Mừng chân phước Gioan Phaolo 01.05.2011
Đức Gioan Phaolô II, trong mắt ai
GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
Khi đề cập đến các nhà tư tưởng, các nhà chính trị hay các vị lãnh đạo tinh thần, người ta thường có khuynh hướng đóng khung, xếp loại vào các nhãn hiệu có sẵn như: cấp tiến–bảo thủ, tiến bộ–phản động, khuynh tả–khuynh hữu, trung dung, trung lập, ba phải… Ở vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, trong lòng Giáo hội Công giáo cũng có rất nhiều căng thẳng và những cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhóm khuynh tả hay khuynh hữu, theo tinh thần Công đồng Vatican II hay tiền Công đồng.
Đức Gioan Phaolô II là con của thời đại và hơn nữa con của dân tộc Ba Lan, nên dĩ nhiên cũng mang dấu ấn của thời đại và dân tộc ngài. Tuy nhiên, không thể liệt ngài vào phe tả hay phe hữu, cấp tiến hay bảo thủ. Ngài không theo chủ nghĩa dân tộc khép kín, nhưng nơi ngài dấu ấn Ba Lan hiện rất rõ nét. Ngài không phải là một người khư khư bám lấy quá khứ do một tinh thần phản động, nhưng rất trân trọng truyền thống và không muốn thay đổi quá nhanh. Tuy nhiên, cũng không thể liệt ngài vào thành phần trung lập, dĩ hoà vi quý, vì nhiều trường hợp ngài đã can đảm lấy những quyết định triệt để và đưa ra những định hướng táo bạo. Nếu phải xếp loại, chúng ta có thể nói Gioan Phaolô II vừa cấp tiến vừa bảo thủ, vừa tả khuynh vừa hữu khuynh… tuỳ theo vấn đề, và nhất là tuỳ theo vấn đề được nhìn trong mắt ai[1].
1. Trong mắt công chúng: một Giáo Hoàng đầy ấn tượng
Đức Gioan Phaolô II là một người có lập trường và cá tính mạnh. Khi xuất hiện trước công chúng, ngài có vẻ bình thản và an nhiên tự tại của một diễn viên đã thuộc vai của mình. Khác hẳn sự kín đáo dè dặt, đượm đôi chút bi quan của Đức Phaolô VI và vẻ nhút nhát tươi cười e ấp của Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nhu cầu đối thoại trên mọi phạm vi và chủ trương tái chinh phục thế giới. Nhiều bài diễn văn và bài giảng của ngài gây ấn tượng như những mệnh lệnh và những lời hiệu triệu thúc đẩy người Công giáo lên đường để “tân Phúc âm hoá” thế giới. Hầu như ngài không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tranh đấu cho nhân quyền, nhân phẩm, tự do và hoà bình thế giới.
Ngay từ những ngày đầu Đức Gioan Phaolô II đã có những cử chỉ bất chấp quy tắc lễ tân, nhưng lại làm dân chúng say mê. Nhiều lần ngài rời khỏi ngai Giáo hoàng đến gần đám đông, chúc lành cho bệnh nhân, nắm lấy những bàn tay đang giơ lên chào đón ngài, sờ đến những bó hoa, dừng lại hỏi han trò chuyện giây lát với dân chúng, vuốt má hay ẫm bế trẻ em.
Gioan Phaolô II là người có sức hấp dẫn mạnh mẽ và lạ thường đối với giới trẻ. Ngài nói với giọng điệu của một diễn viên lành nghề. Cân nhắc từng chỗ nhấn, lên giọng, tạm dừng và ngừng hẳn để dành cho những tràng vỗ tay. Tại khắp nơi, mỗi lần Đức Gioan Phaolô II xuất hiện, giới trẻ như bị thôi miên hay bị điện giật. Ngài đã để lại một ấn tượng mạnh nơi giới trẻ, làm cho họ có khi sụt sùi, khi trầm ngâm, khi vui cười khoái trá. Rất nhiều lần giới trẻ thích thú vỗ tay không phải vì nội dung của bài diễn văn, mà vì cách nói và thái độ của ngài. Có những lần, ngài ngừng đọc bản văn chính thức để cho thêm một vài câu pha trò đúng chỗ.
Trong mắt các phóng viên báo chí, Gioan Phaolô II là một vị giáo chủ quyến rũ và độc đáo nhất. Ngay trước khi chưa nhậm chức, ngài đã tiếp các phóng viên trong cung điện Vatican. Hoàn toàn phá lệ, Gioan Phaolô II rời khỏi ghế để tiếp cận với các phóng viên bằng nhiều ngôn ngữ và về mọi vấn đề: tôn giáo, luân lý, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, kinh tế, chính trị, xã hội cho đến thú tiêu khiển và cuộc sống tư của ngài tại Vatican. Sau này, trong các cuộc công du tại hải ngoại, ngài vẫn dành cho các phóng viên báo chí một cuộc họp báo đặc biệt ngay trên phi cơ.
