Loan báo Tin mừng – những bài học lịch sử

 

 

Loan báo Tin mừng, tái loan báo Tin mừng, loan báo Tin mừng cách mới mẻ:  những bài học lịch sử


Phan Tấn Thành, OP.

 Hội thảo thần học do Ủy ban Giáo lý Đức tin (UBGLĐT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, do Đức giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban, chủ tọa. Tham dự hội thảo, cha Giuse Phan Tấn Thành, OP. – Giám đốc Trung tâm Học vấn Đa Minh cũng có bài tham luận với chủ đề: “Loan báo Tin mừng, tái loan báo Tin mừng, loan báo Tin mừng cách mới mẻ:  những bài học lịch sử”. BBT xin giới thiệu cùng quý độc giả toàn văn bài tham luận trên:

Loan báo Tin mừng - những bài học lịch sửTôi xin mở đầu cho buổi hội thảo với việc nghiên cứu lịch sử từ ngữ nova evangelizatio cũng như những bài học lịch sử của evangelizatio.

Bài này được chia làm hai phần. Trong phần thứ nhất, chúng ta đặt câu hỏi: evangelizatio là gì, nova evangelizatio là gì? Đây là câu chuyện về từ ngữ. Trong phần thứ hai, chúng ta thử hỏi: có phải đây là lần đầu tiên  vấn đề nova evangelizatio được nêu lên, hay là trong quá khứ đã có nhiều đợt nova evangelizatio? Nếu đã có nhiều đợt nova evangelizatio, thì cái “mới” nằm ở chỗ nào?

I. Lịch sử từ ngữ: evangelizatio là gì?

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ evangelizatio, thường được dịch là “Phúc-âm-hoá” (do đó, nova evangelizatio là “Tân Phúc âm hóa”), hoặc “loan báo Tin mừng” (hay: rao giảng Phúc âm, truyền bá Phúc âm). Từ ngữ nào sát nghĩa hơn? Điều này đòi hỏi không những phải truy tầm nguyên gốc của nó trong Tân ước, mà còn phải khảo sát cách thức nó được xử dụng trải qua lịch sử của Hội Thánh.

A. Tầm nguyên: evangelium, evangelizare, evangelizatio, evangelicus, evangelismus

1/ Trong Tân Ước không có danh từ “evangelizatio”, nhưng chỉ có động từ “evangelizare” và nhất là danh từ “evangelium[1]. Các từ này đều bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp:  euangelion (tin vui, tin mừng, tin lành), euangelizo, euangelizomai (động từ), euangelistes (người đưa Tin Mừng)[2].

Evangelium là gì? Hồi còn nhỏ (tạm cho là cách đây 60 năm), khi đi lễ Chúa Nhật, tôi được nghe đọc sách “Evan”. Khi đi tu (tạm cho là cách đây 55 năm), tôi được nghe đọc sách “Phúc âm”. Từ thập niên 60, từ “Phúc âm” rất được phổ biến ở Việt Nam: sách Phúc âm, rao giảng Phúc âm, các lời khuyên Phúc âm. Từ thập niên 90, thấy từ “Tin Mừng” dần dần xuất hiện trong thánh đường, tuy rằng cho đến nay, trong giới nhà tu, người ta vẫn còn nói đến “ba lời khuyên Phúc âm, tinh thần Phúc âm”.

Một điều không kém thú vị là theo dõi sự biến đổi việc dịch thuật của anh em Tin Lành. Danh xưng “Tin Lành” gốc bởi tiếng Anh Evangelicals. Thế nhưng, danh từ Evangelium đã được dịch nhiều cách trong các ấn bản Kinh Thánh: “Tin lành, Phúc âm, Tin mừng”. Chúng ta lấy một thí dụ ở Mc 1,1:

– bản truyền thống: “Đầu Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời”.

– bản dịch mới: “Khởi đầu Phúc Am về Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Đức Chúa Trời”.

– bản dịch 2011: “Bắt đầu Tin mừng của Đức Chúa Giêsu Christ, Con Đức Chúa Trời”.

Khuôn khổ bài này không cho phép tôi đi sâu vào nội dung của Tin mừng. Chỉ xin nhấn mạnh rằng trong Tân Ước, evangelium (Tin Mừng) được hiểu về một sứ điệp loan báo; về sau, người ta mới hiểu về quyển sách ghi lại sứ điệp đó. Một cách tương tự như vậy, evangelista lúc đầu được hiểu về người đi loan báo sứ điệp Tin mừng; về sau mới được hiểu về người viết sách Tin Mừng, nói cụ thể là bốn “thánh sử” (Matthêu, Marcô, Luca, Gioan).

2/ Lịch sử Hội Thánh

Trong lịch sử Hội Thánh, nảy sinh ra nhiều từ ngữ bắt nguồn từ evangelium. Trước hết là tính từ evangelicus (thuộc về Tin Mừng), chẳng hạn như “consilia evangelica” (những lời khuyên của Tin Mừng), và cách riêng những từ ngữ evangelical, evangelism, evangelization do phong trào “Phục hưng Tin lành” (Evangelical Revival) phổ biến từ thế kỷ XIX. Đang khi tại Âu châu, vào thời Trung cổ, các phong trào “Tin lành” nhấn mạnh đến việc trở về nguồn, sống theo tinh thần của Tin Mừng (evangelismus), thì tại Hoa kỳ, các phong trào Tin Lành đề cao sứ mạng “rao giảng Tin Lành” cho người ngoại giáo (preaching the Gospel to Non-Christians). Những từ ngữ evangelization, evangelicals, evangelism ra đời trong bối cảnh đó. Nói cách khác, evangelizatio là một từ ngữ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX[3], và được du nhập vào thần học Công giáo vào thế kỷ XX.

B. Evangelizatio – Missio

Từ lâu Hội Thánh Công giáo đã ý thức về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Nhưng để ám chỉ công tác này, thần học đã sử dụng nhiều thuật ngữ.

1/ Thời xưa, việc loan báo Tin Mừng (giảng đạo, truyền giáo) được gọi bằng nhiều tên: Illuminatio gentium, Novos populos adducere in gremio sanctae matris Ecclesiae, Propagatio Fidei, Conversio gentilium, Praedicatio Evangelii in universo orbe, Labor salutiferae praedicationis ad innotescendum gentibus mysterium fidei, Conversio infidelium, Praedicatio apostolica, Procuratio salutis ad barbaras gentes, Novella Christianitatis plantatio, Promulgatio Evangelii, Viam salutis et lucis infidelibus insinuare, Procuratio salutis omnium gentium, Legatio ad gentes, Dilatatio Ecclesiae per universum orbem, vv.

2/ Vào thời cận đại, từ ngữ quen thuộc hơn cả là missio. Danh từ này mang nhiều ý nghĩa trải qua dòng thời gian.

