Cn Lễ Lá B : Via Dolorosa – Con Đường Tình Yêu.

 

Via Dolorosa – Con Đường Sầu Khổ
… Con Đường Tình Yêu.


Cn Lễ Lá B : Via Dolorosa – Con Đường Tình Yêu.Mùa Chay vừa khép lại. Với Mùa Vọng, sau khi kết thúc là đến lễ Giáng Sinh. Nhưng với Mùa Chay phải chờ thêm một tuần lễ mới đến lễ Phục Sinh. Tuần lễ này được gọi là Tuần Thánh.

Có thể nói đây là tuần lễ chúng ta sẽ được nghe một loạt biến cố hay nói đúng hơn là được thấy chương trình mà Thiên Chúa đã hoạch định để cứu độ nhân loại, nay được hoàn tất qua Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô.

Biến cố đầu tiên đó là sự kiện Đức Giêsu vào Giêrusalem với sự tiếp đón cuồng nhiệt của dân chúng. Một rừng người “cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo vang : Hosana. Hosana. Chúc tụng… Chúc tụng vua Israel” (Ga 12, 12-13).

Nhưng rồi có ngờ đâu chỉ vài hôm sau, vị quân vương này phải chết thê thảm như một tội đồ trên thập tự tại Golgotha.

Cái chết của Đức Giêsu đi vào lịch sử và hôm nay đã được nhiều văn nhân, thi nhân, nhạc sĩ cùng nhiều nhà làm phim diễn tả lại mỗi người mỗi cách không kém phần xúc động.

Nhưng có một cách diễn tả lại cái chết của Đức Giêsu gây được nhiều xúc động nhất, đó là tại Giêrusalem, mỗi thứ sáu, cứ đến 3 giờ chiều các linh mục dòng Phanxicô đã diễn tả lại cuộc thương khó của Đức Giêsu bằng một cuộc đi “Đàng Thánh Giá”.

Cuộc đi Đàng Thánh Giá này được thực hiện đúng lộ trình Đức Giêsu bị điệu đi năm xưa. Người ta bắt đầu chặng thứ nhất tại Lion Gate, chỗ này được cho là đối diện với Núi Cây Dầu nơi xưa kia Đức Giêsu cầu nguyện trước khi bị bắt. Và chặng cuối cùng là nơi được cho là đã tang xác Đức Giêsu.

Lộ trình này có tên là Via Dolorosa.

Via Dolorosa. Vâng, có người dịch là Con Đường Đau Buồn. Người khác dịch là Con Đường Sầu Khổ. Cũng có lúc được dịch là Con Đường Đau Đớn.

Đau Buồn – Sầu Khổ – Đau Đớn. Vâng, có thể gọi là nỗi đau “ba trong một” của Via Dolorosa… của Con đường Chúa đã đi qua.

Thật hợp lý khi hôm nay chúng ta để cho ký ức trở về Giêrusalem để đi lại con đường Chúa đã đi qua hầu có thể cảm nhận được nỗi buồn, sự sầu khổ và nỗi lòng đau đớn của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Vâng, bắt đầu từ vườn  Ghếtsumani, trong thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu cảm thấy hãi hùng và xao xuyến.

Mới hôm qua trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã vạch mặt chỉ tên kẻ phản bội. Không thể không đau buồn vì đó là một người trong nhóm mười hai – Giuđa Iscariot.

Y đã lén lút đi gặp các thượng tế và lãnh bimnh Đền Thờ bàn về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ.

Sự toan tính của tên “nằm vùng” đã làm cho các thượng tế hài lòng. Chờ cho màn đêm buông xuống. Một toán người liền được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy nã Đức Giêsu. Giêrusalem bỗng chốc phủ trùm bầu không khí của bạo lực và chết chóc.

Ánh đuốc bập bùng xuyên thủng màn đêm vườn Ghêtsimani, nơi kẻ phản bội nắm chắc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang cầu nguyện. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn. Và rồi Giuđa Iscariot xuất hiện. Với ám hiệu là một nụ hôn. Hắn nói với các đồng bọn “Tôi hôn ai chính là người đó. Các anh bắt lấy”.

