Con Đường Nhỏ Của Vị Thánh Lớn

Con Đường Nhỏ Của Vị Thánh Lớn

(Kính tặng mẹ nhân ngày lễ Bổn Mạng- Têrêsa Hài đồng Giêsu)


Con Đường Nhỏ Của Vị Thánh LớnKhi bàn về cách thức cầu nguyện, một người anh lớn bên Mỹ bảo với tôi rằng, trước cổng của một nhà thờ anh em Tin Lành bên ấy có treo dòng chữ “Thiên Chúa luôn trả lời cho những ai quì gối và cầu khẩn Người” (God always reply to your knee-mail). Nghĩa bóng của câu này là một gợi ý tốt  để giải thích cho một số vấn nạn sau.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận ít câu hỏi từ các bạn trẻ về mối liên quan giữa vận dụng lí thuyết vào thực hành. Một võ sinh học Karatedo 6 năm, đã tập cả ngàn lần cho các bài quyền một chống bốn, nhưng khi đối diện với thực tế ngoài đường phố, một chống hai lại rất rụt rè? Một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính loại khá vẫn lúng túng khi được giao một công việc đơn giản, xây dựng một phần mềm ứng dụng nhỏ? Một giáo dân dù đã đọc kinh Lạy Cha vài chục ngàn lần vẫn thấy khó nếu phải tha thứ cho người xung quanh, khi đụng đến cái tôi to lớn.?  Mẫu trả lời chung cho những câu hỏi dạng này phụ thuộc hai ý sau:

– Cái gì diễn ra trong trí óc của chúng ta lúc thi triển một bài quyền, khi nghe giáo viên giảng bài hay lúc đọc kinh Lạy Cha?

– Mục tiêu của mỗi cá nhân khi tập võ, khi đến trường hay theo đuổi một tôn giáo là gì? Mục tiêu này sẽ chi phối các suy tư diễn ra trong hệ thần kinh suốt quá trình tập luyện của võ sinh, học tập của sinh viên hay cầu nguyện của Kitô hữu.

Nếu chúng ta đọc kinh Lạy Cha vì nghĩa vụ và trong trạng thái trống rỗng của tâm lẫn  trí thì việc quá khó trong tha thứ lỗi lầm cho anh em là một tất yếu. Khoảng cách giữa lí thuyết và thực hành trong một lãnh vực là tỉ lệ nghịch với cường độ mà khối óc, con tim mà ta dành riêng cho lãnh vực ấy. Nếu cường độ càng lớn thì khoảng cách càng bé.

Nói về mối tương qua giữa lí thuyết và thực hành, ngành khoa học sư phạm chỉ rằng, có 05 bậc thang mà một con người có thể nhận thức về một chủ đề trong kho tàng hiểu biết của nhân loại. Các bậc của thang đo có thứ tự từ thấp đến cao như sau: 1. Biết một ít, có tính sơ lược. 2. Hiểu thành thạo từ tổng quan đến chi tiết. 3. Ứng dụng được tri thức để giải các bài toán thực tế. 4. Tổng hợp, phân tích và so sánh tri thức.5. Đề xuất giải pháp mới liên quan.

Chúng ta cũng đồng ý với nhau rằng, thời đại ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Điều này là chính xác. Khi đối chiếu với thang đo năm mức ở trên, một chứng nhân  đang ở vị trí thứ ba, nó cao hơn thầy dạy vì chỉ đang ở mức hai (xin phép loại trừ các vị thầy đang ở mức 4, 5). Thánh nữ Têrêsa là một con người mẫu mực kết hợp hài hòa giữa giáo lý và đời sống, giữa lí thuyết và thực hành cho linh đạo Tình Yêu – là tâm điểm của “con đường nên thánh”. Không chỉ dừng lại tình yêu với các chị em nữ tu dòng Cát minh, thánh Têrêsa còn đặc biệt cầu nguyện cho những người tội lỗi. Ngài tâm sự  “Lạy Chúa Giêsu nếu bàn ăn mà những người tội lỗi làm bẩn đi, cần được tẩy sạch bởi một linh hồn yêu mến Chúa, thì con đây xin chấp nhập ngồi lại đó để ăn bánh thử thách cho đến khi Chúa muốn đưa con vào nơi đầy ánh sáng của Chúa”. Trong một đoạn khác, Thánh nữ viết “Tôi nói với Chúa là tôi lấy làm sung sướng hy sinh không nếm cảnh thiên đàng trên mặt đất, để xin Chúa mở cửa cõi đời đời cho những kẻ không tin đáng thương”. Và trên hết là tình yêu và sự tín thác đến tận cùng mà Thánh nữ dành cho Thiên Chúa. Khách hành hương sẽ nhìn thấy trên vách phòng trong tu viện của thánh Têrêsa dòng chữ “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của con”.