Theo nguyên gốc, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere (sai, gửi, phái, cử). Missio được thần học xử dụng trong nhiều bối cảnh:

a) Áp dụng cho mầu nhiệm Ba ngôi (missiones divinae, trinitariae):  Chúa Cha đã “sai” Con Một đến thế gian; Chúa Kitô “sai” Thánh Thần đến Giáo Hội.

b) Áp dụng cho sứ mạng của Hội Thánh: Đức Giêsu sai các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Hội thánh tiếp tục sứ mạng của các thánh tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

c) Từ thế kỷ XVI, danh từ missio được áp dụng vào nhiều lãnh vực:

– Giảng tuần đại phúc trong các xứ đạo, cách riêng ở thôn quê. Thánh Vinh-sơn Phaolô đã lập một hội dòng mang tên là “Congregatio Missionis” (1625) cho mục tiêu đó.

– Giảng Tin Mừng cho dân ngoại (missio ad exteros, missio ad gentes). Điển hình là việc Tòa Thánh thiết lập Thánh Bộ truyền bá đức tin để đi giảng đạo cho dân ngoại (1622). Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi Hội dòng “Missions étrangères de Paris” (MEP: Hội Thừa sai Paris).

– Lãnh thổ truyền giáo (đại khái bao trùm các lục địa Phi và Á châu) được đặt dưới sự quản trị của Bộ Truyền Bá Đức tin.

3/ Công đồng Vaticanô II

Hai danh từ missioevangelisatio xuất hiện trong nhiều văn kiện.

a) Danh từ missio được dùng theo nhiều nghĩa, đặc biệt là trong Sắc Lệnh Ad gentes:

– việc sai đi, bắt nguồn từ Chúa Cha (AG 2);

– toàn thể sứ mạng của Hội Thánh (AG 9-10; xc. LG 17);

– một hoạt động chuyên biệt của Hội Thánh: rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa (AG 6; 20; 27b);

– một miền (lãnh thổ) được đặt dưới thẩm quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin (AG 29).

b) Đặc biệt danh từ “evangelizatio” cũng được du nhập vào các bản văn của Công đồng (31 lần)[4], cách riêng là trong  Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes (21 lần)[5]. Danh từ được dùng theo ba nghĩa:

– nghĩa hẹp: rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo, tương đương với công bố kerygma (số 6);

– theo một nghĩa rộng hơn: việc làm chứng tá bằng lời nói và gương lành (số 14);

– rộng hơn nữa, nó đồng nghĩa với toàn bộ công tác truyền giáo, nghĩa là việc thi hành ba tác vụ của Hội Thánh (số 20; 27; 29; 30; xem thêm số 23; 35-36; 38; 39; 40; 41).

c) Tương quan giữa “missio” và “evangelizatio

Sắc lệnh Ad gentes xem ra chấp nhận quan điểm thông thường vào thời đó. Evangelizatio được đặt trong khung cảnh truyền giáo cho dân ngoại (Missio ad gentes), chứ không bao trùm toàn thể Giáo Hội. Mặt khác, evangelizatio hẹp hơn là missioevangelizatio: trình bày Tin Mừng (bằng lời nói và gương lành) cho các dân ngoại, còn missio bao gồm không những là việc loan báo mà còn việc giáo huấn, phụng vụ, cầu nguyện và các công tác mục vụ (xc. AG số 10). Nên biết là Bộ Truyền giáo đã được đổi tên với cuộc cải tổ giáo triều sau công đồng Vaticanô II (15/8/1967), từ “S. Congregatio de Propaganda Fide” sang “S.C. pro Evangelizatione gentium”.

4/ Evangelii nuntiandi

Đây là tựa đề của tông huấn sau Thượng hội đồng giám mục thế giới họp năm 1974 về đề tài “De evangelizatione mundi huius temporis”.  Đức Thánh Cha Phaolô VI nhìn nhận rằng evangelizatio là một công tác rất đa diện[6] (EN số 17-24), bao gồm nhiều khía cạnh:

– loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá: số 21) hoặc minh nhiên (số 22);

– thiết lập cộng đoàn Hội Thánh (số 23;24);

– cứu độ toàn diện: giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ (số 30-38);

– thấm nhập vào các nền văn hoá (số 20; 62-65).

Ta nhận thấy rằng evangelizatio có thể hiểu vừa rất chặt vừa rất rộng (số 18):

(i) rất chặt: công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô-giáo; (ii) rất rộng: đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Thực ra việc loan báo Tin mừng được thực hiện vừa bằng lời nói vừa bằng chứng tá đời sống, cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với Tin mừng. (Hiểu theo nghĩa này thì có thể dịch là “Phúc âm hóa”).

Dù sao, tông huấn Evangelii nuntiandi đã làm đảo lộn mối tương quan giữa missioevangelizatio. Trước đây (trong Sắc lệnh Ad gentes số 6), evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội Thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó[7].

Một điều quan trọng mà tông huấn Evangelii nuntiandi đã nhấn mạnh là trước khi Hội thánh lên đường loan báo Tin mừng, thì cần phải hoán cải theo Tin mừng đã[8]. Nói cách khác, đối tượng loan báo Tin mừng không phải chỉ là thế giới nhưng là chính các phần tử của Hội thánh.

C. Re-evangelizatio – Nova evangelizatio

Những từ ngữ này xuất hiện trong các văn kiện của Hội đồng các Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) trong các đại hội họp tại Medellin (1968) và Puebla (1979). Châu Mỹ đã được đón nhận Tin Mừng từ thế kỷ XV và số người Công giáo chiếm đa số; tuy nhiên, cần phải nghĩ đến việc “tái truyền giảng Tin Mừng” nhằm hun nóng niềm tin, cũng như tiếp tục việc thay đổi não trạng và cơ chế cho phù hợp với Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng chấp nhận quan điểm đó. Tuy rằng thuật ngữ nova evangelizatio đã xuất hiện trong bài diễn văn tại Nowa Huta ngày 9/6/1979, nhưng được nhấn mạnh và đào sâu hơn kể từ bài diễn văn khai mạc Đại Hội CELAM tại  Port-au-Prince (Haiti) ngày 8/3/1983: đây không phải là giảng Tin Mừng mới (xét về nội dung), nhưng là mới xét về nhiệt huyết, về phương pháp, về cách diễn tả. Từ đó từ ngữ này được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh, thí dụ trong tông huấn Christifideles laici (năm 1988) ở các số 4 và 34. Cách riêng, trong thông điệp Redemptoris missio (năm 1990), số 33 đức Gioan Phaolô II đã cố gắng xác định các từ ngữ như thế này:

Missio ad gentes : loan báo Tin Mừng cho những nơi và những người chưa biết Chúa Kitô.

Cura pastoralis : hoạt động mục vụ tại những nơi đã theo đạo.

Nova evangelizatio hay iterata evangelizatio : tại những nơi đã theo đạo nhưng đã lơ là với việc thực hành.

Thuật ngữ nova evangelizatio hơi hàm hồ. “Nova” có nghĩa là mới, nhưng “mới” theo nghĩa nào? Chắc chắn không phải là mới về nội dung (Tin mừng mới), nhưng là xét về phương pháp. Tuy nhiên khi nói đến phương pháp mới, phải chăng chúng ta nhìn nhận rằng các phương pháp áp dụng xưa nay là cũ rích , nghĩa là lỗi thời? Phải chăng khi nói đến phương pháp mới, chúng ta nghĩ rằng mình phải sáng chế ra cái gì khác thường, hay ít là chúng ta muốn làm cái gì khác, so sánh với những gì đã thực hiện  từ xưa đến giờ? Phải chăng gián tiếp muốn nói rằng “hậu sinh khả uý”: ta sẽ có cái gì khác và còn hơn cha ông chúng ta?

