Cn 06 B : “Tôi muốn…”
Theo bạn, giữa cái chết và bệnh tật, cái nào đáng sợ hơn ? Tạp chí Magazine Philosophie số tháng 11/2010 đã làm một cuộc điều tra về vấn đề này với độc giả Pháp. Và trong 1.000 người đại diện các giới, từ 28 tuổi trở lên, đã có 54% người trả lời rằng, họ “sợ bệnh tật hơn là cái chết”. Đó là một câu trả lời rất chính xác. Kinh Thánh cũng có chép rằng “yên giấc ngàn thu còn hơn bị bệnh suốt đời” (Hc 30, 17)
“Bệnh suốt đời” mà lại rơi vào tứ chứng nan y : phong, lao, cổ, lai, theo lời ông Gióp nói, thì, thà tôi “chết đi lúc vừa mới chào đời” có lẽ tốt hơn.
Vâng. Trong bốn căn bệnh nêu trên, bệnh phong còn gọi là phong hủi, là căn bệnh gây ra sự tàn nhẫn nhất trên bệnh nhân. Bệnh nhân không chỉ đau đớn về thể xác, họ còn phải đau khổ về tinh thần.
Về mặt thể xác, người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Khi chuyển nặng, vết thương lỏm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng.
Về mặt tinh thần, người bị phong hủi thường bị cộng đồng xa lánh và kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, họ chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai quan hệ…
Do Thái thời Cựu Ước cũng rất kỳ thị người bệnh phong. Cả một rừng luật đã được đặt ra nhằm cách ly họ với cộng đồng. Sách Lêvi ghi rằng : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu… Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lêvi 13, 45-46).
Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa, phương Tây lẫn phương Đông, người bệnh phong hủi luôn bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh…
……
Ấy vậy mà, có một người đã nhìn những người bệnh phong với một cái nhìn khác hẳn. Người đó đã coi họ là những kẻ đáng thương xót hơn là ghẻ lạnh, nên gần gủi hơn là xa lánh và nên cảm thông hơn là kỳ thị. Người đó chính là Đức Giêsu.
Thật vậy, hai mươi thế kỷ trước, Galilê chính là nơi dân chúng đã được nghe những lời rao truyền về những gì Đức Giêsu đã xử sự khi có một anh chàng mắc bệnh phong hủi chạy đến tìm Người.
Chuyện được kể lại rằng : Sau khi rời nhà ông Simon ở Capharnaum. Đức Giêsu cùng với nhóm môn đệ tiếp tục đi khắp miền Galilê để rao giảng Tin Mừng. Khi Thầy và trò chuẩn bị vào một ngôi làng. Bất ngờ một người mắc bệnh phong, với dáng đi nhún nhảy như một bóng ma, đang tiến về phía Đức Giêsu.
Thật không thể chấp nhận được. Sao lại không có tiếng chuông! Ít nhất phải một tiếng chuông vang lên báo hiệu có người hủi quanh đó chứ! Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa. Bởi vì đó là luật. Luật Lêvi.
Không biết nhóm môn đệ của Đức Giêsu có lẩm bẩm với nhau như thế không! Nhưng có phần chắc, khi thấy bóng dáng chàng “cùi”, các môn đệ đã “lùi lại”.
Vâng, cũng đúng thôi. Lùi lại vì sợ lây bệnh và cũng vì luật đã được các Rabbi dạy rằng “cấm không được đến gần người cùi trong khoảng cách một sải tay”. Vì thế, quá đúng khi các môn đệ lùi lại để bảo vệ cho sức khỏe và sự thánh khiết của mình.
Nhưng lạ lùng thay ! Đức Giêsu không lùi lại. Người vẫn tiếp tục tiến về phía người phong hủi. Khoảng cách mỗi lúc một ngắn dần.
Khi cự ly giữa chàng cùi và Đức Giêsu không còn có thể ngắn hơn được nữa, chàng cùi ta bèn quỳ sụp xuống. Những lời van xin thống thiết của chàng ta được tuôn ra : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
“Nếu Ngài muốn”. Vâng, quả là một câu van xin bộc lộ trọn vẹn niềm tin vào Đức Giêsu.
Và Đức Giêsu “đã muốn”, bởi khi nhìn thấy anh ta trong tình cảnh “chết còn hơn là sống cay cực” như thế này. Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta…”. Câu chuyện kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.
Vâng. Đức Giêsu chỉ phán một lời “Tôi muốn…” (Mc 2, 41).
