Nỗi Lòng Của Ba

 

NỖI LÒNG CỦA BA


Nỗi Lòng Của BaDo chiến tranh nên Ba tôi phải rời xa gia đình ở Huế trôi dạt vào miền Tây sông nước sinh sống. Những năm sau giải phóng, miền Tây đìu hiu, xơ xác. Nơi đất khách quê người, một mình Ba đơn độc tìm kế sinh nhai. Ba tôi xin vào làm cho một chủ lò mía đường tại Vĩnh Long. Nhờ tính tình hiền lành, cần cù, siêng năng và thông minh nên Ba được ông chủ nhận làm con nuôi, dạy cho cách kết đường cát trắng và đứng quản lý lò đường.

Tại đây, Ba vừa làm vừa dạy chữ và dạy võ cho các con của gia đình này. Hồi ấy Ba là thần tượng của họ. Mọi người đều khen Ba là người toàn vẹn, văn võ song toàn. Có lẽ Vĩnh Long là quê hương thứ hai của Ba tôi, vì nơi đây, Ba gặp Mẹ! Hai người lấy nhau. Bên gia đình Mẹ tôi nghèo lắm, lại con đông. Tài sản ra riêng của Ba và Mẹ là một chiếc ghe nhỏ. Khó khăn ngày càng chồng chất khi ba chị em tôi lần lượt ra đời. Thời phát động kinh tế mới, Vĩnh Long không làm lò mía đường mà chuyển sang kinh doanh lương thực. Vốn là là thợ kết đường nên Ba tôi thất nghiệp. Gia đình tôi sống trên một chiếc ghe nhỏ lênh đênh như đám lục bình trên sông, không biết trôi dạt về đâu! Tha phương cầu thực vài năm, khi chúng tôi lớn lên cần phải đi học nên Ba tôi quyết định dời gia đình về huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu lập nghiệp. Hồng Dân của hai mươi năm về trước là một vùng đất hẻo lánh không người, nước mặn, đất phèn. Nơi đây, gia đình tôi được một người bác thương tình cho ở tạm một căn chòi nhỏ. Tội cho Ba lắm, một mình Ba phải làm để nuôi cả gia đình. Tôi còn nhớ như in, một đêm mưa rất to, căn chòi bị dột nát, Ba phải đứng căng tấm cao su che cho vợ và các con  ngủ suốt đêm…

Cuộc sống  tuy vất vả, khó khăn, nghèo khổ nhưng gia đình tôi luôn đầy ấp tiếng cười và hạnh phúc! Ngày mà chị em tôi được đi học, gánh nặng ngày càng đè nặng lên đôi vai đã chai sạm vì năm tháng của Ba. Do sức khỏe có hạn nên Mẹ chỉ giúp Ba lo cơm nước và chăm sóc con hằng ngày. Trong tâm trí của chị em tôi, Ba luôn là một hiền phụ. Ba vừa làm kiếm tiền nuôi gia đình, vừa dạy chị em tôi học. Ba là người thầy đầu tiên dạy chị em tôi viết chữ. Để bù đắp lại công ơn Ba Mẹ, chúng tôi đều ngoan và học rất giỏi. Có những lúc gần như cả gia đình phải gục ngã, nhưng với ý chí và sự cần cù, chịu khó của một dân xứ Huế, Ba đã vực kéo gia đình đứng dậy. Một năm gia đình tôi phải di dời chỗ ở đến năm hoặc sáu lần. Do ở đậu, ở nhờ nên người ta muốn đuổi lúc nào cũng được. Rồi cộng thêm các lò mía đường nơi Ba đang làm chuyển sang kinh doanh xay xát lúa gạo nên Ba lại thất nghiệp. Lúc đó, chị em tôi định nghỉ học để nhẹ bớt gánh nặng nhưng Ba không chấp nhận. Ba nói: “Nhà mình tuy nghèo, nhưng các con thấy đó, do Ba học giỏi nên vẫn nuôi và cho các con đi học đến bây giờ. Vì thế, hãy xem Ba là tấm gương mà cố gắng học. Sau này các con sẽ có cuộc sống tốt hơn”.