Tôi xin nhường lời cho các diễn giả khác việc tìm ra những phương thế mới để loan báo Tin mừng cho thời đại chúng ta, đặc biệt là tại Việt Nam. Trong phần thứ hai của bài này, tôi muốn chia sẻ vài suy tư về những đợt loan báo Tin mừng trong lịch sử Giáo hội, từ đó chúng ta có thể học được những khía cạnh khác nhau của cái “mới” trong việc loan báo Tin mừng. Cái mới ngày hôm nay không hẳn phải là độc đáo so với quá khứ, nhưng là một bước tiến mới trong hành trình hai ngàn năm loan báo Tin mừng[9].

II.  Những đợt sóng mới của công cuộc loan báo Tin mừng

Lịch sử truyền giáo đã trải qua nhiều chặng hoặc đợt. Chúng tôi xin trưng dẫn hai lối  nhìn về những đợt ấy. Trước hết, chúng ta hãy nghe cha Raniero Cantalamessa trong loạt các bài giảng cho giáo triều Rôma vào mùa Vọng năm ngoái (được tóm lược và đăng trên internet[10]) về bốn đợt loan báo Tin mừng, với bốn chủ thể khác nhau. Kế đến, cha Mario Menin sẽ cho thấy sự khác biệt về phương pháp áp dụng trong bảy giai đoạn truyền giáo.

A. Bốn đợt loan báo Tin mừng (Raniero Cantalamessa)

Theo cha Cantalamessa, trong lịch sử Hội thánh đã có bốn thời điểm mà chúng ta chứng kiến một sự gia tăng hoặc lấy lại nỗ lực truyền giáo, đó là:

1. Sự bành trướng của Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu tiên: nhân vật then chốt là các ngôn sứ lưu động và rồi các giám mục.

2. Thế kỷ VI-IX chứng kiến một cuộc tái truyền giảng Tin mừng ở châu Au sau những cuộc xâm lăng của người man-di, cách riêng nhờ các đan sĩ.

3. Thế kỷ XVI, với cuộc khám phá các dân tộc của “tân thế giới”, việc truyền giáo được tiến hành cách riêng nhờ các tu sĩ.

4. Thời hiện tại, Giáo hội dấn thân vào cuộc tái truyền giảng Tin mừng cho Tây phương bị tục hóa, với sự tham gia chủ động của các giáo dân.

Sự phân chia bốn đợt muốn nêu bật những nhân vật chủ động cũng như những đối thể của công cuộc loan báo Tin mừng. Chúng ta hãy điểm qua đặc trưng của mỗi đợt

1. Giai đoạn một: ba thế kỷ đầu[11].

Việc truyền giảng Tin mừng, khởi sự từ các thánh tông đồ, được tiếp tục bởi các tín hữu. Trong hai thế kỷ đầu tiên, việc giảng đạo do các sáng kiến của các cá nhân, cách riêng là các ngôn sứ lưu động, nay đây mai đó. Tin mừng được loan truyền nhờ những cuộc tiếp xúc thường nhật, qua hoạt động thương mại, qua những hoàn cảnh sinh sống. Từ hậu bán thế kỷ III, công cuộc truyền giáo được chuyển sang các cộng đồng địa phương, dưới sự chỉ đạo của giám mục. Sang cuối thế kỷ III, đức tin công giáo đã thấm nhập vào giai tầng xã hội. Giáo hội đã có cơ chế, cơ sở phụng tự. Những cuộc bách đạo dữ dội của hoàng đế Đioclêxianô chứng tỏ rằng các Kitô hữu đã trở thành một thế lực đáng nể. Hoàng đế Constantinô đành chấp nhận thực tại đó.

Các sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích lý do của sự thành công: có thể là tấm gương yêu thương bác ái của các tín hữu; có thể là khả năng đáp ứng những khát vọng của thời đại, hoặc khả năng dung nạp những nền văn hóa khác biệt. Tuy nhiên, theo cha Cantalamessa, cần phải tìm lý do giải thích nơi chính động lực nội tại của nó. Tin mừng chứa đựng tiềm lực phát triển do chính Thiên Chúa đã gắn vào. Nó được ví như hạt giống được gieo vào lòng đất, rồi sinh hoa kết quả (Mc 4,26-29; 30-32). Con người gieo trồng, tưới; nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng cho hạt giống lớn lên (xc. 1Cr 3,6-7). Những con người với bản tính yếu ớt do dự, nhưng tin tưởng vào quyền lực của Chúa, đã thực hiện được điều phi thường. Đức tin đã trở nên sức mạnh để truyền giáo cũng như để dám chấp nhận cái chết.

2. Giai đoạn hai: thế kỷ V-XI

Giai đoạn này bắt đầu không phải từ sắc chiếu của hoàng đế Constantinô cho phép các Kitô hữu được tự do hành đạo, nhưng là từ khi đế quốc Rôma sụp đổ năm 476 trước sự tấn công của quân man di. Nhiều người nghĩ rằng tận thế đã gần kề, nhưng may thay nhờ những vị mục tử sáng suốt, Giáo hội ý thức một thời cơ mới mở ra cho việc truyền giảng Tin mừng. Trước đây, Kitô giáo đón nhận văn hóa Hy-lạp và Rôma vào khối gia sản đức tin; bây giờ đến lượt Kitô giáo dùng kho tàng văn hóa của mình để giáo dục những ông chủ mới tới. Thực ra công cuộc rao giảng Tin mừng ở giai đoạn này (kéo dài cho đến thế kỷ IX)  gồm nhiều mặt trận: một đàng củng cố đức tin nơi những người đã theo đạo, cách riêng ở vùng thôn quê; đàng khác, rao giảng Tin mừng cho những dân chưa biết Chúa, cách riêng ở vùng Bắc Âu. Như thế việc giảng đạo cũng bao hàm việc giáo dục văn hóa. Những nhân vật chủ chốt của công tác này là các đan sĩ, bên Tây cũng như bên Đông.

Một bài học của giai đoạn này là việc loan truyền Tin mừng đi đôi với việc đối thoại văn hóa, nhưng nhất là nhiệt khí bắt nguồn từ đời sống chiêm niệm, như các đan sĩ đã cho thấy. Điều này có nghĩa là không những các đan sĩ sống đời chiêm niệm cần cầu nguyện nhiều cho các nhà truyền giáo, nhưng mà các nhà truyền giáo cần phải trở nên những con người chiêm niệm.