Tiếng binh khí va chạm. Tiếng vó ngựa khua vang cả một góc vườn. Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ.

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu bị họ truy bắt. Đã nhiều lần họ đe dọa, ném đá và tìm cách giết Ngài. Nhưng một phần họ sợ dư luận và một phần là vì Đức Giêsu tìm cách lánh đi.

Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”.(Tv 55). Ngài chẳng khác nào “như chiên bị dẫn đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông’ (Is 53, 7).

Kính Thánh chép rằng : “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”. (Gr 17, 9). Vâng, quả đúng ở trường hợp Giuđa. Một nụ hôn thật nham hiểm. Nụ Hôn Thần Chết !!!

Vâng, hỏi sao tại vườn Ghết, tâm hồn Đức Giêsu lại không “buồn đến chết được”.

Via Dolorosa – Con Đường sầu khổ bắt đầu trải ra cho Đức Giêsu. Mấy hôm trước, Đức Giêsu đã được đón tiếp như một quân vương. Họ đã trải thảm bằng những chiếc áo choàng và giơ cao những nhành thiên tuế trên niềm hân hoan. Nhưng hôm nay, ôi thật là sầu thảm. Lưỡi gươm và những mũi đòng đã được thay cho những nhành thiên tuế.

Người ta thường nói “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.  

Ba cú té ngã như một bức tranh biếm họa về Người. Còn đâu một vị Thiên Chúa đầy quyền uy mới hôm qua còn dõng dạc tuyên bố : “cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.

Ba cú té ngã dưới sức nặng của thập giá gợi lên sự sa ngã của Adam, tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm Đức Giêsu gánh lấy sự sa ngã của chúng ta.

Rồi những lời chứng gian, những hành vi nhục mạ “khạc nhổ vào Người… bịt mặt Người … và tát Người túi bụi”.

Thật ra, những điều đó phải xảy ra, như lời Đức Giêsu nói “Thế này là để lời Sách Thánh ứng nghiệm”.

Vâng, đúng là để ứng nghiệm với lời Kinh Thánh :  “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ mà cho người ta giật râu. Tôi không che mặt cho người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Con đường Sầu khổ ư ! Đức Giêsu nếu có sầu khổ chính là sầu khổ khi nhìn thấy cảnh “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn”. Nếu có sầu khổ thì chính là lúc người môn đệ trụ cột đã “thề là không có biết” Người là ai !

Hôm nay, Con Đường Đau Đớn đã được ghi vào lịch sử cứu độ. Vở kịch “thần thiêng” đã đi vào màn chót.

Đồi Golgotha với một rừng người, đứng thành từng nhóm đau đáu ngước nhìn Đức Giêsu. Ngài đầu đội mão gai, hai tay dang trước trời cao, thân hình dính chặt vào thập giá bằng những chiếc đinh.

Đau đớn ư ! Vâng, nếu có củng chỉ là những đau đớn thể xác, những đau đớn đã được báo trước “này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người… hõ sẽ nhạo báng… khạc nhổ…  đánh đòn và giết chết Người”.

Đau đớn ư ! Nếu cần để chiêm ngắm và tôn vinh, vâng hãy chiêm ngắm và tôn vinh hình hài đau đớn của một người… người Mẹ đau đớn… người Mẹ sầu bi…. Người Mẹ đứng trứoc Thập Giá trông như cậy sậy trước cơn giông cuồng nộ… người Mẹ vẫn thì thầm lời “xin vâng”… Vâng, Thập Giá chính-là-bổn-phận-của-Con. Điều mà năm xưa người Mẹ đã không thể hiểu khi Đức Giêsu nói “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”.  

Một chút tâm tình…

“Con có bổn phận ở nhà của Cha con”. Vâng, Đức Giêsu đã hoàn tất bổn-phận-ở-nhà-của-Cha-Người bằng chính cái chết của mình trên Núi Sọ.

Tất cả chỉ là vì tình yêu. Chính vì tình yêu Đức Giêsu mới có thể “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nộ lệ… vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8).

