Được đến viếng Đức Mẹ Lavang, Trung tâm Hành hương của Giáo hội Việt Nam, nơi từng đón tiếp nửa triệu người trong ngày bế mạc năm thánh 06.01.2011, đó là ước mơ của nhiều người tín hữu.
Sau nhiều lần dự tính, ban Thừa tác viên Thánh Thể giáo xứ Đaminh cùng với cha quản đốc Phêrô Đinh Quang Mạnh Hùng, đã thống nhất tổ chức một chuyến hành hương về bên Mẹ La Vang từ ngày 26.06 đến 02.07.2011.
Phái đoàn có 10 người, gồm cha Quản đốc, các ông Đaminh Nguyễn Văn Đích, Giuse Đỗ Văn Khản, Gioan Lê Cần, Giuse Dương Minh Thanh, Gioan Nguyễn Thành Vĩnh, Giuse Hoàng Văn Thời, Micae Nguyễn Ngọc Thành. Riêng ông Giacôbê Tôn Thất Điền đã nhiều lần đi Lavang, tình nguyện ở nhà trực Văn phòng. Bù vào đó, có anh Đaminh Nguyễn Văn Tuấn, ban tông đồ, và anh Minh Sơn đoàn Legio, cũng là tài phụ.
Chúng con đã đến đây, Mẹ ơi !
Vui nhưng không quên nhiệm vụ, sau khi đã hoàn tất việc trao Mình Thánh bảy thánh lễ chúa nhật, chúng tôi chuẩn bị lên đường vào lúc 21 giờ tối 26.06.2011. Một dấu hiệu may lành cho chuyến đi, cha Bề trên Chánh xứ đích thân xuống sân thánh đường để tiễn đoàn, ngài gặp gỡ, trao đổi, bắt tay từng người và chúc lành cho chuyến đi được tốt đẹp.
Đường đi, nhiều kỷ niệm
Sau khi dâng lời nguyện xin bình an tại đài Đức Mẹ và thánh Martinô, đoàn khởi hành lúc 21g10. Cha quản đốc trao cho mỗi người một tràng chuỗi Mân Côi, để làm bạn đồng hành trong chuyến hành hương. Tổng số năm ngày chúng tôi đọc đến 25 chuỗi cơ đấy. Đọc kinh đêm, có người vừa đọc, vừa ngủ, vừa mơ, vừa ngáy… nhưng chắc chắn Mẹ hiểu tấm lòng của chúng tôi.
Có Mẹ đồng hành, chúng tôi an tâm. Đoàn chỉ nghỉ chân để đổ thêm xăng lại Hưng Lộc, Đồng Nai, và đến Nha Trang 7 giờ sáng hôm sau, thảnh thơi điểm tâm bên bờ biển Trần Phú.
Tháp Bà – Tắm tiên
Đến thăm Tháp Bà lúc 8 giờ, chúng tôi quyết định tẩy hết bụi hồng trần bằng cách tắm Suối nước khoáng nóng, và tắm bùn nơi đây, trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
Đúng 18 giờ chúng tôi đến Quy Nhơn, nhờ đã liên hệ trước, chúng tôi trọ tại nhà Hưu dưỡng Ghềnh Ráng của các Dì Mến Thánh Giá.
Sau những phút gặp gỡ thăm hỏi, đoàn chúng tôi dâng thánh lễ riêng với cha Quản đốc tại nguyện đường, dùng cơm tối tại nhà Dòng rồi di dạo phố và bờ biển gần đấy. Trước khi đi ngủ chúng tôi tập trung để lần chuỗi Mân Côi.
