Thánh Anrê Dũng Lạc linh mục (1795-1839)

 

THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC LINH MỤC (1795-1839)

Thánh Anrê Dũng Lạc linh mục (1795-1839)Thánh Anrê Dũng-Lạc sinh năm 1795 tại tỉnh Bắc Ninh. Cha mẹ là người ngoại giáo, nhà nghèo. Năm cậu Trần An Dũng-Lạc 11 tuổi thì cha mẹ di chuyển gia đình tới Hà Nội để tìm cách sinh sống. Vì gia đình quá nghèo nên cha mẹ cậu gửi gắm cậu cho một Thầy Giảng giúp đỡ nuôi dưỡng, cho cậu ăn học. Cậu là một đứa trẻ rất thông minh, có trí nhớ lạ lùng, chỉ trong một tuần lễ cậu đã học hết cuốn sách giáo lý. Tính hình hiền lành lại rất ngoan ngoãn, siêng năng chu toàn với mọi công việc được giao phó. Năm cậu 12 tuổi thì cậu được  Rửa Tội,  nhận tên thánh là Anrê. Sau đó cậu được gửi vào trường Vĩnh Trị do cha Leroy Lan làm Bề trên. Tại trường Vĩnh Trị, cậu siêng năng cần mẫn. Cậu học chữ Nho và La tinh một cách mau chóng và dễ dàng. Cậu có năng khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người một cách lịch thiệp hoà nhã. Các bạn đồng lớp nói rằng cậu chỉ đoc qua một đoạn sách hai lần là cậu đã nhớ thuộc lòng. Sau 8 năm ở trường Vĩnh Trị cậu lãnh bằng Thầy Giảng.

Sau 10 năm làm Thầy Giảng và học tiếp 3 năm Thần học, ngày

15 tháng 3 năm 1823 thầy Anrê Trần An Dũng-Lạc được Đức Cha Longer phong chức linh mục cùng lớp với thánh Ngân và thánh Nghi, năm ấy cha Dũng-Lạc mới 28 tuổi. Sau đó, cha Dũng-Lạc được bổ nhiệm làm cha phó xứ ở Đồng Chuối, giúp cha Khiết, rồi giúp cha Thi ở xứ Đoài và cha Thuyết ở xứ Sơn Miêng. Một thời gian sau, Đức Giám mục bổ nhiệm cha về làm chánh xứ giáo xứ Kẻ Đầm, lúc ấy cha Anrê Trần An Dũng-Lạc đã 40 tuổi. Dù là cha phó hay cha chánh, dù ở bất cứ nơi nào cha cũng đưọc mọi người yêu quí vì tính tình hiền hoà, xử sự khôn ngoan lại giảng giải sốt sắng, dễ hiểu. Đối với giáo dân, cha dễ dãi, hoà đồng, vui vẻ. Nhưng với chính mình thì cha rất nhiệm nhặt trong cách ăn mặc. Cha ăn chay hằng tuần trong các ngày thứ Tư và thứ Sáu. Cha luôn sốt sắng và đặc biệt theo dõi giúp đỡ những người nghèo khó, ưu ái chia sẻ cơm áo cho những người cần tới cha. Cha hết lòng hy sinh với nhiệm vụ của một chủ chăn. Cha ân cần lo lắng tới đời sống thiêng liêng của từng giáo dân.

Ngày 6 tháng 1 năm 1833 vua Minh Mạng ban hành sắc chỉ cấm đạo một cách gay gắt, cha phải ẩn trốn tại các gia đình tín hữu, nay ở nhà này mai ở nhà kia. Nhưng rồi tình hình cũng không yên ổn nên cha lại phải trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó.

Một hôm trong năm 1835 khi cha vừa dâng lễ xong tại Kẻ  Sui thì quân lính xông tới. Cha vội cởi áo lễ trao cho mấy người tín hữu cất giấu còn cha thì ngồi lẫn lộn trong đám dân đông đảo. Khi lính tới thì bắt cha cùng với 30 người khác. Ông tổng Thìn phải đưa 6 nén bạc cho quan Hào Khánh ở Đôn Thư xin dàn xếp với quan phủ cho cha khỏi bắt. Quan huyện Hào Khánh lấy 4 nén bạc còn 2 nén cho người nhà quan phủ và trình rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui mà quan bắt thì xin tha”. Quan tha

cho cha còn những người khác thì sau đó cũng lần lượt được tha hết. Từ đây quan quân đã biết tên cha Trần An Dũng, nên cha đổi tên là Lạc,  do đó mới có tên là Trần An Dũng-Lạc.