2. Trong mắt đồng hương Ba Lan:
một niềm tự hào
Đặc biệt trong mắt của người dân Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II là người con ưu tú nhất của dân tộc, một vị lãnh đạo tinh thần và một hồng ân Thiên Chúa. Theo Giám mục M. Malinsky, ngày 16-10-1978, khi được tin hồng y Wojtyla đắc cử Giáo Hoàng, tại Ba Lan “ở thành phố, người ta vui như điên vậy. Các nhà thờ đều chật ních, người ta dự lễ tạ ơn. Dân chúng tràn ngập đường phố, công viên quảng trường. Họ ôm guitar ca hát, họ phất cao cờ xí, biểu ngữ… thật không thể tưởng tượng được! Những người chẳng quen nhau, cũng ôm nhau ngoài đường. Họ khóc với nhau, rồi cười với nhau… Đúng là như điên vậy!”[2].
Bần đạo được hân hạnh hiện diện tại Ba Lan đúng vào lúc Đức Gioan Phaolô II trở lại thăm quê hương lần thứ I. Câu chuyện viếng thăm Ba Lan này có nguyên nhân vơ vẩn như sau. Vào năm 1978, tôi đã hoàn thành luận án tiến sỹ tại Đại học Fribourg và đang thất nghiệp, vì chưa biết sẽ đi đâu. Tu viện chúng tôi có một giáo sư rất nổi tiếng người Ba Lan và một giáo sư phụ khảo trẻ gốc Cracovi. Khi có dịp đến Fribourg, hồng y Wojtyla thường ghé thăm tu viện. Tôi đã gặp ngài hai lần tại tu viện. Lần cuối cùng, nhân dịp sang Roma để bầu giáo hoàng Gioan Phaolô I, ngài đến dùng cơm và hàn huyên với tu viện chúng tôi. Trong mắt ông bạn Đa-minh Ba Lan của tôi, hồng y Wojtyla là số một.
Hơn một tháng sau, chúng tôi lại có dịp gặp nhau tại một quán ăn, đúng vào lúc Đức Gioan Phaolô I từ trần. Trong câu chuyện, ông bạn Ba Lan quả quyết là lần này nhất định hồng y Wojtyla sẽ đắc cử Giáo hoàng. Một người bạn khác người Colombia lại quả quyết giáo hoàng phải là người Mỹ châu Latinh. Cũng không chịu lép vế, tôi quả quyết là giáo hoàng cũng Đông Nam Á và còn đề nghị sẽ trả vé máy bay cho hai ông bạn sang thăm Việt Nam, nếu giáo hoàng tương lai là người Việt Nam. Cả hai ông bạn cũng đưa ra lời hứa tương tự. Ít lâu sau, hồng y Wojtyla đắc cử giáo hoàng và ông bạn Ba Lan hoan hỷ mời chúng tôi sang thăm quê hương của đức tân giáo hoàng.
Chúng tôi đến Ba Lan vào cuối tháng 5 năm 1979, mấy ngày trước khi Đức Gioan Phaolô II trở lại thăm quê hương lần thứ I. Ngày mồng 2 tháng 6, thủ đô Varcovia nhộn nhịp khác thường. Ông bạn Ba Lan rủ tôi ra phi trường, nhưng tôi quyết định ở lại nhà để theo dõi cuộc viếng thăm qua truyền hình.
Khoảng hơn 10 giờ, khi chiếc chuyên cơ Boeing 707 đáp xuống phi trường và nhất là khi Đức Gioan Phaolô II xuất hiện nơi cánh cửa máy bay… mấy ông cha già bên cạnh tôi giơ tay, múa chân, hò hét vang trời. Họ ôm hôn nhau và ôm hôn tôi nồng nàn đến độ suýt chết ngạt. Chuông các nhà thờ ở Varcovia thi nhau đổ. Tu viện của chúng tôi nằm ngay trung tâm thành phố. Tôi rời phòng hội để xuống phố, len lỏi trong biển người. Chung quanh tôi mọi người hân hoan, hớn hở… Một ngày đại lễ vô tiền khoáng hậu. Tại một số trục lộ chính, nơi Đức Gioan Phaolô II đi qua, cờ xí rợp trời và hoa rắc đầy mặt đường, tạo thành một tấm thảm sặc sỡ, muôn màu.
Sau những cuộc gặp gỡ chính thức với các vị lãnh đạo Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II đến quảng trường Chiến Thắng để dâng thánh lễ đầu tiên trên quê hương. Một cây thánh giá khổng lồ cao 15 thước đã được dựng lên và hàng triệu người đã chờ sẵn. Trong ánh mắt mọi người rực lên niềm vui, pha trộn đôi chút tự hào và tràn đầy hy vọng. Máy phóng thanh không ngừng phát lên những bản nhạc và những bài thơ thời danh của Slowacki và Galczynski nói về một vị giáo hoàng người Slave, mang đậm âm hưởng ngôn sứ và thần bí:
“Giữa bất hoà, Thiên Chúa quyết ra tay,
Cho vị Giáo hoàng người Slave,
Ngài tặng ngay ngai báu (…)
Chúng ta cần sức mạnh
Để đỡ nâng thế giới
Kìa xem! Ngài đang tới:
Vị Giáo hoàng người Slave!
