Thánh Phanxicô Assisi

 

Thánh Phanxicô Assisi và Mầu Nhiệm Thập Giá
 

Thánh Phanxicô AssisiMầu nhiệm Nhập Thể là một trong những biến cố trọng đại ghi dấu tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên phàm nhân, sống như người trần thế.

Từ đó, Ngài đã mở toang cánh cửa tình yêu đã bị đóng lại từ lâu, sau khi con người đánh mất tình yêu thuở ban đầu; mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tình yêu và ơn cứu độ.

Lúc sinh thời, khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn tả này, thánh Phanxicô Assisi cũng đã từng ngất ngây trước biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa. Sử gia Thomas Cêlanô kể lại: “Thánh Phanxicô thường mừng đại lễ Giáng sinh của Chúa Hài Đồng với một niềm vui bao la. Ngài cho rằng đó là ngày lễ của các lễ. Ngài thường hôn kính háo hức các bức ảnh Chúa Hài Nhi và lòng cảm thương nồng nàn đối với Hài Nhi Giêsu, khiến ngài lắp bắp thốt ra những lời âu yếm như trẻ thơ bập bẹ. Danh thánh Chúa ngọt ngào như mật ong trong miệng ngài”. Cảm nghiệm sâu xa đó đã được thánh nhân cụ thể hoá qua việc Ngài cho dựng lại hoạt cảnh Giáng Sinh của Con Thiên Chúa năm xưa nơi triền núi Greciô.

1.Giáng Sinh ở Greciô

Sử gia Thomas Cêlanô, một người cùng thời với thánh Phanxicô đã thuật lại câu nguyện cảm động này. Ý nghĩa câu chuyện phần nào nói lên lòng tưởng nhớ và tôn kính của thánh Phanxicô đối với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Câu chuyện xẩy ra ở Greciô vào năm 1223, ba năm trước khi thánh Phanxicô qua đời.

“Trong vùng ấy có một người tên là Gioan, danh tiếng đã tốt, mà đời sống lại còn tốt hơn(…). Như vẫn quen làm, chừng nửa tháng trước lễ Giáng Sinh, đấng vinh phúc Phanxicô cho mời ông đến. Ngài nói với ông: “Nếu ngài muốn chúng ta cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới tại Greciô, ngài nên mau đi trước chuẩn bị và cẩn thận những điều tôi dặn đây. Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của thánh nhân.

Ngày vui đã tới, thời gian hân hoan bắt đầu. Các anh em ở nhiều nơi khác được gọi đến tham dự. Dân chúng địa phương, cả nam lẫn nữ, nô nức như trong ngày hội, mỗi người chuẩn bị đuốc và nến tùy khả năng, để thắp sáng đêm ấy, là đêm đã được thấy mọc lên Ngôi Sao rực rỡ sáng soi mọi ngày mọi đêm. Thánh nhân tới, thấy mọi việc chu tất thì rất mừng. Người ta đã đặt một máng cỏ với cỏ khô, đã dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greciô đã gần như trở thành một Bêlem mới.

Đêm đen sáng tỏ như ban ngày, khiến cả loài người lẫn loài vật được hạnh phúc. Dân chúng từng đoàn lũ lượt kéo đến, và tâm hồn họ hớn hở một niềm vui mới trước mầu nhiệm mới. Rừng cây vang dội tiếng hoan ca, đồi núi vọng lại lời vinh chúc. Các anh em cất lời ca, dâng lên Chúa những lời ngợi khen xứng danh Người, và đêm ấy là đêm tràn đầy hoan lạc. Thánh nhân đứng trước máng cỏ, không ngớt thổn thức, lòng bồi hồi thương cảm, đồng thời chứa chan niềm vui khôn tả. Các nghi thức long trọng của thánh lễ được cử hành bên trên máng cỏ, và vị linh mục chủ tế được hưởng một niềm an ủi mới mẻ.

Đấng thánh của Thiên Chúa mặc phẩm phục phó tế vì đã nhận chức ấy. Ngài cất tiếng sang sảng hát bài Phúc âm. Giọng ngài mạnh mẽ, truyền cảm, rõ ràng, vang dội, mời gọi cộng đoàn mở rộng tâm hồn đón nhận ân huệ cao cả nhất. Rồi ngài giảng cho dân chúng đứng chung quanh, tuôn những lời ngọt ngào như mật ong để nói về biến cố Giáng sinh của đức Vua nghèo khó và làng Bêlem bé nhỏ. Nhiều lần thánh nhân gọi Chúa Kitô là “Hài nhi Bêlem” với tấm lòng cháy lửa tình yêu nồng nàn. Ngài phát âm hai chữ “Bêlem” theo cách chiên kêu be be. Khi ấy miệng ngài đầy âm thanh, nhưng còn đầy tình âu yếm hơn nữa. Có vẻ như ngài đưa lưỡi liếm môi mỗi khi nói đến tên “Giêsu” hoặc “Hài nhi Bêlem”, vui mừng thưởng thức trong cổ và nuốt lấy vị ngọt toát ra từ những chữ ấy.

