Xin hãy phán, tôi tớ Chúa đang lắng nghe
1Sm 3,3b-10.19; Ga 1: 35-42
Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp
Câu chuyện về cậu bé Samuel đang ngủ trong Đền Thờ là một câu chuyện quen thuộc trong Kinh thánh, nhưng với một số chi tiết khác. Câu chuyện đó vừa cổ xưa vừa mới mẻ. Câu bé Samuel đang ngủ trong Đền Thờ. Chúa đang thực sự hiện diện với cậu nhưng cậu không nhận ra điều đó. Chúng ta được cho biết rằng, “Bấy giờ Samuel chưa biết Đức Chúa.” Samuel không được mô tả như một người đặc biệt đạo đức khiến Đức Chúa phải lưu tâm. Nhưng điều đó không làm cho Thiên Chúa dừng tay. Đứa trẻ có thể đang ngủ, nhưng Thiên Chúa đã khuấy động và làm điều Người muốn. Thiên Chúa hằng sống: không ngừng chuyển động, luôn chọn lựa, và mời gọi. Như tôi đã nói, cũng là một câu chuyện đó nhưng luôn luôn mới.
Câu chuyện Samuel là một ẩn dụ về đời sống thiêng liêng và nó khơi lên một thắc mắc mà chúng ta phải tự vấn chính mình: “Chúng ta có đang ngủ đối với Thiên Chúa?” Chúng ta không giống như đang buồn ngủ. Thực ra, chúng ta xem ra khá bận rộn và có lẽ, như phần lớn dân Mỹ, chúng ta đang thiếu ngủ. Cũng vậy, chúng ta ngái ngủ đối với Thiên Chúa.
Bước đầu tiên trong các truyền thống tôn giáo là “thức tỉnh”. Thức tỉnh có thể diễn ra bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta đọc một đoạn Kinh thánh, hay nghe một thông điệp trong bài giảng và để nó đâm rễ trong chúng ta – chúng ta thức tỉnh. Một dự án thất bại hay một giấc mơ tan vỡ và chúng ta nhận ra cần phải điều chỉnh lại những ưu tiên của chúng ta – chúng ta thức tỉnh. Hôn nhân của chúng ta hay một mối tương quan thân thiết đổ vỡ và chúng ta thấy mình chưa đủ lưu tâm đến những người quan trọng trong cuộc đời – chúng ta thức tỉnh.
Hoặc, như trong trường hợp của thi sĩ Mark Nepo, chúng ta giật mình và tỉnh giấc vì chúng ta bị ung thư, hay mắc một căn bệnh nguy hiểm khác. Bạn của Mark, Wayne Muller, nói rằng “Mang trong mình căn bệnh ung thư, Mark đã có được cái nhìn của người đang chết dần chết mòn với lòng cảm kích chỉ vì được thở.” (Trích trong quyển “The Book of Awakening” của Mrk Nepo, Conari XB năm 2000). Tuy nhiên, dù nó xảy ra cách nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, chúng ta thức tỉnh – nếu chúng ta cũng làm như Samuel, tìm cách hiểu thông điệp mà chúng ta đang nghe được trong những bí ẩn của đời mình.
Chúng ta có đang thức tỉnh hay không? Chúng ta có cảm thấy có cái gì đó hay Ai Đó đang gọi chúng ta hay không? Chúng ta có thể cảm thấy có gì đó giật mạnh chúng ta trong Thánh lễ này, khuấy lên một khát mong nhiều hơn nữa cho cuộc sống chúng ta. Hoặc là, chúng ta nhìn vào đôi mắt của trẻ thơ và cảm nhận được mầu nhiệm. Chúng ta đi bộ vào buổi sớm và sợ hãi khi nhìn những áng mây nhuốm sắc tím của ánh mặt trời. Hay, có người nói yêu chúng ta và chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của một Thiên Chúa trao ban và yêu thương. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta tỉnh dậy từ cơn ngủ mê và chúng ta cố gắng hết sức để đáp lại.
Dẫu cho, như Samuel, những đáp trả đầu tiên của chúng ta chẳng mang lại kết quả gì. Bất kể điều gì, chúng ta cũng thức dậy và chúng ta phải kiên trì trong việc kiếm tìm những nguồn gốc của lời mời gọi tỉnh thức. Khi mà Samuel thức dậy vào lần gọi thứ tư của Chúa, cậu đã quay về Thiên Chúa và sống trọn phần đời còn lại của mình như tôi tớ Thiên Chúa. Chẳng lẽ quý vị lại không thấy khoan khoái khi biết điều đó sao, dù cho chúng ta có lỡ mất lần ngỏ lời đầu tiên của Chúa, nhưng Chúa không đầu hàng, mà còn cố gắng lập đi lập lại để chúng ta chú ý – để đánh thức chúng ta khỏi cơn mê ngủ?
Một khi chúng ta thức dậy, chúng ta có thể làm gì? Chẳng có gì trong lần đầu chúng ta trả lời, ngoại trừ việc lắng nghe. Hãy tìm cách lắng nghe cuộc sống của chúng ta. Chú tâm đến những khoảnh khắc của sự tĩnh lặng. Hãy biết lắng nghe những tiếng nói khôn ngoan quanh chúng ta, như Samuel đã làm, khi Êli cuối cùng cũng nhận ra sự việc đang diễn ra và cho cậu lời khuyên khôn ngoan.