Bài giảng của Đức Gioan Phaolô II trong buổi lễ hôm đó bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay thật to và thật dài. Tôi một mình len lỏi vào đại chúng nên chẳng hiểu gì. Chỉ muốn hoà mình trong đám đông để cảm nghiệm niềm vui của họ. Tối hôm đó, mấy cha già ở tu viện cho tôi biết đại ý bài giảng: Đức Gioan Phaolô II gợi dậy niềm tự hào dân tộc, để đưa ra những thách đố mới. Ngài khéo léo nêu lên những nét đặc trưng trong lịch sử dân tộc Ba Lan, sự gắn bó giữa niềm tin Kitô giáo với văn hoá dân tộc và sứ vụ rao giảng Chúa Kitô của người Công giáo Ba Lan hôm nay. Với tài lợi khẩu thiên phú và vị thế đặc biệt, diễn giả đã làm mọi người ngây ngất, say mê.
Sáng hôm sau là thánh lễ dành cho giới trẻ tại một địa điểm ở trung tâm thành phố. Từ sáng sớm, thành phố đã vang dội tiếng hát. Sinh viên học sinh, công nhân trẻ, thanh niên nông thôn… ca hát inh ỏi trên những con đường dẫn đến công trường trước nhà thờ thánh Anna.
Vì không có phương tiện và cũng không muốn tham dự tất cả lộ trình hành hương này, tôi chỉ chọn ba điểm chính: Varsovia, trung tâm thánh mẫu Czestochowa và Cracovie. Chúng tôi đến tu viện Jasna Gora, nơi có pho tượng thời danh Đức Mẹ màu đen, vào sáng sớm ngày mồng 4, nhưng mãi đến 11 giờ thánh lễ mới bắt đầu. Từ trên lễ đài nhìn xuống, cả một rừng người kiên nhẫn đợi chờ. Nhiều người đến từ tối hôm trước. Trời nóng kinh khủng, nhưng hơn một triệu người vẫn hân hoan nồng nhiệt đón giáo hoàng.
Rời Czestochowa tôi lợi dụng cơ hội đi thăm đại học công giáo Lublin và sau đó đến Cracovie. Có thể nói Cracovie là một Rô-ma nhỏ: trung tâm thành phố san sát các tu viện, chủng viện, học viện. Trong những ngày Gioan Phaolô II trở lại thăm quê cũ, trung tâm thành phố tràn ngập tu sĩ, chủng sinh và linh mục.
Chiều ngày 8, có cuộc gặp gỡ giữa Đức Gioan Phaolô II với giới trí thức, khoa học và nghệ sĩ của Cracovie. Buổi tối có cuộc gặp gỡ đặc biệt với giới trẻ. Cuộc gặp gỡ dự trù vào 8 giờ tối, nhưng giới trẻ đã đợi từ lúc 3 giờ chiều. Khoảng 8 giờ 30 tối, Gioan Phaolô II xuất hiện. Cả một rừng người bừng lên như ong vỡ tổ. Họ la như sấm sét:
– Đức Giáo hoàng muôn năm! Vạn tuế Đức Giáo hoàng!
Đức Gioan Phaolô II tươi cười dí dỏm: – Cha hỏi các con một câu được không?
– Đưưươơơ… ơơơ… ccc!!! Giới trẻ gào lên
– Các con cứ la như vậy, Đức Giáo hoàng sống sao nổi!
Mọi người cười ồ khoái trá, rồi lại hoan hô to hơn nữa.
Cuộc gặp gỡ chính thức bắt đầu với bài quốc ca. Thình lình, hoa bắt đầu rơi. Những người ở cuối công trường tung hoa lên đầu những người phía trước, rồi những người này lại tung hoa lên đầu những người ở phía trước và cứ như vậy hoa phất phới tung bay về phía quan khách. Cả một trời hoa!
Sau những lời chào mừng của các đại diện giới trẻ, xen kẽ với những tiếng hoan hô như sấm sét, Đức Gioan Phaolô II bắt đầu cuộc nói chuyện với giới trẻ. Ngài cho biết đã soạn sẵn một bài diễn văn, nhưng sau những gì đã nghe đã thấy, ngài quyết định không đọc bài diễn văn đó, mà đối thoại trực tiếp với giới trẻ.
Cuộc đối thoại thường bị ngắt quãng bởi lời hoan hô, tiếng vỗ tay và các bài ca. Đến 10 giờ đêm, Đức Gioan Phaolô II đọc một vài đoạn ý nghĩa nhất trong bài diễn văn đã soạn trước, rồi kết thúc buổi gặp gỡ. Nhưng giới trẻ nhao nhao phản đối. Ngài ngạc nhiên hỏi:
– Sao? Các con chưa vừa lòng sao?
– Ch… ưưư… aaa!!! Cả một rừng người tinh nghịch gào lên.
– Mặc kệ các con! Các con cố chịu cho quen.
Ngài vẫy tay từ biệt giới trẻ và đi vào bên trong. Nhưng giới trẻ vẫn chưa thoả mãn. Cố sức la hò, năn nỉ. Cuối cùng, Đức Gioan Phaolô II phải chiều ý họ, xuất hiện thêm lần nữa, giới trẻ mới chịu để cho ngài đi nghỉ.