Một chút tâm tình…
Thánh Máccô không cho biết có bao nhiêu người đã chứng kiến phép lạ chữa lành này. Nhưng với thánh sử Matthêu, sự việc đã được mô tả rất rõ như sau “Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bổng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người… ” (Mt 8, 1-2).
Ôi! Tệ thật… Cả một đám đông chứng kiến phép lạ sờ sờ ra đó, thế mà chỉ có một mình chàng hủi nhanh nhảu “rao truyền và tung tin đó khắp nơi”.
Phải chăng cái đám đông đó đang xầm xì nhỏ to rằng thì-là-mà tại sao ông Giêsu lại phá luật Lêvi, dám “giơ tay đụng vào” chàng hủi này!
Nghĩ như thế là không nhìn rõ chủ ý của Đức Giêsu. Ngài không phá luật. Sau khi chữa lành chàng hủi, Đức Giêsu đã chẳng bảo chàng ta rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” đó sao !!!
Vâng. Chữa cho chàng hủi này, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, như cách thức Ngài đã chữa lành một người con của vị quan cận thần ở Capharnaum, cũng được. Nhưng chủ ý của Ngài khi đặt tay lên chàng hủi là muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng : không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, nếu con người “đến mà biện luận” (Is 1, 18).
Đặt tay lên chàng hủi, Đức Giêsu còn muốn dạy cho hậu thế một bài học về “Mục vụ giao hòa”.
Mục-vụ-giao-hòa theo Đức Giêsu trước hết là an ủi… là “tôi muốn”. Mục-vụ-giao-hòa theo Đức Giêsu còn là nâng đỡ.. là “đặt tay” vào tôi nhân. Mục-vụ-giao-hòa theo Đức Giêsu không thể không tha thứ… là “anh được sạch”.
Vâng. Sẽ thật khó phủ nhận, làm mục vụ giao hòa như cách Chúa Giêsu đã làm cho chàng phong hủi, chính là cách tốt nhất “để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cor 10, 31).
Một phút suy tư…
Tạ ơn Chúa. Điều đáng mừng là ngày nay, tuy vẫn còn bệnh phong hủi, nhưng nó không còn là căn bệnh đáng quan ngại như ngày xưa.
Là một Kitô hữu, điều chúng ta đáng quan ngại đó là căn bệnh phong hủi tâm linh.
Thật vậy. Đời sống đức tin của chúng ta vẫn luôn phải đối diện rất nhiều loại vi trùng phong hủi. Đó là những loại hủi “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bé phái, ganh tị, say sưa chè chén”.
Đức tin của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta cứ “dây dưa” với những loại “hủi nghi nan.. hủi ngờ vực”?
Đức ái của chúng ta liệu có tồn tại nếu chúng ta bị nhiễm loại “hủi hận thù, hủi nóng giận, hủi bất hòa”?
Làm sao chúng ta có thể trở nên con Thiên Chúa nếu chúng ta bị nhiễm loại “hủi tranh chấp, hủi chia rẽ , hủi bè phái”?
Y học có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì thế, không có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên “đừng dây với hủi”. Những loại hủi đã được liệt kê ở trên.
Sẽ có người nói, thiên thần còn sa ngã huống hồ là thân phận con người yếu đuối như chúng ta.
Đúng vậy. Có phần chắc là không ai trong chúng ta lại không hơn một lần mắc phải một hay nhiều loại phong hủi nêu trên.
Chính vì thế, hãy để cho tâm hồn lắng đọng và hãy tự hỏi lòng mình rằng “tôi có đang bị mắc bệnh phong tâm linh không?”
Nếu có. Hãy đến và quỳ dưới Thánh Thể Chúa Giêsu mà nguyện xin rằng “Nếu Chúa muốn. Xin Ngài phán một lời thì linh hốn con sẽ lành mạnh”.
Chỉ cần một động tác của tâm hồn và đến “tòa cáo giải” gặp gỡ các linh mục, như xưa kia chàng hủi đã đến gặp gỡ các thầy tư tế. Hãy tin rằng Đức Giêsu, qua các linh mục, Ngài cũng sẽ nói “Tôi muốn, anh sẽ lành mạnh”.
Hãy nhớ rằng, nếu bệnh phong thể xác làm con người mất cảm giác trên cơ thể. Thì bệnh phong tâm linh sẽ làm cho ta mất “cảm xúc” trước ân sủng của Thiên Chúa.
Vì thế, đừng chần chờ gì nữa. Hãy đến tòa cáo giải mà nói với Chúa rằng “Con muốn. Xin Chúa làm cho con được sạch”.
Petrus.tran.