HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ
GIÁO PHẬN SÀIGÒN
Thiên Chúa Mãi Trẻ Trung
Mới sáng sớm, có anh bạn trẻ nào đó gửi Email mời mình tham dự Đại Hội Giới Trẻ sắp tới tại tổng giáo phận Sàigòn.
Bỗng dưng thấy mình như trẻ lại, tôi bước ra sân tập thể dục mà trong đầu cứ văng vẳng tiếng nói : Chúa nè, giá như con cứ mãi trẻ trung được như Chúa để cuộc đời được hoạt bát hơn. Có tiếng nói trả lời : Thằng khùng, cứ trẻ mãi thì lấy đâu có ‘người đầu bạc’…cho người ta khênh đi!
Tôi bỗng giật mình khi thấy mình đối xử với Vị Thiên Chúa ấy cách “bình dân” quá nhỉ ! Cũng không biết tự bao giờ, tôi có khuynh hướng không ngước lên trời cầu nguyện mà chỉ nhìn ngang mà tâm sự. Nhìn lên cao, Thiên Chúa ở xa quá, tôi khó giãi bày những uẩn khúc, khó bắt tay giao hữu thân thiện và …cũng khó nghe tiếng trả lời. Nhìn ngang, tôi cảm nghiệm một Thiên Chúa gần gũi và tôi có thể nói chuyện với Ngài bất cứ giờ nào, nơi nào trong ngày sống cũng như khi nghỉ ngơi. Những câu chuyện có khi là độc thoại giữa tôi và cõi vô hình, cũng có khi là sôi động với những con người mà tôi đụng chạm hằng ngày. Tôi nói chuyện với Chúa như nói với tôi, vui cười, suy nghĩ, và làm việc. Tôi đã từng cảm thấy cái “cau mày” của Chúa khi vấp phạm một con người nào đó, và cũng cảm nghiệm nụ cười tươi tắn khi tôi thông cảm và phục vụ trong hân hoan. Và đích thật là Vị Thiên Chúa, “Thiên Chúa của tôi” theo kiểu nói của Tôma, không chỉ là Thiên Chúa nơi thiên đường nào đó, mà là Thiên Chúa đang ở bên cạnh tôi, sống với tôi, suy nghĩ với tôi, cười nói với tôi trong cái hiện tại của người trẻ.
Nghĩ lại, mình cũng đã trải qua một ‘tuổi thơ dữ dội’ thật đấy. Đến nay cuộc đời đã ngốn gần sáu bó rồi mà tính tình vẫn tửng tửng cười toe toét tối ngày. Chắc cũng bởi cái ‘phá phách trời phú’ ấy mà mình còn vui sống cho tới ngày hôm nay. Thử hỏi những bạn trẻ của thời đại a-còng này, nhất là các sinh viên trí thức nữa, có dám đạp chiếc xế điếc “cởi truồng” (không dè, không thắng…) đến trường với 45km một ngày trong suốt 5 năm trời không? Sách vở thì làm gì có in ‘ốp sết’ hay nạp sẵn trong ‘còm biu tờ’ để đi học là cứ mở lap-top ra mà tra ! Trong tủ sách của tôi giờ vẫn còn những tài liệu cả ngàn trang đánh máy trên loại giấy mỏng như bánh cuốn, vàng như bánh mì, hôi như nước mắm, mờ như sữa tươi (những từ này hồi đó thường ví von cho bớt cơn đói đấy thôi, vì tiêu chuẩn của một ngày đi học chỉ có năm, bảy trái chuối bơm, loại rẻ nhất hồi đó, hoặc những bữa cơm ‘đại dương đặc sản’ là phần thưởng cho những kỳ thi suất sắc).
Rồi những ngày tháng thơ mộng kinh hoàng ấy cũng qua, để khi khoác lên mình những bằng cấp oai phong lúc quần còn rách đít vá chằng chịt, tưởng đã ngon cơm, ai dè cứ họa vô đơn chí! Vốn là con nhà có đạo nên xếp vào hạng “đang có chửa” (chưa có đảng) nên đâu dễ gì mà tiến thân cho lý tưởng cao thượng mình ấp ủ bao tháng ngày. Bão tố thì không có nhưng giá lạnh đêm trường thì cứ theo mòn mọi bước chân. Khi hăng say dấn thân đi vào các vùng hẻo lánh xa xôi để ‘mở mang nước Chúa’ thì cũng chỉ được vài tháng là bị chính quyền trục xuất khẩn cấp, vì tội…hấp dẫn giới trẻ vào nhà thờ học giáo lý và đàn hát múa nhảy!
Tuổi trẻ đi qua mà nhiệt huyết còn đầy. Có lẽ một lần theo bước Giêsu để học bài ‘hãy đến với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường’, nên cho đến nay khi hoàng hôn cuộc đời đã ngả bóng thiên cung, mình cũng vẫn thấy đời tươi trẻ, trẻ đến nỗi khi vào internet quậy chơi, mấy anh chị đôi mươi cứ thích gọi là…anh, là bạn!
