Cn 34 a : Vị Vua của người sống đời phục vụ

 


Cn 34 a : Vị Vua của người sống đời phục vụ
Mt 25: 31-46

Lm. Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp.

Cn 34 a : Vị Vua của người sống đời phục vụQuý vị đã bao giờ đi dự một buổi họp không có lịch trình rõ ràng và tổ chức bết bát chưa ? Trong lúc bực tức quý vị có muốn hỏi: “Ai chịu trách nhiệm ở đây vậy ?” Đó có thể cũng là câu hỏi mà chúng ta dành cho bài đọc thứ nhất trích sách Êdêkien. Quý vị có thể biết bối cảnh mà ông viết đoạn sách này không ? Ông nói đến những con chiên bị lạc, bị thương, bệnh tật và yếu đau. Cựu Ước thường sử dụng kiểu ám chỉ đến những con chiên như biểu tượng nói về dân Israel. Đối với họ mọi sự ra như xáo trộn hết cả nên và họ có lẽ muốn biết “Ai sẽ chịu trách nhiệm ở đây ?” 

Êdêkien là một ngôn sứ trong suốt thời lưu đày ở Babylon. Các vị vua của Israel xuống cấp, kém cỏi, bất tài và khinh suất khiến đất nước sụp đổ rơi vào tay dân Babilon. Những nhà lãnh đạo Israel được kỳ vọng là những mục tử tốt lành để bảo vệ, dẫn dắt và che chở cho dân – nhưng họ đã thất bại. Họ chỉ biết chăm lo cho chình mình và bỏ mặc sự an nguy của dân. 

Chẳng phải thế giới sẽ khác hẳn nếu tất cả những nhà lãnh đạo và thủ lãnh của các nước xem vai trò của mình như “những nhà lãnh-đạo-mục-tử”, như những nhà lãnh đạo lý tưởng được mô tả trong Sách Thánh ? Họ không nên chỉ biết vun vén quyền lực và của cải cho riêng mình. Họ phải luôn biết đặt mối quan tâm hàng đầu đến dân, nhất là những ai bị dễ bị tổn thương. Chẳng phải điều đó đòi hỏi họ phải thật khiêm nhường sao ? Đó không phải là một đức tính có thể thắng những cuộc tranh luận chính trị hay gây được thanh thế giữa thế lực của thế giới. 

Êdêkien được gọi để phê phán những mục tử của Israel vì những việc làm thái quá và những sai sót của họ đối với đàn chiên. Thiên Chúa, qua lời của ngôn sứ, lên án các nhà lãnh đạo của Israel. Nhìn vào hoàn cảnh của dân, cả chúng ta cũng sẽ thắc mắc như Êdêkien: “Thế ai chịu trách nhiệm ở đây ?” Câu trả lời của ông là – “Chính Thiên Chúa”. Hãy đếm những lần đại từ “Tôi” được sử dụng trong bài đọc này. (Tôi đếm được mười một lần). Rõ ràng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì mà các nhà lãnh đạo được xem như mục tử của Israel đã không làm. Thiên Chúa sẽ trông nom săn sóc đoàn chiên đã bị tản mác, chán chường và tuyệt vọng. 

Dụ ngôn của Êdêkien có lẽ đã mang lại cho những người Israel đang bị lưu đày một tin rất vui! Khi mà Thiên Chúa nổi giận với những nhà lãnh đạo kém cỏi, thì Người lại sẽ đến như mục tử nhân từ chăm sóc đàn chiên của Thiên Chúa. Những người đi lưu đày không thể làm gì được nhưng nghe biết rằng Mục tử của họ sẽ không chỉ chăm sóc vết thương cho họ mà còn dẫn đưa họ về quê hương Israel và ở đó sẽ vẫn tiếp tục chăm sóc họ. Như đối với những “con cừu và dê”, những nhà lãnh đạo bất tài, Thiên Chúa sẽ lưu tâm đến họ, “Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.” Chúng ta sẽ thấy vì sao bài đọc này được chọn để đọc chung với bài Tin mừng hôm nay, bài mô tả một Mục Tử, Đấng sẽ đến để phán xử và tách chiên ra khỏi dê. 