Lần khác khi cha tới Kẻ Sông lén lút gặp cha Phêrô Trương Văn Thi để xưng tội thì không may bị lý Pháp là lý trưởng làng Kẻ Sông theo dõi, đưa gia nhân tới đột kích bắt hai cha. Tín hữu nghe tin hai cha bị lý Pháp bắt thì kéo nhau tới đông đảo xin lý Pháp tha cho hai cha. Lý Pháp đòi các tín hữu phải nộp 200 quan thì sẽ tha. Các tín hữu gom góp chỉ được 100 quan thì lý Pháp nhận 100 quan và chỉ tha cho cha Dũng-Lạc còn cha Phêrô Trương Văn Thi thì bị bắt giải lên nộp cho quan huyện Bình Lục. Cha Anrê Trần An Dũng-Lạc được tha nhưng trên đường trở về thì lại gặp trời mưa to gió lớn, thuyền cha phải ghé vào bờ trú ẩn tại ngôi nhà quen thân thì đột nhiên lại bị một bọn lính khác tới khám xét. Thế là cha bị bắt  lần thứ ba, bị trói giải về nộp cho quan huyện Bình Lục, còn các người khác sợ hãi bỏ chạy trốn hết. Về tới huyện cha Dũng-Lạc lại gặp cha Trương Văn Thi cũng đã được giải về nộp cho quan huyện Bình Lục. Thế là từ đây số phận của hai cha dính liền với nhau, cùng bị giam, bị tra khảo, cùng chết và cùng lãnh nhận triều thiên Tử Đạo trên thiên quốc cùng một ngày với nhau.

Tại huyện Bình Lục, quan huyện xử đối với hai cha rất tử tế. Quan truyền cho lính dọn cơm cho hai cha bằng mâm và chén bát của mình. Quan thấy cha Trương Văn Thi già yếu, quan hỏi lính cha có chăn mền không thì lính thưa là cha có chăn mền nhưng ông lý Pháp đã tịch thu tất cả của cha rồi. Quan nghe nói thì nóng giận quát lớn: “Bảo thằng lý Pháp phải trao trả lại cho cha”. Có lần quan huyện Bình Lục đã tâm sự với hai cha rằng:

– Thưa hai Cụ, Phép triều đình cấm đạo và giết các Cụ, chứ không  phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này”.

Nghe quan thế nói, các cha chỉ mỉn cười. Mặc dù bị giam 

nhưng hai cha vẫn vui vẻ truyện trò với mấy anh lính canh. Có người hỏi cha:

– Các Cụ bị bắt mà sao các cụ nói chuyện vui vẻ thế, Các Cụ không sợ chết à?

Cha Dũng-Lạc vui vẻ trả lời:

– Vua cấm đạo và Đức Cha Trời định cho tôi phải bắt. Tôi không sợ. Trái lại, tôi lại vui vì được chịu khó vì Chúa tôi thờ.

Giữ hai cha ba ngày tại huyện, sau đó quan huyện Bình Lục tiễn hai cha xuống thuyền đưa hai cha về Hà Nội nộp cho quan đốc tỉnh. Biết tin hai cha phải về Hà Nội, các tín hữu kéo nhau tới thương khóc từ giã hai cha rất đông. Nhiều tín hữu đã góp tiền và trình với Đức Cha Retord Liêu và Đức Cha cũng đồng ý để họ đưa tiền tới xin chuộc hai cha. Nhưng cha Dũng-Lạc nghĩ rằng đây là lần thứ ba đã bị bắt, chắc là ý Chúa muốn như thế nên cả hai cha đã không đồng ý để giáo dân đem tiền tới xin chuộc hai cha. Lúc tiễn hai cha xuống thuyền, nhiều người đi theo gào khóc rất thảm thiết. Thấy vậy, quan huyện lấy làm lạ nói:

– “Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc than khóc quá như vậy?”.