Chính tình yêu “hiến mạng sống mình cho người mình yêu” Đức Giêsu đã làm cho cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có đồi Golgotha hay tăm tối của sự chết, nhưng còn có niềm vui của Phục Sinh, của niềm hy vọng được  sống lại do Đức Giêsu Kitô là Chúa ban cho.  

Một phút suy tư…

Hôm nay chúng ta đọc bài “thương khó của Đức Giêsu”. Cứ sự thường, sau khi đọc xong, đa số chúng ta thường hay đưa ra một vài nhận định về nhân vật Giuđa Iscariot.  

Thật ra còn nhiều nhân vật khác tốt lẫn xấu, gian ác hoặc ngay thẳng để mà mổ xẻ hầu có thể rút tỉa ra một bài học cho cuộc sống của người Kitô hữu.

Và có lẽ hôm nay nhân vật mà chúng ta có thể xem như là một tấm gương mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu không ai tốt hơn là ông Simon người Kyrene.

Simon người Kyrenê ư ! Vâng, dưới đây là những gì chúng ta cần biết về con người ấy.

“…Sau cú ngã khụy lần thứ ba, Giêsu – có thể nói rằng – thân tàn lực kiệt. Không muốn vụ hành quyết bị chậm lại,  tiểu đội  lính  Roma  “bắt một người từ miền quê lên tên là Simon, gốc Kyrênê, một thành phố nằm bên bờ biền Libya, đặt thập giá lên vai ông, bắt ông vác theo sau Đức Giêsu” (Lc 23 : 26).

Ông ta đang trên đường về nhà. Ông ta đang nghĩ tới sự reo mừng của những người thân yêu, họ chờ đợi ông và hôm đó lại là ngày áp lễ Sa-bát, ngày đại lễ của người Do Thái.

Ông bị chặn lại. Và một lệnh nghiêm khắc được ban ra bắt buộc ông phải vác cây thập tự thay cho tên tử tội dở sống dở chết là Đức Giêsu.

Chỉ là một sự tình cờ, ông không hề biết cuộc gặp gỡ bất ngờ này sẽ ảnh hưởng đến ông ra sao. Có biết bao người đã có mặt tại đó, thế mà họ không được “dự phần”, để rồi nhờ sự tình cờ đó, hôm nay ông đã được cả thế giới nhắc đến.

Vâng, thật khó để mà hôm nay chúng ta “tình cờ” được vác thập giá theo sau Đức Giêsu.

Nhưng chúng ta vẫn có thể “tình cờ” gặp những cây thập tự khác  chung quanh chúng ta. Vẫn còn đó một rừng thập giá. Thập giá của bệnh tật và nghèo đói, thập giá của cô đơn và bất hạnh, của những người bị bỏ rơi bởi sự bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời.

Nếu hôm nay “tình cờ” chúng ta gặp được một trong những cây thập giá nêu trên !

Chúng ta sẽ xử trí ra sao ! Chúng ta sẽ dửng dưng đứng nhìn.. bàng quang… xa lạ… thờ ơ .. “muốn ra sao thì ra…” !!!

Chúng ta hãy trở lại người nông dân Simon xứ Kyrênê, từ việc bị cưỡng bách, ông ta trở thành người môn đệ  “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu và tiến bước theo chân Ngài” . Và giờ đây, ông như là một “biểu tượng” cho mọi hành vi liên đới với những ai đang lao-nhọc-vất-vả, mệt-mỏi-và-gánh-nặng.

Chính ông ta, như một kẻ lãnh ấn tiên phong cho lời truyền dạy của Đức Giêsu : “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mc).

Trên thân thể Simon-Kyrênê đang oằn xuống bởi sức nặng của thập giá khiến chúng ta hôm nay không thể không nhớ đến lời dạy của thánh Phaolô tông đồ : “Anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Galat 6 : 2).

Vâng, đó chính là câu trả lời cho mỗi chúng ta. Và đó cũng là cách thế tốt nhất cho việc “vác thánh giá theo chân Chúa” – một cách tuyệt hảo để biến “Via Dolorosa – Con Đường Sầu Khổ” trở thành  “Con Đường Tình Yêu”.

Petrus.tran .

Để lại một bình luận