Chúa nhật 03 PS B: “Người sống lại!”



“Người sống lại!”

Cv 3: 13-15, 17-19; I Ga 2:1-5a; Lc 24: 35-48

Lm. Jude Siciliano, OP

Học viện Đaminh chuyển ngữ

 

Chúa nhật 03 PS B: “Người sống lại!”Thưa quý vị,

Trong Tin mừng Luca và sách Công vụ tông đồ (cuốn tiếp theo của Tin mừng Luca) các môn đệ là những chứng nhân – từ chính trải nghiệm của bản thân, họ làm chứng cho cuộc đời công khai, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu. Họ không chỉ làm chứng cho một vài sự hiện cho bằng làm chứng cho ý nghĩa của các biến cố. Ý nghĩa này được khám phá nhờ niềm tin và được mặc khải cho họ qua ân sủng của Thánh Thần vào Lễ ngũ tuần.

Trong bài đọc thứ nhất, ta thấy Phêrô giảng dạy cho dân chúng tụ họp quanh mình sau việc ông chữa lành cho người ăn xin bị què ở trước cửa Đền thờ. Ông là chứng nhân cho cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Sau này, Phaolô và Stêphanô (Cv 22,15 và 22,20) cũng được gọi là chứng nhân, cho dù họ không chứng kiến những sự kiện mà Phêrô đang mô tả. Giống như Phêrô và những môn đệ đầu tiên, họ làm chứng cho sự thật, điều đã được mặc khải cho họ về Đức Kitô. Qua sách Công vụ tông đồ, Chúa sẽ củng cố lời chứng của họ bằng những dấu lạ, điềm thiêng (14,3).

Chứng nhân của lời mang một ý nghĩa đặc biệt trong Giáo hội sơ khai như chúng ta đọc thấy trong sách Khải huyền (2,13). Làm chứng nghĩa là “tử đạo”. Hy sinh mạng sống vì Đức Kitô là một hình thức làm chứng căn bản. Thường thì tính xác thực của một chứng nhân phải được điều tra kỹ lưỡng và nếu, sau khi kiểm tra thấy họ đúng thì lời giảng của họ sẽ được đón nhận. Điều gì có thể xác thực cho lời chứng của các nhân chứng Kitô hữu tốt hơn sự sẵn sàng hy sinh cho những gì họ tin? Phêrô khởi đầu vai trò của mình là một chứng nhân. Sau đó, ông hoàn thành sứ mạng chứng tá khi ông chịu tử đạo vì tin vào Đức Kitô – Phaolô và Stêphanô và nhiều vị khác trong giáo hội sơ khai cũng vậy.

Phêrô, làm chứng cho Đức Kitô, lên tiếng nói với dân chúng: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho sát nhân”. Ông cho biết rằng họ đã đặt “tác giả của sự sống” vào cái chết. Phêrô biết đây là sự thật vì ông đã chứng kiến những sự kiện này, dù cho ông chối từ Đức Giêsu khi bị thử thách. Sau này, ông đã nhận biết Đức Kitô Phục Sinh và đón nhận sự tha thứ. Lúc này đây ông chính là chứng nhân cho những ai đòi sát hại Đức Giêsu. Ông nói với họ “Anh em đã hành động vì không biết”.

Nhưng đó không phải là kết cục của câu chuyện, vì họ được ban cho một cơ hội để ăn năn hoán cải. Phêrô đã nhận được sự tha thứ và giờ đây ông rao giảng cho những người khác. Thiên Chúa không đóng cửa lại trước con người, ngay cả những người nhúng tay vào việc sát hại Đức Giêsu. Trong bài đọc thứ hai, Gioan cho chúng ta biết Đức Kitô là “của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa”.

Ra như tặng phẩm đầu tiên do niềm tin vào sự phục sinh mang lại là sự tha thứ. Sau khi nêu ra sự không biết của họ và hậu quả đau thương về cái chết của Đức Giêsu, Phêrô mời gọi dân chúng: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em”. Biết bao tội chúng ta đã phạm trong quá khứ; biết bao đường lối sai lầm và những chọn lựa ngu muội; biết bao lần chúng ta đã hành động như Phêrô mô tả “anh em đã hành động vì không biết”? Và hậu quả nào chúng ta đã gây ra cho những người xung quanh chúng ta?

Hôm nay, Phêrô không la mắng chúng ta. Ông không đay nghiến và chỉ tay kết án chúng ta. Thay vào đó, ông bảo đảm cho chúng ta rằng tất cả mọi người có thể được Thiên Chúa “xóa bỏ” tội lỗi. Nghe giống như cánh cửa sổ mỗi lần dơ bẩn được chúng ta xịt nước rửa và lau chùi sạch sẽ. Không một dấu vết nào của quá khứ làm dơ bẩn cánh cửa và không còn chỗ cho bụi bẩn bám lại – ánh sáng chiếu qua cánh cửa rất tươi sáng.

