Bao La Tình Cha

 

 

 

BAO LA TÌNH CHA

Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”

 

Bao La Tình ChaCâu nói này tôi đã được nghe nhiều nhưng tôi chỉ thật sự cảm nghiệm ý nghĩa của nó khi tôi rời xa mái ấm gia đình, xa ba mẹ, xa các em để bước vào một cuộc sống mới nơi thành thị xa lạ.

Nơi khung trời mới này cuộc sống với nhiều tranh chấp, bon chen khiến tôi thèm khát tình cảm gia đình, những mơ ước về một mái ấm có ba mẹ cứ ùa về trong tâm trí tôi. Tôi chợt nghĩ về ba tôi- người đã dạy cho tôi cách sống bao dung không bằng lời nói nhưng bằng hành động, và đặc biệt là bằng một niềm tin tuyệt đối vào Mẹ Maria.

Lúc nhỏ tôi luôn nghĩ ba là một người khó tính, nghiêm khắc, lạnh lùng. Chính vì lúc nào cũng suy nghĩ về ba mình như vậy nên tôi không bao giờ nói chuyện thân mật với ông. Tôi luôn coi việc ông vất vả lao nhọc lo cho chúng tôi là quy luật, là lẽ tất nhiên nên tôi không chút mảy may xúc động mỗi khi thấy ông bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng ra ruộng, chứ nhất định không chịu nghỉ ngơi.

Tôi luôn trách ba tôi “khờ” mỗi khi thấy ông vất vả lo giấy tờ không công cho người ta, việc nhà không lo cứ lo việc thiên hạ! (mà thực ra ba tôi đâu có bỏ bê việc nhà). Những lúc nghe tôi trách móc ba tôi vẫn chỉ đáp lại bằng điệp khúc: “Sau này con sẽ hiểu, ba làm tất cả chỉ vì các con mà thôi!”

Ba tôi gia nhập quân đội từ khi còn rất trẻ, chiến tranh đã cướp đi của ba tôi một con mắt, và mỗi khi “trái gió trở trời” là ba tôi lại bị những cơn đau nhức do vết thương từ chiến tranh hành hạ.

 Vì thương tật như vậy nên ba tôi được lãnh lương dành cho thương binh hằng tháng, thế nhưng mỗi khi lãnh lương, thay vì mua đồ bồi dưỡng cho mình ba dành tất cả để mua sắm cho chúng tôi, ông luôn nói: “Ba ăn gì cũng được chỉ cần nhìn các con vui là đủ rồi!” Không chỉ lo cho chúng tôi về thể xác, mỗi ngày ông đều “bắt” chúng tôi dự lễ Misa và quãng đường đi bộ từ nhà tôi đến nhà thờ là giờ “huấn đức” của ba tôi (hồi đó tôi thấy rất khó chịu và muốn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở đạo đức của ba tôi nhưng sau này nghĩ lại tôi thấy những lời dạy dỗ mà tôi cho là chói tai đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều).

Ba tôi thương con là vậy, nhưng cách ông giáo dục chúng tôi cũng thật “kinh khủng”, tôi luôn bị ám ảnh về những roi đòn mà ông giáng xuống mỗi khi chúng tôi sai phạm, những lúc đó tôi quên sạch những điều tốt ông đã làm cho chúng tôi, tôi  đã thầm ước tôi có một người cha hiền lành hơn, yêu thương chúng tôi nhiều hơn. Tôi cứ luô nghĩ ba không hề thương chúng tôi – nếu thương thì đâu thể “ra tay” với chúng tôi mạnh như thế?!?