Trong Đức Giêsu, lời Thiên Chúa hứa sẽ chăn dắt đàn chiên nghèo đói đã được thành toàn. Ngài là Mục Tử tốt lành, Đấng đi tìm những con chiên lạc để đưa về đàn. Ngài nói rằng Ngài có thể hy sinh tính mạng vì đàn chiên – và Ngài đã làm y như vậy. Hôm nay, chúng ta cử hành luật của Đức Giêsu trong cuộc đời của chúng ta , vì Ngài là Vua-Mục-Tử, trong Ngài ma quỷ bị tiêu diệt và triều đại của Thiên Chúa sẽ được thành toàn. 

Cái chết không phải là bằng hữu của con người chúng ta. Tuy nó có thể đưa đến chỗ kết thúc một cuộc đời đầy đau khổ, nhưng nó lại không phải là một “ân huệ” như nhiều người vẫn tưởng thế. Cái chết gây đổ vỡ, chia cắt và nhấn chìm cuộc đời chúng ta. Với cái chết của người thân yêu chúng ta cố gắng hết sức để mang lại tình trạng bình thường. Nhưng cái chết đã đến bất thình lình, như kẻ trộm lén lút, chúng ta có lẽ đã không “điều khiển” hay “cố gắng hết sức làm gì đó”. Điều giúp chúng ta hy vọng và dám nhìn vào bộ mặt của cái chết là niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh.

Trong thư 1Côrintô, thánh Phaolô nói đến những người phủ nhận sự phục sinh. Họ có thể chấp nhận sự phục sinh của Đức Giêsu, nhưng lại gặp khó khăn khi nối kết nó với đời sống của chính họ. Trong chương 15, ngài rao giảng Đức Kitô như là người chiến thắng thần chết. (Vì thế bài đọc này được chọn cho lễ kính Chúa Kitô Vua). Thánh Phaolô cho chúng ta biết Đức Kitô đã chiến thắng tất cả quyền lực sự dữ – “mọi quyền lực và sức mạnh”. Bài đọc thứ hai ngày hôm nay là cách thánh Phaolô mô tả những gì sẽ đến. Nhưng ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng vương quốc đã đến với sự phục sinh từ cõi chết, “hoa quả đầu mùa của những kẻ đã yên giấc”.

Khi Đức Giêsu trở lại, vương quốc sẽ đến trong tình trạng hoàn hảo và “mọi sự sẽ quy phục Đức Kitô”. Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng sự chết không có quyền lực tối cao, dù nó có tỏ ra mạnh mẽ đến đâu hay tỏ ra thế nào. Trong ánh sáng của Đức Kitô chúng ta có thể đối diện với sự chết và trỗi dậy trong vinh quang của Ngài.

Hình ảnh chủ yếu về Đức Kitô trong Giáo hội sơ khai là Mục Tử Nhân Lành. Một trong những trình bày nghệ thuật sớm nhất về Đức Kitô là hình một mục tử trẻ vác một con chiên trên vai. Điều đó thích hợp vì Đức Kitô đã hoàn trọn việc tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ đến để chăn dắt dân – như Êdêkien hôm nay cho chúng ta biết. Trong suốt thế kỷ ban đầu của Kitô giáo có vô số chứng nhân chết vì niềm tin, đã được kiên vững nhờ Đức Kitô Mục Tử của họ.

Sau khi hoàng đế Constantin của Rôma trở lại (đầu thế kỷ thứ IV, ngày giờ cụ thể thì vẫn còn tranh cãi), ông tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo của Đế Quốc Rôma. Cuối cùng thì sự bách hại của Rôma đối với Giáo hội đã qua và, kết quả là, Giáo hội có tầm ảnh hưởng trên khắp Đế Quốc.