3. Giai đoạn ba: loan báo Tin mừng cho lục địa mới

Không bao lâu sau cuộc khám phá châu Mỹ (1492), các nước châu Au đã chiếm đóng lục địa này, mang theo những truyền thống tôn giáo và chính trị của mình: Bắc Mỹ theo Tin Lành, Mỹ châu Latinh theo Công giáo. Cha Cantalamessa chú ý đến phương pháp truyền giáo của Tây ban nha tại Nam Mỹ. Đế quốc Tây ban nha chiếm đất đai của thổ dân, và bắt họ phải theo Kitô giáo. Xem ra Tin mừng đi kèm theo vũ lực. Tuy nhiên, cần phân tích sự kiện kỹ lưỡng hơn. Một đàng, không thiếu những tiếng nói bảo vệ quyền lợi của thổ dân (điển hình là cha Bartolomé de las Casas). Đàng khác, đàng sau chính sách cưỡng bách theo đạo là thần học đương thời, theo đó ai không gia nhập Giáo hội sẽ bị trầm luân (Extra Ecclesiam nulla salus).

Nhân dịp kỷ niệm 500 năm khám phá lục địa (1992), có người đòi xét lại vấn đề: sau khi đã chủ quyền chính trị đã được trả lại cho dân bản xứ, phải chăng đã đến lúc phải trả lại tôn giáo cổ truyền cho các thổ dân? Phải chăng Kitô giáo là một cái họa cho dân bản xứ?

Không, phải nói ngược lại: chính nhờ khám phá đức Kitô mà người thổ dân đã nhận được sự giải phóng toàn diện. Mặc dầu trong 500 năm truyền giáo có những vết tối, nhưng những luồng sáng còn nổi bật hơn nhiều. Những nhân vật chủ lực của công cuộc rao truyền Tin mừng ở lục địa này là các tu sĩ (Phan-sinh, Đa-minh, Au-tinh, Dòng Tên). Do lòng yêu mến Chúa Giêsu thúc đẩy, họ muốn chinh phục các linh hồn về cho Chúa. Họ đã đem hết mọi tài năng để góp phần phát triển xã hội tại địa phương.

Những cuộc tranh luận về thần học giải phóng đã nêu bật một yêu sách của việc truyền giảng Tin mừng: phát triển con người, thăng tiến xã hội. Nguy cơ của mọi cuộc tranh luận là chỉ bảo vệ một khía cạnh này và coi nhẹ khía cạnh kia. Có người tố cáo rằng Giáo hội Công giáo chú trọng đến công lý hoà bình và coi nhẹ đời sống tâm linh, cho nên nhiều tín hữu đã bị lôi cuốn bởi các giáo phái Tin Lành đề cao đời sống cầu nguyện, Thánh linh.

Dù sao, khi nhìn lại quá khứ, sở dĩ trước đây các dòng tu đã cung cấp số đông các nhà truyền giáo là vì nếp sống của họ được tràn đầy thần khí, biểu lộ qua nếp sống khó nghèo, tinh thần huynh đệ, đời sống cầu nguyện. Phải chăng đó là điều khác biệt với thời nay?

4. Giai đoạn bốn: thế giới tục hoá

Đây là thời đại mà chúng ta đang sống. Giáo hội phải loan báo Tin mừng cho thế giới Tây phương hậu Kitô giáo, nghĩa là tuy mang truyền thống Kitô giáo nhưng trở thành dị ứng với sứ điệp Tin mừng, do ảnh hưởng của não trạng duy khoa học, tục hoá và duy lý.

Thách đố mới của việc loan báo Tin mừng là làm sao đưa con người thời đại đến gặp gỡ Đức Kitô. Thực vậy, Tin mừng là Đức Kitô chịu chết trên thập giá và phục sinh, Đức Kitô sống động. Loan báo Tin mừng có nghĩa là đem Đức Kitô vào cuộc sống hôm nay.

Tuy rằng các giám mục, linh mục, tu sĩ vẫn giữ vai trò chủ động, nhưng các ngài là “chủ chăn” hơn là “ngư phủ”: muốn tiến ra khơi, lăn lội vào hàng cùng ngõ hẻm, thì cần các giáo dân. Các giáo dân là những người mang Tin mừng đến với những người ở xa nhà thờ, những người chưa biết Chúa. Các giáo dân loan báo Tin mừng qua chứng tá cá nhân của cuộc sống hằng ngày, cũng như qua các đoàn thể, hội đoàn, phong trào. Môi trường đầu tiên để loan báo Tin mừng là gia đình, trường học của tình yêu.

Nhận xét

Cha Cantalamessa thú nhận rằng việc phân chia bốn đợt loan báo Tin mừng muốn làm nêu bật đối tượng nhằm đến: thế giới văn hóa Hy-lạp Rôma, thế giới các dân man di, thế giới châu Mỹ, thế giới tục hóa, chứ không bao gồm toàn thể công cuộc truyền giáo (chẳng hạn như việc loan báo Tin mừng tại Á châu). Việc phân chia bốn đợt cũng muốn chú trọng đến các nhân tố chủ động của mỗi giai đoạn: giám mục (từ thế kỷ III), đan sĩ, tu sĩ, giáo dân, tuy không quên rằng tác nhân chủ động là Chúa Kitô phục sinh.

Bây giờ chúng ta sẽ nghe một tác giả khác phân tích các giai đoạn  lịch sử truyền giáo dựa trên những biên cương mới cũng như những phương pháp mới, đó là bài viết của cha Mario Menin tựa đề “Storia e modelli della presenza missionaria della Chiesa” (Lịch sử và những khuôn mẫu của sự hiện diện truyền giáo của Giáo hội) được đăng trên mạng SEDOS[12]

B. Bảy hoàn cảnh lịch sử

Trước tiên tác giả nhìn nhận rằng trong công cuộc  nghiên cứu lịch sử Giáo hội, có hai khuynh hướng tiếp cận đối nghịch nhau: một bên chỉ muốn phân tích các sự kiện dựa theo những nguyên tắc của khoa sử học (Roger Aubert); một bên (Hubert Jedin) đòi hỏi phải phán đoán các dữ kiện dưới viễn tượng của đức tin, nghĩa là môn giáo sử là một ngành của thần học, tuy không được phép đồng hóa với môn hộ giáo (apologetica) hoặc thánh tích (hagiographia). Thật không đơn giản, bởi vì chủ động của lịch sử không chỉ là những con người với những giới hạn tự nhiên, mà còn là Thánh Linh nữa. Mặt khác, không phải tất cả những gì xảy ra trong lịch sử của Hội thánh đều là “thánh thiện”! Như chúng ta đã biết lịch sử không phải chỉ là môn học ghi lại các sự kiện nhưng còn phân tích các nguyên nhân và hậu quả của chúng. Nói khác đi, khoa lịch sử nào cũng hàm chứa một triết lý (hay thần học).

Lịch sử truyền giáo được phân làm 7 giai đoạn: 1/ ba thế kỷ đầu tiên; 2/ loan báo Tin mừng cho các dân tộc mới đến; 3/ loan báo Tin mừng cho châu Au; 4/ Thập tự quân (tk XI-XII); 5/ châu Mỹ (tk XV); 6/ châu Á; 7/ châu Phi.

1/ Ba thế kỷ đầu tiên: công cuộc truyền giáo của các tín hữu thường dân

Tin mừng được loan báo trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma và thậm chí vượt ra ngoài biên cương (Mesopotamia, Persia, Armenia, Georgia, Ethiopia).

– Những yếu tố thuận lợi bên ngoài: hệ thống hành chánh và giao thông của đế quốc Rôma (pax romana), văn hóa Hy-lạp, sự phổ biến của đạo Do thái.