Chúng ta có thể lấy lời khuyên của Êli và dùng lời ấy như một lời tụng niệm liên nỉ trong những ngày chúng ta lắng nghe. “Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Và chúng ta cố gắng hết sức để lắng nghe từ những biến cố trong cuộc sống, tiếng nói êm nhẹ của Thiên Chúa. Chúng ta có thể không nhận được câu trả lời cho vấn nạn mà mình đang phải đối diện – thế giới hiện đại của chúng ta cần có câu trả lời. Nhưng chúng ta có thể học điều khôn ngoan; đó là tiến trình của cuộc sống. Từng chút một, sự khôn ngoan sẽ hướng dẫn chúng ta qua những quyết định lớn, nhỏ mà chúng ta phải đưa ra. Sự khôn ngoan cũng dạy chúng ta biết kiên trì và tin tưởng, khi chúng ta học cách sống với mầu nhiệm của đời sống của Thiên Chúa trong ta.
Câu chuyện của Samuel là câu chuyện về ơn gọi của chúng ta. Trong câu chuyện này, chúng ta học biết rằng nếu chúng ta muốn lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta cần phải học cách trở thành những thính giả cẩn trọng. Có quá nhiều tiếng ồn, có quá nhiều tiếng nói đầy quyến rũ từ thế giới đến bên tai chúng ta. Vì thế, sẽ thật khó mà phân định tiếng Chúa giữa những âm thanh hỗn tạp này. Chúng ta cần phải biết ơn vì Thiên Chúa luôn kiên nhẫn. Chúng ta cũng phải nhận rằng mình cần sự giúp đỡ của những người khác nữa, những người thực hiện những cố gắng để chú tâm đến tiếng Chúa trong thế giới. Những thính giả chuyên nghiệp này có thể giúp chúng ta hiểu hơn việc Thiên Chúa đang gọi chúng ta thế nào.
Tôi đã có được những tiếng nói hướng dẫn này trong đời mình và tôi tin Thiên Chúa dưỡng nuôi tôi qua những thiên thần được chúc phúc của Lời Thiên Chúa. Ai là những tiếng nói này dành cho quý vị? Ai là nhân vật thông thái của quý vị? Ai trong cách thế độc nhất của họ, đã giúp quý vị nghe được tiếng Chúa khi quý vị đang tìm kiếm? Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn vì những ân huệ trong đời mình.
Bài trích sách Samuel và bài Tin mừng nói về tiếng Chúa gọi. Chúng ta đang ở trong những ngày đầu năm mới, một khoảnh khắc tốt đẹp để dừng lại và suy tư về lời mời gọi Thiên Chúa dành cho ta. Chúng ta có ý thức rằng mỗi người, qua Phép Rửa của mình, đã được mời gọi vào trong sự phục vụ của Thiên Chúa. Có thể chúng ta quá bận rộn với cuộc mưu sinh, phải giữ vững cho tài chính của mình trong những ngày này, đến nỗi chúng ta đã ngủ quên trước lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời mình – nhất là giữa những hỗn độn và rối ren. Chúng ta có thể cần phải tỉnh thức với việc Thiên Chúa đang nói với chúng ta ra sao, ngay nơi chúng ta sống.
Việc suy tư về Chúa Ba Ngôi, chúng ta có thể theo cách này. Thiên Chúa là một người cha/mẹ yêu thương mời gọi chúng ta đến sự thánh thiện và phục vụ. Đức Giêsu mời gọi chúng ta làm môn đệ và nói với chúng ta: “Hãy đến mà xem”. Thiên Chúa, Thánh Thần, mòi gọi chúng ta vào trong cộng đoàn. Thánh Phaolô hôm nay nhắc nhở, chúng ta là “thành phần của Đức Kitô”. Chúng ta là thành viên của cộng đoàn Giáo hội và chúng ta nhận ra, không chỉ với tư cách cá nhân, nhưng như những thừa tác viên trong cộng đoàn của chúng ta, thành viên của hội đồng, nhân viên, … làm thế nào tất cả chúng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Samuel phục vụ trong Đền Thờ, nơi cực thánh của phụng tự dành cho dân Dothái. Nhưng có một nơi mà người ta nên mong ước được thị kiến và thông điệp của Thiên Chúa, đó là trong thinh lặng. Phải chăng đó là vì sự yếu kém của nhà Êli? Hay là những yếu đuối của Êli đã làm gì đó? Mắt ông đã mù, và ông có những giới hạn. Vì thế, Êli không thể thấy được ngọn đèn chầu, và ông cũng không trông coi được hòm bia nơi mà Thiên Chúa có lẽ đã nói với ông.
Bài đọc kết thúc với việc khẳng định rằng Samuel, “Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”. Câu bé lớn lên và tên của cậu gắn liền với sự khôn ngoan. Đó là sự khôn ngoan mà cậu nhận được vì cả đời cậu luôn cố gắng thức tỉnh để lắng nghe Lời của Chúa. Đó là điều mà chúng ta hy vọng như hướng sống của đời ta.
Đâu là những mối quan tâm mà sự gắn liền Êli-Samuel khuấy lên? Suy nghĩ về những giới hạn của Êli và việc Samuel đang ngủ trong Đền Thờ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đánh thức những người khôn ngoan trong Giáo hội của chúng ta. Xin cho họ trở nên những người giữ lửa, để ánh lửa của Thiên Chúa không tắt ngúm trong cộng đoàn của chúng ta vì những khác biệt, lề thói, tinh thần uể oải, những bê bối tình dục, hay những dạng thức khác của việc vô cảm với Lời Chúa vốn đang sống động và linh hoạt giữa dân Chúa.