Mộ thánh Anrê Nguyễn Kim Thông
Thứ ba 28.06 khởi sự bằng thánh lễ và nguyện kinh chung với các sơ trong nguyện đường. Rồi theo gợi ý của Sơ bề trên, đúng 6 giờ đoàn chúng tôi được một sơ hướng dẫn, viếng thăm nơi trước đây từng là Tòa Giám Mục Đàng Trong của thánh Giám mục tử đạo Têphanô Cuetnot Thể, đến thăm Lăng của thánh nhân và mộ thánh trùm họ Anrê Nguyễn Kim Thông (Thuông). Chúng tôi được gặp hai cha chánh – phó giáo xứ Gò Thị, và được hướng dẫn tận tình.
Cảm động biết bao khi đọc lời kinh dâng thánh Kim Thông : “Khi xưa còn sống ngài đã làm gương cho những người chủ gia đình và những ai giúp việc nhà Chúa,… Xin cho chúng con là con cháu biết noi gương người, góp phần mở mang nước Chúa”.
Sau đó, chúng tôi mới tìm nơi ăn sáng rồi dùng cơm trưa tại Quảng Ngãi. Khoảng 17 giờ chúng tôi đã có mặt ở Huế, ghé vào Trung tâm Mục vụ giáo phận tại Phủ Cam để đón ông Lê Cần, và thẳng tiến lên Quảng Trị.
Mộ thánh GM Têphanô Cuetnot Thể
Hạnh phúc được bên Mẹ
Trung tâm hành hương La Vang đây rồi, đồng hồ chỉ 18g40. Còn sớm chán, chúng tôi cùng nhau tiến đến tượng đài để chào Mẹ, dâng những lời kinh đầu tiên tại linh địa, trước khi chuẩn bị sắp xếp hành lý, đăng ký nhận chỗ, và tắm rửa …
Đúng 19g30, chúng tôi cùng với Cha Quản đốc dâng lễ tại nguyện đường Thánh Thể, dùng cơm tối và thư giãn, hẹn nhau 21 giờ, tập trung trước Linh Đài Đức Mẹ.
Tại linh đài lúc này chỉ thấy tượng Đức Mẹ La Vang cũ đặt trên kiệu, tượng chính đang được phủ khăn để quét dọn các cây nấm xi măng. Không biết lời kinh linh thiêng thế nào mà : Khi chúng tôi khởi đầu giờ kinh thì trời oi nóng, không một chút gió, thế nhưng một lát sau, gió bỗng nổi lên lồng lộng thổi tắt cả nến, và trời bắt đầu mưa nhẹ cho đến lúc đọc kinh xong.
Tượng La Vang thuở ban đầu
Trước bàn thờ Đức Mẹ, chúng tôi tha thiết cầu khẩn : Xin Mẹ phù hộ cho giáo xứ chúng con trong những ngày sắp tới. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho những ước nguyện chung và riêng mà đoàn chúng con dâng lên Mẹ giờ đây.
Lúc này ông chánh Đích nhận được điện thoại hỏi thăm và nhắn gửi của cha chánh xứ. Có người gọi điện thoại về cho người thân : “Tôi đang ở trước đài Mẹ đây, khấn gì với Mẹ thì nói đi….” Sau đó, anh cẩn thận đặt điện thoại di động đưới chân đài để chuyển đến Mẹ nữa. Có vẻ như câu chuyện hài thời kỹ thuật số, nhưng chứa đựng sau đó … thấp thoáng một niềm tin mạnh mẽ.
Kết thúc kinh nguyện, lòng mọi người cảm thấy nhẹ bổng, vui tươi phấn khởi hẳn lên để trở về phòng và ngủ thật ngon giấc.
Cùng các Sơ Đức Mẹ Thăm Viếng
Thứ tư 29.06, lễ thánh Phêrô Phaolô, chúng tôi cùng tham dự thánh lễ 5 giờ sáng tại nhà thờ La Vang, nhà thờ tạm với sườn sắt & mái tôn được dựng trong lòng Vương cung thánh đường đã bị tàn phá … sau đó nguyện kinh sáng trước đài Đức Mẹ.