Sáng chủ nhật mồng 10 tháng 6, thánh lễ từ biệt quê hương. Người ta ước lượng có khoảng 3 triệu người tham dự. Cho đến lúc ấy, chưa bao giờ tôi tham dự một thánh lễ đông người, trật tự, phong phú và buồn vui hoà trộn như vậy. Trong mắt những người Ba Lan hiện diện hôm đó người ta nhìn rõ hình ảnh Đức Gioan Phaolô II, cùng với giọt lệ long lanh, phảng phất niềm tự hào dân tộc và nguồn vui sâu thẳm.
3. Trong một số con mắt khác:
kẻ thù hay bạn hữu ?
Hình ảnh và uy tín của Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục tăng lên trong con mắt và trong con tim của những người đồng hương. Nhưng, với thời gian, căng thẳng, lo âu và hận thù cũng bắt đầu lớn mạnh trong những con mắt khác. Đối với một số người, Đức Gioan Phaolô II là một kẻ thù nguy hiểm, cần phải loại trừ bằng bất cứ giá nào.
Một số lời tuyên bố và âm mưu đen tối bắt đầu lộ diện. Trong một lá thư đề ngày 28 tháng 11 năm 1979, gởi báo Williyet, một tờ báo ảnh hưởng nhất ở Istanbul, Ali Agca, một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ, đe doạ sẽ ám sát Đức Gioan Phaolô II tại Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không huỷ bỏ chuyến viếng thăm dự trù. Tháng giêng năm 1980, Alexandre De Marenches, giám đốc cơ quan tình báo Pháp, gởi điện văn báo cho Đức Gioan Phaolô II về một âm mưu ám sát ngài. Ngày 16 tháng 2 năm 1981, một giờ trước khi Đức Gioan Phaolô II có mặt tại sân vận động Karachi, một quả bom phát nổ, giết chết tên khủng bố mang quả bom đó.
5 giờ 17 phút ngày 13 tháng 5 năm 1981, tại quảng trường thánh Phê-rô, Rô-ma, Ali Agca nổ liên tiếp nhiều phát súng vào Đức Gioan Phaolô II. Y đứng cách ngài khoảng 20 bước và hai viên đạn 9mm có sức công phá rất lớn đã gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái. Rất may, viên đạn đã đi theo một quỹ đạo khác thường, chỉ cách động mạch chủ vài milimét, nên chưa đưa đến hiệu quả tử vong. Hình như đồng bạn của Agca hiện diện ở đấy và sẵn sàng giải cứu y. Nhưng một nữ tu túm lấy y và lập tức đám đông vây chặt lấy y.
Cho đến nay, âm mưu sát hại này vẫn còn là một trong những bí mật lớn nhất thế kỷ XX. Khi mới bị bắt, Agca khai y hành động một mình. Ít lâu sau, y tiết lộ có hai người Bungary và một người Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện với y tại quảng trường thánh Phê-rô. Y cũng cho biết một kẻ tòng phạm đã đưa cho y 400.000 Mỹ kim và cam đoan sẽ giải cứu y ngay sau khi bắn vào Giáo Hoàng.
Đức Gioan Phaolô II đã thăm và nói chuyện với Agca bằng tiếng Ý trong vòng 20 phút. Khi cuộc tiếp kiến kết thúc, Agca đã quỳ xuống hôn tay ngài. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Agca nói rằng anh đã nói hết với Giáo Hoàng và ngài biết tất cả sự việc. Nhưng phát ngôn viên của Toà Thánh có lý khi nhận định: Nếu thực sự có âm mưu sát hại thì nó phải được thực hiện bởi những điệp viên thực thụ và ở cấp độ cao hơn. Ali Agca chỉ biết một mức độ nhất định nào đó, còn ở mức độ cao hơn y không biết một tí nào.
Riêng Đức Gioan Phaolô II, ngài luôn xác tín mạng sống của mình nằm trong tay Chúa và Đức Mẹ. Có lần ngài nói: “Một người nổ súng, và một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo viên đạn”. Ngài không cho phép mở phiên toà về vụ mưu sát, và cũng chẳng bận tâm mổ xẻ động cơ cũng như nguyên nhân của vụ mưu sát này. Trong mắt của Đức Gioan Phaolô II vụ mưu sát này chẳng có gì đáng bận tâm.
4. Trong mắt phái nữ: một hình ảnh tuyệt vời
Đức Gioan Phaolô II là một nhân vật đặc biệt, có nhiều nam tính và hùng tính. Rất nhiều phụ nữ bị hấp dẫn bởi con người, nhân cách và cuộc sống tâm linh của ngài. Trong mắt các nữ tu, nhất là nữ tu Ba Lan và Ý, Đức Gioan Phaolô II là một hình ảnh tuyệt vời, vừa nhân bản, vừa thánh thiêng.
Ngài nhiệt liệt tranh đấu cho phẩm giá con người, đặc biệt của người phụ nữ. Ngài tuyên bố luôn trân trọng người phụ nữ và nhìn nhận người phụ nữ có một tiềm năng rất lớn để làm điều tốt. Chính ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên ban hành tông thư “Phẩm giá phụ nữ” (Mulieris Dignitatem), trong đó chúng ta đọc thấy những dòng sâu sắc: “Mỗi người phụ nữ đại diện cho một giá trị riêng… bằng chính nữ tính của mình”.