Đấng Toàn Năng tuôn đổ nhiều ơn xuống nơi ấy, và một người đạo đức đã được Chúa ban cho một linh kiến lạ lùng. Ông thấy một hài nhi nằm bất động trong máng cỏ, rồi thấy thánh nhân tới gần đánh thức hài nhi đang ngủ li bì. Linh kiến ấy thật phù hợp, bởi vì Hài Nhi Giêsu đã bị chìm vào quên lãng trong lòng nhiều người. Nay, do tác động của ơn thánh, Người lại được đánh thức và ghi khắc vào ký ức trìu mến của họ, thông qua tôi tớ thánh thiện của Người là Phanxicô. Đại lễ đêm Giáng Sinh bế mạc, mọi người ra về hân hoan.

Sau đó người ta đem cất giữ số rơm khô đã đặt trong máng cỏ, để nhờ đó được ơn Thiên Chúa chữa lành cho gia súc, vì lòng từ bi của Chúa bao la vô cùng. Thực sự có nhiều gia súc trong vùng mắc nhiều thứ bệnh, nhờ ăn rơm ấy mà được khỏi. Hơn nữa, phụ nữ chuyển dạ đau đớn và kéo dài đã được mẹ tròn con vuông sau khi lấy ít rơm ấy đặt trên mình. Một nhóm người đông dảo, cả nam lẫn nữ, đã làm như vậy và được chữa lành nhiều chứng bệnh.

Nơi dựng hang đá Giáng Sinh nay đã được cung hiến để trở nên một đền thờ dâng Chúa. Tại chính điểm đặt máng cỏ năm ấy, một bàn thờ được xây lên kính Cha Thánh Phanxicô với mục đích: khi xưa tại chỗ này gia súc được nuôi bằng cỏ khô, từ nay con người được bổ dưỡng hồn xác bằng thịt Con Chiên không tì vết là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng đã ban chính mình cho ta vì lòng thương yêu khôn tả vô bờ bến”. (Thomas Cêlanô, Hạnh Thánh Phanxicô, Bản dịch của Lm Nguyễn Gia Thịnh, số 84 -87)

2. Một vài suy tư

Từ sự kiện Giáng Sinh Greciô, người ta cho rằng thánh Phanxicô là người đầu tiên có sáng kiến làm ra máng cỏ Giáng Sinh. Chính thánh Bonaventura cũng đã xác nhận: “Từ đó (sự kiện Giáng Sinh ở Grecio), lệ làm máng cỏ mừng lễ Giáng sinh được Đức Giáo hoàng cho phép phổ biến khắp nước Ý” (x.Trần Phổ, Hạnh Thánh Phanxicô, tr 229). Truyền thống đạo đức bình dân tốt đẹp này đã được phổ biến khắp thế giới và lưu truyền cho đến ngày nay. Sự lưu truyền này không phải bởi một dáng vẻ hình thức bên ngoài của Máng cỏ, nhưng đúng hơn là một cảm thức, một kinh nghiệm sâu sắc và sống động của thánh nhân về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô đã có những cảm thức sâu xa về tình yêu Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu. Ngài đã sống và tái diễn mầu nhiệm cao cả đó trong một bối cảnh của đời sống và văn hoá cụ thể ở Nước Ý lúc bấy giờ. Nhờ thế, mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã “nhập thể” vào trong tâm hồn những người nông dân ở Greciô và mang lại cho họ một tình yêu, một niềm vui khôn tả. Tình yêu Thiên Chúa đã “kết duyên” với đời sống và những lam lũ, khổ đau của họ và tình yêu Giáng sinh ấy đã nở hoa trên cuộc đời họ trong những ngày tháng sau đó.

Có người cần được yêu thương, cần được chăm sóc. Đó là ý tưởng thánh Phanxicô luôn ấp ủ trong tâm hồn khi ở Greciô trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1223. Thiên Chúa, một Hài Nhi yếu ớt nơi máng cỏ để chúng ta có thể nâng niu, âu yếm. Các nông dân Greciô tham dự thánh lễ hôm ấy đã chứng kiến Hài Nhi dường như sống động và mỉm cười trong vòng tay thầy Phanxicô. Hài Nhi bé nhỏ đó là Vua hoà bình, là Đấng đến để cho người người nhà nhà được tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Hơn nữa, chính tại Greciô, trong đêm Giáng Sinh năm ấy, thầy Phanxicô cầu nguyện cho tất cả những ai còn cô đơn hiểu được ý nghĩa thực sự của việc nhập thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên một con người giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Và Ngài để cho bất cứ ai đến với Ngài có thể tiếp xúc, đụng chạm, yêu thương và chăm sóc Ngài.

Những nông dân chất phác ở Greciô đã nhận ra Hài Nhi, và một lần nữa Thiên Chúa lại tỏ mình ra cho những người bé mọn. Những bó đuốc mà họ mang theo để soi đường đi từ ngôi làng đến nơi ẩn dật của các tu sĩ ở bên kia đồi, giờ đây không cần đến nữa. Tâm hồn họ đã bừng cháy vì Thiên Chúa đã thực sự trở nên một Hài Nhi cho họ, một ánh sáng mới chan hoà tâm hồn họ.

