Người dân xứ đạo quê tôi

 

Người dân xứ đạo quê tôi

 

Người dân xứ đạo quê tôiXứ đạo nơi tôi đang sinh sống thuộc địa bàn có nhiều tôn giáo, có cả những người không theo tôn giáo nào. Do vậy mà khi sống đan xen với nhau như thế, những người Kitô hữu ắt hẳn sẽ có một nếp sống căn bản hơn, ngay cả trong các nghi thức Phụng vụ của tôn giáo cũng như với những sinh hoạt đời thường. Đại đa số giáo dân vẫn luôn là những người tiêu biểu, thực hiện tốt hành trình “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” cùng với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”, để đem Chúa đến cho mọi người và thực hiện công việc truyền giáo bằng chính đời sống của mình, được thể hiện một cách cụ thể ở những mặt sau:                                                                                                     Nhà thờ thánh Phanxicô Assisis

* Từ nếp sống của mỗi người

Giáo dân ở đây có một đời sống tôn giáo rất đậm nét và được trải dài xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi người ngay từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc sống trần thế. Có nghĩa là khi một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình Công giáo, sẽ được đưa đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, trở thành Kitô hữu. Khi lớn lên đến tuổi đi học là được học giáo lý để xưng tội và rước lễ lần đầu, chịu phép Thêm sức; rồi khi đến tuổi thanh niên lại được học về giáo lý hôn nhân để có điều kiện lập gia đình, ai được ơn Thiên triệu thì đi tu để dâng hiến đời mình cho Chúa. Đến lúc về già “gần đất, xa trời” thì dọn mình để chịu Bí tích Xức dầu thánh. Cả cuộc đời là những chuỗi ngày luôn được giáo dục hướng dẫn để sống đạo và trở thành những người Kitô hữu đích thực. Chính vì thế mà họ không bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn xã hội hay xào xáo bất hòa, góp phần làm cho cuộc sống được trong lành hạnh phúc.

Nói về đức tin thì người giáo dân ở đây luôn được duy trì, củng cố và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn qua việc tham dự các lớp giáo lý, tĩnh tâm, huấn luyện; mà hiệu lực nhất là tham dự thánh lễ hằng ngày, chầu Thánh thể, các giờ kinh nguyện. Một khi đời sống đức tin vững vàng thì cuộc sống của họ hài hòa, thân thiện, hiệp nhất, và biết yêu thương nhau; tình làng nghĩa xóm luôn bền chặt gắn bó, tạo ra một lối sống đẹp trong cộng đồng xã hội và Giáo hội. Nhiều người Công giáo được biểu dương là “Người tốt, việc tốt”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…

* Đến nếp sống trong gia đình

Giáo hội Công giáo đặc biệt coi trọng gia đình, xem gia đình là “Hội thánh tại gia”. Với ý nghĩa đó, gia đình Công giáo được xây dựng trên cơ sở hôn nhân với hai mục đích: sinh sản con cái để thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương chăm sóc cho nhau. Thượng Hội đồng Giám mục thế giới cũng đưa ra bốn nhiệm vụ cho gia đình Công giáo là: “Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị; Phục vụ sự sống; Tham dự vào việc phát triển xã hội; Tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội”.

Bà con giáo dân quê tôi coi con cái là hồng ân Chúa ban, nên họ rất yêu thương quý mến con cái. Họ rất quyết tâm trong việc giáo dục con cái, nhất là việc dạy bảo các con sống đạo và giữ đạo. Khi con em đi học xa nhà, họ thường gởi vào những nơi có uy tín nề nếp về đạo đức. Việc đọc kinh sáng tối trong gia đình, đi lễ, đi chầu, học giáo lý, sinh hoạt hội đoàn… được cha mẹ quan tâm nhắc nhở. Những ngày giỗ của gia đình cũng được tổ chức như xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, cha mẹ. Về mặt xã hội hầu như gia đình Công giáo nào ở đây cũng được công nhận là “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình an toàn”…

Người dân xứ đạo quê tôi

 Nhà thờ Ngọc Thạch – Gp. Long Xuyên

* Nếp sống nơi cộng đoàn

Nếp sống cộng đoàn là đặc tính của giáo hội Công giáo. Công đồng Vaticanô II cũng đã khẳng định tính cách cộng đoàn và huynh đệ của dân Chúa: “Ngay từ đầu của lịch sử cứu rỗi, chính Người đã chọn con người không phải với tư cách như những cá nhân mà như những phần tử của cộng đoàn… Trong khi rao giảng, Người truyền dạy rõ ràng cho con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh em” (GH số 9).

Theo tổ chức của Giáo hội và cách riêng tại giáo xứ, thì có giáo họ và các giáo khu. Họ sinh sống với nhau theo địa bàn dân cư và cùng cộng tác, chung vui, chia sẻ với nhau tất cả những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Trong giáo xứ còn có các giới như: Giới thiếu nhi (Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể), giới trẻ, giới gia trưởng và thanh niên, giới mẹ trẻ, giới hiền mẫu và các hội đoàn như: Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, Gia đình Đức Mẹ, Hội Mân Côi, Hiệp hội Thánh Thể…; các ca đoàn, nhạc đoàn… Tất cả các giới, hội đoàn đó đều có nội quy điều lệ hẳn hoi, khi tham gia phải tuân giữ và thực hiện đầy đủ các quy định đã được thống nhất đề ra. Nhờ vậy mà người giáo dân lại có thêm sự hỗ trợ giúp đỡ của anh chị em trong từng tổ chức đó về tinh thần cũng như vật chất.

Nếp sống đạo đức, hài hòa, thân thiện, đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương, phục vụ của người Công giáo xứ đạo quê tôi đã được thể hiện qua bản thân của từng người, qua gia đình của họ và qua cộng đoàn trong giáo xứ, giáo khu. Đây là một nét đặc sắc riêng đã đóng góp cho đời sống văn hóa tinh thần của quê hương đất nước và con người Việt Nam càng thêm phong phú giầu đẹp hơn; làm nên sự tương đồng, cộng hưởng, tác động qua lại và phát huy một cách tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Hoài Thanh

Gx. Ngọc Thạch , Long Xyên

(CSTMHĐGDĐM tháng 04.2012)

 

Để lại một bình luận