Nhưng sức mạnh và ảnh hưởng cũng ăn mòn Giáo hội khi nó du nhập những biểu hiện bên ngoài cũng như cấu trúc tổ chức của Đế Quốc. Hình ảnh quen thuộc về Đức Kitô đã bị chuyển từ Mục Tử thành Vua, với quyền trượng, vương miện và ngai vàng. Chẳng có gì sai lầm trong việc kính thờ Đức Kitô như Vua của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng trong các Tin mừng Đức Giêsu công bố vương quyền của Ngài trong việc phục vụ. Ngài không bao giờ mô tả quyền hành giống như những người được cho là các nhà lãnh đạo của thế giới, những kẻ “thống trị” người khác. Ngài nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly rằng họ phải đi theo Ngài bằng cách phục vụ người khác.

Như thường lệ, chúng ta thường bám chặt Tin mừng và luôn hướng nhìn lên vị Vua mà chúng ta là thần dân của Ngài. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta hay đâu là những ưu tiên mà người đầy tớ của vua sẽ có được và chúng ta sẽ sống ra sao – cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, đón tiếp khách lạ, cho kẻ rách rưới ăn mặc, chăm sóc người ốm đau và thăm viếng kẻ bị tù đày.

Trong các vương quốc trần thế, những người ở trên và quanh ngai vàng là những kẻ có ảnh hưởng lớn trên sân khấu thế giới, đến từ giai cấp cao trong xã hội, hay đã có những hành động oai hùng trong các trận chiến. Nhưng những người được Đức Kitô mời vào trong vương của Ngài lại được đền đáp vì những hành động anh hùng và phi thường khác nhau. Chúa Kitô Vua yêu thương họ vì họ noi gương cuộc sống của Ngài bằng cách chăm sóc những kẻ bé mọn là anh chị em của Ngài.

Lưu ý bối cảnh của sự phán xử cởi mở ra sao. “…Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người”. Trong Sách Thánh “các dân thiên hạ” ám chỉ đến toàn thể thế giới. Mọi dân từ khắp bốn phương trời sẽ đến và bước vào trong vương quốc của Đức Kitô. Chúng ta có lẽ đã quá hẹp hòi trong viễn cảnh về việc ai là thành phần của vương quốc, hạn chế số thành viên của Giáo hội và những người cũng tin như chúng ta. Dụ ngôn không quá hạn chế, người ta sẽ được mời vào là những người thậm chí đã không nhận ra Đức Kitô trong những kẻ bần cùng mà họ từng phục vụ. Họ chỉ thấy cần giúp đỡ những ai họ thấy thương cảm.

Mọi người đều được mời gọi vào trong vương quốc của Thiên Chúa. Theo như dụ ngôn thì vương quốc hiện diện bất cứ nơi đâu khi con người hành động đầy yêu thương đối với người khác. Giữa những người trong vương quốc, một số người trong chúng ta được kêu gọi trở nên dấu chỉ hiển hiện hơn về Đức Kitô trong thế giới. Đấy là các phần tử của giáo hội; những người tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Nhưng lưu ý trong dụ ngôn, chúng ta sẽ không có quyền thỉnh cầu Đức Kitô Vua chúng ta nếu như không sống thực tại của vương quốc như dấu chỉ của sự hiện diện của Đức Kitô trong thế giới này.

Đức Kitô đã và luôn ở giữa chúng ta và chúng ta phục vụ Ngài. Chúng ta vâng phục, phục vụ, trung tín và yêu mến Ngài vì Ngài là Vua của chúng ta. Trong Tiệc Thánh Thể, Vua mục tử quy tự chúng ta từ khắp nơi, thấy được sự đói khát thiếu thốn của chúng ta và đã chuẩn bị dọn sẵn cho chúng ta một yến tiệc. Khi đã được no thỏa, chúng ta sẽ lại trở nên những tôi tớ của Đức Kitô trong vương quốc của Ngài.


Để lại một bình luận