Với thang đo 05 mức, người có trình độ cử nhân cần thường đạt ở mức 03. Nếu là tiến sĩ cần thể hiện rõ mức thứ 5 trong luận án của mình. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu khi tìm kiếm cho chủ đề “con đường nên Thánh”, ngài đã chỉ ra một giải pháp mới (mức 05) cho vấn đề này một cách hoàn hảo và đặc sắc. Con đường ấy là hoàn hảo vì sau khi phát hiện, Thánh Nữ đã phân tích các yếu tố thần học của con đường tu đức-tín thác và khiêm nhường đến tận cùng. Ngài còn thiết kế qui trình, cách thức vận hành và vận dụng một cách mỹ mãn trên chính bản thân với phát kiến này.

Con đường ấy là đặc sắc, đơn sơ vì phù hợp cho số đông, cho nhiều trường hợp và kết hợp chắc chắn với sự mặc khải của Tân ước “Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như những em nhỏ này sẽ không vào được nước trời” (Mt 18:3). Chúng ta có thể thấy  sự đơn sơ của tác phẩm “con đường nhỏ” khi đối chiếu nó với cuốn “Lộ trình tâm linh lên cùng Thiên Chúa” của một tiến sĩ hội thánh khác- thánh Bonaventura. Luận án về con đường nhỏ này có tiêu đề “Con đường thơ ấu thiêng liêng”. Đây là một lí do quan trọng để ngài vinh dự trở thành vị nữ tiến sĩ hội thánh thứ 3 trong giáo hội Công giáo, người trẻ tuổi nhất đứng giữa những bậc thầy thiêng liêng và cao lớn khác.

Thiên Chúa- Ngài thường làm những chuyện vĩ đại bắt đầu từ những việc rất nhỏ bé. Ngài dùng David- người chăn cừu trẻ tuổi để chiến thắng người khổng lổ, hùng mạnh Goliat (1 Sm 40, 54). Người dùng 300 quân của Ghit-ôn, võ trang bằng ống tù và, để chiến thắng quân Mađian nhiều vô số kế như chấu chấu (Tl 7, 22). Ngài chọn một thanh niên đánh cá làm môn đệ, đã từng chối Ngài đến 03 lần, để trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên.

Và bây giờ, Ngài lại dùng thánh Têrêsa chỉ với 24 tuổi đời; 9 năm tu dòng-thời gian tu tập vừa đủ cho một linh mục thụ phong; hàng ngày chỉ suy niệm, cầu nguỵện và làm các việc phục vụ nhỏ trong bốn bức tường của dòng kín, trở thành “vị Thánh lớn nhất của thời đại mới”, như lời của Đức Pio X tuyên bố. Masseo – một người bạn của Thánh Phanxico Assisi- hỏi: “Tại sao thiên hạ lại ùn ùn chạy theo cha”. Thánh Phanxicô trả lời như sau “Chúa là Đấng nhìn thấu suốt tâm can mọi người. Chúa đã tìm khắp thế gian, không ai xấu xa ngu dốt, yếu hèn như tôi nên Người chọn tôi để làm việc của Người”.

Lạy Thánh Têrêsa, trước đây có một người học trò là tiên tri Êlisa, cầu xin với thầy mình là tiên tri Êlia “xin cho con được hai phần thần khí của thầy” (2 Vua 2, 9), thì nay chúng con – những người con bé nhỏ cũng xin như thế đối với Thánh nhân vào dịp lễ Quan Thầy Têrêsa thành Lisieux.

G. Tuấn Anh.

 

Để lại một bình luận