– Những yếu tố nội tại: vẻ hấp dẫn của sứ điệp Tin mừng, bảo vệ tự do lương tâm kể cả trước đe dọa của chính quyền

– Những nhân vật chủ động của công cuộc truyền giáo là chính các tín hữu, ý thức về sứ mạng của mình, qua những cuộc tiếp xúc trong đời sống thường nhật. Lá thư gửi Điônhêtô cho biết rằng sự hiện diện của các Kitô hữu trong thế giới ví được như vai trò của linh hồn trong thân xác. Từ cuối thế kỷ II, các giám mục mới điều khiển công tác truyền giáo.

2/ Loan báo Tin mừng cho các dân tộc germanic và slav.

Xưa nay các sử gia thường nói đến các dân “man di” tràn vào lãnh thổ Đế quốc Rôma, nhưng ngày nay, người ta nói đến các cuộc di dân, trong số đó không thiếu các dân đã theo đạo (chẳng hạn dân Gothi đã có hàng giáo phẩm, tuy nghiêng theo phái Ariô).

Đặc trưng của giai đoạn này (bắt đầu từ thế kỷ IV) là việc loan báo Tin mừng không chỉ nhắm đến cá nhân, nhưng còn nhắm đến các dân tộc. Người ta chứng kiến cuộc trở lại đạo của cả một dân tộc theo gương của nhà vua (thí dụ Clovis của dân Francs). Tôn giáo và chính trị trà trộn với nhau.

Nhân tố chủ động của hoạt động truyền giáo không còn là những cá nhân nhưng là Giáo hội, tuy chưa phải là Giáo hội trung ương tập quyền như vào những giai đoạn cận đại. Dù sao, Giáo hội xuất hiện như là một cơ chế.

3. Phong trào truyền giáo thứ nhất cho châu Âu: các đan sĩ

Xem ra hơi mâu thuẫn: các đan sĩ là những người đi tìm thinh lặng nơi cô tịch, làm sao lại trở nên động lực cho phong trào truyền giáo? Xin thưa rằng có nhiều hình thái đan tu. Phong trào đan tu tại Bắc Au không rút vào rừng vắng như thánh Biển đức, nhưng họ lấy việc  lữ hành vì lòng mến Chúa (peregrinatio pro Dei amore) như phương tiện nên thánh. Nhờ vậy họ đã trở thành những người loan báo Tin mừng cho lục địa châu Au trong suốt bảy thế kỷ (V-XII): không những họ là động lực cổ võ văn hóa cho lục địa này, nhưng góp phần vào việc canh tân Giáo hội, với kỷ luật thống hối mới, với dây liên kết với Toà Rôma. Những khuôn mặt tiêu biểu: thánh Columba, thánh Augustinô Canterbury, thánh Bonifaxiô.

4. Thập tự quân (thế kỷ XI-XII): truyền giáo chống lại dân ngoại (contra gentes)

Thập tự quân là một phương pháp truyền giáo mới: truyền giáo bằng vũ lực, để chiếm lại đất thánh. Thật ra, tuy những cuộc thập tự quân được các giáo hoàng và vua chúa Kitô giáo đề xướng để chiếm lại đất thánh khỏi tay người Hồi giáo, nhưng không nên coi đường lối quân sự như  là chính sách duy nhất của giai đoạn này. Cùng đi theo đoàn thập tự quân năm 1219, thánh Phanxicô Assisi đã sớm nhận ra rằng vũ lực không thích hợp với việc bành trướng nước Chúa, vì thế Người đã tìm đường lối hợp với Tin mừng: đó là loan báo và tử đạo. Dù sao, hoạt động truyền giáo được coi như một mục tiêu của hai dòng Đa Minh và Phan sinh. Để chuẩn bị cho công cuộc này, thánh Raymonđô Penafort OP mở trường học ngôn ngữ cũng như tôn giáo Islam. Raymondo Lullo, một giáo dân Dòng Ba Phanxicô, cũng mở lớp đào tạo các thừa sai theo hướng đó.

5. Truyền giảng Tin mừng cho châu Mỹ latinh

Với cuộc chinh phục châu Mỹ latinh, chúng ta thấy nảy ra một đường lối truyền giáo mới. Đế quốc Tây ban nha (và Bồ đào nha) được uỷ thác việc loan báo Tin mừng do chế độ “bảo trợ” (padronado): việc trở lại đạo mang tính cách cưỡng chế của chính quyền; đối lại,  chính quyền cũng điều hành Giáo hội qua đặc ân bổ nhiệm các giám mục. Như chúng ta đã biết, song song với chính sách này, không thiếu những tu sĩ đã bênh vực quyền lợi của thổ dân, hoặc qua những khảo luận pháp lý (Bartolomé de las Casas, Francisco de Vitoria), hoặc qua những “ấp chiến lược” (reducciones của Dòng Tên ở Paraguay).

6. Truyền giảng Tin mừng cho người Á đông

Trên nguyên tắc, châu Á và châu Phi được đặt dưới sự “bảo trợ” của Bồ đào nha, nhưng nước này không hăng say lắm với công cuộc truyền giáo. Điều này đã thúc đẩy Toà thánh thiết lập Bộ Truyền bá đức tin với hai vị Đại diện tông toà mà chúng ta đã biết. Như vậy Tòa thánh muốn giành lại phần chủ động trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Xét về phương pháp truyền giáo, thì tại Á châu, không có chuyện sử dụng vũ lực, nhưng ngược lại, chính các Kitô hữu đã trở thành nạn nhân của vũ lực: rất nhiều người đã bị nhà cầm quyền địa phương bắt bớ và giết: chúng ta đã quá biết lịch sử của các vị tử đạo tại Nhật Bản, Trung hoa, Việt Nam, Triều tiên. Một khía cạnh mới của kế hoạch truyền giáo là thích nghi Tin mừng với văn hóa địa phương. Những nguyên tắc đã được đề ra trong Huấn thị của bộ Truyền giáo năm 1659. Thế nhưng khi đem ra áp dụng thì nhiều cuộc tranh cãi đã nảy lên giữa các thừa sai: thế nào là văn hóa, thế nào là mê tín dị đoan?

7. Truyền giảng Tin mừng tại Phi châu

Châu Phi đã đón nhận Tin mừng ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo (các cộng đoàn Ai cập, Ethiopia, Bắc Phi). Tuy nhiên, việc truyền giáo cho những vùng sâu vùng xa (ở mạn Nam) thì trở thành quy mô vào thế kỷ XIX, vào lúc mà lục địa này đã được chia xé giữa các nước thuộc địa (Thoả ước Berlin 1884-85). Phương pháp truyền giáo có những mặt trái và mặt phải của nó. Chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những nhà thừa sai cùng quốc gia: đạo Công giáo xem ra liên kết với chính quyền thuộc địa. Đó là mặt trái, được nổi bật khi bùng nổ những cuộc chiến giành độc lập. Mặt phải là không thể phủ nhận công cuộc hy sinh của bao nhiêu vị thừa sai nam nữ để đem lại cho dân tộc Phi châu không những là Tin mừng, mà còn sự nâng cao dân trí, sức khỏe (nhà thờ, nhà trường, nhà thương). Trong bối cảnh này, Giáo hội đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều dòng tu nam nữ được thành lập để đi truyền giáo, cũng như những hội dòng nam nữ dành cho những người địa phương muốn dâng mình cho Chúa. Việc đối thoại văn hóa không được đặt ra, bởi vì con người châu Phi được đồng hóa với dân mọi rợ cần học hỏi văn minh Tây phương. Nhưng có lẽ chính nhờ văn hóa thô sơ mà tỉ lệ người Phi châu trở lại đạo Kitô cao hơn là người Á châu.

Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh rằng trải qua hai ngàn năm lịch sử, đã có nhiều đợt loan báo Tin mừng cũng như nhiều cách thức loan báo Tin mừng, tùy theo thời thế. Ngoài ra, đôi khi trong cùng  một thời đại  nhiều phương thức khác nhau và tương phản nhau cùng  được áp dụng. Một thí dụ: vào thế kỷ XIX, tại Phi châu, bên cạnh những thừa sai hăng say giảng đạo, lập nhà thờ nhà thương, thì có một anh Charles de Foucauld truyền giáo bằng sự hiện diện thầm lặng.

Kết luận

Trong phần thứ hai, chúng tôi đã trưng dẫn hai tác giả để cho thấy hai lối nhìn về cái “mới” trong cách thức loan báo Tin mừng.

Cha Raniero Cantalamessa trình bày bốn đợt loan truyền Tin mừng: ta có thể nói đến bốn cái “mới”, dựa trên những người đón nhận (các dân Hy-lạp Rôma, các dân man-di, châu Mỹ Latinh, châu Au tục hóa) và những chủ động (tín hữu, đan sĩ, tu sĩ, giáo dân). Đàng sau các đợt sóng mới là đức tin và cầu nguyện.

Cha Mario Menin phân chia lịch sử truyền giáo làm bảy giai đoạn xét theo biên cương, với sự thay đổi về phương pháp: việc loan báo Tin mừng cùng đi với những chứng ta thường nhật, hoặc truyền bá văn hóa, hoặc thăng tiến nhân bản, và cũng có lúc dùng lại quyền lực.

Dĩ nhiên là chúng ta còn thể liệt kê nhiều cách thức phân chia khác. Chẳng hạn như xét về cơ quan điều phối: từ những sáng kiến tự phát vào lúc đầu, tiến tới việc điều động của các giám mục, rồi đến sự tiếp tay của thế quyền, và rồi vào những thế kỷ gần đây, sự điều động của Tòa Thánh (Bộ Truyền giáo).

Tuy nhiên, xin phép được ghi nhận ba cảm tưởng để kết thúc.

1/ Khi nói đến việc “loan báo Tin mừng”, các tác giả hiểu về việc “truyền giáo”, nghĩa là giảng đạo cho những dân ngoại đạo. Tuy nhiên, tông huấn Evangelii nuntiandi hiểu từ ngữ evangelizatio theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả việc loan báo Tin mừng cho cả bên trong nội bộ của Giáo hội nữa. Lịch sử Giáo hội là một chuỗi những cuộc canh cải: ecclesia semper reformanda est. Công đồng Vaticanô II cũng nằm trong kế hoạch “trở về nguồn”, nghĩa là trở về với Tin mừng. Cái gì tạo ra những cuộc canh tân cải hoán ấy? Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này trong giây lát. Dù sao, chúng ta có thể nên ghi nhận  ảnh hưởng hỗ tương giữa hai hướng: động lực canh tân nội bộ Giáo hội cũng giúp đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Vài thí dụ: thế kỷ XIII, phong trào “đời sống tông đồ” (vita apostolica) của dòng Phansinh và Đaminh, vừa giúp Giáo hội trở về với sự khó nghèo Tin mừng, với thúc đẩy việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như đối thoại với văn hóa; vào thế kỷ XVII bên Pháp, cũng một tinh thần đã thúc đẩy đi giảng đạo cho các giáo xứ (mission populaire) và đi giảng đạo cho các vùng xa xăm (mission étrangère), đưa đến việc thiết lập hai Hội dòng: Congrégation de la Mission của thánh Vinhsơn Phaolô, và  Société des Missions Étrangères de Paris.

2/ Khi bàn về việc “truyền đạo cho dân ngoại”, các tác giả xem ra chỉ nhìn đến những công cuộc của Giáo hội Công giáo, và bỏ qua sự đóng góp của các Giáo hội khác.  Như đã nói ở đầu, các từ evangelization, evangelism phát sinh từ các hệ phái Tin lành cuối thế kỷ XIX. Cách riêng khi bàn về việc truyền giáo tại Á châu, chúng ta không thể làm ngơ những nỗ lực của các Giáo hội Tin lành (thuộc nhiều hệ phái), kể từ thế kỷ XIX, tại Trung Hoa, Triều tiên (nơi mà số tín hữu Tin lành cao hơn số người Công giáo). Ngoài ra cũng nên biết rằng các giáo sĩ Nestoriô đã mang Tin mừng đến Trung quốc ngay từ thế kỷ VIII. Về những đợt loan báo Tin mừng tại châu Á, có thể đọc bài viết của cha Felipe Gomez, Two Thousand Years of The Church’s Mission in Asia: Waves of Evangelization, Holiness, and Martyrdom[13].

3/ Dù phân chia các “đợt loan báo Tin mừng” theo tiêu chuẩn nào đi nữa, chúng ta thấy rằng những đợt sóng mới không phát xuất từ một kế hoạch đã dự trù. Ai xui quân man di tiến vào lãnh thổ Rôma? Ai xúi ông Mahomét lập đạo Islam và chiếm cứ miền thánh địa?

Nói cách khác, những hoàn cảnh mới không hoàn toàn xuất phát từ  Giáo hội, nhưng chúng thường xảy đến từ những nhân tố bên ngoài Giáo hội. Tuy nhiên, nhìn dưới con mắt đức tin thì những biến cố ấy cũng nằm trong kế hoạch của Chúa Thánh Thần, vị chủ động chính yếu của cuộc truyền bá Tin mừng[14]. Thánh Luca đã nhận thấy điều đó khi viết sách Tông đồ công vụ: nhờ cuộc bách hại của ông Saulô ở Giêrusalem, mà các tín hữu mới chạy tản mác xuống Samaria và giảng đạo ở vùng này (Cv 8,1; 11, 19-21). Ong Phaolô đến Rôma không do phương tiện riêng tư, nhưng là trong tư cách của một tù nhân. Những chuyện tương tự không thiếu lần đã tái diễn trong lịch sử Hội thánh: có những biến cố thoạt tiên là mất mát, nhưng xét về lâu về dài lại là động lực thuận lợi để Hội thánh sống trung thành với Tin mừng hơn, hoặc tìm phương hướng mới để loan báo Tin mừng. Một câu chuyện mà ai cũng biết là Tòa Thánh đã bị nước Ý cướp đất năm 1870, nhưng về sau thì các giáo hoàng nhận ra rằng nhờ vậy mà uy tín của vị lãnh đạo Giáo hội tăng thêm, bởi vì ngài xuất hiện như một lãnh tụ tinh thần chứ không như quốc vương. Những lần mà Giáo hội bị bóc lột về lợi lộc vật chất là cơ hội để làm sáng tỏ hơn sứ mạng thiêng liêng của mình[15]. Một đề tài khác, Giáo hội đã phát triển học thuyết xã hội khi đối đầu với phong trào tranh đấu của Cộng sản vào cuối thế kỷ XIX, như chính sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nhìn nhận[16]. Từ chỗ ôn lại lịch sử Giáo hội hoàn cầu, tôi xin mạn phép gợi lên vài biến cố của lịch sử Giáo hội Việt Nam trong thế kỷ XX để quý vị suy nghĩ: biến cố 1954 và 1975. Nhiều người vẫn coi đó là hai ngày quốc hận. Đó là cái nhìn của nhà chính trị. Nếu chúng ta biết dùng cặp mắt của tác giả sách Tông đồ công vụ thì phải nói đó là hai cái đà để đẩy mạnh sứ mạng loan truyền Tin mừng của Giáo hội Việt Nam.