Những năm  chị em tôi học đại học phải sống xa nhà thì kinh tế gia đình tôi thức sự kiệt quệ. Ba và Mẹ phải ra chợ bán trái cây kiếm tiền mà gửi cho chúng tôi ăn học. Ba tôi giỏi lắm! Cả ngày ngồi ngoài chợ bán hàng, tối về Ba nhận dạy kèm môn Toán, Lý tại nhà. Sở dĩ như thế vì Ba không muốn quên kiến thức phổ thông và mong muốn kiếm thêm ít tiền để lo cho chúng tôi tốt hơn. Hằng ngày, Ba phải xâu từng chùm nhãn, chùm chôm chôm để bán. Công việc đó thường đòi hỏi sự tỉ mỉ của người phụ nữ nhưng Ba vẫn làm một cách chuyên nghiệp. Ba tôi là thế đó. Bất cứ công việc nào cũng làm được.

Nhưng có lẽ điều làm cho Ba tôi  khổ tâm và nhiều đêm mất ngủ là nỗi lòng của một người con xa xứ, luôn ngóng trông về xứ Huế – nơi đó có Ba Mẹ và các em của mình. Không biết mọi người ra sao nữa, còn sống hay đã mất hết tất cả vì chiến tranh?!? Rất nhiều câu hỏi cứ luôn luôn hiện trong đầu, tra tấn Ba hằng ngày như thế. Tâm trạng đó cứ lớn dần lên theo năm tháng, nó như một cục bướu đeo mãi mãi theo Ba suốt cuộc đời. Các bạn biết đấy, dân xứ Huế rất nặng về tình cảm gia đình. Cứ mỗi đợt xuân về, đêm giao thừa là lúc Ba tôi nhớ quê hương da diết. Trong giây phút thiêng liêng này Ba luôn cầu nguyện cho gia đình ở Huế được bình an:

“Đêm đón giao thừa xứ Hồng Dân

Chợt buồn nhớ Huế dạ bâng khuâng

Ba mươi năm lẻ chưa về được

Bạn lòng ơi hỡi biết cho chăng…”

Vâng, ba mươi bảy năm, tin tức nơi quê hương gần như đã hết hy vọng! Không phải Ba không muốn tìm lại cội nguồn, bởi vì nhà nghèo quá, thêm việc nuôi chúng tôi ăn học nên không có tiền để tìm lại quê hương.

Ngày chị em tôi tốt nghiệp ra trường cũng là ngày Ba, Mẹ hạnh phúc nhất. Chúng tôi hẹn với lòng sẽ ra Huế tìm lại quê Nội thân yêu để làm món quà dâng tặng Ba. Đây cũng là nỗi lòng và nguyện vọng cuối đời của ba tôi.  

Đúng ngày 01 tháng 03 năm 2011, có lẽ nhờ ơn Chúa, em gái tôi làm bên hướng dẫn viên du lịch đã tìm gặp gia đình của Ba tôi ngoài Huế. Tin tức mà ba mươi bảy năm Ba và gia đình  luôn mong đợi. Nó như sét đánh, làm gia đình tôi hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng. Không kiềm chế được mình, Ba tôi đã bật khóc khi nói chuyện với các em ruột của mình qua điện thoại. Nước mắt của niềm vui, nước mắt của hy vọng, nước mắt của đứa con phải cách xa gia đình trong một khoảng thời gian dài tuyệt vọng, nước mắt của đứa con tội lỗi phải để cho song thân luôn ngóng chờ, nước mắt của đứa con bất hiếu khi hay tin mẫu thân đã qua đời… cứ tuôn trào, tuôn trào! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Ba khóc và khóc nhiều như thế. Tôi thương Ba vô cùng!

 Lê Đăng Khoa

 

 

 

Để lại một bình luận