Huyền Nhiệm Mân Côi

 

 

HUYỀN NHIỆM MÂN CÔI

Huyền Nhiệm Mân CôiLại gần tới tháng 10, mà cứ vào những ngày cuối tháng 9, là tôi thường hay nhớ đến quãng tuổi thơ nơi quê nhà ngoài Bắc (Dũng Vy – Bắc Ninh). Tôi như đã thuộc lòng Kinh Mân Côi cổ “VĂN CÔI THẬP NGŨ SỰ THI CA” (15 NGẮM LẦN HẠT MÂN CÔI). Trước khi vào 15 ngắm, có đoạn mở đầu “VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA” viết bằng thể thất ngôn trường thiên biến cách (đổi cách gieo vần và ngắt nhịp). Ở mỗi mùa (VUI, THƯƠNG, MỪNG), thì mỗi ngắm diễn tả bằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật thi, tiếp theo là 4 câu lục bát xin ơn. Hết một mùa, thì có một bài “Tạ” cũng bằng thể thất ngôn trường thiên biến cách. Hết 3 mùa (VUI, THƯƠNG, MỪNG) có “Tổng tạ” (gồm 1 bài thất ngôn tứ tuyệt luật thi, 1 bài thất ngôn trường thiên, và cuối cùng là 1 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt biến cách). Vì là thơ, nên khi ngắm lần hạt, cộng đoàn ngâm nga như hát Thánh vịnh, rất hay! Ngay khi viết bài này, tôi cũng lần trang ký ức, hát thầm trong lòng đoạn mở đầu: “Vườn Rosa bao quanh trái đất,/ Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền,/ Thử truy cùng cho đến căn nguyên,/ Xem ai đã gây nên vậy tá?/ Bởi ông thánh Đa Minh cha cả,/ Thấy ruộng thiêng cỏ rả mê man,/ Người lo buồn nguyện ngắm kêu van,/ Xin Đức Mẹ cực khoan thuơng đoái,/ Đức Mẹ thương xuống ơn rộng rãi,/ Trao tràng châu truyền hãy giảng khuyên,/ Khuyên người ta lần hạt ngắm nên,/ Sẽ chữa tật thiêng liêng cho đã”.

Chính điều này đã chứng tỏ sự kiện Thánh Đa Minh được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi không những được ghi lại bằng những văn bản mang tính lịch sử, mà còn được diễn tả bằng chính kinh nguyện Mân Côi. Từ khi Kinh Mân Côi được thành hình, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Ki-tô (Kinh Lạy Cha) và Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể (Kinh Kính Mừng). Đây là lời cầu nguyện được các tín hữu mộ mến sử dụng từ thời các Thánh Tông đồ. Tuy nhiên, mãi tới năm 1214, Giáo Hội mới nhận được Kinh Mân Côi trong hình thức và cách dùng hiện nay: Sau khi thinh lặng lắng nghe mỗi ngắm diễn tả một mầu nhiệm, cộng đoàn cùng “khẩu tụng tâm suy” (miệng đọc, lòng suy niệm) 1 Kinh Lạy Cha + 10 Kinh Kính Mừng và kết thúc bằng 1 Vinh tụng ca Ba Ngôi Thiên Chúa (Kinh Sáng Danh). Kinh Mân Côi được ban cho Giáo Hội qua thánh Đa Minh, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác.

Ngày 16 tháng 10 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban hành Tông Thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE (về KINH RẤT THÁNH MÂN CÔI). Mở đầu Tông thư (số 1), ĐTC viết: “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích… Kinh Mân Côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Ki-tô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh Mân Côi, Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử (của Giáo Hội cũng như thế giới), Kinh Mân Côi vẫn toả sáng và ngày càng chói rạng như chính mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, trong Tông thư trên (Ch. II, số 21), ĐTC Gioan Phaolô II còn gọi Kinh Mân Côi là “Mâu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm. Quả thực, nói hay viết về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cùng với hiệu lực cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì không bút mực, sách vở nào có thể bao biện cho hết được. Nhưng cho dù như vậy, thì kẻ viết bài này cũng vẫn bị cuốn hút bởi một hấp lực huyền nhiệm, thật đúng như lời dậy của ĐTC Gioan-Phaolô II trong Tông huấn nêu trên (Kết luận, số 39) : “Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn”.