Vào năm 1954, Giáo hội VN có 16 giáo phận với số giáo dân khỏang 1.900.000. Dựa theo sách Việt Nam giáo sử của cha Bùi đức Sinh[17], trước cuộc di cư, từ vĩ tuyến 17 ra Bắc khỏang 1.380.000 người; từ vĩ tuyến 17 trở vào khỏang 520.000 người. Sau cuộc di cư, số giáo dân miền Bắc chỉ còn khỏang 730.000, ở miền Nam tăng lên khỏang 1.170.000. Cuộc di cư đã làm đảo lộn tỷ lệ dân công giáo: trước di cư thì 71,4% ở Bắc, sau di cư  thì 77,7% ở Nam. Dĩ nhiên là nếu con số giáo dân ở miền Nam tăng, thì miền Bắc bị giảm. Cũng như tất cả mọi biến cố trên đời này, cuộc di cư năm 1954 có những mặt phải và mặt trái của nó. Chúng ta hãy thử nêu ra vài điểm của mặt phải thôi.

– Tại miền Bắc, các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất. Vì thế Tòa thánh bắt đầu phải “việt nam hóa” hàng giáo phẩm. Nên biết là cho đến năm 1954, các giáo phận Thái bình, Lạng sơn, Thanh hóa, Hưng hóa còn do các giám mục Pháp và Tây-ban-nha điều khiển (Đi lùi lại một chút: Hà nội và Bắc Ninh cho đến năm 1950, Hải phòng năm 1953). Đến năm 1960 thì toàn thể giáo tỉnh Hà-nội đều do các giám mục VN cai quản.

– Tại miền Nam, sự hình thành các giáo phận: Long xuyên, Đà-lạt, Xuân lộc, Buon-ma-thuot, Phan thiết, đa số gồm bởi những giáo xứ di cư. Nên biết là cho đến năm 1954, tòan thể Nam kỳ (Cochinchine) chỉ có 2 giáo phận rưỡi: Saigon (chạy tới Đàlạt, Tây ninh, xuống Bà-rịa Vũng tàu), Vĩnh Long, Nam vang bao gồm một phần đất của Cao-miên (Vì thế mà nói rằng “rưỡi”, bởi vì mãi đến năm 1955, phần lãnh thổ Việt nam mới được tách ra làm địa phận Cần thơ). Cùng với các giáo dân và xứ đạo, nhiều Dòng tu cũng mở cơ sở ở miền Nam. Như vậy cuộc di cư 1954 là một đợt loan báo Tin mừng “mới” trong lịch sử Hội thánh Việt Nam.

Trong những hậu quả của biến cố 1975 kèm theo hiện tượng vượt biên, các tín hữu Việt Nam đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới, một sự hiện diện đôi khi là hồn sống cho giáo hội địa phương ở Au Mỹ Úc. Ở đây tôi chỉ muốn nói mặt phải chứ không nói mặt trái.

Ôn lại quá khứ để sống hiện tại. Liệu chúng ta có nhận ra tiếng nói của Thánh Linh giữa những biến cố hôm nay, tiếng nói mời gọi chúng ta tham gia vào việc loan truyền Tin mừng cách mới mẻ, đứng trước thánh đố mới và thời cơ mới, dĩ nhiên là với tinh thần mới, nhiệt khí mới?

Lịch sử truyền giáo. Thư mục tổng quát

* Tác giả Tin Lành

–  K. S. Latourette, A History of the Expansion of Christianity, 7 voll., New York 1937-1945.

–  S. Neill, A History of Christian Missions, Penguin, Harmondsworth 1964.

– D. J. Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission, Orbis Books New York 1991.

* Tác giả Công giáo

– S. Delacroix (dir.), Histoire universelle des Missions Catholiques, 4 voll., Editions de Grund, Paris 1956-1959.

– J. Comby, Deux mille ans d’évangélisation, Desclée, Paris 1992.

– A. Doneda, Chiesa in cammino. 2000 anni di storia della missione, EMI Bologna 1993.

I. Lịch sử từ ngữ

A. Tầm nguyên: evangelizatio, evangelizare, evangelium.

1/ Trong Tân ước: evangelium (Evang, Phúc âm, Tin mừng, Tin lành).

2/ Lịch sử Hội thánh. Từ thế kỷ XIX: evangelization, evangelicals, evangelism

B. Evangelizatio – Missio.

1/ Thời xưa: Việc loan báo Tin mừng được diễn tả qua nhiều thuật ngữ.

2/ Cận đại: Missio ad exteros (ad gentes)

3/ Vaticanô II: Evangelizatio là chặng đầu của activitas missionalis (cf. Ad gentes, số 6)

4/ Tông huấn Evangelii nuntiandi: Evangelizatio là công tác đa diện bao trùm toàn thể Hội thánh, gồm lời loan báo, chứng tá đời sống, hoạt động thăng tiến con người (missio thì hẹp hơn).

C. Re-evangelizatio. Nova evangelizatio

Những từ ngữ này xuất hiện trong văn kiện của CELAM, và được đức Gioan Phaolô II chấp nhận. Trong thông điệp Redemptoris missio số 33, “nova evangelizatio” và “iterata evangelizatio” được dùng như đồng nghĩa (phân biệt với missio ad gentescura pastoralis.

II. Những đợt sóng mới của công cuộc loan báo Tin mừng

Thế nào là mới?

A. Cha Raniero Cantalamessa: 4 đợt loan báo  Tin mừng dựa theo nhân vật chủ động và đối thể rao giảng

1/ Ba thế kỷ đầu tiên. Chủ động: các tín hữu. Đối thể: đế quốc Rôma

2/ Thế kỷ V-XI. Chủ động: các đan sĩ. Đối thể: dân man di

3/ Thế kỷ XV (Mỹ châu). Chủ động: các tu sĩ. Đối thể: dân tộc Mỹ châu

4/ Thời hiện đại. Chủ động: Giáo dân. Đối thể: thế giới tục hoá

B. Cha Mario Menin: 7 hoàn cảnh lịch sử, khác nhau về đối tượng và phương pháp

1/ Ba thế kỷ đầu tiên. Các tín hữu. Khung cảnh: văn minh Hy-lạp Rôma

2/ Từ thế kỷ IV: Loan báo Tin mừng cho dân tộc Germanic và Slav. Loan báo Tin mừng cho các dân tộc (chứ không chỉ cho các cá nhân).

