu xin và phụng sự Thiên Chúa để được Chúa yêu thương. Cái chết và sự sống của Đức Giêsu đã minh chứng rõ rằng: Chúng ta không yêu Thiên Chúa trước, thế nhưng Người lại ban ân huệ và yêu thương chúng ta. Nói đúng hơn, Thiên Chúa đã yêu thương ta trước và Đức Giêsu là bằng chứng xác thực của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta – nếu chúng ta còn ngờ vực.
Chứng thực là: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đưa ra bằng chứng hùng hồn về tình yêu đó, vậy chúng ta nên làm gì để tỏ ra là chúng ta đã đón nhận sứ điệp này? Chúng ta có thể đáp trả và biểu lộ như thế nào để cho mọi người thấy rằng cuộc đời mình được biến đổi nhờ tình yêu đó; tình yêu liệu có biến đổi người được yêu không? Lúc nào quý vị cũng có thể nói khi một người đang yêu, họ bộc lộ tình yêu. Họ luôn hân hoan, ân cần và nhẫn nại hơn.
Nếu chúng ta hỏi Đức Giêsu xem thử chúng ta phải làm gì để đáp trả tình yêu mà Thiên Chúa đã biểu lộ cho ta qua Người, thì hôm nay Đức Giêsu nói với chúng ta rằng, “Hãy giữ các điều răn của Thầy.” Khi nghe đến các điều răn, ta nghĩ ngay đến Thập Điều. Lúc đó chúng ta chững lại với suy nghĩ rằng: liệu ta có vi phạm Điều Răn nào không? Ta có làm gì sai trái không? Nhưng chúng ta đã có Thập Điều mà không cần đến Đức Giêsu. Đức Giêsu không nói về việc không vi phạm Thập Điều. Người đang nói với chúng ta rằng, “Anh em đừng lo nghĩ mình làm những điều chẳng nên. Thay vào đó, điều đích thực mà anh em nên làm là: hãy yêu thương nhau.”
Đó là một mệnh lệnh gắn liền với nhiều khía cạnh, nhiều cơ hội thuận tiện để đưa vào thực hành. Nếu không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, thì chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tự vấn xem phần nào trong cuộc đời của mình phải “hy sinh” vì người khác? Ví dụ: “hy sinh” thành kiến của tôi; những cảm nghĩ giận hờn của tôi; thái độ thù hằn với những gì mà người khác đã gây ra cho tôi; hy sinh ích kỷ của tôi, hoặc là tôi đã miễn cưỡng khi phải bỏ thời gian để giúp đỡ người khác, v.v…
Đức Giêsu không đưa ra Mười Điều Răn để rồi từng điều răn cần được đánh dấu, “Đó, tôi đã thực hiện xong rồi”. Nhưng một mệnh lệnh bao quát hơn, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúng ta đã bao giờ nói rằng chúng ta đã sống theo mệnh lệnh đó chưa? Chúng ta phải kiểm tra các điều khoản và nói rằng, “Rất tốt, tôi đã hoàn thành xong việc đó!” Không phải như vậy, bởi vì tình yêu đòi hỏi nhiều nơi chúng ta. Đời nào một người chồng bảo vợ hoặc vợ bảo chồng rằng, “Này, anh đã yêu em hoặc em đã yêu anh. Đó không phải là những thứ mà anh cho em (em cho anh) nhiều hơn, hoặc đã thực hiện nghĩa vụ với nhau?” Nhưng tình yêu là một ngọn lửa mà nó thiêu đốt chúng ta và để chúng ta tìm cách để yêu thương.
Điều này có vẻ mệt mỏi phải không? Đức Giêsu nói rằng chúng ta không sống và suy nghĩ như những người nô lệ, khúm núm, cố gắng thực hiện sao cho phải lẽ, sợ bị phạt. Thay vào đó, Người gọi chúng ta là “bạn hữu”. Tình bạn với Đức Giêsu không ủy mị hay ướt át. Một số tình bạn có thể rời bỏ chúng ta và làm cho chúng ta căng thẳng. Nhưng tình bạn với Đức Giêsu là một sự tôn trọng và yêu thương có tính tương quan giữa hai đối tượng. Tôi có một người bạn đã gia nhập vào nhóm tứ ca. Anh kết bạn với một trong những người ở nhóm đó. Người bạn mới đã dạy cho anh hát mà không cần bất cứ một nhạc cụ nào, và giới thiệu cho anh những bài hát mà trước đây anh chưa bao giờ được nghe. Tình bạn mở ra cho chúng ta sự sống mới. Tình bạn giữ cho ta được chuẩn mực, đó là: kéo ta lại gần hơn khi ta sống tách biệt; giúp ta đứng dậy khi ta nản chí; tình bạn là chỗ thích hợp khi ta cần tâm sự; tình bạn còn giới thiệu cho ta đến một thế giới mới về ẩm thực, thú tiêu khiển và cả âm nhạc nữa.
Chúng ta đã thực sự là bạn của Đức Kitô. “Thầy gọi anh em là bạn hữu”. Với sự trợ lực Thần Khí của Đức Giêsu, chúng ta có thể hành xử theo cách mà hôm nay đã trình bày – ngày càng trở nên giống người bạn của chúng ta là Đức Giêsu, khi Người nói với chúng ta, “sinh hoa trái” trong đời sống chúng ta.
Trong bữa Tiệc Thánh hôm nay chúng ta nài xin Đức Giêsu cho ta biết cần phải sống và phản chiếu như thế nào về tình bạn của chúng ta với Người. Chúng ta khẩn nguyện Người chỉ cho ta biết phải từ bỏ điều gì trong cuộc sống, chúng ta phải hy sinh và không nắm giữ điều gì trong cuộc đời. Chúng ta cũng xin Người chỉ bảo cho ta biết cần phải trổ hoa như thế nào để sinh hoa trái mới khi chúng ta đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài dạy chúng con biết yêu thương nhau và giúp chúng con sống với tình yêu đó, để cho mọi người nhận biết chúng con là bạn hữu với nhau”.