Nhưng có lẽ đối với một số phụ nữ, cánh riêng nữ giới ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, Đức Gioan Phaolô II đã gặp một số khó khăn và căng thẳng trong các chuyến hành hương. Một số người trách ngài bị ảnh hưởng của văn hoá và xã hội Ba Lan quá nặng, nên đánh giá không trung thực về xã hội Tây phương. Theo họ, ngài thường hốt hoảng trước những biến đổi của xã hội Tây phương; có khuynh hướng coi văn hoá Tây phương nói chung và Mỹ nói riêng là suy đồi. Ngài cũng đánh giá thấp phẩm chất của chủ nghĩa tư bản, giá trị của tự do và tác dụng tích cực của nền dân chủ.
Căng thẳng đầu tiên xảy ra tại Vương cung Thánh đường ở Washington trong buổi tiếp kiến cuối cùng dành cho các nữ tu, vào tháng 10 năm 1979. Có khoảng 5000 nữ tu tập trung tại Vương cung Thánh đường. Hơn 2/3 mặc thường phục thay vì áo dòng, mặc dù Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu mặc tu phục. Chị Therésa Kane, chủ tịch Hiệp Hội các Dòng Nữ, trong trang phục thường, ngỏ lời chào mừng Đức Giáo hoàng. Và chị kết thúc bài chào mừng của mình với những lời lẽ mạnh mẽ sau đây: “Thưa Đức Thánh Cha, Giáo hội cần đáp ứng những chịu đựng của phụ nữ bằng cách xem xét khả năng của họ trong việc lãnh nhận các chức vụ thiêng liêng”. Thỉnh nguyện này được cử toạ vỗ tay tán thưởng và truyền hình phát đi khắp nơi.
Một năm sau đó, tại miền Nam nước Đức, một vùng có tiếng là ngoan đạo, một phụ nữ trẻ mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Giáo hội về vấn đề giới tính và tình trạng độc thân của linh mục. Tại Thuỵ Sỹ, cô M. Stucky Scheller thưa với Đức Giáo Hoàng: “Chúng con rất lấy làm tiếc vì hoạt động của chúng con có ít ảnh hưởng tới niềm tin và tới Giáo hội. Nữ giới chúng con có ấn tượng đã bị xem là cộng đoàn hạng hai”.
Năm 1985, khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Hà Lan và Bỉ, những lời phát biểu của phái nữ rất gay gắt, nhất là ở Hà Lan. Tại Bỉ tương đối ôn hoà hơn. Một nữ sinh trẻ, gốc Ba Lan, cô Veronique Yoruba, chủ tịch Hội sinh viên, thưa với Đức Giáo hoàng: “Chúng con khổ sở vì biết rằng việc sử dụng các biện pháp tránh thai có thể dẫn các cặp vợ chồng đến chỗ đứng bên lề Giáo hội. Các quyết định của ngài liên quan đến các quốc gia Mỹ châu Latinh và thần học giải phóng gây ngạc nhiên nhiều cho chúng con. Trên thực tế, chúng con tin rằng cả Nicaragua lẫn Ba Lan, cả El Salvador lẫn Chile là những nước ở đó mọi người đang vật lộn để khẳng định những nguyên tắc tự do, công bằng và dân chủ, mà trong đó Giáo hội bị trói buộc”.
Vào mùa xuân năm 1994, nhân dịp chuẩn bị Hội nghị về dân số và phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Cairô, tương quan giữa Vatican với nhiều phong trào phụ nữ trở nên căng thẳng hơn. Đức Gioan Phaolô II đã có một buổi làm việc rất căng thẳng với nữ bác sỹ Napis Sadik, người Pakistan, Phó thư ký Hội nghị về dân số và phát triển của Liên Hiệp Quốc.
5. Trên diễn đàn thế giới:
người đấu tranh cho hoà bình
Đức Gioan Phaolô II không bao giờ quên nguồn gốc thợ thuyền của mình. Ngài không ngừng đấu tranh cho phẩm giá và quyền lợi của giới thợ thuyền. Chính ngài đã đóng dấu ấn cho thần học về lao động và khai sinh một “linh đạo lao động”: qua lao động, con người biến đổi thế giới và kiến tạo chính mình.
Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II không dừng lại ở công lý, mà luôn mời gọi con người can đảm đi xa hơn công lý để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Ngài đã diễn tả một cách thật thâm thuý mối tương quan sinh tử giữa công lý và tình thương như sau:
“Lòng thương xót đích thực, theo một nghĩa nào đó, là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công lý. Nếu công lý tự nó thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót) mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý, vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên, bình đẳng do công lý mang lại của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người với phẩm giá riêng của mỗi người”[3].
Trong sứ điệp “Ngày Hoà Bình Thế Giới” năm 1998, một lần nữa ngài nhắc lại mối tương quan đặc biệt này: “Công lý vừa là một nhân đức luân lý, vừa là một khái niệm pháp lý. Đôi khi nó được diễn tả như một người mặt bịt kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của công lý là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến khích sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá huỷ, đưa tới hoà giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó, công lý bén rễ trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”.