Ấy cũng bởi vì: “Giáo hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất” (ibid, số 39), nên mọi tín hữu phải luôn tâm niệm sống Đạo với châm ngôn “KẾT HIỆP VỚI MẸ SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI” bằng cách: “Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi + Ăn năn cải hối + Ký thác tận hiến cho Mẹ => Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (Mệnh lệnh Fatima). Chỉ có như thế mời phần nào bày tỏ được tình con thảo đối với Mẹ hiền, đáp ứng được Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua di ngôn dưới chân Thập Tự : “NÀY LÀ CON BÀ – ĐÂY LÀ MẸ CON” (Ga 19, 26-27).

Và cuối cùng, xin giãi bày tâm can bằng bài “Tổng tạ” trong “VĂN CÔI THẬP NGŨ SỰ THI CA” : “Mười lăm sự ngắm về lần hạt,/ Chúng con xin ngợi hát khong khen,/ Các ơn các ích thiêng liêng,/ Tóm mọi cách chung riêng thay thảy./ Bởi sự VUI Đức Bà xem thấy,/ Sứ Ba Ngôi chào lạy truyền tin,/ Ngôi Thứ Hai xuống ở cùng liên,/ Được hưởng các ơn riêng vạn bội./ Bởi sự THƯƠNG thấy Con chuộc tội,/ Chịu gian nan nghìn nỗi trăm đàng,/ Lòng Đức Bà đau đớn thảm thương,/ Các sự khó cũng dường như phải./ Bởi sự MỪNG tự Con sống lại,/ Chúa xuống ơn rộng rãi man vàn,/ Cho đến khi llìa khỏi thế gian,/ Các phúc trong Chúa ban đầy rẫy./ Vì ba sự VUI – THƯƠNG – MỪNG ấy,/ Giúp đõ Con chuộc lấy loài người,/ Lại nên Vườn Hoa phúc lạ thay!/ Cho Thánh Hội đời đời thưởng ngoạn”

Nhân quá xúc động về mầu nhiệm Mân Côi, kẻ viết bài này xin được mạo muội viết tiếp phần “Tổng tạ”: “Nay lại thêm 5 mầu nhiệm SÁNG,/ Mẹ đồng công cùng với Chúa Con,/ Mạc khải cho tất cả thế gian,/ Về Nước Chúa đầy tràn ân sủng”. Như vậy, Kinh Mân Côi sẽ là:  “MÂN CÔI NHỊ THẬP SỰ THI CA”. Quả thực, khi được hát lên “MÂN CÔI NHỊ THẬP SỰ THI CA”, mới thấy thấm thía được huyền nhiệm sâu sắc của Kinh Mân Côi. Và cũng từ đó lại càng thêm vững tin rằng Kinh Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng vừa đơn giản, vừa súc tích, đồng thời đó cũng là một ký sự chân thực nhất trình thuật hành trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa – một hành trình đầy cam go thử thách nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang. Chính điều này chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn lựa và dẫn đưa Đức Maria từ bỏ kế hoạch riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào kế hoạch diệu huyền của Thiên Chúa, để trọn vẹn tín thác vào Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi, mỗi Ki-tô hữu cần nhận chân được đây là dịp tiếp cận Tin Mừng, ôn lại hành trình đức tin của Mẹ, để từ đó khẩn cầu Mẹ dìu dắt vượt thắng được hành trình đức tin của chính bản thân mình. Ôi, lạy Mẹ ! Con xiết bao mừng rỡ khi lại được thêm một lần trong muôn muôn triệu lần Ki-tô hữu chúc tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi mà Mẹ đã truyền dạy chúng con. Cúi xin Mẹ thương đoái, dang hai tay đón nhận đoá hoa lòng của chúng con: “Một tràng hoa Mân Côi, hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Một lời kinh sốt mến, xin dâng về Nữ Vương hiển vinh” (“Tràng hoa Mân Côi” – TCCĐ). Ôi! Ave, ave, ave Maria! Ave, ave, ave Maria! Amen.

JM. Lam Thy ĐVD

Để lại một bình luận