Người nông dân ở Greciô sẽ truyền tai nhau về sự kiện lạ lùng đã xẩy ra với họ cho các làng lân cận, và từ đó lan ra khắp thế giới. Có lẽ một ngày nào đó quỳ bên máng cỏ Giáng Sinh, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, mỗi người sẽ nhận ra rằng có một ai đó đang cần được yêu thương, cần được chăm sóc. Và từ đó, trái tim họ sẽ nhạy cảm hơn nhờ tình yêu của Hài Nhi Giêsu từ máng cỏ Giáng Sinh.

Ngày nay, Hài Nhi Giêsu lại giáng sinh giữa một thế giới có nhiều bất trắc; giữa một đất nước, quê hương Việt Nam đầy bất công; giữa những cảnh đời bất hạnh và giữa những tâm hồn đang thất vọng, chán chường.

Thực thế, chúng ta đang sống trong một xã hội không thiếu những bất công:

Những người nông dân, công nhân đang bị bóc lột hơn bao giờ hết. Cuộc sống của họ rất bấp bênh bên ruộng đồng hay nơi các nhà máy, xí nghiệp với một tương lai có thể nói là rất mờ mịt. Họ đang cần đến những bàn tay yêu thương và trợ giúp.

Những bà mẹ đau khổ đang cố vượt lên dư luận để bảo vệ sự sống của những đứa con bé bỏng của mình. Những trẻ thơ vô tội sống sót khỏi “nanh vuốt” của nhiều kẻ đã và đang tìm cánh hãm hại. Cuộc sống của họ đang bị gát ra thật xa một niềm ước mơ về hạnh phúc và an vui. Danh dự của gia đình, lòng ích kỷ của người khác…đã và đang từng phút giây “thiêu rụi” họ trong “biển lửa” của nguyền rủa, thờ ơ và khinh bỉ. Những bà mẹ và những trẻ thơ vô tội này đang chờ đợi một lòng bao dung, một hơi ấm tình người nơi chúng ta để tiếp tục cuộc sống như bao người khác.

Và cả những người đang sống trong cảnh gia đình đang tan vỡ, những người bệnh tật, những người cô đơn và sầu đau.v.v…Họ vẫn đang dõi mắt đợi chờ một Hài Nhi Giêsu đến với họ qua đôi chân của anh chi em mình.

Phải chăng tất cả những phận người trên đây là những “Hài Nhi” bé bỏng trong máng cỏ cuộc đời, đang cần hơn ấm tình người để có thể sống trong mùa đông giá lạnh.

Noi gương thánh Phanxicô, chúng ta cũng hãy để cho mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể trong cung cách yêu thương của chúng ta, bên những anh chị em, nhất là những anh chị em nghèo hèn và bị gạt ra bên lề xã hội ấy.

3.Kết luận

Thánh Phanxicô tám thế kỷ trước đã từng ngất ngây trước mầu nhiệm Giáng Sinh và ngài đã gợi hứng cho chúng ta về những lần Nhập Thể sống động cụ thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong chính cuộc đời chúng ta, bên dòng đời luôn đổi thay. Tinh thần Greciô như một lời mời gọi chúng ta hãy khám phá ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và không ngừng làm mới mẻ lại ý nghĩa của mầu nhiệm ấy trong thời đại của chúng ta.

Thực vậy, dù cho biến cố Giáng Sinh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng lịch sử cứu độ không ngừng lại ở đó. Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn luôn tiếp nối, bài học yêu thương vẫn tồn tại mãi. Vì Chúa Giêsu không chỉ sinh ra một lần trong lịch sử xa xôi, mà vẫn còn đang sinh ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai.

Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu xin cho chúng con học được bài học yêu thương từ mầu mhiệm Nhập Thể của Chúa. Xin cho chúng con luôn thao thức rằng chúng con đang sống trong một thế giới ngày càng có nhiều mối đe dọa đang rình rập cuộc sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và hèn mọn. Và xin Chúa cũng soi sáng cho chúng con biết dấn thân hành động cho những điều thiện hảo, công lý, tình yêu và hoà bình, để tình yêu và bình an của mầu nhiệm Giáng Sinh được lan tỏa tràn lan trên toàn thế giới theo tinh thần của thánh Phanxicô:

“Nơi nào có oán ghét hận thù, xin giúp con xây dựng tình thương.
 
Nời nào có khinh khi nhục mạ, xin giúp con mang lại thứ tha.
 
Nơi nào có mâu thuẩn bất đồng, xin giúp con nên người hoà giải
 
Nơi nào có giả dối sai lầm, xin giúp con cũng cố đức tin.
 
Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin giúp con gieo niềm hy vọng.
 
Nơi nào có bóng tối mây mù, xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.
 
Nơi nào có u sầu buồn bã, xin giúp con đem lại an vui”.
 
quang huyền ofm
 

Để lại một bình luận