Đức Gioan Phaolô II là một chiến sĩ không mệt mỏi của nền hoà bình thế giới. Ngài tổ chức những buổi “cầu nguyện liên tôn” cho hoà bình tại Assisi. Cũng chính ngài đã đưa ra sáng kiến “ăn chay vì hoà bình”: năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử; 10 tháng giêng năm 1993 và 21 tháng giêng năm 1994, ăn chay cho hoà bình tại Bosnia; ngày 14 tháng 12 năm 2001, sau biến cố 11 tháng 9 và trùng hợp với lễ Ramadan của Hồi giáo, ăn chay để cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Sứ điệp về “Ngày Hoà Bình Thế Giới” năm 2002 mang một ý nghĩa đặc biệt. Giữa hoàn cảnh đau thương, căm thù và uất hận bừng dâng cao ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hoa Kỳ, vì biến cố 11 tháng 9, Đức Gioan Phaolô II khảng khái nói lên tiếng nói của niềm tin: “Không có hoà bình nếu thiếu công lý, cũng chẳng có công lý nếu vắng bóng thứ tha: đó là điều chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả những ai đang nắm vận mệnh cộng đồng nhân loại, để làm sao trong những quyết định trọng đại và khó khăn luôn để cho ánh sáng chân lý hướng dẫn, hầu mang lại lợi ích cho con người”.
Vụ khủng bố tập thể ngày 11-09-2001 là một biến cố làm hiển hiện dòng chảy ngầm của lịch sử. Nó vượt khỏi quy mô của một hành động khủng bố đơn thuần để trở thành một hành động thách thức, một lời tuyên chiến. Thật vậy, tổ chức Islam cực đoan Al Qaeda nhân danh Allah toàn năng tuyệt đối và độc nhất tuyên chiến cả với “quân ngoại đạo” lẫn “bọn phản đạo”. Không những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà toàn bộ quan niệm Tây phương về dân chủ, nhân phẩm, nhân quyền, tự do, bình đẳng… đều bị họ lên án. Họ không ngần ngại chủ trương tiến hành thánh chiến (Djihad) để loại trừ ảnh hưởng Tây phương và thiết lập bá quyền của “Nhà Islam” (Darel-Islam), không phải bằng đấu tranh tư tưởng, mà bằng vũ lực và khủng bố. Chiến tranh, đối với họ, bao gồm cả bạo lực khủng bố lẫn tàn sát.
Oái oăm thay, cuộc “chiến tranh trừng trị”, đơn phương hay đa phương liên kết chống khủng bố do Mỹ chủ trương, cũng luẩn quẩn trong cái logích và não trạng “thánh chiến” của nhóm toàn thống Hồi giáo! Khi tổng thống G. Bush tuyên bố: “Bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ nước nào tiếp tục che chở hoặc giúp đỡ khủng bố đều bị Hoa Kỳ xem như là một chính thể thù nghịch” (!), phải chăng đường lối của Hoa Kỳ cũng mang tính cường điệu toàn thống? Phải chăng Nhà Trắng đã tiên thiên ngầm lập lại sự phân biệt nhị nguyên cổ điển: 1. Mỹ là “tốt”, là “thiện”; 2. Chiến tranh chống khủng bố là cuộc “thánh chiến” giữa Thiện và Ác; 3. Thành ra, ai không đi theo ta là chống lại ta? [4]
Trong niềm háo hức phân biệt đen–trắng, thiện–ác và chính–tà ấy, người ta đang tích cực khai thác quan niệm “chiến tranh chính nghĩa” cổ điển, để phết lên cuộc chiến chống Saddam Hussein, một lớp sơn chính nghĩa. Bốn mươi tuyên ngôn gởi khắp nơi trên thế giới để gián tiếp biện minh cho cuộc chiến này: “Chiến tranh chính nghĩa chỉ có thể thực hiện do một chính quyền được công nhận là chính đáng, có trách nhiệm duy trì trật tự công cộng. Bạo lực suông, nhằm lợi mà bất cần nguyên tắc, hoặc do cá nhân gây ra, không bao giờ được đạo đức chấp nhận.
Theo Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được khai sinh để ngăn cản chiến tranh suốt 57 năm qua, thì không chiến tranh nào được coi là chính đáng nếu không có con dấu của Hội đồng Bảo an. Từ đống tro tàn của Thế chiến II, Liên Hiệp Quốc ra đời với lời nguyền xây dựng hoà bình: “Chúng tôi, các dân tộc thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết tránh cho các dân tộc tương lai thảm hoạ chiến tranh”[5]. Ý thức sự kiện lịch sử khách quan này, bản tuyên ngôn đã bắn thẳng vào giá trị pháp lý của Liên Hiệp Quốc: “Có người cho rằng việc sử dụng vũ lực phải được một cơ quan quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, chấp nhận. Đề nghị này chỉ có tính cách giả thuyết. Trước hết, đây là một điểm mới: về phương diện lịch sử, sự chấp nhận của quốc tế chẳng bao giờ được các lý thuyết gia của chiến tranh chính nghĩa xem như một đòi hỏi chính đáng. Thứ hai, chẳng có gì chứng tỏ rằng một cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc là cơ quan có khả năng nhất để quyết định lúc nào, và trong điều kiện nào, việc dùng vũ lực là chính đáng… Biến Liên Hiệp Quốc thành hình bóng mờ nhạt của một quốc gia để quy định việc sử dụng vũ lực quốc tế là một dự án tự sát”.