GIÊSU THẦN TƯỢNG
Tuổi trẻ mang những nét đặc hiệu : Năng động, nồng nhiệt, dấn thân, mơ mộng và khát vọng.
Chuyện cách đây hơn 2000 năm. Có chàng thanh niên Giêsu đó chắc cũng “bảnh trai” lắm vì thường đẹp trai hay kèm theo học giỏi. Con nhà giàu thì có lẽ không, vì bố làm thợ mộc thì chắc…đủ ăn thôi. Mẹ cũng không buôn bán gì mà chỉ kéo tơ đan áo thì may ra …đủ tiền chợ. Nhưng học giỏi thì ở trường nào không biết, chỉ biết rằng có lần cậu đã “đấu khẩu” với mấy ông thông luật ở nhà thờ. Mấy ông này học có trường lớp, có thầy dạy là các Rabbi đàng hoàng đấy nhé, và họ cũng có thế giá trong xã hội nữa cơ. Sách ghi lại là mấy ổng kinh ngạc về sự hiểu biết của cậu.
Trong thận phận là một con người “gin” thì chắc hẳn cậu cũng phải thu thập kiến thức khá nhiều qua cha mẹ, qua xã hội. Chẳng thế mà sau này khi hành đạo, Giêsu hay dùng hình ảnh đàn chiên, đồng lúa, cỏ lùng, lưới cá…hoặc những chuyện có vẻ kiếm hiệp như vua này đem ngàn quân chiến đấu với mười ngàn. Hình như có cả chuyện của ‘xã hội đen’ khi người kia bị thanh toán trên đường Giêricô. Còn trong quan hệ tương giao, khi hàng xóm có đám cưới, đám tang, Giêsu cũng thường tham dự với tư cách khách mời. Có đám cưới kia được Giêsu hào phóng mừng một phong bì của sự nhạy cảm là những lu rượu hảo hạng. Có lẽ đây cũng là cơ hội để Giêsu học hỏi về nghi thức cưới hỏi nên có lúc nói chuyện với đám đông, cậu nói là khi đi đám cưới phải mặc áo cưới, loại áo người ta đã để sẵn cho mọi khách tới dự lấy khoác lên người cho …có đồng phục. Ai không mặc áo này thì chắc là dân “ai kêu tui đó”, sẽ bị đuổi ra khỏi phòng tiệc.
Trong tình thân hữu, Giêsu cũng “kết mo-đen” với nhiều bạn trẻ. Tiếc là kinh thư ghi lại ít quá, có mấy bạn thân thiết như Lagiarô, Maria, Matta (mấy cái tên đại loại như cu Tèo, cu Bi của dân Việt mình ấy mà). Sau này có thêm một số tên nữa đã đưa vào danh sách các tông đồ…Thế nào chẳng có những buổi tề tụ chuyện trò rồi nhâm nhi ti tí như trên bờ hồ với mấy con cá nướng. Có điều Giêsu cũng dễ khóc lắm. Kinh thư ghi lại tới ba lần chàng đã khóc : trước mộ người bạn Lagiarô, trước sự đe doạ vong quốc của Giêrusalem, và hình như trong vườn Giệt, lúc sắp tự nguyện để đi hành hình.
Khóc ít chắc hay cười. Lúc xun xuê với mấy cô cậu nhóc tì đó, dễ gì mà không có những tiếng cười khoan khoái. Mấy ông đồ đệ định cản không cho mấy nhí quấy rầy Thầy, liền bị nghiêm nét mặt ngay : hãy để trẻ nhỏ đến…cho vui. Nước Trời thuộc về những ai có tinh thần như trẻ nhỏ!