Nghe quan huyện hỏi như thế, một bà cụ đứng gần đó đáp lại:

– Bẩm quan, các cha dạy chúng tôi những điều tốt lành, không cờ bạc, rượu chè, dậy vợ chồng phải thuận thảo, thủy chung với nhau như trong đạo lý răn dạy. Tại sao lại giết người lành như thế?

Bước xuống thuyền rồi, hai cha thấy dân chúng thương khóc quá sức như vậy thì hai cha  xin quan nói mấy lời để an ủi và khích lệ mọi người hãy sống đạo tốt lánh hơn, hãy yêu thương nhau và trong thành với đạo thánh Chúa. Không nên khóc lóc làm gì vì chỉ làm thêm đau khổ cho nhau mà thôi.

Con thuyền đưa hai cha đi Hà Nội, ngày 16 tháng 11 hai cha tới Hà Nội và được đưa ngay vào nhà giam để ngày hôm sau là ngày 17 tháng 11, các cha được đưa ra trước mặt các quan để bị thẩm vấn. Trong một lá thư cha Dũng-Lạc viết cho Đức Cha Jeantet đã kể lại rằng: “Ngày 17 tháng 11 quan đã nộp chúng con cho quan án để truyền lệnh bắt chúng con phải bước qua Thập Giá. Vì chúng con cương quyết không chịu bước qua nên sáu anh lính đã xông tối khiêng nhắc bổng chúng con lên đưa qua Thập Giá, cha Phêrô Thi đã ôm được Thập Giá và hôn kính.  Còn con thì con co chân lên rất cao và nói với họ:

– Hãy chặt chân tôi đi. Tôi rất vui lòng chứ đừng hy vọng tôi bỏ đạo.

Sau đó các quan hỏi con:

– Tại sao đạo lại không cho phép thờ kính tổ tiên?

Con trả lời:

–  Nếu có ai chào cha mẹ khi các ngài đang ngủ, thì không kể là tôn kính, vì các ngài ngủ không biết gì. Cũng một lẽ ấy còn một mạnh mẽ hơn đối với những người đã chết.

“Ngày 19 tháng 11 các quan lại gọi chúng con ra toà lần thứ hai để khuyên dụ và ép buộc chúng con bước qua Thập Giá. Lần này các quan bắt chúng con phải đeo gông nặng hơn Tới ngày 21 tháng 11 thì họ lại thay gông bằng xiềng xích. Xiềng xích của cha Phêrô Thi nhẹ hơn xiềng xích của con. Con thương cha Phêrô Thi vì già yếu mà phải chịu nhiều cực hình quá. Nhiều lúc con ngồi suy nghĩ mà chảy nước mắt vì  nhớ tới những anh em Thừa Sai đang phải trốn tránh để rao giảng Tin Mừng của Chúa”.

Nhận được thư của cha Anrê Dũng-Lạc, Đức Cha Jeantet vội biên mấy lời khích lệ và an ủi hai cha, khuyên hai cha vững lòng bền chí, can đảm chịu mọi sự khó. Đức Cha và mọi người đều sốt sắng cầu nguyện cho hai cha luôn xứng đáng là những chiến sĩ Đức Tin vững mạnh của Chúa. Được thu của Đức Cha, hai cha vui mừng xức động. Cha Dũng-Lạc viết lại để cám ơn Đức Cha. Trong thư cha viết: “ Chúng con vô cùng an ủi và xúc động chảy nước mắt khi đọc thư của Đức Cha Chúng con thật lòng biết ơn vì nhờ Đức Cha và các vị Thừa Sai mà chúng con được biết Chúa. Chúng con không biết phải nói làm sao để diễn đạt lòng biết ơn sâu xa của chúng con. Trong nhà tù này rất khó khăn để viết thư cũng như để nhận thư. Xin Đức Cha hiểu cho lòng trung tín và hiếu thảo của chúng con. Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con trung thành với Chúa và luôn sẵn lòng vui vẻ được chết vì Chúa. Lòng chúng con tin vững mạnh nơi Chúa như núi Thái.