Đúng 10g30 : tham dự thánh lễ riêng của đoàn mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, mừng bổn mạng Cha Quản đốc và bác tài phụ Phaolô Minh Sơn. Thánh lễ có sự tham dự của các Sơ dòng Đức Mẹ Thăm Viếng, sau lễ chụp ảnh lưu niệm.
Từ đây mọi người tự do, cầu nguyện riêng hoặc đi dạo thăm khu vực Trung tâm La Vang, chỉ gặp nhau tại bữa trưa, và giờ chầu Thánh Thể lúc 14 giờ với các Sơ Đức Mẹ Thăm Viếng
Khoảng 17 giờ chúng tôi một lần nữa tụ họp nguyện kinh chiều trước Linh đài. Cha quản nhiệm La Vang ưu tiên cho tháo tấm bạt phủ, để đoàn con từ phương xa về được chiêm ngắm Mẹ.
Tượng Đức Mẹ La Vang 2011
Sau đó là thánh lễ đồng tế của các cha thuộc nhiều phái đoàn hành hương với đông đảo giáo dân tham dự. Vẫn biết mình luôn có một người Mẹ, nhưng trong khung cảnh kỳ diệu này mỗi người như cảm thấy rộn rã niềm vui. Bên Mẹ nhân hiền, mỗi người như thoát hết nhọc nhằn, chìm ngập trong tinh thương và ngất ngây hạnh phúc. Và dường như Mẹ cũng mỉm cười, âu yếm nhìn đoàn con từ phương nam xa xôi về đây, đang đứng dưới chân Mẹ.
Thánh lễ kết thúc, lòng mọi người thơ thới hân hoan tham dự bữa ăn tối và nghỉ ngơi.
Thứ năm 30-6. Chuông ngân vang trong đêm đánh thức mọi người dậy đón một ngày mới. Chúng tôi chuẩn bị và tham dự thánh lễ có bốn cha đồng tế lúc 5 giờ, cùng với đông đảo khách hành hương.
Hoàng Thành – Huế
Niềm vui được nối dài
Đến lúc phải giã từ La Vang, chúng tôi ăn sáng, thu dọn hành lý, trả phòng, và quay trở về Huế.
Có quá nhiều diểm dừng tại Huế. Chúng tôi đến thăm Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng, thăm Thành nội và Hoàng thành 13 vị vua nhà Nguyễn. Rồi đi dọc bờ sông Hương ngắm cầu Tràng Tiền, chúng tôi ghé Đại chủng viện Huế, lên Chùa Thiên Mụ, thăm viếng và nguyện kinh tại Đan viện Thiên An Cổ kính, và dừng chân tham quan lăng Vua Khải Định.
Đây cũng là cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng của Huế : bánh bột lọc, bánh nậm, chạo-chả tôm và bánh khoái … Có lẽ nhớ mãi sẽ là ớt.
Đức Mẹ Sao Biển – Đà Nẵng
Để có dịp ngắm xem cảnh đẹp quê hương, xe chúng tôi chọn leo đèo Hải Vân và dừng chân tại đỉnh đèo … Nhiều người thấy khá lý thú khi được nhìn ngắm quang cảnh thay đổi liên tục. Bên núi cao, bên biển dài, những đoạn đường quanh co hình con rắn, và những khúc cua khuỷu tay hồi hộp với những người yếu tim.
Về đến Đà Nẵng, dọc theo ven biển, chúng tôi hướng đến tu viện các sơ Phaolô. Xe dừng chân nơi đài Đức Mẹ Sao Biển, nơi đang có đông đảo người đang cầu nguyện. Chúng tôi cũng hòa vào đám đông để dâng lên Mẹ lời nguyện thành kính của riêng mình. Đức Mẹ Sao Biển trước đây trong khuôn viên tu viện, đã hiển linh khi đứng vững trong cơn bão Xangsane 2006. Hiện nay lúc nào căn lều của Mẹ cũng đầy hoa tươi, và chung quanh có vô số những bảng tạ ơn.