Sau 2000 năm và cho đến mãi về sau, Giêsu -Vị Thiên Chúa Nhập Thể vẫn thế. Từ biến cố tử nạn, phục sinh và nhất là hậu phục sinh, Thần tính Ngôi Lời đã bộc lộ rõ nét hơn và không còn lệ thuộc vào yếu tố thời gian – không gian như con người bình thường nữa. Ngài có thể hiện diện nơi này và có mặt nơi kia cùng lúc. Cũng giống như tư tưởng của con người không chịu sự ràng buộc của nơi chốn hay thời đại. Đấy nhé, những giáo huấn của Ngài đã xuất phát trong thời gian định hình, nhưng cho tới nay, trải qua bao thiên niên kỷ, giãi dầu bao biến cố xã hội, thấm nhiễm bao văn hóa đời người…mà nay vẫn mới, vẫn sống động và nhân loại vẫn còn khám phá những tinh tuý cao siêu ấy ngay trong cuộc sống hôm nay, trong thời đại này và trong từng con người, từng hoàn cảnh. Cũng Thiên Chúa ấy của tạo thiên lập địa, cũng Thiên Chúa ấy trên đỉnh Canvê, hôm nay và lúc này (nic et nunc) đang sống và hoạt động nhiệt tình trong mỗi con người thời đại để “trẻ hoá” công cuộc cứu độ của Ngài. Người tín hữu nói riêng và toàn thể nhân loại không ngừng cảm nghiệm được lời mời gọi nên thánh qua nếp sống thường ngày nơi công sở, với chức nghiệp, trong gia đình và chính bản thân. Thiên Chúa không thể bị nhốt trong thánh đường nhưng phải được rao báo ở mọi nẻo đường. Những thuộc tính của Thiên Chúa : nhân từ, công bằng, yêu thương, tha thứ, phục vụ phải là hành động của những con người có Chúa (Kitô hữu) và cả những con người mới biết Chúa mà còn ở xa xa. Chẳng có ai trong cõi nhân sinh này ở ngoài sự yêu thương của Thượng Đế và cũng chẳng có ai là “dân ngoại” của Ngài cả.
Cùng các bạn trẻ, những con người của niềm tin và hy vọng, chúng ta đang hưởng sự sung mãn của một thế giới văn minh, nhưng chúng ta cũng đang đi vào một cơn khủng hoảng tôn giáo mạnh mẽ của một xã hội thực dụng và nhiều cạm bẫy . Hơn lúc nào hết, ngay hôm nay chúng ta phải để cho ý thức hệ làm việc và năng tìm đến với một Giêsu trẻ trung đang ở bên cạnh. Nhìn nhận Giêsu là Đường để dẫn chúng ta không lạc bước. Khám phá Giêsu là Chân lý để những lạc thuyết không làm lung lạc đức tin. Sống bằng Sự Sống của Giêsu để mọi nỗ lực học tập, lao động, yêu thương của mình được chan tưới trong ân sủng.
Rất tiếc là tôi không biết chủ đề của Đại hội giới trẻ lần này là gì và tổ chức ra sao, nhưng thôi đó là việc của ban tổ chức. Tôi là con người vô danh tiểu tốt, chỉ đứng nơi một góc nào đó để kể chuyện đời thường. Cái tôi biết còn quá ít nên không dám bắc bậc làm cao, chỉ mượn mấy giòng chữ này tâm sự với các bạn trẻ.
Bạn à, bạn được học hành nhiều hơn tôi, kiến thức thông sáng hơn tôi, nhiệt huyết nồng nàn hơn tôi, văn minh tiến bộ hơn tôi…Thật mừng cho bạn là vì bạn đang được sống trong một xã hội nhiều đổi mới, nhiều phương tiện hữu hiệu và vật chất tương đối phong phú. Nhưng bạn còn thiếu nhiều thứ mà nếu không khôn ngoan, bạn sẽ là mồi ngon cho những cạm bẫy từ chính những gì bạn đang tận hưởng. Bạn có đủ bản lãnh để thắng được những thói xấu trong xã hội đang ngập lấp quanh bạn không? Bạn có đủ kiến thức để hiểu rằng nét văn hóa cao đẹp Á Đông đang bị bóp méo, lai căng và xuống cấp thậm tệ không? Nào là văn hóa ứng xử, văn hóa chữ viết, văn hóa gia đình…là những thứ rèn nên nhân cách của bạn, nhưng bạn có coi trọng không?
Không thể thành người Kitô tốt nếu chưa là con người tốt. Sự công chính của Tin Mừng không chỉ dừng lại ở chỗ bạn đi nhà thờ, đọc kinh dâng lễ là đủ để nên thánh, mà còn sâu xa hơn, linh thiêng hơn là chính đời sống của bạn. Sự thánh thiện không hệ tại ở việc giữ luật cho đủ mà còn là sứ vụ thánh hóa cuộc sống thường ngày. Thánh hóa từ trong tư tưởng, lời nói, việc làm…Bạn học lớp giáo lý này khác, bạn đọc Lời Chúa cách trôi chảy, nhưng bạn không sống theo những gì bạn học thì chỉ là cái thùng rỗng, ồm oang một hồi rồi lại chìm vào thinh không.
Tôi và bạn, người đã trẻ và người còn trẻ, hãy làm cho đức tin của chúng ta được thể hiện sống động ngay trong hiện tại của cuộc sống. Chúng ta cứ vui chơi, cứ học tập, cứ cố gắng, cứ yêu thương, nhưng làm sao cũng dành phần cho BẠN TRẺ Giêsu, Thần Tượng (viết hoa) của chúng ta cùng chia sẻ mọi vui buồn…
Có Chúa ở cùng, cuộc sống chúng ta trẻ mãi vì đã có thiên đàng ngay tại trần thế.
Jtrinhan.