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ ấy cho đến một ngày, ngày tôi bỏ nhà ra đi. Lang thang phiêu bạt hết nhà đứa bạn này đến đứa khác, vài ngày đầu bọn bạn còn tiếp rước, đến bốn năm hôm sau, đứa nào cũng tỏ ra khó chịu! Tôi biết vậy nên cố tìm việc làm để tự nuôi thân, nhưng tìm việc không đơn giản như tôi nghĩ, công việc tôi cảm thấy thích hợp thì lương không đủ sống; còn công việc mang lại cho tôi món tiền kha khá đủ trang trải thì tôi lại không đủ khả năng để làm. Thất vọng. Chán nản. Tôi nghĩ đến việc khấn xin Đức Mẹ cho tôi đủ can đảm  trở về (lòng sùng kính Đức Mẹ đã được ba tôi gieo vào lòng chúng tôi từ bé tí nên dù hư hỏng, tôi cũng không quên Mẹ). Sau nhiều ngày suy nghĩ cầu nguyện, tôi liều gọi điện thoại về nhà, lòng hồi hộp khi giọng nói đầu dây bên kia cất lên! Nhận ra tiếng ba, tôi khẽ nói: “Con đây, Ba!” Tôi tưởng tượng ông sẽ cho tôi một  “bài trường ca”, không ngờ ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đọc địa chỉ nơi ở đi!” Trên đường chở tôi về, ông cũng không hề cất lên nửa lời. Sự im lặng của ông khiến tôi ngạc nhiên vô cùng!

Sáng hôm sau, để cám ơn Đức Mẹ , tôi xách nước lau lại bức tượng Mẹ, tình cờ tôi  phát hiện một hộp thư được đặt dưới chân Đức Mẹ, tò mò tôi mở ra xem: Là nét chữ của ba! “Mẹ Maria ơi, con rất buồn vì đã không chu toàn trách nhiệm của một người cha, con đã không biết cách thể hiện tình yêu của con đến các con của con khiến chúng phải phiền lòng. Dù phải đánh đổi bất cứ điều gì cũng được, con chỉ xin Mẹ gìn giữ, đưa con của con trở về nhà  bình yên. Xin Mẹ soi sáng để con của con biết rằng: lòng con cũng đau lắm sau mỗi lần sửa phạt con cái! Không biết những ngày con của con rời xa gia đình nó có được một chỗ nghỉ ngơi, có ai cho nó ăn uống hay phải lang thang như trẻ bụi đời. Càng nghĩ con càng thấy thương con của con và buồn cho cách giáo dục con cái của con. Mẹ ơi, Mẹ cứ trút hết những đau khổ mà con của con đang chịu lên người con… ” Tôi không thể đọc đến cuối vì nét chữ đã nhòe đi bởi những giọt nước mắt rơi tự do từ khóe mắt tôi. Thì ra tôi đã hiểu lầm ba! Gấp mẩu giấy lại đặt vào hộp thư (tôi gọi là hộp thư vì trong đó ba tôi viết rất nhiều), tôi chạy đi tìm ba. Hôm đó, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi đã có thể chạy một đoạn đường dài từ nhà tôi tới ruộng lúa nơi ba đang làm. Tôi ôm chầm lấy ba và khóc, khóc thật nhiều! Trong tiếng nấc nghẹn, tôi nói với ba tôi: “Ba ơi, con sai rồi!” Ba vỗ nhẹ vào vai tôi, nhìn vào mắt ông, tôi thấy mắt ông ướt nhòe – lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba tôi khóc! Khoảng thời gian sau đó là thời gian hạnh phúc nhất nhưng cũng ngắn ngủi nhất của tôi trong gia đình. Chỉ đúng một tháng sau ngày tôi “làm hòa” với ba tôi là tôi đã phải khăn gói lên Thành phố để bắt đầu tương lai mới, không còn cơ hội để ở bên chăm sóc ba nữa! Ngày tôi lên đường, ba với đôi mắt buồn, tiễn tôi lên đường kèm theo lời nhằn nhủ ngắn gọn: “Ráng sống cho xứng là một CON NGƯỜI và nhớ không quên ĐỨC MẸ nghen con!”

Giờ đây, giữa sóng gió cuộc đời tôi luôn nhớ về ba, nhớ những lời khuyên dạy của ba và đó chính là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống.

Cảm ơn Ba, cảm ơn vì cách sống của Ba, cảm ơn vì “Ba đã làm tất cả chỉ vì chúng con mà thôi!”

 Tác giả: Nguyễn Nữ Thuỳ Dương



Để lại một bình luận