Những nhận định này được áp dụng vào trường hợp Iraq và cho cả những cuộc chiến tranh chống khủng bố triền miên bất tận của ngày mai(?) Có điều chắc chắn là nếu áp dụng quan điểm này thì đương nhiên người ta đã giải thể không những Hội Đồng Bảo An, mà ngay cả Liên Hiệp Quốc. Nhiều bài diễn văn của tổng thống G. Bush đã đào sâu và xoáy mạnh và cái chính nghĩa của một chiến tranh trừng phạt đơn phương. Từ trước đến nay, tự do vốn là lá cờ và con bài của chính phủ Mỹ. Bây giờ tổng thống G. Bush kéo thêm công lý: “Hoa Kỳ phải bảo vệ tự do và công lý”. Và ông xác quyết: “Chúng ta xây dựng một thế giới công lý”.
Nhưng lấy gì đo lường công lý này? Ông Bush chủ trương dùng bạo lực để đo lường công lý, cho nên hai chữ đạo đức không rời khỏi hàm răng của ông: “Có người cho rằng nói lên ngôn ngữ phải trái là thiếu ngoại giao hoặc thiếu lễ độ. Tôi không đồng ý. Hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi biện pháp khác nhau, nhưng không đòi hỏi đạo đức khác nhau”.
Bất chấp những hồi trống trận làm rung động thế giới do Mỹ và Anh cổ động, Đức Gioan Phaolô II vẫn là người kiên cường nhất trong việc tranh đấu cho một giải pháp hoà bình và thẳng thắn kết án chiến tranh. Ngài không ngần ngại gởi đặc sứ sang Bagdad để đề nghị một giải pháp hoà bình, đồng thời kêu gọi Iraq thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết 1441 của Liên Hiệp Quốc. Vỏn vẹn trong vòng ba tuần lễ, ngài đã tiếp Bộ trưởng ngoại giao Fischer (Đức), phó thủ tướng Aziz (Iraq), tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, thủ tướng Tony Blair (Anh), thủ tướng J.M. Aznar (Tây Ban Nha), phó chủ tịch quốc hội Iran, thủ tướng Berlusconi (Ý) và cử hồng y Piô Laghi đi Washington D.C. để trao một sứ điệp cho tổng thống G.W. Bush.
Ngỏ lời với các tín hữu vào giờ kinh Truyền tin, ngài nhấn mạnh: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ để cho tương lai của nhân loại được bảo vệ bằng khủng bố và bằng lôgích của chiến tranh”. Theo ngài, “nhiệm vụ của tất cả tín đồ, bất chấp thuộc tôn giáo nào, là phải thâm tín rằng không bao giờ chúng ta có hạnh phúc khi nhóm này chống lại nhóm khác”. Đối diện với hiểm hoạ chiến tranh có thể tàn phá miền Cận Đông, làm gia tăng những căng thẳng hiện hữu trên thế giới và có nguy cơ tạo ra xung đột tôn giáo, ngài tuyên bố chọn ngày mồng 5 tháng 3, tức thứ tư Lễ Tro, làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Trên diễn đàn thế giới, vấn đề chiến tranh Iraq ngày càng trở nên sôi bỏng. Lập trường của Hoa Kỳ thật dứt khoát và quyết liệt: cũng như Al Qaeda, Saddam Hussein thách thức đạo đức. Ông ta vi phạm những quyết định của Hội Đồng Bảo An. Ông ta thông đồng với bọn khủng bố và có vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Tội ác của y phải trừng trị. Nếu không ai làm, thì Mỹ sẽ làm, dù là làm một mình và bất chấp quyết định của Hội Đồng Bảo An. Với Saddam, chỉ có chiến tranh mà thôi, làm khác đi là dung dưỡng tội ác. Truất phế tên bạc tặc, chính là đạo đức. Với nguyên tắc đạo đức này, tổng thống G.Bush nhất quyết chủ trương đánh Iraq.
Một số đồng minh cố hữu của Hoa Kỳ tại Âu châu, đặc biệt là Pháp và Đức, phản đối giải pháp đơn phương của Hoa Kỳ và đề nghị một trật tự thế giới đa cực, xây dựng trên luật pháp và đạo đức. Đối với Iraq, họ đồng ý giải pháp, nhưng trước tiên bằng phương pháp hoà bình và thông qua công tác của các thanh tra vũ khí. Tại phiên họp của Hội Đồng Bảo An ngày 14 tháng 2, quan điểm này được 11 trên 15 thành viên ủng hộ.
Trong khi đó, tại nhiều thành phố trên thế giới, hàng triệu người xuống đường chống chiến tranh Iraq. Bên cạnh những biểu ngữ kêu gọi hoà bình, có thêm nhiều biểu ngữ ủng hộ lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II và khẩu hiệu chống chính sách của tổng thống G.Bush.