3/ Phong trào truyền giáo cho châu Âu: các đan sĩ (peregrinatio pro Dei amore)

4/ Thập tự quân (Tk XI-XII): truyền giáo chống lại dân ngoại (contra gentes), bằng vũ lực

5/ Truyền giảng Tin mừng cho châu Mỹ Latinh. Chính sách “bảo trợ” (padronado). Sự can thiệp của Nhà Nước (Công giáo)

6/ Truyền giảng Tin mừng cho người Á đông. Thích nghi Tin mừng với văn hóa địa phương

7/ Truyền giảng Tin mừng tại châu Phi. Liên kết với chính quyền bảo hộ.

III. Kết luận

Ai là chủ động của việc loan báo Tin mừng?

1/ Loan báo Tin mừng cho người ngoài (ad extra) hay cho người nhà (ad intra)?

2/ Vai trò của các Giáo hội ngoài Công giáo trong việc truyền giáo.

3/ Ai gây ra hoàn cảnh “mới”?

 

(daminhvn.net)

[1] Rafael Ortega, Evangelizar segn el Evangelio. Comentario biblico a los nn. 6-16 de la “Evangelii nuntiandi. in: “Medellin” 3(1977) 222-231. El contenido de la Evangelizaciịn. Comentario a los nn. 25-39, ibid, 453-475.

[2] Euaggelizomai (euaggelizesthai): 54 lần trong TƯ (Mt 1; Lc 10; Cv 15; Rm 3; 1 Cr 6; 2 Cr 2; Gl 7; 1 Tx 1; Dt 2; 1 Pr 3; Kh 2).  – euaggelion: 76 lần trong TƯ (Mt 4; Mc 8; Cv 2; Rm 9; 1 Cr 8; 2 Cr 8; Gl 7; Ep 4; Pl 9; Cl 2; 1 Tx 6; 2 Tx 2; 1 Tm 1; 2 Tm 3; Plm 1; 1 Pr 1; Cv 1). – euangelistes 3 lần (Cv 21,8; Ep 4,11; 2 Tm 4,5).

[3] J. Lopez Gay, Evolución historica del concepto de “Evangelización”, in: Evangelisation (Documenta Missionalia n. 9), Roma 1975, p.161-190. Cf. Alexander Duff (1806-1878): “The chief means of Divine appointment, for the evangelization of the world are the faithful teaching and preaching of the pure Gospel of salvation by duly qualified ministers and other holy and consistent disciple of the Lord Jesus Christ, accompanied with prayer and savingly applied by the grace of the Holy Spirit” (Union Missionary Convention New York, 1854).

[4] D. Grasso, Evangelizzazione. Senso di un termine, in: Evangelisation, l.c. p.21-47

[5] Các văn kiện khác: Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (4 lần: số 2; 6; 19; 26).  Sắc lệnh về tác vụ linh mục Presbyterorum Ordinis (3 lần: số 5; 6; 19).  Hiến chế về Hội Thánh Lumen gentium (1 lần: số 35). Sắc lệnh Christus Dominus (1 lần: số 6); Hiến chế về Hội Thánh trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (1 lần: số 44).

[6] Bản lược thảo (Lineamenta)  đã cho biết từ ngữ evangelizatio có thể hiểu theo bốn nghĩa: 1) Nghĩa rộng: bất cứ công tác nào nhằm làm cho thế giới trở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, dù là lao động trong xưởng, dạy chữ. 2) Nghĩa hẹp hơn: việc thi hành các hoạt động ngôn sứ, tư tế và vương đế nhằm xây dựng Hội Thánh theo ý định của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, nó đồng nghĩa với sứ mạng của Hội Thánh (khác với hoạt động của các tổ chức hoặc xã hội trần thế). 3) Nghĩa chặt:  những hoạt động nhằm nhằm giúp các người ngoại nhận biết Chúa cũng như giúp các tín hữu sống đức tin. Như vậy giới hạn vào việc thi hành công tác ngôn sứ (rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v). 4)  Nghĩa chuyên môn: việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.

[7] Thực ra, tông huấn phân biệt ba môi trường của evangelizatio: (i) Loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo (số 50, 51, 53), tức là truyền giáo; (ii) Mục vụ (số 54), chú trọng đến việc huấn giáo; c) Loan báo canh tân (số 52, 56), dành cho những nơi đã mất đạo, hoặc không thực hành đạo.

[8] N. 15: “Ut res breviter explicemus, Ecclesia semper evangelizanda est, ut suam in Evangelio nuntiando viriditatem, ardorem, vim servare possit. Concilium Oecumenicum Vaticanum II commemoravit  atque Episcoporum Synodus anno MCMLXXIV firmiter resumpsit hoc argumentum de Ecclesia, per suam non intermissam conversionem et renovationem, se ipsam evangelizante, ut credibili ratione valeat mundum evangelizare”.

[9] Nên ghi nhận rằng anh em Tin lành (Protestantism)  vẫn tiếp tục dùng danh từ Mission khi nói về truyền giáo. Xc. Đại Hội Edinburgh “World Missionary Conference” (2-6/2010), trừ nhóm Evangelicals cũng tổ chức một Đại Hội song song “Congress on World Evangelization” ở  Cape Town (16-25 October 2010).

[10] Vào bốn ngày thứ sáu: 2/12; 9/12; 14/12; 23/12. Có thể đọc trên website của tác giả: www.cantalamessa.org/

[11] Tác phẩm căn bản: Adolph Harnack, Missione ed espansione del cristianesimo nei primi tre secoli nguyên tác tiếng Đức xuất bản năm 1902.

[12] www.sedos.org/site/index.php?option=com_docman&task=doc_view&gid=1495&Itemid=59&lang=en

[13] In: East Asian Pastoral Review, vol. 47 (2010), trên mạng: http: // eapi.admu.edu.ph/content/ two-thousand-years-church%E2%80%99s-mission-asia-waves-evangelization-holiness-and-martyrdom

[14] Đức Phaolô VI, tông huấn Evangelii nuntiandi số 74-75; Đức Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris missio số 21-29.

[15] Xem bài diễn văn của đức Bênêđictô XVI dành các đại diện của Giáo hội Đức tại Freiburg, ngày 25/9/2011.

[16] Xem sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2421: “Giáo huấn xã hội của Hội thánh được triển khai vào thế kỷ thứ XIX khi Tin mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ cơ khí hiện đại, với những cơ cấu mới của nó để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với quan niệm mới của nó về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của nó về lao động và quyền sở hữu. Sự triển khai giáo huấn của Hội thánh về vấn đề kinh tế và xã hội chứng tỏ giá trị trường tồn của giáo huấn Hội thánh, đồng thời cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn sống động và tích cực của Hội thánh”.

[17] Bùi Đức Sinh, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, in lần hai, quyển Ba, Calgary 1998, tr.214

Để lại một bình luận