Cha và Con Trai
Người cha ấy tên là Dương Đình Lộc (1952).
Những vòng xe của cha…
“Hồi đó cả gia đình làm quần quật, hết làm vườn ở nhà xong là lật đật chạy qua làm thuê cho người ta mà không đủ ăn” – người cha ấy nhớ lại.
Ở xứ sở mà mùa nắng bỏng rát da, mùa mưa có “đất thương người” quện chặt bánh xe, giày dép thì cái nghèo không dễ xua đi. Năm 2003, được người bạn cùng cảnh ngộ khuyết hai chân gợi ý chuyện xuống Sài Gòn bán vé số, ông có phần do dự.
Nhìn ngôi nhà từ trước ra sau trống hoắc, sáu cái miệng ăn, bốn đứa con đang tuổi đến trường, ông Lộc không cho mình đắn đo quá lâu. Khăn gói xuống TP.HCM, ông xin ở nhờ nhà cháu của người bạn.
Ngày đầu cầm xấp vé số trên tay, lê đôi chân trên hai cái ghế đòn, mời người ta mua tấm vé số, ông thấy “mình với người ta sao mà cách xa nhau nhiều quá”. Nhưng nghĩ đến các con ở nhà, nỗi tự ti, mặc cảm trong ông trong phút chốc đã tan biến.
Ngày mới vào nghề, ông đặt chỉ tiêu mỗi ngày phải bán hết 30 tấm vé số, để có được 30.000 đồng. Trong số đó, ông góp 5.000 với người bạn mua gạo, rau nấu ăn hai bữa.
Ông tính từng ngày để tích cóp đủ tiền về thăm quê. Quà cho vợ, con ngày về đầu tiên là hai thùng mì gói, 100 trứng cả gà lẫn vịt và 400 ngàn đồng để trong túi áo.
Năm 2009, ông đón người con trai thứ hai xuống thành phố nhập học trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM trong vui buồn lẫn lộn. Mới đây, người con trai kế tiếp Dương Đình Hội (1993) tiếp tục đậu đại học.
Tám năm lăn cuộc đời mình khắp hang cùng ngõ hẹp ở đất Sài Gòn ngày nắng cũng như ngày mưa, chắt chiu từng đồng từ những tấm vé số để nuôi con ăn học, ông chưa một lần than ngắn thở dài, chỉ với niềm mong mỏi từ sâu thẳm “con học được học nhiều hơn cha mẹ”.
…là tương lai đời con
Kết quả kỳ thi ĐH vừa rồi, Dương Đình Hội đậu hai ngành: Điện điện tử – ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (khối A) và Công nghệ thực phẩm – ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM (khối B).
Sau khi tính toán kiểu “liệu cơm gắp mắm”, hai cha con thống nhất chọn ngành Công nghệ thực phẩm.
“Mình thích học Điện điện tử hơn nhưng nếu học ở dưới Thủ Đức sẽ phải thuê thêm chỗ trọ, ăn uống riêng, chưa kể nhiều khoản tiền khác làm cho cho cha phải lo thêm”, Hội bộc bạch.
Con nhà nghèo, cuộc sống của Hội chỉ có: làm và học. Ký ức của Hội về nơi mình sinh ra và lớn lên là những ngôi nhà nằm chơ vơ, lẻ loi giữa những rừng cao su bạt ngàn. Nhà này cách nhà kia ít nhất cũng vài trăm mét nên trẻ con không thường chơi với nhau. Thú vui duy nhất của bốn chị em Hội là những con người xa lạ đang phát ra tiếng nói từ chiếc vô tuyến trắng đen, cũ kĩ.
Hội bảo đã không ít lần nghĩ đến việc bỏ học để đi làm kiếm tiền cho gia đình. Nhưng chưa lần nào suy nghĩ đó của Hội được cha mẹ đồng ý. “Lúc đầu, mình đã không làm hồ sơ thi ĐH vì sợ đậu rồi chỉ làm cha khổ thêm”, Hội tâm sự.
Thi xong môn cuối cùng của khối B, Hội nán lại thành phố xin đi làm ở một xưởng mộc, với lý do “kiếm thêm ít tiền bù vào khoảng chi phí cha cho đi thi”.
Một ngày sau khi làm thủ tục nhập học (5-9), Hội bắt tay ngay vào làm phục vụ ở một quán ăn. Sau khi tan học, Hội vội vã chạy đến quán lúc 12 giờ trưa để dọn vệ sinh. Công việc chính thức là từ bốn giờ chiều đến mười giờ rưỡi đêm. Giờ ôn bài của Hội là những đêm khuya đến tận một hai giờ sáng.
Mỗi khi nói về con trai, người cha như quên hết nỗi nhọc nhằn. Trong tâm thức của ông, đó là cái thằng học giỏi, giỏi nhất là môn hóa, nhưng lại có tính nhút nhát.
Năm lớp 9, Hội đạt giải nhì học sinh giỏi hóa, đến năm học vừa rồi, Hội giành giải học sinh giỏi hóa cấp tỉnh. Vợ ở quê đi họp phụ huynh về gọi điện cho ông Lộc kể cho hết nỗi tự hào của mình về con. Hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi qua điện thoại, không uổng công những ngày cơ cực.
Còn chàng tân sinh viên Dương Đình Hội vẫn ngày ngày lên giảng đường cùng niềm mong mỏi học thật giỏi, sớm ra trường đi làm cho cho cha mẹ.
“Cha bị thoái hóa cột sống, sỏi thận, bệnh gút nhưng chỉ chữa cầm chừng. Mẹ ở quê sức khỏe yếu mà một mình phải quán xuyến hết mọi việc” – giọng người con trai buồn rười rượi.
HỮU CÔNG