Nhờ cha Giuse Việt OP, phó nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng giới thiệu, xe chúng tôi tiến vào nhà Dòng Phaolô, khu vực nhà nghỉ dành cho các đoàn hành hương. Chúng tôi tranh thủ, mau chóng nhận phòng, cất hành lý, và nhào xuống biển Đà nẵng chỉ cách nơi ở vài chục mét để thưởng thức.
Dòng Nữ Phaolô – Đà Nẵng
Thế nhưng trời đã tối và nước biển lại quá lạnh, chỉ độ nửa tiếng chúng tôi đã rủ nhau lên bờ, trở về chuẩn bị cơm tối, rồi đi tản bộ dọc công viên trước Nhà dòng, nơi có đặt đài Đức Mẹ và tượng thánh cả Giuse. Không quên đọc kinh chung trước khi đi ngủ.
Thứ sáu 01-07 : khởi sự bằng thánh lễ chung với nhà dòng lúc 5g00. Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với cha Việt OP, ăn sáng chào Sơ bề trên, rồi lên đường về Trà kiệu, Quảng Nam.
Quý vị hành hương La Vang, đừng quên ghé thăm Trà Kiệu. Đây là một địa chỉ lịch sử của người Công Giáo. Năm 1885, Đức Mẹ đã hiện ra che chở con cái của Chúa tại đồi Kim Sơn, trước sự tấn công của phe Cần Vương.
Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu
Chúng tôi đã dừng chân trước tượng đài Mẹ và leo lên đỉnh núi. Ngôi thánh đường này mới được xây dựng khoảng 50 năm, khá hiện đại và nhiều ánh sáng. Ngày lễ chính của Đức Mẹ Trà Kiệu là lễ Đức Mẹ thăm viếng, ngày 31 tháng 5. Chúng tôi lại hiệp nhau đọc kinh chung, cầu nguyện riêng, và không quên mua ít quà lưu niệm của điểm hành hương này.
Hành trình về nhà, chúng tôi đi ngang Quảng Ngãi khi trời đã chập choạng tối, nhưng vẫn cố dừng chân tại Giáo xứ Mằng Lăng, nơi Chân phước Anrê Phú Yên sinh trưởng. Gần đây giáo phận Đà Nẵng đã đầu tư cho điểm hành hương này, trưng bày nhiều di tích quý giá liên quan đến cha Đắc Lộ và vị thánh.
Những hình ảnh sách vở tài liệu cổ, và cả vài sợi tóc của chàng trai 19 tuổi này, cùng với di ngôn : “Hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” … “Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống báo đền mạng sống”
Rời Mằng Lăng, xe chúng tôi lại lên đường trong lời Kinh Mân Côi. Đến 21 giờ dừng chân ăn tối, rồi đi tiếp, chúng tôi quyết định ngủ trên xe … thay vì nghỉ đêm tại Nha trang như dự đinh ban đầu.
Chân phước Anrê Phú Yên – Mằng Lăng
Thứ bảy 02-7. Giật mình dậy khoảng 05 giờ, xe đã qua Phan Thiết từ lúc nào. Chúng tôi dừng chân ăn sáng tại Tân Phong – Long khánh.
Xe đi đến Trảng bom… Chuỗi kinh Mân côi kết thúc với phép lành của cha Quản Đốc. Cuối cùng, xe về đến sân nhà thờ lúc 9g45.
Cám ơn Đức Mẹ đã bảo vệ chúng con qua cuộc hành trinh dài bình an. Cảm ơn cha Quản đốc đã cho chúng tôi một chuyến đi bổ ích. Mọi người tuy mệt nhưng đều phấn khởi.
Ước mong giáo xứ có thể tổ chức những chuyến hành hương thế này cho đông đảo người hơn được tham dự.
Jos. Thanh.