Bất chấp dư luận thế giới, tập đoàn “tân bảo thủ” ở Nhà Trắng đã nhất quyết đẩy mạnh “chủ nghĩa đơn phương”. Điều cần ghi nhận là tổng thống G.Bush luôn kết thúc bài diễn văn bằng câu “xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ” và ngay trong những bài diễn văn hiếu chiến nhất vẫn thường nhắc đến tên Thiên Chúa. Ông chỉ thị các thuộc hạ phải bắt đầu mỗi cuộc họp nội các bằng một lời cầu nguyện. Quốc hội Hoa Kỳ cũng quyết định “một ngày ăn chay và cầu nguyện cho dân tộc Hoa Kỳ” ngõ hầu “nhận ra ý định của Thiên Chúa (…) trước những thách đố mà dân tộc cùng đối diện. Đặc biệt, trước khi quyết định khai chiến, tổng thống G.Bush đã “xin Thiên Chúa chúc phúc cho tướng Tommy Franks và quân lính của ông ta”[6]. Ông cho biết: “Tôi xin Thiên Chúa sức mạnh và ý kiến. Tôi xin Ngài giúp đỡ để lấy quyết định tốt nhất (…). Và, quỳ gối trước Thiên Chúa, tôi đã xin Ngài giúp đỡ để chu toàn công tác của tôi”.
Trong khi đó, Đức Gioan Phaolô II vẫn quyết liệt chống lại giải pháp chiến tranh và yêu cầu đừng lạm dụng danh Chúa trong cuộc chiến này. Theo ngài, nên cẩn trọng đừng để Chúa phải liên luỵ với những sai lầm của nhân loại. Các vị lãnh đạo giáo phái Tin Lành, mà tổng thống G.Bush là thành viên, cũng không tán thành việc nhân danh Thiên Chúa trong cuộc chiến này và lo sợ nó trở thành một cuộc thánh chiến mới.
Cuối cùng chiến tranh Iraq đã xảy ra, mặc dù trong cuộc chiến đó không thấy Saddam Hussein sử dụng vũ khí tiêu diệt hàng loạt và cho đến nay cũng chưa ai tìm thấy vũ khí đó trên đất nước Iraq khốn khổ. Có điều biết chắc là nhiều tháng sau khi Nhà Trắng chính thức tuyên bố kết thúc chiến tranh, thì hầu như mỗi ngày ở Iraq máu vẫn đổ và người vẫn chết vì chiến tranh! Nhiều người đang chất vấn tổng thống Bush và thủ tướng Blair về lý do đánh Iraq: Phải chăng các ông đã đánh lừa dư luận?
Chúa đứng về phía nào trong cuộc chiến đau thương này? Ngài nghĩ gì khi chứng kiến thiên hạ đang tàn sát nhau nhân danh Ngài? Đâu là ý muốn của Ngài? Ai đã thực sự thi hành ý muốn của Ngài? Có lẽ chỉ Ngài biết rõ điều đó mà thôi! Điều biết chắc là, nếu trong chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991, Đức Gioan Phaolô II hầu như phải đơn phương độc mã lên án chiến tranh. Hôm nay, ngược lại đại đa số thành viên Hội Đồng Bảo An nói riêng và nhân loại nói chung đã chọn giải pháp hoà bình như ngài và với ngài.
Kết luận
“Đi giầy của thánh Phê-rô nên không tránh khỏi “bị nhìn”. Mỗi góc nhìn là một hình ảnh. Nhiều sắc độ. Cận cảnh và viễn cảnh khác nhau.
Nhưng dù được nhìn thế nào, một điều chắc chắn là trong mắt nhìn của Gioan Phaolô II, thế giới và con người luôn luôn là đối tượng của yêu thương.ª
GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
[1] Xem chẳng hạn M. Malinski, Mon ami Karol Wojtyla, Paris, 1980; Jean Chelini, Jean-Paul II, le pèlerin de la liberte1, Paris, 1980; Tadeusz Karolak, John Paul II, The Pape from Poland, Varsovie, 1979; Adam Michnik, L’Eglise et la gauche; le dialogue polonais, Seuil, Paris, 1979; Carl Bernstein & Marco Politi, Đức Giáo hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy đừng thời đại chúng ta, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 1997.
[2] M. Malinsky, Mon ami Karol Wojtyla, Paris, 1980, tr.10.
[3] Gioan Phaolô II, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, số 14.
[4] Điều bất ngờ là ông George Soros, một tài phiệt người Mỹ lừng danh trên thế giới và từng mang tai mang tiếng trong mấy cuộc khủng hoảng tài chánh ở cuối thế kỷ XX, cũng gọi tổng thống Bush là đế quốc: “Tổng thống (Bush) sai lầm khi nói rằng những ai không theo chúng ta là chống lại chúng ta”. Đó là một quan niệm đế quốc theo đó Hoa Kỳ truyền lệnh và những người khác nghe theo”.
[5] Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Lời mở đầu. Thế nhưng từ năm 1946 đến nay, đầu vẫn rơi và máu vẫn chảy. Trong 180 cuộc chiến tranh địa phương. Khát vọng hoà bình và cố gắng của các dân tộc để giải quyết những xung đột bằng đối thoại vẫn phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ mạnh!
[6] Vào thế chiến thứ II, quân đội Đức quốc xã trước khi ra trận cũng được chúc lành và hơn nữa mỗi người lính có thêm khẩu hiệu: “Chúa ở với chúng ta, ai làm gì được ta” !
Nguồn: daminhvn.net