“Hai môn đệ” nào đóng vai trò mở đường của Tin mừng hôm nay? Vâng, đây sự tiếp nối của câu chuyện Emmau. Sau cái chết của Đức Giêsu, hai người rời Giêrusalem thì Đức Giêsu đã gặp họ trên đường trở về Emmau. Người đã mở trí cho họ hiểu kế hoạch của Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh thánh. Thế rồi, họ nhận ra Đức Kitô Phục Sinh khi Người bẻ bánh cho họ.

Lời chứng của hai môn đệ cho cộng đoàn bị ngắt ngang vì chính Đức Kitô Phục sinh hiện ra, trao ban bình an cho họ. Họ, giống như dân chúng mà Phêrô đã nói trong Công vụ, hành động vì “không biết” qua việc rời bỏ Đức Giêsu trong lúc Người rất cần sự hiện diện của các ông. Qua lời của Đức Giêsu, những lầm lỗi của họ cũng được “xóa bỏ”. Thực vậy, giống như cánh cửa sổ được lau chùi sạch sẽ, cái nhìn của họ cũng đã được lau sạch và lúc này đây họ bắt đầu nhìn bằng con mắt đức tin.

Rõ ràng, từ trình thuật Tin mừng hôm nay và trình thuật Emmau xem ra sự hiện diện của Đấng Phục sinh với chúng ta không dễ gì có thể nhận ra. Điều Đức Kitô làm cho các môn đệ trên đường Emmau, Người cũng thực hiện cho các môn đệ đang qui tụ ở Giêrusalem. “Người mở trí cho họ hiểu Kinh thánh”.

Một phần của câu chuyện này là đưa ra thực hành tâm linh căn bản cho chúng ta những môn đệ cũng đang trên hành trình, trên con đường muôn vẻ – hướng chúng ta đến Kinh thánh. Mỗi chúng ta đang ở một nơi duy nhất trong cuộc sống. Mỗi chúng ta cần đến kinh nghiệm Đức Kitô Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta trên hành trình, hầu chúng ta có thể ca tụng và đón nhận sức mạnh trên những đoạn đường ghồ ghề. Chúng ta không đi một mình, ngay cả khi đau khổ và bị chống đối và cám dỗ chúng ta rời bỏ.

Một chút tự kiểm điểm có lẽ thích hợp với chỗ này. Tôi chú tâm đọc khi đọc Lời Chúa trong Thánh lễ thế nào? Nếu tôi là một thừa tác viên, tôi chuẩn bị thế nào để giúp giáo dân nghe sứ điệp? Nếu tôi đang ngồi trong nhà thờ có khi nào tôi chuẩn bị cho phụng vụ bằng việc đọc những đoạn Kinh thánh trước chưa? Tôi có đọc và cầu nguyện Kinh thánh hằng ngày không? Có khi nào tôi lấy Kinh thánh làm kim chỉ nam khi tôi đến ngã tư và khi cần phải đưa ra những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng cả tương lai mình?

Đây không phải chỉ là vấn đề của “việc đọc Kinh thánh”? Hoặc, tham dự một lớp Kinh thánh – hữu ích bao nhiêu có thể. Thay vào đó, chúng ta cần phải là “những độc giả mến mộ, mời gọi Thần khí của Đức Giêsu đến “mở trí cho chúng ta hiểu Kinh thánh” theo cách mà Người thực hiện cho những môn đệ cứng lòng tin của mình. Chú ý đến tính liên tục: sau khi trí họ mở ra với Kinh thánh thì họ hiểu được những những điều vừa xảy ra. Đức Giêsu truyền cho các môn đệ và chúng ta hãy trở nên “những chứng nhân cho những điều này này”.

Cuộc sống chẳng bao giờ êm đềm. Nó luôn biến đổi, chúng ta đang “trên đường”. Dọc theo con đường Đức kitô Phục sinh hiện ra với chúng ta và như các môn đệ: chúng ta không nhận ra Người. Nhưng để có thể nhận ra Người dễ dàng hơn thì chúng ta phải theo sự hướng dẫn của những câu chuyện phục sinh này: Tiếp tục qui tụ trong cộng đoàn, đặc biệt trong những thời gian khó khăn; trao Lời cho nhau; chia sẻ bánh rượu trong Thánh lễ và rồi, chuẩn bị kỹ lưỡng, làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh qua lời nói và việc làm hầu giúp tha nhân tin nhận: “Người sống lại!”

 

Để lại một bình luận