Anrê Trần An Dũng-Lạc

Tình trạng ngồi tù kéo dài mãi, hai cha nóng lòng chờ đợi giờ phút được đổ máu ra để làm chứng nhân cho Chúa, mãi tới ngày 30 tháng 11, các quan cho gọi hai cha ra toà. Trước hết các quan khuyên dụ hai cha bước qua Thập Giá và bỏ đạo. Khuyên dụ mãi không xong, các quan bắt hai cha ký giấy nhận bản án. Sau khi các ngài ký nhận, quan đốc tỉnh nói với quan chánh án:

– Bọn chúng bám vào tôn giáo đến nỗi điên khùng. Đạo gì mà làm cho con người mê mẩn đến như thế? Thật khó hiểu!

Nhiều lần bị tra khảo nhưng không bị đánh đập tàn nhẫn như những trường hợp khác, chỉ bị bọn lính tát một hai cái.

Ngày  mồng 1 tháng 11 năm 1839 là ngày lễ kính Các Thánh, cha Trân giả dạng người làm ruộng vào thăm hai cha trong tù. Cha Trân đưa Mình Thánh Chúa cho hai cha. Vừa thấy cha Trân, cha Dũng-Lạc vui vẻ chào:

– Xin chào bác! Tôi đợi bác thăm nuôi đây.

Sau đó cha Trân trao Mình Thánh Chúa cho cha Dũng-Lạc. Hai người nói nhỏ với nhau ít điều rồi cha Trân vội vã rút lui. Cha Dũng-Lạc chịu Mình Thánh Chúa rồi âm thầm trao cho cha Thi. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương tới thăm viếng các Ngài trong nhà tù và tăng sức mạnh để các Ngài thêm mạnh mẽ, can đảm tuyên xưng danh Chúa trước mặt vua quan.

Vài tuần lễ sau, các Ngài được lệnh tới gặp quan án. Quan chánh án đưa bản án do vua Minh Mạng châu phê để các Ngài ký nhận. Sau khi ký nhận bản án, cha Dũng-Lạc trở về nhà giam vui vẻ, cao hứng làm một bài thơ diễn tả tâm sự gửi cho cha bạn là cha Thực. Bài thơ như sau:

     “Lạc rầy đã rõ chốn quân quan

     Bút chép thơ này gửi thở than

     Lòng nhớ bạn, vẫn còn vất vả

     Dạ thương khách ,chạy chữa yên hàn

     Đông qua tiết lại thì xuân tới

     Khổ trảm mai sau hưởng phúc an

     Làm kẻ anh hùng chi quản khó

     Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng”.

Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1839, quan quân tới nhà  giam công bố lệnh xử án và truyền lệnh ra pháp trường. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa. Các ngài hát mấy câu kinh tạ ơn “Te Deum” bằng La-tinh rồi như đã chuẩn bị sẵn sàng mau lẹ theo đoàn quan quân tiến ra pháp trường lãnh án chém đầu để làm chứng nhân cho đạo thánh Chúa. Trên đường đi, các Ngài vui vẻ, nét mặt tươi vui hớn hở. Cha thánh Dũng-Lạc chắp tay vừa đi vừa cầu nguyện. Tới nơi xử, các Ngài quì trên chiếc chiếu các tín hữu đã trải sẵn. Người lý hình tiến lại nói nhỏ với cha:

– Chúng tôi không biết các Thầy có tội gì. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên bắt chúng tôi phải làm. Xin các Thầy đừng chấp chúng tôi. Xin các Thầy cầu nguyện cho chúng tôi khi các Thầy về Trời.

Cha Dũng-Lạc tươi cười nói với các anh:

– Quan lớn đã truyền, các anh cứ thi hành.

Sau đó hai Ngài cầu nguyện ít phút rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Nhiều người đứng chứng kiến đã kể lại rằng họ đã nhìn thấy một con chim trắng to lớn hơn chim bồ câu bay lượn trên các Ngài lúc các Ngài bị hành quyết. Hôm đó là ngày 21 tháng 12 năm 1839 tại pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội, giáp đường lên tỉnh Tây Sơn.

Thi hài cha thánh Dũng-Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Qúy gần Cầu Giấy, Hà Nội.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha Dũng-Lạc lên bậc Chân Phước cùng với cha thánh Phêrô Trương Văn Thi ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hai Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Tác giả Lm. Nguyễn Đức Việt Châu

Hạnh Tích
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

 

 

Để lại một bình luận